Vũ Thất

Bảo Bình 1

Category Archives: Hồi Ký

Tháng Tư Khúc Đoạn Trường

Hằng năm cứ vào tháng tư, mỗi khi những kẻ thắng trận tổ chức lễ hội chào mừng rộn rã thì tôi lại nhớ ngày ra khỏi tù, một mình với bộ đồ vá nhiều mảnh, ngồi trước mộ con nơi góc ruộng rất xa ở làng Đại Chí, xã Bình An, Bình Khê, Bình Định.

Trong tấm hình là cô nữ sinh đang ngồi trong lớp. Cô nữ sinh đó là vợ tôi, chụp vào năm 1974 khi còn đi học. Hình kế bên chụp ba năm sau đó (1977) là vợ tôi đang ôm con đợi tôi về. Đứa bé tên Lục Bình. Mới có ba năm mà vợ tôi từ một cô nữ sinh xinh đẹp đã trở thành một cô thôn nữ nhìn già hẳn đi vì mỗi ngày phải ra ruộng và chiều về ôm con để đợi.

Tháng 5 năm 1975, chung số phận của những người lính đã để đất nước lọt vào tay kẻ địch, tôi bị bắt vào trại lao động khổ sai của bên thắng trận, thì Lục Bình lúc đó mới chỉ là bào thai năm tháng còn đang nằm trong bụng mẹ.

Tháng 9 năm 1975, Lục Bình được sinh ra đời trong lúc tôi mặc áo tù nhân phá rừng làm đường ở trại Đồng Găng thuộc tỉnh Khánh Hoà.

Tháng 4 năm 1976, vợ tôi ẳm con chưa đầy 7 tháng tuổi lặn lội đường xa đi thăm tôi ở Đồng Găng. Đó là lần đầu hai cha con tôi được nhìn thấy nhau. Gọi là nhìn thấy nhau vì đám cán bộ cai tù không cho phép tôi được ôm con mình. Bọn họ nói đó là tội uỷ mị, tàn dư của “nguỵ quyền” Sài Gòn để lại.

Tháng 6 năm 1976, tôi được chuyển từ Đồng Găng ra trại A.30 Tuy Hòa. Mỗi một chiếc GMC là 50 tù binh ngồi chồm hổm chen chúc nhau. Phía trên là hai khẩu AK47 của công an áp giải, chĩa thẳng với tư thế sẳn sàng nhả đạn. Khi đi ngang thị trấn Ninh Hòa là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nhìn qua thành xe tôi thấy lại những con đường mà mới ngày nào tôi còn cắp sách đi trên đó đến trường. Nhưng con đường gần gũi đến thế mà giờ đây chừng như xa vời vợi.

Tháng 12 năm 1977, vợ tôi ẳm Luc Bình thăm tôi lần nữa tại trại A30. Đó là lần duy nhất trong cuộc đời tôi được ôm con trong vòng tay. Nhìn vợ tôi xơ xác, nhìn Lục Bình ốm tong teo vì thiếu dinh dưỡng, lòng tôi đau như cắt, mặc dù hình hài tôi cũng chẳng ra gì sau hai năm bị cưỡng bức lao động khổ sai, bất kể nắng mưa cùng những cơn đói.

Trong trại tù, mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi thường thầm thì là ráng đợi ba về, nhưng con tôi đã không. Đó là ngày mồng 10 tết 1979. Hai năm sau, năm 1981 tôi mới được thả và ra ngồi trước mộ con mình. Cảnh chiều làng quê Đại Chí âm u với vài chiếc lá rụng. Tôi ngồi một mình với chiếc áo tù nhân và tôi khóc.

RA NGỒI TRƯỚC MỘ

Đại Chí chiều nay ba trở lại

Cắm nén nhang này trước mộ con

Cảnh cũ giờ đây sau mòn mỏi

lòng ba đau tựa nhát gươm cùn

chiều lên mờ khói nhạt

hoàng hôn ngậm cỏ sầu

não nùng con dế khóc

chim lạc cánh về đâu

Lá lìa cành run rẩy

Đảo giữa trời co ro

Nghe dường như con gọi

tiếng não nề ba ơi

Ba nhớ làm sao bóng dáng con

Thiếu tình ba thuở lọt lòng son

Hạnh phúc đâu theo người chiến bại

Con chết ba đang bị gông cùm

Ba nhớ làm sao đôi mắt con

Sáng như sao sáng giữa trời đêm

Sáng rọi đường ba hằng mơ ước

Một nhát gươm vung chặt xích xiềng

Ba chẳng hẹn về con vẫn đợi

Bao năm rồi suốt quãng đời thơ

Đâu biết đi là không trở lại

Là xa cách mãi đến nghìn thu

Mẹ nói con thường ra trước sân

Nẻo vắng đường xa dõi mắt trông

Lắng tiếng xe ai ngừng trước ngõ

Có phải ba về với con không

Ngục tối từng đêm ba nguyện cầu

Quì xin thượng đế rất nhiệm mầu

Xiềng xích phá tan ba trở lại

cho đời con trẻ bớt sầu đau

Trở lại thôn xưa chiều nhạt nắng

Đói khổ lan tràn khắp lối đi

Cổng trước cài then nhà sau vắng

Mộ đã xanh màu cỏ biệt ly

Cỏ đã xanh um màu thương nhớ

Bóng hình con trẻ biết tìm đâu

Ba với tình con nay đã lỡ

Đành hẹn tao phùng ở kiếp sau

Con hỡi từ đây đành vĩnh biệt

Thơ làm rướm máu nhói lòng đau

Quan Dương (baotiengdan.com)

Mời đọc Văn Thơ của Quan Dương:

https://www.ninh-hoa.com/QuanDuongIndex.htm

Ông Phật Dược Sư Của Tôi

Ông Phật Dược Sư Của Tôi

Chúng tôi di chuyển bộ từ Trại 3 thuộc Liên Trại 1 ở phía Bắc sông Hồng về Trại 8 phía Nam sông Hồng vào tháng 5/1977. Trại 8 thuộc vùng đồi núi Hoàng Liên Sơn nằm gần khu hồ chứa nước cho công trình thủy điện Thác Bà. Ngay từ lúc đặt chân tới trại mới, công việc của chúng tôi là tu bổ sửa sang lại khu trại đã cũ đã xuống cấp này và chuẩn bị cho vụ trồng cây lương thực sắp tới. Vì thời tiết của khu trại cộng thêm cường độ lao động (chủ yếu là phát quang trồng rẫy và đốn cây, tre, nứa) khá căng thẳng nên sức lực của tù nhân ngày càng kém.

Cho đến tháng 7 thì dịch kiết lỵ, tiêu chẩy ập tới trên diện rộng cho cả liên trại. (Thực tình tôi cũng không còn nhớ chính xác là Liên Trại 4 này có bao nhiêu trại nhưng qua các kỳ đi lãnh lương thực phẩm, gặp gỡ các bạn tù từ các trại khác thì ít nhất tôi cũng nghĩ là Liên Trại này gồm 8 trại và một trại y tế là Trại 9.)

Tôi bị mắc bịnh lỵ vào khoảng tháng 9 năm 1977. Những anh em bị sớm hơn thì khoảng tháng 8. Lúc đầu những cơn đau bụng ngầm và tiêu ra đờm rồi máu ngày 5 hoặc 6 lần. Trại có phát thuốc đề kháng lúc đầu cho bịnh nhân là Xuyên Tâm Liên, một loại thuốc, theo lời quảng cáo của cán bộ y tế trại đây là một loại kháng sinh “ngang tầm” với Peniciline ngoại! Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 3 viên. Tôi uống ròng rã gần hai tuần vẫn không dứt và sức khỏe ngày càng kém hơn. Trại Trưởng là một thượng úy nghĩ ra một phương thuốc dân tộc: Nước lá ổi. Trong một buổi nói chuyện với chúng tôi, ông ta bảo lá ổi có khả năng chữa lành mọi thứ bịnh đường ruột mà ông bà tổ tiên đã sử dụng. Ông ta hỏi cả hội trường, “Ngày xưa làm gì có thuốc trụ sinh. Kiết lỵ, hay té re thì chỉ cần ăn trứng gà xào với lá mơ hoặc lá ổi nấu đặc là hết tất. Đúng không nào?” Rồi nói tiếp, “Nhưng điều kiện trại không có trứng gà, vì trứng gà là một loại thực phẩm cao cấp thành ra chúng ta sẽ khắc phục bằng nước lá ổi là đủ!”

Từ sau hôm đó, đám bịnh nhân chúng tôi ngưng uống Xuyên Tâm Liên vì – theo y sĩ của trại – là đã bị nhờn thuốc, để chuyển qua uống nước lá ổi. Ban y tế trại được phân công hàng ngày phải đi hái lá ổi và nấu sôi trong một nồi lớn để ngay tại phòng khám bịnh. Các con bịnh luân phiên lấy về uống theo liều lượng mỗi người một bi đông hoặc chai loại 1 lít mỗi ngày thay cho nuớc lã.

Số bịnh nhân bịnh lỵ trong trại khoảng 20 trên tổng số hơn 150 người. Những anh em có tuổi và những người mắc các loại bịnh khác như đau bao tử, viêm gan hoặc tim mạch dần dần kiệt sức và không còn khả năng đi lại được nữa lần lượt được chuyển qua Trại 9 là trại y tế của liên trại để điều trị. Đến tháng 11 trời bắt đầu trở lạnh, chúng tôi được tin những anh em này chết gần hết (1).

Lúc đầu thì lác đác từ các trại khác mỗi lần gặp nhau trên đường làm nương rẫy hoặc lấy gỗ có tin các bạn bè, người quen đã bỏ mạng. Đến khi trời vào Đông thì số chết tăng nhanh hơn. Riêng Trại 8 nơi tôi ở đã có tới 9 người chết vì căn bịnh này. Riêng tôi và anh bạn khác đội sản xuất có tên là Nguyễn Văn T (nguyên là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Truyền Tin của một đơn vị tại Vùng 4) còn lê lết đi lại được nên chưa được đưa qua Trại 9. Tôi và T và 3 người khác (hai người bị bịnh bao tử nặng là anh Đỗ Long V (một trung tá sĩ quan quản trị tiếp liệu thuộc Quân Đoàn 4) và Bùi Văn N (Trung Tá Quận Trưởng một quận thuộc Quân Đoàn III), anh Nguyễn Đăng K (Trung Tá Lực Lượng đặc Biệt bị lở loét cùng mình – mà có người nói là loại bịnh giời bò! (1). Năm người chúng tôi được y tế trại cho nghỉ lao động nằm điều trị tại trại.
Trời vào Đông, thời tiết lạnh cóng ngày càng lạnh thêm, phần gạo tiêu chuẩn ngày càng bớt dần từ 12 cân xuống còn 8 cân rưỡi và bù vào đó là số sắn lát hoặc bắp khô 5 cân một tháng. Sức khỏe của tù cải tạo cả trại ngày càng kém. Tin tức từ trại 9 đưa về cho biết hầu như những tù nhân nào được chuyển đến trại y tế này được coi là một chuyến đi không có ngày trở lại! Thậm chí mỗi khi có bịnh nhân chuyển qua Trại 9 anh em ở lại tự hiểu những người bạn đó sẽ vĩnh viễn nằm tại vùng đất này. (2)

Anh V trước Tết chừng nửa tháng, trong một đêm đau bụng dữ dội, viên y sĩ được cấp báo đi vào trong chẩn bịnh rồi phán một câu chắc nịch, “Không sao hết, chắc bao tử bị loét lại ăn sắn lát nên nó xót nó hành thôi, để tôi chích cho một mũi giảm đau là êm!” Và quả thật sau khi anh ta chích mũi thuốc thì V không còn kêu réo gì nữa, anh ấy ra đi sau mũi thuốc khoảng nửa tiếng!

Anh T cầm cự được tới ngày 23 Tết năm ấy lúc cả trại đưa ông Táo về trời. Sau bữa ăn tiễn ông Táo, anh không còn đủ sức bước lên cầu tiêu được nữa. Anh xả ngay tại chỗ nằm, chân tay lạnh cóng. Cho đến sáng hôm sau thì trại quyết định chuyển anh qua Trại 9. Khi chia tay, anh nhìn những người còn lại mang vẻ chia sẻ chua xót và cảm thông. N bảo, “Thôi anh chịu khó qua đó một thời gian, rồi trở về trại ăn Tết cùng tụi này.” Anh T nói thì thào, “Chúc các bạn ở lại mau mạnh khỏe và sớm trở về sum họp với gia đình, còn tớ thì chắc sẽ không về nữa đâu.” Và anh đã không về thiệt. Anh chết trên đường di chuyển trước khi vào tới cổng Trại 9. Dù vậy anh cũng vẫn được khiêng vào nhập trại để làm thủ tục chôn cất tại ngọn đồi nơi trại.

Không hiểu sao Tết năm ấy (1978), trại lại phát cho mỗi người 3 cây nhang không phân biệt có tôn giáo gì. Trại trưởng phát biểu trong ngày tất niên, “Dù đạo gì các anh chắc cũng cần đến nhang để khấn tổ tiên ông bà, thành ra chúng tôi thông cảm với những ‘thành khẩn’ ấy, Trại đã ‘thực hiện’ chính sách tôn trọng tín ngưỡng của Đảng và nhà nước, thực hiện cho các anh mỗi người 3 nén hương để các anh ‘hành lễ’!” Trại cũng mua về một con trâu già gẫy sừng để làm thịt cho cả trại ăn Tết. Mỗi người còn được phát một nửa chiếc bánh chưng bằng bàn tay và hai chiếc kẹo gói giấy kiếng. Cả trại được nghỉ lao động từ chiều 30 đến hết mồng 2 Tết mới “ra quân” trở lại. Không khí Tết có vẻ bớt u ám đi nhiều. Nhất là chiều 30 sau khi tù nhân lãnh mỗi người một miếng thịt trâu bằng 3 đầu ngón tay cùng 3 muỗng nước thịt trâu kho và một chén cơm gạo trắng không độn! Từ đầu lán xuống cuối lán tụm năm túm ba anh em ngồi hàn huyên, hoặc xì xụp cúng kiếng!
Tôi hiểu rõ căn bịnh của mình nên không dám đụng tới thịt và mỡ trong bánh chưng nên nhường phần bánh và thịt của mình cho các bạn. Tôi đem phần cơm trắng bỏ vào chiếc lon gô mang xuống bếp nấu thành cháo loãng để ăn với muối như thường ngày.

Buổi chiều 30, tôi cố gắng chống gậy đi lên khu tắm tập thể để tắm tất niên như một thói quen từ ngày còn nhỏ. Trước khi đi tù cải tạo, tôi nặng 75kg cao 1m 69. Cách đây 3 tháng trước khi cơn bịnh phát nặng, lần đi lãnh gạo cuối cùng tại xã Cẩm Nhân huyện Yên Bình, một kho lương thực của xã hay huyện gì đó tôi còn cân được 45kg. Nhưng bây giờ thì chắc còn nhẹ hơn thế nhiều nên tôi muốn di chuyển phải chống bằng gậy và lê chân từng bước một. Mỗi ngày tôi vẫn phải lê lết như thế đều đặn từ 5 đến 6 lần để lên khu vệ sinh công cộng nằm cách xa lán ngủ chừng 30 thước! Nhiều khi quá mệt mỏi tôi ngồi lại trên một tảng đá nằm giữa khu lán ngủ và khu vệ sinh để chờ chuyến đi vệ sinh kế tiếp nhằm tiết kiệm năng lượng. Tắm xong tôi ra tảng đá quen thuộc ngồi một mình.

Mới đó mà cũng gần hai năm tôi đặt chân ra vùng đất này. Vợ con tôi vẫn biệt vô âm tín chẳng biết sống chết ra sao. Thỉnh thoảng nghe tin đọc trên báo Nhân Dân qua loa phóng thanh của trại, tôi được biết Sài Gòn hiện nay bà con đang “hồ hởi phấn khởi tích cực tình nguyện” đi vùng kinh tế mới mà lòng nghi ngại không biết trong những gia đình “hồ hởi” đó có gia đình mình trong đó hay không? (Nhà tôi vốn là một cô giáo, cháu trai lớn nhất của chúng tôi sinh năm 1966 và cháu út sinh năm 1972.) Nếu có thì sẽ sinh sống ra sao, còn không đi thì ra sao đây?

Thực ra trong những ngày đầu tiên sau khi đi trình diện cải tạo và nhất là thời gian di chuyển ra miền Bắc, tôi đã xác định cho mình không một hy vọng trở về sum họp với gia đình. Sống với tôi là hãy sống, vậy thôi, chẳng chờ đợi hay mong mỏi một phép lạ nào hết. Sống như một bản năng ham sống của con người.

Trong suốt 15 năm quân ngũ tôi đã đối diện với không biết bao nhiêu lần cái chết. Cho ngay cả khi tôi tưởng tôi đã chết thiệt vào năm 1967 sau một cuộc hành quân trực thăng vận vùng Bắc Cai Lậy, khu Kinh Sáng. Đơn vị tôi đụng đầu với Trung Đoàn Đồng Tháp. Trận đánh cuối cùng cuả Tướng Nguyễn Bảo Trị trước khi bàn giao lại sư đoàn. Tôi bị thương vào ngực trái sát với tim. Chỉ cần nhích đi chừng một phân thôi trái tim tôi sẽ vỡ tung. Tôi đã lên cơn sốt suốt một đêm vì máu đọng lại trong lồng ngực và máy bay tải thương không đáp xuống được do đạn phòng không. Cho đến tờ mờ sáng hôm sau tôi mới được đưa thẳng về bịnh viện Cộng Hòa. Tại đấy tôi nằm thiếp đi hai ngày đêm sau ca mổ mới tỉnh lại. Trong thời gian nằm thiếp đi như thế, đã có lúc tôi thấy mình bay lên rất cao trên bầu trời như một cánh diều! Tôi đã được điều trị gần hai tháng tại bịnh viện trước khi trở lại đơn vị cũ.

Rồi năm 1972 trong trận đánh Kontum tôi lại bị thương một lần nữa, lần này là một trái hỏa tiễn 122 ly từ phía Bắc sông Po-Krong bắn vào BCH Trung Đoàn (trú đóng tại thành DakPha của Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 24 cũ). Tôi và hai chú lính đi cùng bị thương. Sống chết chực chờ, đời lính là như thế, trong cái hoang mang đau đớn của một cuộc nội chiến kéo dài lê thê này. Người thắng và kẻ thua nhìn ra vẫn là chung một giống nòi. Bây giờ hòa bình rồi, tôi đã làm tròn bổn phận của một công dân. Cuộc chém giết giữa anh em đồng bào đã kết thúc không đáng giá hơn cái vinh nhục khổ đau của một cá nhân hay sao?

Từ trên tảng đá tôi nhìn ra phía hồ. Trời về chiều, trong rừng bóng tối lên khá sớm. Một vài bản xa đã thấy le lói ánh đèn. Tôi ngồi suy nghĩ mông lung và bỗng bựt ra một ý tưởng lạ lùng. Đêm nay, trong giờ giao thừa tôi sẽ ra vùng đầu hồi khấn cùng trời đất thiên địa hãy mở ra cho tôi một con đường. Cuộc sống giờ đây đối với tôi là quá đủ. Tôi không còn gì tha thiết hay mong cầu. Tôi muốn một nơi chốn bình yên, như mặt hồ phẳng lặng kia, như những làn khói tỏa nhẹ kia từ phía bản làng.

Lúc giao thừa, ngay khi tiếng loa phóng thanh từ phía bộ chỉ huy trại phát đi lời chúc Tết năm mới của “Chủ Tịch Tôn Đức Thắng”, tôi ngồi dậy. Chung quanh tôi im lặng nhưng tôi tuyệt không nghe thấy một tiếng ngáy nào như thường lệ. Có lẽ các bạn tôi cũng đang nghĩ về gia đình, người thân hoặc một điều gì đó rất riêng tư.

Tôi lấy ba cây nhang thắp lên và đi ra ngoài đầu lán. Trời tối mịt mùng, từ đây nhìn xuống con đường đất nhỏ chạy ven dưới chân đồi chỉ còn là một vệt sương trắng. Bên kia đồi là Ban Chỉ Huy của trại. Chiếc bóng điện treo le lói ngay cổng vào. Giữa sân là cây cột có treo chiếc loa phóng thanh. Từ chiếc loa đó phát đi lời chúc đầu năm của “vị chủ tịch nước”. Tiếng gió lao xao chao động thành ra âm thanh tiếng nghe được tiếng mất tôi cũng chẳng hiểu “cụ Tôn” đang nói những gì.

Tôi tập trung tinh thần và hướng về phía hồ mà khấn rằng: “Tên tôi là… sinh ngày… tháng… năm… quê quán tại…, vợ con đang cư ngụ tại… Nhân đêm nay là đêm giao thừa, giờ phút linh thiêng của trời đất, tôi xin nguyên một điều: Trong suốt cuộc đời tôi, tôi không làm điều gì sai trái với lương tâm của mình. Nếu có ai đó vì tôi mà chịu tai họa, hãy tha thứ cho tôi. Riêng tôi, tôi không hận thù ai hết. Tôi sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai đã gây cho tôi những khổ đau tang tóc.
Nếu nghiệp số tôi còn nặng nợ, phải tiếp tục đáp đền thì xin thiêng liêng hãy cho tôi chấm dứt căn bịnh quái ác này. Còn nếu nghiệp căn của tôi đã trả đủ thì xin hãy cho tôi đuợc ra đi thanh thản ngay chính đêm nay sau lời khấn nguyện này.” Nguyện khấn xong tôi bình thản cắm ba cây nhang lên chỗ tôi đã đứng và lặng lẽ trở lại giường nằm.

Đêm ấy tôi đã ngủ vùi cho đến lúc mặt trời chiếu qua vách lá xuyên vào chóa mắt khiến tôi không thể ngủ thêm được nữa. Như trong dự định, tôi rửa mặt và đi xuống lán dưới để tìm gặp chúc tết bạn bè. Người tôi gặp đầu tiên là anh Đặng Nguyên P. Anh là Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh sư đoàn tôi. Anh đang ngồi uống trà một mình. Những lá trà tươi lấy từ bụi trà trồng gần trại thêm một chút gừng, theo anh nói sẽ làm con người cảm thấy khỏe khoắn thanh thản hơn. Anh mời tôi ngồi xuống chiếu rồi hỏi thăm tôi về tình trạng căn bệnh của tôi diễn biến ra sao.

Tôi lặng lẽ, “Chẳng có tiến triển gì hết. Có lẽ căn bệnh đã trở thành chronic rồi nên con amib nó cũng rút vào một nơi nào đó để gặm nhắm từ từ chăng?” Buột nhiên anh hỏi tôi, “Chú có biết chú Dược sư không nhỉ? Chú này linh lắm đấy, chú thành tâm cầu khấn xem sao?” Tôi nói tôi không biết. Anh sốt sắng xé một mảnh giấy nhỏ, đưa cây viết chì và đọc cho tôi nghe câu chú. Tôi ghi vào miếng giấy rồi tiếp tục ngồi chơi với anh một lúc sau thì chột bụng lại chống gậy leo lên dốc.

Buổi chiều mồng một, từ tảng đá lưng chừng đồi, tôi ngồi một mình nhìn ra phía mặt hồ. Dưới đó vài chục thước, các bạn bè tôi ngồi thành từng nhóm nhỏ dưới những tán cây rừng, nói chuyện, uống trà, chơi cờ tướng… Không khí thật bình yên. Tôi lấy mảnh giấy viết câu chú hồi sáng nay ra nhẩm đọc. Năm mươi hai chữ trong câu chú tôi đoán chừng là đã được phiên âm từ chữ Phạn ra tiếng Hán rồi đọc trở lại qua âm Hán Việt. Không có liên kết gì về ngữ nghĩa, lại không có vần điệu kiểu như một loại thơ phú gì đó khiến cho việc học thuộc càng khó hơn. Thêm vào đó, tình trạng sức khoẻ của tôi lúc đó rất kém, trí nhớ mụ mị, việc học lại thêm khó hơn nữa. Dù sao, khi kẻng báo lãnh phần ăn chiều vang lên từ khu nhà bếp trại thì tôi cũng đã thuộc lòng bài chú.

Nhớ lại lời anh P. hồi sáng nói với tôi trước khi ngủ, nên ngồi tĩnh tâm chừng 30 phút, niệm chú 9 lần. Đêm hôm đó tôi thực hành đúng theo lời anh khuyên.

Buổi sáng mồng hai tôi thức dậy như thường lệ. Lại một ngày như mọi ngày, mọi người lo vệ sinh cá nhân xong thì chờ chia phần ăn sáng và trưa nhập làm một. Khẩu phần của tổ bệnh nhân chúng tôi ưu tiên được ăn cháo nấu bằng gạo. Còn các anh em khác thì hoặc mỗi người hơn một chén bo bo hầm. Tình trạng này kéo dài tới khoảng giữa năm 1977 khi trại thu hoạch vụ bắp đầu tiên do tù cải tạo trồng trên nương thì thực phẩm chính là hai hoặc ba cái bắp (tùy theo lớn nhỏ) hoặc ba khúc khoai mì tùy theo vụ thu hoạch là khoai mì hay bắp. Mỗi năm chúng tôi được ăn 9 ngày cơm trắng vào các ngày lễ lớn gồm Lễ Lao Động 1 tháng 5, Lễ Độc Lập 2 tháng 9, ngày 22 tháng 12 Kỷ Niệm Thành Lập QĐNDVN và Tết Nguyên Đán.

Trong lúc loay hoay gấp mùng mền tôi thấy dưới chiếu tôi lộ ra một tờ báo. Tôi hơi ngạc nhiên cầm lên đọc. Đó là một tờ báo Nhân Dân phát hành rất lâu tôi không còn nhớ ngày tháng. Thấy tôi trải rộng tờ báo ra đọc, Anh Bùi văn N nằm sát cạnh tôi cho biết đó là một trong hai tờ báo anh lượm được hôm anh được gọi sang làm tạp dịch trước Tết bên Ban Chỉ Huy trại đem về trải lót dưới chiếu che gió lùa từ dưới gầm giường lên chỗ anh và tôi nằm.

Tôi lướt mắt đảo qua trang nhất, ngoài vài tấm hình của các cấp lãnh đạo đi thăm nông công trường và những bài viết chính trị thường lệ không có gì để xem. Khi giở vào trang trong, tại trang 3 có một tin làm tôi chú ý. Bài báo nói về trường hợp một bệnh nhân bị bệnh đường ruột lâu năm, đã được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không khỏi. Sau đó Bệnh Viện 108 đã sử dụng phương pháp vật lý trị liệu bằng cách cho bệnh nhân này mỗi ngày luyện tập động tác thể dục “chào mặt trời” trong vòng 1 tháng liên tục đã mang tới kết quả khả quan và sau 3 tháng luyện tập thì bệnh nhân này lành bệnh hẳn!Mẩu tin này gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi đi hỏi một số anh em trong lán về động tác “chào mặt trời” là động tác ra làm sao. Không ai biết hoặc trả lời một cách thỏa đáng cả. Cho đến buổi chiều tôi xuống lán kế cận, hỏi một anh được nghe đồn là biết Yoga. Tên anh là P. Anh là một Trung Tá Hải Quân, có thời làm chỉ huy trưởng một hải đội đồn trú tại Qui Nhơn. Anh tỏ vẻ sẵn sàng biểu diễn và chỉ dẫn rất tận tình. Nhưng khi xem anh làm xong, tôi biết chắc là tôi không thể thực hiện được các hành động rất phức tạp này, lý do đơn giản là đi còn không vững thì ngồi lên đứng xuống quay trái quay phải kiểu như anh là bất khả!

Buổi tối hôm ấy, tôi ngồi tĩnh tâm và niệm chú như thường lệ. Trước khi đặt mình xuống ngủ, tôi ra đầu lán làm thử động tác vươn thở giản dị. Đứng hai chân ngang nhau, sau đó đưa chân trái ra trước chừng nửa bước, vươn vai, đầu hướng lên cao hít thật sâu, cúi xuống chấm tay xuống ngón chân, thở ra… đổi qua chân phải làm chưa kịp xong động tác thứ hai thì tôi loạng quạng muốn té bổ nhào về phía trước!

Trở vào chỗ ngủ, tôi quyết định là tôi sẽ tập theo động tác này, phụ họa thêm một ý nghĩ khi vươn lên thở như thế tôi sẽ quay mặt về hướng Đông – có vẻ như tôi bị ám ảnh về chữ chào mặt trời! Từ buổi sáng mồng 3 tôi bước vào cuộc tập do tôi phóng tác ấy. Lần đầu được hai lần, ngồi nghỉ mệt, rồi thêm 2 lần kế tiếp, rồi nghỉ, tôi làm 5 lần mất chừng 45 phút thì ngừng. Buổi tối trước khi lên giường, tôi cũng tập chừng nửa tiếng cùng động tác ấy.

Đến ngày mồng 10 Tết năm ấy thì căn bịnh của tôi giảm đi rất rõ. Số lần đi tiêu giảm đi một nửa, và đặc biệt hơn cả là trước khi đi tiêu, bụng tôi không còn bị đau như có cảm tưỏng bị một con gì cắn từ trong ruột nữa. Cơn đau chỉ ngầm ngầm một lúc rồi thôi. Ngày rằm tháng Giêng năm 78 thì căn bịnh kiết lỵ dai dẳng hành hạ tôi suốt gần 4 tháng trời chấm dứt. Sức khỏe tôi hồi phục nhanh hơn tôi tưởng và cuối tháng Giêng tôi đã có thể theo anh em đi lao động trở lại.
Từ đó ông Phật Dược Sư (từ đây trở xuống tôi sẽ gọi ông là ông Phật) đã ở lại với tôi và theo tôi trong suốt cuộc hành trình gian nan khổ sai ấy. Ông hưởng chung với tôi thêm 11 cái Tết trong tù, lang thang di chuyển thêm 4 lần chuyển trại nữa. (Trại 8 qua Trại Vĩnh Phú 1978, Nam Hà 1981, Z30 1982 cho đến khi tôi được trở lại với gia đình năm 1988.) Ông cũng đã theo tôi và lần này có đầy đủ thành viên gia đình để làm lại cuộc đời nơi xứ lạ quê người. Mới đấy mà cũng đã gần 30 năm kể từ ngày tôi được gặp Ông.

Từ hai bàn tay trắng, cùng một gia đình bị đối xử phân biệt khắc nghiệt ngay trên quê hương mình tôi không còn chọn lựa nào khác là phải khăn gói ra đi. Nơi tôi đến là một xứ sở hoàn toàn xa lạ về nòi giống, ngôn ngữ, phong tục. Ông Phật của tôi thật sự lại một lần nữa là chỗ dựa và trao tôi niềm tin để tôi sống còn.

Con cái tôi đã học xong đại học, ra trường và có việc làm ổn định từ năm 2000. Các cháu quyết định không cho bố mẹ đi làm nữa. Trong bữa ăn mừng kỷ niệm ngày chúng tôi thành hôn lần thứ 36, cháu trai trưởng nói, “Bây giờ chúng con đã trưởng thành, bố mẹ hy sinh như vậy là quá đủ, bây giờ bố mẹ phải nghỉ ngơi, để đến phiên chúng con làm bổn phận của mình.” Má cháu nghỉ trước còn tôi dù sao cũng phải chờ thêm 3 năm nữa, khi phân xưởng tôi làm đóng cửa chuyển công việc sang Trung Quốc.

Từ kinh nghiệm bản thân, niềm tin của tôi đã không đến bằng lý luận hoặc xuyên qua các học thuyết. Đơn giản chỉ vì tôi cho rằng Ông Phật của tôi nằm trong một chiều kích không gian khác. Với con mắt quen thuộc của không gian ba chiều của con người không thể nhìn ra được. Ông nằm trong chiều thứ 4 thứ 5 thậm chí chiều thứ 11 nào đó cong nhỏ lại hoặc lớn bất tận nằm ngoài nhận thức con người. Muốn thấy ông tôi phải hội đủ hai điều kiện: Cuộc sống đẩy tôi vào đáy vực của tuyệt vọng và lòng tìm cầu chân thành của tôi mong muốn một giải pháp cho tình trạng ấy. Điều kiện đầu là cần và điều kiện thứ hai là điều kiện đủ.

Tôi không nhìn thấy ông nhưng tôi cảm nhận được sự có mặt của ông khi tôi gặp. Ông không có năng lực siêu nhiên làm phép lạ để thỏa mãn ngay tức thời những mong muốn của tôi, nhưng ông chỉ ra cho tôi cung cách tôi phải làm, con đường tôi phải đi. Đi được hay không, làm được hay không là chính bản thân tôi quyết định. Niềm tin thông thường là điều kiện để con người có thể sống chung và hợp tác làm việc chung với nhau trong xã hội. Khi niềm tin bị phản bội, con người trở nên hoài nghi, sống trong âu lo lạc lõng. Đó chính là tâm trạng của tôi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tôi mất lòng tin vào chính những cấp chỉ huy của mình và chẳng bao giờ tin vào lời nói hay việc làm của những người thắng trận. Từ khi gặp ông Phật của tôi, tôi tìm lại được đức tin của mình. Tôi gọi đó là Đức tin bởi vì đức tin của tôi đã chuyển hóa mọi sự mà người khác cho là phi lý trở thành hữu lý như lời của triết gia Kierkegaard, “When the believer has faith, the absurd is not the absurd – faith transforms it” (4). Ông Phật của tôi không trả lại cho tôi thể trạng như mong muốn nhưng rõ ràng đã thay đổi tâm trạng tôi từ khi tôi gặp ông.

Tôi nghĩ tới một ví dụ khá lý thú của Friedrich Waismann (2) khi đưa ra chuỗi số vô định sau đây: 1-1+1-1+1-1+1-1… và đặt câu hỏi tổng của chuỗi số này là bao nhiêu. Nếu ai dừng lại ở một số hạng chẵn, tổng của nó là 1. Còn nếu dừng lại ở một số hạng lẻ, câu trả lời sẽ là 0. Riêng với lối biện giải của Euler khi cho rằng vì là một chuỗi vô hạn nên nó không thể dừng ở bất kỳ số hạng chẵn hoặc lẻ nào nên tổng của chuỗi sẽ không thể là 1 hoặc là 0 mà là trung bình cộng của 1 và 0, nghĩa là bằng ½ !

Tôi không bận tâm tới những lời bênh/ chống của các luận điểm về có hay không một ông Thượng đế toàn thiện toàn năng toàn trí. Tôi cũng không thấy hứng thú gì về các sự ủng hộ hoặc phản bác về các luận thuyết thuộc bản thể học (ontological arguments), vũ trụ thuyết (cosmological arguments), cứu cánh luận (teleological arguments) trong toan tính đi tìm một chứng minh cho sự tồn tại, hay không tồn tại của Thượng Đế.

Trong cuộc đời hữu hạn của kiếp nhân sinh của tôi, may mắn tôi đã dừng lại ở một số hạng lẻ, ở đó tôi đã gặp được ông Phật của riêng mình. Những người khác dừng lại ở một số hạng chẵn thành ra họ không gặp ai cả. Riêng những ai đi tìm tổng của chuỗi số này ở vô định, chắc chắn ở đó họ sẽ chỉ còn gặp sự hoang mang chập chờn. Có đôi khi tôi không nghĩ rằng có một ông Phật, ông Chúa, ông Trời, chung cho tất cả mọi người. Mỗi người có một ông cho riêng mình. Tôi nhớ tới nghịch lý Bertrand Russell (3) con người ai cũng có một bà mẹ, nhưng tập hợp toàn bộ con người thì lại không có một bà mẹ chung.

SONG VŨ
(Nhân Mùa Báo Hiếu Tân Hợi 2007)

Ghi chú:
(1) Tính từ ngày đặt chân tới trại 3 Liên Trại 1 vào tháng 6/1976 cho tới khi chuyển về trại Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú vào tháng 8/1978, những người cùng sống chung trại với tôi đã chết trong hai Trại 3 Liên Trại 1 và Trại 8 Liên Trại 4 là khoảng gần 20 người, trừ hai anh Phạm Minh X (Trung Tá Thiết Giáp cắt mạch máu tay tự tử), anh Vương Đăng P. (Trung Tá Tiểu Khu Phó Bình Thuận bị đột qụy), các người còn lại chết vì nhiều loại bịnh khác nhau nhưng vì bịnh kiết là đa số.

(2) Anh K chết vào khoảng tháng 5/1978 ba tháng trước khi hệ thống Liên Trại 4 Hoàng Liên Sơn giải thể và bàn giao tù cải tạo qua cho hệ thống quản lý trại giam của công an. Tháng 8/78 chúng tôi chuyển về trại cải tạo Vĩnh Quang, Vĩnh Phú.

(3) Nguồn: Basic Problems of Philosophy 4th Edition. Edited by Daniel J. Bronstein; Yervant H. Krikorian; Philip P. Wiener. Prentice- Hall, Inc Englewood Cliffs, New Jersey, 1972, p. 46.

(4) Nguồn: The Philosophical Journey An Interactive Approach. William F. Lawhead. Mayfield Publishing company, 2000, p. 423. 

Song Vũ (tranthinguyetmai.wordpress.com)

Thần Chú Dược Sư Tiếng Phạn – Medicine Buddha Mantra.

Ý nghĩa & lợi ích khi trì tụng chú Dược Sư tiếng Phạn 

https://www.youtube.com/watch?v=r8B72qAjXDw

Bức Ảnh và Chồng Thư Cũ

Trương Văn Dân

Quãng thời gian dài 50 năm như dồn lại trong tích tắc! Nước mắt chỉ chực trào ra còn trái tim đập liên hồi như con chim đang sải cánh bay qua eo biển.
Mở cái hộp giấy bị quên lãng sau những đợt chuyển nhà, trước mắt tôi hiện ra một túi ny lông mà khi trút ra bên trong có một chồng thư cũ.
Những bức thư của gia đình mà chủ yếu là những bức thư của ba tôi đã gửi trong suốt 36 năm tôi sống ở nước ngoài, cho đến ngày ông mất.
Tôi như chợt thấy một đời người dồn lại.
Chính vào giây phút đó, tôi ý thức rõ ràng rằng những người tuy đã mất đi nhưng vẫn còn hiện hữu, ở đây, lúc này, tuy vắng mặt mà hiện diện cùng tôi.

Tất nhiên tôi không thể nhìn thấy họ như bóng dáng xưa. Nhưng nếu hiểu theo lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì: “Ngày mai, tôi sẽ tiếp tục hiện diện. Nhưng bạn sẽ phải rất cẩn thận mới có thể nhìn thấy tôi. Tôi sẽ là một bông hoa hay một chiếc lá. Tôi sẽ ở trong những hình dáng đó và vẫn gửi cho bạn một lời chào. Nếu bạn đủ nhận biết, bạn sẽ nhận ra tôi, và bạn có thể mỉm cười với tôi. Tôi sẽ rất hạnh phúc.”

&

Năm mươi năm dồn nén như một chiếc lò xo, nhưng khi bung ra thì những gì xảy ra trong suốt quãng thời gian đó đồng loạt thức dậy. Chập chờn nhảy múa trong một bầu trời đầy sương mù của ký ức.

Chỉ là một tình cờ hay có một sự sắp xếp nào đó của hóa công? Cách đây mấy tháng, một người bạn mất liên lạc hơn 40 năm tình cờ thấy và kết bạn với tôi trên Facebook. Dũng tìm được tôi nhờ đọc một bài báo trên BBC (1) tiếng Việt kể về chuyến bay vào tâm dịch Italia để gặp Elena ngay khi nước này dịch Covid-19 đang bùng phát mãnh liệt mà phần lớn các chuyến bay về Milano đều bị hủy bỏ. Mấy tuần sau anh gửi qua email mấy tấm hình mà tôi đã quên đi, không còn nhớ. Đó là bức hình chụp vào sáng ngày 21/12/1971 khi chúng tôi, một nhóm sinh viên 13 người vừa đặt chân đến sân bay quốc tế Fiumicino ở Roma.

Nhìn bức ảnh, cảm xúc trong buổi chiều 50 năm trước như vừa trỗi dậy. Những thanh niên lần đầu xuất ngoại, làm quen, nói cười rối rít, ai cũng cố tỏ ra mình cứng rắn để che giấu những lo âu về con đường trước mặt. Mặt đăm chiêu, ngồi trịnh trọng trên chuyến bay Air Vietnam từ Sài Gòn qua Bangkok. Thế nhưng lớp vỏ mạnh mẽ như lớp sáp tan chảy khi máy bay cất cánh. Tiếng nhạc trong khoang đang mở to lời hát  “Bài không tên số 2” của Vũ Thành An: “Xin một lần siết tay nhau một lần cuối cho nhau, Xin một lần vẫy tay chào thôi dòng đời đó cuốn người theo” thì có tiếng thút thít từ các ghế ngồi. Một người, hai người… rồi tất cả đưa mắt nhìn nhau, khuôn mặt nhạt nhòa.

Chờ cảm xúc lắng xuống, tôi ngồi nghĩ lại. Sau bao năm vật đổi sao dời,  tuy khởi điểm là đi chung một chuyến tàu nhưng dòng đời đã cuốn chúng tôi, mỗi người trôi theo một định mệnh khác nhau.  Ai thuận buồm, ai ngược gió, quay cuồng “như lá úa trong cơn mưa chiều…” thành công hay thất bại gì thì cũng chìm trong bể khổ của đời.

Bắt đầu từ chuyến bay định mệnh ấy là những ngày tháng xa quê hương, bè bạn và những người thân.  Mọi gian khổ vất vả thì chịu được mà sự cô đơn, trống vắng thì nó mênh mang mà không biết tỏ bày hay chia sẻ cùng ai.

Niềm an ủi lúc đó là được nghe một giọng nói thân quen, nhưng đó là điều không tưởng. Sinh viên thì nhà làm gì có điện thoại mà gọi bằng gettone qua điện thoại công cộng, chi phí một cuộc gọi đường dài có khi bằng sinh hoạt cả tháng!

Gettone là đồng xu nhỏ, có một rãnh ở giữa và bỏ lên một khe nằm trên máy điện thoại. Sau khi kết nối nó sẽ rớt vào máy, thời gian rớt được tính bằng khoảng cách từ nơi gọi đến nơi nhận. Gần chậm, xa mau. Khi gọi xa thì tiếng gettone rơi nhanh như nhịp tim người gọi. Khi thời lượng tương ứng với số tiền trả sắp hết máy rung chuông báo, nếu không nạp kịp gettone là cuộc gọi bị ngắt!

Thập niên 1970 tôi thường gọi Elena bằng cách này. Ngày nào ăn chiều xong chúng tôi cũng nói chuyện với nhau vài phút, nhưng cũng có khi cao hứng, nói với nhau cả nửa tiếng hay nhiều hơn. Vì là điện thoại công cộng nên có nhiều người khác đứng chờ bên ngoài. Có khi sốt ruột họ gõ cửa cabin hối thúc. Đứng bên trong, tôi xòe bàn tay trái đang nắm một mớ gettone, nhìn thấy, họ lắc đầu, miệng làu bàu rồi bỏ đi tìm máy khác!

Những khi nói nhiều, tiếng gettone rơi làm mình chóng mặt mà ở đầu dây bên kia còn nghe tiếng mẹ Elena mắng: nói gì mà lâu dữ vậy!

Vì gọi điện khó khăn và đắt đỏ như thế nên mỗi khi gọi bạn bè ở xa như Pháp, Đức, Thụy Sĩ… thì chúng tôi xem như mời bạn cà phê, nói lâu hơn là xem như mời bữa ăn trưa, liên lục địa.

Vào năm 1981, lần đầu tiên tôi hẹn hai em Xuân, Minh vừa mới định cư ở Sidney (Úc) đến nhà cô dượng Tàu Năm để chờ nghe điện thoại, giọng chúng tôi run lên vì hơn 10 năm anh em mới nghe được giọng nói của nhau. Người nghe, kẻ nói đều đã chuẩn bị sẵn nội dung, tranh thủ nói nhanh để nói được nhiều!

Những bức thư cất giữ trong chừng ấy năm làm tôi nhớ tới một thời đã qua và âm hưởng vẫn còn đọng tới bây giờ. Nó như những chiếc cầu cho tôi nối lại với cuộc đời chìm sâu trong kỷ niệm. Mỗi khi nhận được thư của ba tôi, có khi viết tay, có khi đánh máy, tôi thường đọc đi đọc lại nhiều lần, dù đó là những bức thư thật dài, có khi hơn 10 trang giấy. Ba tôi đánh máy rất nhanh, còn viết thì thư ông chỉ có tôi là đọc  “ro ro” còn các em tôi thì vừa đọc vừa phải… đoán.

Sau khi buông thư tôi thường nằm dài suy nghĩ. Có khi tôi nghe như từ những bức thư đang thở ra hơi thở của ba tôi và trên sàn nhà đang thầm thì bước chân của ông, rõ ràng đến nỗi tôi suýt buột miệng gọi ông. Có khi tôi chẳng nghe mà chỉ thấy những khuôn mặt xa xôi hiện về. Nhạt nhòa, nhưng vẫn thấy ba má và tất cả các anh em Hiếu, Nga, Nguyệt, Xuân, Minh và tôi đang ngồi chen chúc quanh bàn ăn ấm cúng. Có lúc tôi mơ chân trần bước đi trên cát biển Quy Nhơn, thỉnh thoảng ra mé nước nghe sóng vỗ dưới chân. Tuổi thơ của tôi đã trôi như một dòng sông và những lúc lặng lẽ ấy chỉ còn lại những hoài niệm mà thời gian đã mang đi xa lắc.  Đôi lúc tôi thấy tiếc nuối nhưng chỉ một thoáng thôi, vì nhiều nỗi lo toan khi nhìn đến thực tại nơi đất khách.

Những ngày sau 1975 thời gian rảnh rỗi không nhiều vì từ một chàng công tử vô tư tôi phải vừa làm vừa học. Áp lực kinh tế, học hành, tôi phải tranh thủ học trên xe bus lúc đông người mỗi khi đi đến chỗ làm hay lúc về nhà.

Trong những lúc mềm lòng, tôi rất cần một bàn tay để nắm. Nghe được một giọng nói thân thương, không cần họ làm gì để giúp mà chỉ cần biết có ai đó quan tâm đến mình.

Nhưng xung quanh nào có ai đâu! Không có sự chọn lựa nào khác là tự bước đi bằng đôi chân, nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống và tương lai của mình.

Hồi đó, trong suốt bao nhiêu năm… tôi mong chờ những bức thư như một bộ hành mơ nguồn nước trong sa mạc. Gửi thư đi, trung bình 3 tháng mới nhận được trả lời. Biết thế, nhưng viết xong thì ngày nào cũng chờ. Mỗi sáng ra khỏi nhà đều nhìn vào hộp thư, dù biết chắc là không có mà lòng vẫn hụt hẫng.

Những bức thư thường làm tôi bâng khuâng, rộn ràng, đầy ắp niềm vui song cũng man mác, bồi hồi. Vì những điều kiện khách quan nên tôi không được sống gần ba mình. Thế nhưng trong thời gian ít ỏi đó những bài học của ông vẫn theo tôi suốt cuộc đời. Những lời dạy từ  nhỏ vẫn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách cũng như quan niệm về cuộc sống. Trong thư, ba dặn ra xứ người con sẽ phải hòa nhập vào văn hóa và xã hội mới nhưng đừng để bị làm mờ cái gốc của mình.

Tôi nằm lòng lời căn dặn đó. Sống nhiều năm ở trời Tây, mà khi về Việt Nam ít ai nhận ra tôi là “Việt Kiều” vì  phong cách dân dã chân quê, như bùn đất quê hương vẫn còn bám từ bấy đến nay. Tuy đã từng ngắm tuyết ở trời Âu nhưng cũng đã từng tắm truồng trên dòng sông Côn; từng ở khách sạn 5 sao lộng lẫy ở nước ngoài nhưng cũng đã từng ăn bát cơm nóng nấu trong nồi đất vào ngày mưa ở Vĩnh Thạnh, nhìn gió núi lùa qua cửa sổ, thấy người thân ở quê ngoại rét run người với chiếc áo phong phanh… Bấy nhiêu năm, tuy sống xa nhà mà nề nếp, thói quen, tính cách của ngày xưa vẫn còn đậm nét. Tiếng Việt của tôi vẫn như xưa,  thời gian đầu có chút bỡ ngỡ về vài từ mới nhưng chỉ nghe qua một lần là nhớ, và tuy sống ở nước ngoài 50 năm nhưng tôi chưa bao giờ “độn” thêm từ ngoại quốc nào trong giao tiếp, tôi nghĩ viết “chúc mừng năm mới” là đủ nghĩa chứ thấy không cần phải viết “happy new year” làm gì.

Có thể nói cái tâm là ba tôi đã dạy cho tôi. Sau 1975, ông biết tôi sẽ gặp khó khăn và những buồn phiền không thể tránh: “Đã làm người, thì con phải chấp nhận gánh vác. Đôi khi còn phải gánh cả những việc oan ức…” “Nhưng dù thế nào cũng không được thù hận và đánh mất niềm tin vào tính thiện lương của con người”. “Nếu có điều kiện thì cứ giúp người, thà bị sai lầm còn hơn là ân hận ”..

&

Trong những bức thư ấy có điều tôi hiểu ngay nhưng cũng có những lời dạy, mà mãi nhiều năm sau, quá tuổi 60, nghiệm ra tôi mới hiểu. “Sống là phải làm tốt vai trò và bổn phận của mình trong xã hội, nhưng cố bỏ cái tôi để sống an nhiên và hạnh phúc với chính mình.” “Tài năng gì cũng chỉ là bọt bèo. Đừng kiêu căng hay đuổi theo ảo ảnh. Danh tiếng, địa vị gì cũng đều phụ thuộc vào lời khen chê của kẻ khác. Đừng để tâm trí mình dao động vì những việc nằm ngoài tầm kiểm soát đó để không bị biến thành con rối của miệng đời”.

… Rồi biến cố đau buồn. Vẫn còn trẻ và đẹp nhưng trái tim ông đã lặng lẽ ngừng đập. Ông chỉ sống vừa đủ lâu để thấy những thay đổi của đất nước và lòng người. Nhưng ba tôi không mất. Ông chỉ nằm an nghỉ trong trái tim tôi mà thôi.

Những bức thư ấy là những nhịp cầu nối liền khoảng cách và kết nối tình thân. Xa bỗng hóa gần. Ngày xưa… liên lạc với nhau rất khó! Nhưng hôm nay, với phương tiện sẵn sàng, mọi cuộc gọi đều tức thời và miễn phí nhưng con người lại ít kết nối với nhau! Ai cũng than rằng mình rất “bận”. Là không có thời gian? Nhưng có thực là chúng ta bận đến nỗi không thể gửi một tin nhắn vài phút để hỏi thăm, để biết là mình đang nghĩ đến và chia sẻ với người thân? Đúng là cuộc sống hôm nay tất bật, nhưng một cuộc gọi, một tin nhắn để biết rằng đang nghĩ đến nhau là luôn cần thiết.

Với một khoảng cách quá xa, có khi cách nhau nửa vòng trái đất, thì một tin nhắn có nghĩa là ta vẫn hiện diện khi… đang vắng mặt. Người ở xa cũng không đòi hỏi gì nhiều. Một cuộc gọi ngẫu nhiên, để một thoáng quên đi những bận bịu cơm áo thường ngày hay tạm quên đi những muộn phiền không đáng nhớ. Nghe giọng một người quen ở xa là một niềm an ủi. Biết rằng trên đời này còn có ai đó nhớ đến mình.

Gọi thăm thôi. Cần chi mục đích? Vì thực ra mục đích quý báu nhất là thăm hỏi mà không có mục đích nào. Nhưng dường như mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi cú điện thoại đều vì một điều gì. Không cần, không liên lạc! Ngày nay, con người thực dụng nên cân đong đo đếm tình cảm bằng những điều kiện sinh tồn chăng? Đôi lúc vì dửng dưng mà ta làm nhạt nhòa những tình cảm đẹp, đánh mất những hạnh phúc giản đơn.

Với các lý do “gần như” hợp lý, nhiều người biện minh cho sự bận rộn vì nỗi lo cơm áo, mà thực tế là trên mạng xã hội hằng ngày họ vẫn đưa hình khoe con khoe cháu, tiệc tùng ăn uống hay hiện diện ở các địa điểm du lịch đấy thôi.

Hãy sử dụng tốt thời gian vì không ai biết mình sẽ còn bao lâu nữa. Hơn hai năm bị mắc kẹt Covid ở Ý, tôi đã nhận ra: có một số người nếu không chủ động tìm, họ chẳng bao giờ hỏi đến. Nhờ thời gian đó mà hiểu ai mới thật sự là người quan tâm đến mình.

May là suốt những ngày bị cách ly ở Milano vì Covid-19… tôi đã sống toàn tâm toàn ý với tình yêu văn chương. Đọc và viết rất nhiều. Tôi dành trọn ngày đêm để viết những quyển sách của mình, thi thoảng sửa lại một vài truyện ngắn hay dịch vài đoạn văn hay. Trên bàn làm việc luôn có một bình hoa nhỏ đa sắc mà Elena đã trang điểm cho không gian sáng tác. Phòng làm việc có một cửa sổ lớn nhìn ra ngoài, bầu trời có khi xám xịt, có lúc trong sáng tùy theo mùa. Những lúc nghĩ ngợi, tôi thường nhìn cây lê đơm hoa trắng muốt báo mùa xuân, rồi hoa rụng báo mùa hè, rồi lại lá lại vàng để báo thu sang, sau đó thì trút lá, cành trần trụi trong sương tuyết khi một mùa đông đang đến. Hoa lê trắng còn nở lần thứ hai để mùa xuân khác đến rồi sẽ sớm trôi qua vào mùa hè, mùa thu và mùa đông thứ hai. Thế giới, ký ức về Việt Nam như càng ngày càng xa.

Thế rồi, đùng một cái, ánh sáng như chói chang rực rỡ hơn từ cái thế giới sáng tạo chiếu vào cái không gian chật hẹp tù túng của những ngày bị cách ly, khi tiểu thuyết Ước Hẹn Cuối Cùng bước vào giai đoạn cuối. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của tôi, Elena liền hỏi: anh viết xong rồi hả? Năm mươi năm qua, không cảm xúc nào của tôi mà không bị vợ mình phát hiện. Suốt hơn hai năm tôi đắm mình cho tiểu thuyết, miệt mài buồn vui hạnh phúc khổ đau cùng nhân vật. Câu chuyện trong tiểu thuyết vô vàn đắm say mà cũng đầy thăng trầm, sầu khổ. Nhưng câu trả lời của tôi là một tràng cười. Điều kỳ lạ là tiếng cười của mình làm tôi kinh ngạc. Cảm tưởng như 50 năm về trước tôi đã nghe chính giọng của mình trong một máy ghi âm trên băng casette. Lúc đầu tôi hoàn toàn không nhận ra, tuy nó đúng là giọng của tôi, nhưng đó là cái giọng mà người khác nghe chứ không phải cái giọng mà bản thân tôi nghe được như máu thịt đến từ bên trong của con người mình.

Suốt hai năm qua tôi âm thầm và im lặng làm bạn cùng nhân vật, hòa mình với những đau thương, chết chóc nên tôi như đã quên đi thực tại. Cười như thế nào? Và bây giờ giống như lần đầu tiên tôi nghe tiếng mình cười.

Lệnh giãn cách lúc này đang nới lỏng và sắp chấm hết. Tôi sẽ được tự do bay về Việt Nam để gặp lại bạn bè và lo việc in ấn tác phẩm tâm huyết của mình. Thế nhưng khi dịch bản thảo ra tiếng Ý – L’ultima promessa – cho hai người  bạn thân thì họ khuyên nên in trước bằng tiếng Ý vì bối cảnh tiểu thuyết ở Milano và những vấn đề liên quan đến văn hóa và luật pháp ở Ý…

Tôi sẽ làm gì với ánh sáng chói chang của những ngày “tự do” sắp tới? Tôi sẽ làm gì với những thói quen cũ, gặp gỡ bạn bè bị gián đoạn sau một thời gian dài? Một quyển sách sắp in không thể trả lại cho tôi những ngày bị cướp mất vì đại dịch. Nó như một đứa con sắp được sinh ra, cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, giúp nó tránh những cạm bẫy, những phê phán, đố kỵ hay yêu thương chào đón… tất cả những hệ quả mà mình đã mường tượng trong lúc hình thành câu chữ. Vâng, tôi biết khi sách ra đời, nó cũng không thể nào tránh được những hệ lụy như một con người, cái đề tài mà trước đây tôi đã từng trăn trở khi viết tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần.

Milano, 10/2022

Trương Văn Dân (https://tranthinguyetmai.wordpress.com/)

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-52089979?fbclid=IwAR3B-XnOx36srzUb5qkbVbwLumAjeZvl6Uld_e6QJUDnLQrysJazTeANZlw

Giới thiệu Hồi Ký của cựu Hải Quân Đại Tá Bùi Hữu Thư

Trân trọng giới thiệu:

Những ký ức vui buồn

Hồi ký của cựu Hải Quân Đại Tá Bùi Hữu Thư.

Hồi ký gồm 3 phần: Phần gia cảnh. Phần hải nghiệp. Phần sinh hoạt trên đất Mỹ.

“Quyền chỉ huy đầu tiên của tôi năm 1957 là chiếc Quân Vận Hạm LCU HQ 538. Tôi nhận tàu do ông Trần Bình Phú giao lại. Tàu phải tham dự chiến dịch Hồng Nhạn tại Phú Quốc. 

Tôi phải lái tàu ngược dòng Tiền Giang lên tới Rạch Ông Chưởng để qua Hậu Giang. Xuôi dòng xuống Cần Thơ, qua cầu Cái Răng để vào kinh Xà No. Kinh này rất hẹp, tàu chạy quệt cả cây cối hai bên bờ. Kinh nhiều bèo làm cho cuốn chân vịt. Lâu lâu lại phải cho máy lùi để xả bèo. Tàu có ba chân vịt, chạy bằng máy Gray Marine. Hết kinh Xà No tới kinh Cái Bé, rồi ra sông Cái Lớn.

Tôi cho ủi bãi tại Xẻo Rô để lên Rạch Giá chơi. Lúc đó Chỉ huy trưởng Giang Lực là Thiếu tá Trần Văn Chơn. Ông cho xe Citroen đón tôi và ông Phan Phi Phụng Hạm trưởng HQ 539 lên thăm gia đình ông chủ rạp ciné độc nhất ở đây. Gia đình này có hai cô con gái cũng xinh…

Tàu tôi nhận công tác đổ bộ một xe hủ lô tại Châu Phú thuộc Châu Đốc. Nước sông Hậu Giang mùa nước lũ chảy xiết, tôi phải thả neo ở thượng dòng, cho tàu trôi gần ngang bãi ủi thì phóng vào tránh được mấy căn nhà chòi dựng ngay bên bãi ủi.”

Đó là các trích đoạn trong hồi ký, khởi đầu đoạn đời làm hạm trưởng thuyền trưởng của tác giả.

Năm 1958, ông tiếp nhận chỉ huy chiếc Trục Lôi Hạm Chương Dương HQ 112 và Giang Pháo Hạm Thiên Kích HQ 329. 

Năm 1959, ông nhận chức vụ Hạm Trưởng Hộ Tồng Hạm Chi Lăng HQ 01. 

Năm 1963: Hạm Trưởng Hải Vận Hạm Tiền Giang HQ 405.

Năm 1964: Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10  

Năm 1966-1969: Thuyền Trưởng Thương thuyền Nhật Lệ.

Ngoài hai chức Hạm Trưởng và Thuyền Trưởng, tác giả còn giữ hai vai trò quan trọng là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang và Trưởng Khối Quân Huấn Bộ Tư Lệnh Hải Quân. 

Khối Quân Huấn được tổ chức thành 3 phòng: Phòng Điều Huấn tổ chức các khóa học trong và ngoài nước. Phòng Nghiên Huấn nghiên cứu các khóa học mới và chương trình huấn luyện. Phòng Trợ Huấn dịch thuật các tài liệu Hải Quân về chiến thuật, kỹ thuật, chuyên nghiệp…

Tác giả mô tả việc làm của Khối Quân Huấn:

“Tôi về Quân Huấn đúng lúc có sự bành trướng Quân Lực và Việt Nam hóa chiến tranh. Kế hoạch ACTOV (Accelerated Turn Over to Vietnam) đã được khởi sự… Việc tuyển mộ phải được tăng cường song song với việc huấn luyện…

Trong hai năm rưỡi chúng tôi phải huấn luyện 27.000 sĩ quan và nhân viên để nhận lãnh hết mọi chiến hạm, chiến đỉnh và các căn cứ Hoa Kỳ chuyển giao.”

Đây là chương thú vị nhất. Mời độc giả thưởng thức tác phẩm “Những Ký ức Vui Buồn”, hồi ký của thủy thủ Bùi Hữu Thư, để cùng nhìn lại vài sinh hoạt của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, nhất là giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh mà Khối Quân Huấn Hải Quân vừa gian nan, vừa khéo léo thực hiện qua việc tuyển mộ và huấn luyện đầy đủ năng lực hải nghiệp cho 27 ngàn thủy thủ trong thời gian thật ngắn…

Liên lạc mua sách: thubui34@gmail com
Giá $16.00 USD (gồm cước phí trong nước Mỹ)

Cuộc Gặp Gỡ Kỳ Diệu

Lưu Hồng Phúc

LGT: Bài viết vô cùng cảm động sau đây của quả phụ một sĩ quan QLVNCH, kể về một mối tình có thật thời chiến tranh Việt Nam giữa chị ruột của tác giả với một người lính Mỹ, đã hy sinh trong cuộc chiến. Hơn ba mươi năm sau, tưởng nhớ công ơn người anh rể đã hy sinh cho quê hương, tác giả ghé thăm bức tường đá đen ghi danh 58,000 tử sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam… Không ngờ, tại đây, bà tình cờ gặp bố mẹ của người anh rể cũng đến viếng thăm con, và qua câu chuyện, tác giả đã giúp ông bà nội người Mỹ tìm thấy người con dâu Việt và đứa cháu nội chưa từng biết mặt…. Trong niềm bồi hồi xúc động đến rưng rưng lệ khi đọc, chắc chắn quý độc giả không thể không biết ơn những người lính VNCH, Mỹ, Úc… đã đổ máu bảo vệ Miền Nam trước làn sóng xâm lăng của cộng sản trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam….

Tháng Tư thường cho tôi nhiều nỗi buồn và nhớ. Buồn vì từ đó ta làm thân mất nước không nhà và nhớ vì trước đó có quá nhiều kỷ niệm không bao giờ còn tìm lại được. Giữa lúc lòng tôi đang chơi vơi thì chị bạn rủ theo đoàn người về thủ đô Hoa Thịnh Đốn để coi hoa Anh Đào nở và nhất là đi thăm bức tường đá đen, ghi lại tên tuổi của hơn năm mươi tám ngàn tử sĩ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đã bỏ mình để bảo vệ tự do của miền Nam xưa. Với tôi đó là một dịp may đến thật tình cờ.

Tôi vẫn thường nghe nói về vườn hoa Anh Đào mà vương quốc Nhật tặng cho nhân dân Mỹ khi xưa ở thủ đô, đang khoe sắc mỗi độ xuân về. Thật như thỏa tấm lòng vì cả hai, được nhìn những cành hoa mà cả một thời tuổi trẻ ước mơ và đến tận nơi bức tường đá đen để tìm tên một người đã là điều tôi mong muốn từ lâu. Thế nên tôi thu xếp hành trang vôi vã đi ngay. Hơn hai mươi bốn giờ ngồi trên xe theo nhóm người du ngoạn đã đưa tôi từ miền Texas xa xôi về tới thủ đô. Con đường Ohio chạy dọc theo bờ sông Potomac hoa Anh đào đã nở rực rỡ một màu hồng phơn phớt trắng. Hơi lạnh đầy trong không khí của một mùa đông dài còn sót lại, vương qua mùa xuân, đọng trên những cánh hoa dọc theo con đường Constitution dẫn đến bức tường đá đen nằm kia, trầm mặc u buồn.

Tháng Tư, hoa đã nở từ lâu. Xác hoa rơi lả tả làm hồng cả một khoảng không gian quanh những con đường chạy dọc theo công viên. Hoa Anh Đào thật đây rồi, những cánh hoa mà tươi xinh ngày xưa tôi chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh rồi thầm cảm mến những kiếm sĩ của xứ Phù tang, cô đơn vung đường gươm, để hoa rơi trong tuyết lạnh, thì hôm nay đang rực rỡ khoe sắc trước mắt tôi đây. Tôi tách ra khỏi nhóm người đi bộ một mình dưới những tàn cây. Tôi vẫn thích đưọc đi một mình để nhớ về những ngày tháng đã dần qua.

Ngày xưa chưa mất miền Nam gia đình tôi đã có một cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Chồng tôi, một người lính trận, mỗi lần về phép thường hay cùng đi với một quân nhân Mỹ, Cố Vấn trong đơn vị. Hai người cùng làm việc, cùng chung sở thích và ý nguyện nên rất thân nhau.

Thuở ấy tôi không biết nhiều về đất Mỹ như bây giờ nhưng qua lời anh diễn tả, cũng đủ hiểu rằng người lính Mỹ ấy đến từ một vùng quê xa xôi miền Trung Bắc Hoa Kỳ. Ngoài cái vẻ bên ngoài rất tài tử, râu ria xồm xoàm vì những ngày tháng lăn lóc trong chiến trận chưa kịp cắt tiả thì Mike Wright thật nhân hậu và hiền lành. Tôi cũng ngạc nhiên với tấm lòng rộng lượng hồn nhiên của nguời Mỹ. Họ đã mang biết bao nhiêu tài sản, cả sinh mạng khi đến giúp đất nước tôi, hòa nhập vào đời sống người dân bản xứ, tươi vui trong cuộc sống. Bởi thế, anh chàng râu tia xồm xoàm Mike chiếm được cảm tình của gia đình, nhất là bà chị lớn chưa chồng của chúng tôi ngay. Chuyện tình của một người lính viễn chinh từ một đất nước xa xôi với người con gái Việt Nam còn nguyên nền nếp gia phong diễn ra thật êm đềm hạnh phúc với một đám cưới đậm chất phương Đông. Chị tôi khăn đóng, áo dài bên cạnh anh Mike cũng áo dài khăn đóng. Trông họ cũng thật vừa đôi.

Từ đó tôi không còn cô đơn trông ngóng hằng đêm mà có cả chị tôi là kẻ đồng tình, đồng cảnh. Chúng tôi đã có những ngày đợi chờ trong lo lắng, đã có những ngày đoàn viên trong hạnh phúc. Những tháng tươi vui của một thời son trẻ tưởng như không bao giờ dứt cho đến một ngày kia. Tôi không quên được cái ngày người chỉ huy hậu cứ Tiểu Đoàn đích thân đến báo cho tôi biết là chồng tôi và đơn vị của chàng không về nữa. Cả người Cố Vấn Mỹ dễ thương đang là anh rể của tôi cũng cùng chung số phận. Một đơn vị oai hùng, thiện chiến, tưởng như là không bao giờ thua trận đã nằm lại đâu đó trên vùng đất Hạ Lào của mùa hè khói lửa. Tôi và người chị, ngày ấy thực sự bị cuốn vào những cơn ác mộng, nhất là khi chị tôi biết được rằng mình vừa khó ở, chưa thông báo cho Mike biết về đứa con vừa thành hình trong bụng chị.

Sau khi miền Nam lọt vào tay phương Bắc là một quãng đời địa ngục trần gian đến với chúng tôi. Nhất là chị với đứa con lai đã hứng chịu trăm đắng ngàn cay bởi vì sự dè bỉu, khinh khi cũng như phân biệt đối xử của người cai trị mới. Chị tôi bị hành hạ, bị lăng nhục, bị đe dọa đưa vào cái trại gọi là phục hồi nhân phẩm mà thực chất là tước đoạt hết nhân phẩm con người. Chịu đựng bao nhiêu đắng cay khổ sở nhưng chị tôi vẫn cắn răng làm việc nuôi dạy con khôn lớn nên người. Có một điều làm tôi lạ lùng là tình yêu của chị dành cho anh hơn hẳn những thường tình. Chị luôn nhắc tới anh với những lời yêu thương trang trọng, với sự bùi ngùi thương tiếc của một người góa phụ tưởng nhớ thương chồng. Chị không đòi hỏi gì ở anh cũng như đất nước anh. Khi chương trình tái định cư những người con lai bắt đầu, tôi cũng tưởng chị vui sướng lắm. Nhưng không, chị từ chối ra đi chỉ vì còn nặng lòng với mảnh đất được sinh ra và đứa cháu tôi cũng vui vẻ vâng theo lời mẹ. Tôi không giống và cũng không chịu đựng được như chị. Tôi chọn ra đi để đưa các con tôi về với tự do. Khi con thuyền mong manh đưa chúng tôi ra biển, tôi đã thầm cầu nguyện ơn trên cho chúng tôi vượt sóng đươc bình an. Tôi đã chọn tự do hay là chết và chân thành cầu xin đó là một sự chọn lựa đúng đắn và may mắn nhất trong đời….

Cứ mải suy nghĩ và đi theo con đường hoa, tôi đến trước bức tường đá đen tự bao giờ. Con đường dần xuống thấp để những dòng tên trắng hiện ra. Một cặp vợ chồng người Mỹ trắng đã già lắm, run rẩy dắt tay nhau bước lên bực thang. Mắt người đàn bà còn ướt đỏ. Tôi đoán rằng bà vừa mới khóc.

Gặp nhau trên bực thang đầu tiên, tôi vui vẻ chào hai người rồi hỏi lớn:

– Ông bà từ đâu tới.

– Chúng tôi từ Ohio, còn cô.

– Thưa ông bà tôi từ Texas.

Người đàn ông râu dài nhưng cắt tỉa gọn gàng, dáng vẻ hiền từ thân thiện. Ông ta mỉm cưởi hỏi lại.

– Tôi muốn hỏi cô người nước nào. Phi, Tàu, Nhật hay Thái Lan.

– Thưa ông tôi là người Việt Nam.

Bỗng nhiên tôi thấy gương bặt người đàn bà dường như đổi sắc. Hình như một sự giận dữ bất ngờ chợt làm bà ta vùng vằng cố bước lên bậc thang ngắn tiến về phía trước. Tôi ngạc nhiên nhìn ông già chờ đợi một lời giải thích về cử chỉ bất thường của bà. Chắc có một điều gì không ổn vì tôi biết đa số người Mỹ thường lịch sự, ít ai bày tỏ ngay những điều khó chịu trong lòng. Như đoán được ý nghĩ của tôi ông buồn rầu giải thích.

– Cô đừng buồn với thái độ của vợ tôi. Bà ấy đang buồn rầu. Chúng tôi mất đứa con trai duy nhất ở Việt Nam, nên mỗi khi thấy người Việt Nam vợ tôi lại xúc động, không ngăn được cảm xúc nên có những cử chỉ bất thường.

Tôi nhìn bà già đã ngồi xuống chiếc ghế đá bên lối đi, đang run rẩy cố chống hai tay lên đùi, mắt vô hồn nhìn vào quãng không gian phía trước. Nếu tôi mất con cho một cái xứ sở xa lạ nào chắc gì tôi còn giữ được bình tĩnh như bà. Lòng tôi rạt rào niềm thương xót để nói với ông rằng tôi thông cảm tâm tình của những bà mẹ mất con cho một dân tộc họ không hề mảy may biết tới.

Trong lúc xúc động tôi cũng nói với ông là chính tôi và gia đình tôi cũng mất mát rất nhiều trong cuộc chiến chống cộng sản xâm lăng đó. Và đau đớn hơn thế nữa, chúng tôi đã mất cả quê hương, tổ quốc. Ông già Mỹ luôn luôn lập đi lập lại rằng tôi biết, chúng tôi biết, rồi xin phép tôi chạy đến săn sóc cho bà đã ngồi xuồng ghế đá cách đó không xa lắm. Ông nói lớn, chào từ giã khi tôi đi lần xuống phía dưới để dò tìm những hàng chữ mang tên người anh rể ngoại chủng năm xưa đã nằm xuống ở Việt Nam.

Tôi biết vần W sẽ nằm ở hàng cuối cùng nhưng cũng mất một lúc lâu mới tìm thấy cái tên Mikes Wright, tên người anh rể tôi năm kia, khiêm nhường giữa tên của bao nhiêu người. Nhỏ bé và đơn giản trong một không gian bao la, nhưng thật hào hùng độ lượng như cuộc đời anh và đất nước đang cưu mang chúng tôi đây.

Tôi lặng chìm trong những giấc mơ xưa về một gia đình hạnh phúc mà nhớ đến chồng tôi. Tên của Mikes người ta còn nhớ chứ tên của chồng tôi kẻ thù đã xóa đi. Ngay cả miếng đất nhỏ bé mà chồng tôi an nghỉ người ta cũng đang toan tính cướp mất của anh. Tôi nhớ đến nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Nhớ đến giây phút vật vã khóc lóc nhìn thi hài anh được gắn lon giữa hai hàng nến. Nhớ đến những khuôn mặt lầm lỳ, chai sạn vì gió bụi của những nguời lính bồng súng chào chồng tôi lần cuối khi đưa chàng về với đất mẹ năm xưa.

Giữa lúc lặng yên tưởng nhớ thì mấy bà bạn tôi xuất hiện. Các bà gọi la tên tôi ơi ới, trách tôi xé lẻ tìm vui một mình. Cả bọn trầm trồ, chỉ trỏ reo vui với những cái tên lạ, nói cười vui vẻ như không cần biết gì về những niềm đau. Ôi nhân thế thường mau quên để sống, chỉ có mình tôi hay đi ngược thời gian về những dòng sông cũ. Chúng tôi lại rủ nhau đi thăm viện bảo tàng không gian gần đó. Một đoàn người vừa đi vừa cười, vừa hỏi thăm đường rộn vui lên góc phố. Ở đây người ta quen mắt với những cái lố lăng của du khách từ khắp mọi miền trên thế giới nên chẳng thấy phiền hà.

Đến trưa lúc sắp ra về tôi lại gặp cặp vợ chồng người Mỹ ban sáng. Lạ một điều là tôi thấy ông già có nét gì rất quen. Lần này bà có vẻ vui hơn, mỉm cười khi tôi chào gặp lại. Chắc ông đã giải thích cho bà biết rằng ai cũng có những nỗi buồn, những mất mát khác nhau chứ không phải riêng bà. Chúng tôi đứng ngoài hành lang nói chuyện. Ông bà cho tôi biết sẽ về lại Ohio chiều mai, một nông trại xa xôi nằm sát biên giới tiểu bang Indiana. Ông nói thế nhưng tôi chẳng hình dung được gì ngoài những con số mà tôi đoán rằng đất đai chắc là rộng lớn. Tôi cũng cho ông biết chúng tôi còn ở đây thêm vài ngày, đi thăm một vài nơi nữa rồi chào từ giã theo dòng người thăm viếng.

Buổi sáng hôm sau tôi có thói quen thức dậy thật sớm trong lúc mọi người còn say trong giấc ngủ. Tôi mở cửa bước ra ngoài, đi bộ theo con đường Ohio dọc theo bờ sông, rồi tình cờ bước dần về phía bức tường đá đen. Trời còn sớm quá nhưng tôi thấy dưới chân bức tường thấp thoáng bóng ngươi. Bước tới gần hơn tôi bất ngờ nhận ra ông bà già Mỹ hôm qua đang ở đó tự bao giờ. Bà ngồi hẳn xuống đưa tay sờ lên những hàng tên như vuốt ve một vật gì quý giá.

Gặp lại nhau tôi lên tiếng:

– Chào ông bà. Ông bà ra đây sớm quá. Tôi cứ tưởng chỉ mình tôi đi bộ trong khu này..

Ông ôn tồn giải thích:

– Chiều nay chúng tôi trở về lại Ohio rồi nên thu xếp thời gian thăm lại nơi đây lần nữa.

Bà vẫn không nói, đưa tay sờ lên phiến đá. Tôi chắc bà thương yêu người con và đau đớn lắm khi nhìn lên hàng chữ có tên con mình. Mắt tôi tò mò nhìn theo và ngạc nhiên thấy tay bà đang đặt trên hàng chữ của vần W. Như có một linh tính báo trước chuyện lạ lùng tôi buột miệng hỏi ông:

– Con trai của ông bà tên là gì nhỉ. Anh ấy mất ở Việt Nam năm nào?

– Con trai tôi tên là Mikes Wright, Tử trận ở Việt năm năm 1972. Tên nó đây, ngay đây này…

Vừa nói ông vừa chỉ về phía tay bà đang xoa xoa che khuất cái tên mà trước đây tôi đã đặt tay vào. Chính đó là tên anh rể của tôi. Cha của đứa cháu mồ côi mà chị tôi yêu quý như báu vật của cuộc đời mình. Tôi đứng lặng người nhìn ông rồi lại nhìn bà. Sao cuộc đời lại có sự tình cờ kỳ diệu đến thế này. Để chắc chắn mình không nằm mơ tôi hỏi lại những chi tiết rất chung chung mà tôi còn nhớ về anh.

– Anh Mikes của ông bà rất nhiều râu và vui tính lắm phải không.

– Cô nói gì tôi không hiểu. Dĩ nhiên ngày ấy Mikes còn trẻ lắm nên râu ria mọc là thường.

Tôi nhìn lại ông và mơ hồ thấy nét quen thuộc mà tôi chợt khám phá ra hôm qua, là ông trông rất giống Mike ở cái cằm vuông vức và bộ râu rậm dài. Ông già bùi ngùi nói tiếp.

– Vợ tôi buồn một điều là đáng lẽ ra Mikes đã hết hạn phục vụ ở Việt Nam trở về Mỹ nhưng vì yêu thương một người con gái bản xứ nên tình nguyện phục vụ thêm một thời hạn nữa và cái thời hạn đó không bao giờ chấm dứt…

– Thế ông bà có biết tin tức gì về người con gái ấy không.

– Mikes có gởi cho chúng tôi một tấm hình, thông báo là đã thành hôn. Lâu quá rồi nhưng chúng tôi còn giữ tấm hình ấy trong tập ảnh gia đình ở Ohio. Chỉ có thế mà thôi.

Tôi muốn nói với ông chính tôi là em người con gái Việt Nam ấy nhưng sợ rằng mình nhận lầm, vì biết đâu có một anh Mike nào khác nữa nên chỉ nói với ông:

– Hơn ba mươi năm trước đây tôi cũng có một người anh rể tên là Mike Wright, quê quán ở miền Trung Bắc Mỹ. Tôi chỉ biết thế không biết có phải là anh Mikes con của ông bà không. Tôi từ Texas lên đây chơi nhưng chính là để nhìn thấy tên anh Mikes Wright một lần trên tấm bia đá này.

Ông mở mắt nhìn tôi kinh ngạc rồi kéo bà lên, nói với bà tin tức quan trọng đó. Ông luống cuống, mời tôi ngồi xuống tấm ghế đá trong khi bà cứ há miệng ra thẫn thờ chờ đợi. Rồi ông dồn dập hỏi.

– Tôi chắc là đúng rồi. Đấy cô coi có cái tên Mikes Wright nào khác đâu. Thế chị cô bây giờ ở đâu. Tôi muốn hỏi thăm tin tức về Mikes trong những ngày cuối cùng.

– Thưa ông bà, chị tôi vẫn còn ở Việt Nam. Chắc rằng chị tôi cũng chẳng biết gì hơn ông bà.

Như chính tôi đây chẳng biết gì hơn tin tức cuối cùng của chồng tôi và Mikes. Đầu tiên người ta chỉ thông báo cho chúng tôi là hai người đã mất tích sau một đợt tấn công của địch và cả tuần lễ sau mới tìm thấy xác mang về.

– Thế thì đúng như cô nói, chắc đúng là Mikes rồi. Khi chúng tôi đến nhận xác Mikes thì đã không mở ra được nữa vì những điều kiện vệ sinh.

– Nhưng tôi có một tin quan trọng về anh Mikes, không biết ông bà có muốn nghe không?

– Tin gì vậy, thưa cô. Chúng tôi không còn gì trên đời này ngoài hình ảnh của Mikes và những gì liên quan đến đứa con yêu thương của chúng tôi.

– Chị tôi có một người con với anh Mikes. Chính anh Mikes cũng không biết vì lúc vừa mới có thai, chưa kịp thông báo thì anh Mikes và chồng tôi đã không về nữa.

Ông bà liên tục kêu lên những lời thống thiết, không rõ là lời đau khổ hay mừng vui.

– Chúa ơi, thật thế sao! Chúa ơi! Chúa ơi!

– Thật thế thưa ông bà. Cháu giống Mikes lắm. Nếu ông bà thấy cháu là nhận ra ngay thôi.

– Thế bây giờ cháu ở đâu thưa cô.

– Cháu vẫn còn ở Việt Nam. Vì thương mẹ nên cháu không về Mỹ theo chính sách trở về quê cha của những đứa con lai.

Tôi và ông bà Wright cùng bước đi như trong cơn mơ vì sự gặp gỡ bất ngờ. Tôi cho ông bà địa chỉ, số điện thoại của tôi và nhận lại địa chỉ số điện thoại của ông bà ở Ohio để tiện bề liên lạc. Những thông tin ban đầu mặc dù đã chính xác, nhưng tôi muốn biết chắc tấm ảnh ngày xưa có phải là của chị tôi hay không. Chiều hôm đó ông bà Wright về lại Ohio. Tôi đoán ông bà vui vẻ lắm. Mất một đứa con cho cái xứ Việt Nam xa xôi nhưng ông bà sẽ được nhận lại một đứa cháu ngoan ngoãn và đứa con dâu còn giữ đúng truyền thống Việt Nam. Tôi biết chị tôi là một người đàn bà Việt Nam hiền thục. Tôi đã đoán không sai vì ba hôm sau khi tôi còn ở khách sạn thì tiếng điện thoại lại reo. Lần này ông bà Wright theo xe trở lên, mang cả gia đình đứa con gái gồm con rể và hai đứa cháu. Họ lái một chiếc xe van lớn mang theo cả tấm ảnh ngày xưa.

Gặp nhau tại công viên ông bà đưa tôi tấm ảnh và giải thích:

– Vội quá nên chúng tôi không book được vé máy bay. Vả lại Nathalie, em gái của Mikes và chồng con nó ở gần đó cũng muốn đi nên chúng tôi lái xe cho tiện.

Tấm ảnh chụp cách đây hơn ba mươi năm giờ đã ố vàng. Màu sắc phai theo thời gian nhưng vẫn còn sắc nét. Tôi cầm tấm ảnh như đưa tay chạm vào một phần quá khứ xa xăm. Trong ảnh, chị tôi người con dâu đất Mỹ, e ấp đứng bên người chồng râu tia xồm xoàm, đang đưa cánh tay khỏe mạnh ôm vòng lấy người con gái như ôm ấp chính cuộc đời cô.

– Đúng là chị tôi rồi….

Ông bà Wright mừng vui như mở hội. Bà như trẻ trung hẳn lên. Bao nhiêu bệnh tật gần như tan biến. Mấy người đi theo cũng lộ nét mừng vui hớn hở. Bà hỏi tôi những chuyến bay về Việt Nam với những dự định đi thăm viếng đứa cháu, con của người con tưởng như đã mất, bỗng dưng còn để lại trong cuộc đời này cả một phần huyết nhục. Tôi thưa với ông bà rằng tôi đã nói chuyện với chị tôi qua điện thoại. Chị cũng rất vui mừng về sự gặp gỡ này. Chị sẵn sàng cho cháu về quê nội cũng như chính chị sẵn sàng về làm dâu ông bà, chăm sóc cho ông bà trong lúc tuổi già đúng như truyền thống của người Việt Nam. Tôi đã biết tình yêu của chị dành cho Mikes nên không ngạc nhiên với quyết định này. Ông bà chăm chú nghe tôi giải thích phong tục Việt Nam là người vợ phải làm dâu phụng dưỡng cha mẹ chồng. Ông kêu Chúa ôi liên tục sau mỗi câu nói làm tôi có cảm tưởng như đang kể cho ông bà nghe về chuyện phong thần, nhưng tôi biết bây giờ đối với ông bà, đất trời là cả một mùa xuân.

Sau đó một thời gian dài, tôi lại bận bịu vì phải lo lắng dẫn ông bà Wright về lại Việt Nam. Bận bịu nhưng lòng tôi sung sướng. Tôi không giấu được xúc động khi nhìn thấy ông bà lần đầu tiên gặp lại đứa cháu nội sau hơn ba mươi năm thương nhớ người con đã khuất. Ông bà cứ kêu lên những lời vui mừng vang một góc sân và làm ngạc nhiên những người hàng xóm Việt Nam vốn không thiếu sự tò mò.

– Oh my God! He just looks like his father! Oh my God!

Bây giờ chị tôi, một người con gái Việt nam về làm dâu muộn màng trên đất Mỹ, đang thay cha mẹ chồng cai quản một nông trại trồng bắp ở Ohio với đứa con duy nhất của một cuộc tình nở vội trong cuộc chiến Việt Nam.

Lưu Hồng Phúc

Nguồn: http://tqlcvn.org/thovan/van-cuocgapgo-kydieu.htm

Nhân ngày Quân Lực: Nhìn lại chuyện sau “phỏng giái”

Phong trào vượt biên sau 1975 

Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Từ năm 1977 người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức độ một bà già nông dân miền Tây phải nói: “Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian lao cực khổ tới mức nào, hễ ra khỏi nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn ở lại trong nước mà chết lần chết mòn, người ta nghĩ vậy. Cha mẹ già chỉ có mỗi một người con mà cũng khuyên nó vượt biên; chồng đi “cải tạo” – nghĩa là bị giam trong những trại tập thể chưa biết bao giờ mới được về vì là “ngụy hạng nặng”, phải cải tạo tư tưởng, đời sống – cũng nhắn vợ con vượt biên được thì cứ vượt, dắt con theo. Một thanh niên vượt biên thoát mới tới Thái Lan đánh điện về cho cha mẹ: “Ba má nhớ hôm nay là ngày sinh nhật của con không?” và cha mẹ mỉm cười, hiểu.

Có ba cách vượt biên.

Cách chính thức, sướng nhất là có người thân, cha mẹ, vợ chồng hay con cái ở ngoại quốc xin cho được đoàn tụ gia đình. Trường hợp đó được chính phủ cho phép, được Ủy hội quốc tế tị nạn (Haut commissariat des réfugiés: H.C.R) giúp đỡ. Ðơn gởi rồi, sáu tháng hay một hai năm sau được đi. Sớm muộn là tùy mình biết “phải trái” hay không. Ði thì gia sản để lại hết, chỉ được mang theo ít tư trang với ít tiền ăn đường.

Cách bán chính thức, theo nguyên tắc, cho người Việt gốc Hoa, nhưng người gốc Việt mà muốn thành gốc Hoa thì cũng không khó. Có tiền là được hết.Một người đứng ra tổ chức, nộp đơn xin cho cả nhóm người -khoảng vài trăm- vượt biên kèm theo hồ sơ của từng người, và nộp cho chính phủ 4 lượng vàng. Chính phủ cho phép rồi, bọn người đó tập trung lại một nơi, hùn nhau đóng thuyền, đóng xong, chính phủ sẽ cho công an xuống xét thuyền, xét lí lịch, hành lí từng người (mỗi người cũng chỉ được mang theo ít tiền thôi), rồi cho phép nhổ neo ra khơi, chính phủ bảo đảm an ninh cho tới khi ra hết hải phận quốc gia, rồi từ đó thuyền muốn đi đâu thì đi, chính phủ không biết tới. Rất ít nước chịu tiếp thu bọn đó, và xét kĩ từng người rồi mới cho lên bờ.

Inline image

Có thuyền chở khẳm quá, thuyền đóng cho 200 người thì chở tới 300, lại thêm chính quyền địa phương gởi một hai trăm người nữa, ngồi chen chúc nhau như cá hộp, không nhúc nhích được, như vậy ba bốn ngày, ăn uống, đi tiểu rất bất tiện mà cũng rán chịu. Có chiếc vừa ra khơi được vài chục hải lí, gặp cơn dông, chìm, xác chết tấp vào bờ, ngổn ngang trên bãi cát.Có trường hợp chính phủ đã nhận đủ vàng, thuyền đóng chưa xong thì có lệnh trên hoãn các cuộc vượt biên chính thức lại; hoãn cả năm rồi và hiện nay (1980) còn rất nhiều người phải ở chỗ đóng thuyền, vì họ làm khai sinh giả, nhà đã bị tịch thu, chỗ đâu mà về. Họ xin chính phủ trả lại số vàng, chính phủ chỉ trả một phần ba, hoặc trả tất cả theo giá vàng chính phủ định, không bằng 1/5 giá vàng trên thị trường. Họ lêu bêu, thành một bọn vô gia cư, vô nghề nghiệp, sống cực điêu đứng.

Cách thứ ba là đi chui, nghĩa là đi lậu. Một người đứng ra tổ chức, một nhóm từ 20 đến 4-5 chục người, hùn nhau từ 4 đến 7-8 lượng vàng đóng thuyền, kiểu thuyền đánh cá, mua một bãi biển, nghĩa là đút lót cho công an, chính quyền ở làng có bãi biển, đút lót cả cho công an vài nơi chung quanh để người vượt biên khỏi bị xét hỏi, thuyền yên ổn được rời bến ban đêm. Công an những nơi có bãi biển đó nhờ vậy làm giàu rất mau, có kẻ chỉ một hai năm được vài chục lượng vàng và ôm vàng vượt biên. Do đó mà trong dân gian xuất hiện truyện tiếu lâm dưới đây.

“Một hôm nọ, người canh gác lăng bác Hồ bỗng thấy xác ướp của bác biến đâu mất, hoảng hốt đi tìm khắp nơi, tìm ở nhà sàn của bác không thấy, về quê hương bác ở Nghệ an cũng không thấy, nghi rằng bác vào chơi thành phố của bác, liền vào Sài Gòn kiếm, sau cùng một đêm, thấy bác ngồi một mình, rầu rĩ ở bến Sáu kho, thành phố Hồ Chí Minh, hỏi bác, sao lại ra ngồi đấy, bác đáp: Bác không muốn ở nước này nữa, muốn qua phương Tây đây, mà tụi công an đòi bác sáu cây, bác có cây đâu mà nộp cho chúng.” – “Cây” là “cây hai lá rưỡi” nói tắt, tức một lượng vàng vì mỗi lượng có hai lá rưỡi vàng.

Thường là thoát được, ít khi gặp tàu tuần; nhưng nhiều khi gặp bão, thuyền chìm, làm mồi cho cá mập, hoặc gặp bọn cướp biển Thái Lan. Chúng vơ vét hết, chỉ chừa cho mỗi người một cái quần cụt, và có thiếu phụ bị chúng hiếp dâm tới 19 lần. Sau cùng may phước tới được bờ biển Thái Lan hay là một đảo Mã Lai – sướng nhất là được một tàu phương Tây vớt – lúc đó mới kể là còn sống.

Có một trường hợp xui lạ lùng. Một đoàn người lên được một đảo Mã Lai, ở được ít lâu rồi một hôm chính quyền trong đảo lùa họ xuống hết thuyền của họ, bảo để đưa đến một đảo khác; nhưng ra khơi, chúng cắt đỏi cho thuyền trôi đâu thì trôi (máy móc bị chúng gỡ rồi) và ít ngày sau, thuyền giạt vào bờ biển Cà Mau, bị bắt giam hết, người thì 5-6 tháng, người thì 3 năm.

Mặc dầu nguy hiểm như vậy, người ta vẫn không sợ, thua keo này bày keo khác. Có người tới lần thứ tư mới thoát, lại có người lần thứ 10 vẫn chưa thoát, mà sản nghiệp tiêu tan hết, không biết sống bằng nghề gì.

Có người mạo hiểm dám băng ra khơi bằng một chiếc tắc ráng (ho-bo): loại xuồng nhỏ, chở được độ mươi người, chạy bằng xăng, lướt trên nước rất mau. Vậy mà thoát được.

Từ cuối 1979 thêm một cách vượt biên nữa bằng đường bộ, ngã Cao Miên. Hoặc theo xe nhà binh, hoặc theo người Miên đi buôn lậu, lên tới Nam Vang rồi tới Battambang, Siophon. Phải mang theo vàng để đóng thuế mãi lộ. Tới biên giới Thái Lan, nếu biết tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ được Ủy hội quốc tế tị nạn giúp đỡ. Nghe nói cách đó chỉ tốn 2-3 lượng, mỗi chuyến đi chỉ được vài ba người ăn bận như bọn buôn lậu. Cũng nguy hiểm như vượt biển. Một đứa cháu nhà tôi trong túi chỉ có 100 đồng, không biết tiếng Miên, không quen ai ở Miên mà cũng vượt biên cách đó.

Người nào vượt biên được một nước nào tiếp thu rồi, được trợ cấp hay kiếm việc làm rồi, cũng gởi ngay về cho thân nhân một gói thực phẩm, thuốc uống, quần áo… bán được một hai ngàn đồng. Họ làm lụng cực khổ, (rửa chén trong quán ăn…) nhịn hút thuốc để giúp gia đình vì biết rằng người ở lại thiếu thốn gấp mười họ.

Chính nhờ họ mà nhiều gia đình miền Nam mới sống nổi, nhờ họ một phần mà dân miền Nam có thuốc tây để uống, có vải may quần áo, không đến nỗi rách rưới quá. Trong hoạn nạn tình cha mẹ, con cái, vợ chồng lúc này lại đằm thắm hơn xưa. Cái rủi thành cái may.

Về vật chất họ được đầy đủ, nhưng về tinh thần họ rất đau khổ. Nhớ bà con họ hàng, nhớ quê hương xứ sở, nhớ day dứt, gia giết. Họ khóc thương thân phận anh hay em ở trong các trại cải tạo mỗi bữa chỉ được một nắm bo bo; thân phận cha mẹ chú bác phải đẩy chiếc xe bán củi, bán chuối dưới mưa, dưới nắng, đau ốm không có thuốc uống; thân phận con cháu quanh năm không được một li sữa, một cục đường. Ở một xứ gần như trời luôn luôn u ám, họ ước ao được nhìn thấy một tia nắng, một nền trời xanh, và khi trời xanh, ánh nắng hiện lên thì họ càng nhớ quê hơn nữa; họ muốn vuốt ve thân cây chuối nhẵn bóng và mát rượi; được nhìn thấy ánh vàng nhảy múa trên những tàu dừa phe phẩy dưới gió nồm; nhìn hoài những con đường thênh thanh trải nhựa, họ chán ngấy, mơ tưởng được đi chân không trên những con đường đất ở giữa hai bờ cỏ, dưới bóng lưa thưa của hàng so đũa, ven một cánh đồng lúa xanh; mặt đất ấm hơn mặt đường nhựa biết bao mà có gì thơm mát bằng mùi lúa xanh, sau mấy năm ngửi mùi xăng nhớt.Có những thiếu phụ thay đổi hẳn tính tình: ở nước nhà thì thích trang điểm, đi dạo phố, họp bạn; qua nước người thì suốt ngày ở trong phòng lau chùi, quét tước, nấu ăn cho chồng con, không chịu ra đường, chồng con lôi kéo cũng không đi; một ngày kia họ sẽ loạn tinh thần mất. Khổ nhất là những bà 50-60 tuổi, không biết ngoại ngữ, không sao thích ứng được với đời sống Tây phương, mới xa quê được một năm đã đòi về, ngày nào cũng ngóng tin nhà, và được thư thì đọc đi đọc lại tới thuộc lòng. Ngày đêm họ cho quay băng “Sài Gòn ơi, li biệt” của Thanh Thúy, băng “Ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong” của Phạm Duy mà khóc mướt. Giọng ảo não không kém bài hát của dân tộc Do Thái khi bị đày ở Babylon hồi xưa.

Trong số những người ở lại, đáng thương nhất là những cặp vợ chồng già không có con cái, bị chính phủ chặn lương hưu trí, rán sống lây lất vài năm, bán hết đồ đạc để ăn rồi tự tử.

Rồi tới những người sản nghiệp tiêu tan vì đi kinh tế mới hoặc vì vượt biên mấy lần mà thất bại, sống cầu bơ cầu bất ở vỉa hè các thành phố lớn nhỏ như bọn ăn mày.

Rồi những cô giáo, cô kí chồng đi cải tạo 5 năm đằng đẵng, ở nhà xoay xở đủ cách, làm việc đêm ngày, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bốn năm đứa con, vài tháng lại tiếp tế cho chồng một lần. Họ vì hoàn cảnh mà hóa đảm đang, tư cách lại càng cao lên, không chịu nhận sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè.

Rồi những thiếu nữ học hết Ðại học sư phạm hay Luật mà không muốn làm công nhân viên vì lương thấp quá, kiếm một cái sạp nhỏ nửa thước vuông bán thuốc rời hay quần áo cũ, thuốc tây ở lề đường, vất vả nhưng kiếm được 10-15 đồng mỗi ngày, đủ cơm cháo cho cha mẹ và em. Họ lễ phép, chăm chỉ, dễ thương.

Tất cả những người đó và còn nhiều hạng người khác nữa đáng tự hào là ngụy. Ngụy mà như vậy còn đáng quí gấp trăm bọn tự xưng là “cách mạng” mà tư cách đê tiện.

Có ai chép Ba đào kí cho thời đại này không nhỉ? Trong tập kí đó dày ít cũng vài ngàn trang, truyện buồn rất nhiều mà truyện vui cũng không thiếu, truyện nào cũng cảm động, đánh dấu một thời và làm bài học cho đời sau được.

nguồn: diendantheky.net

Thương tiếc một Hạm trưởng

Thương tiếc một Hạm trưởng

Ngày 25 tháng 3 2019, Hải quân Thiếu tá Phạm Thành vĩnh viễn ra khơi.

Những ngày cuối cùng trong đời quân ngũ của anh, được chính anh kể lại…..

HQ 14 VÀ NHỮNG THÁNG CUỐI CỦA CUỘC CHIẾN 1975

                                                     Phạm Thành

1. Lời Tựa
Sau khi chuyển giao Hộ Tống Hạm Vạn Kiếp II (HQ 14) cho Hải Quân Hoa Kỳ tại Subic Bay năm 1975, gia đình chúng tôi nhập trại tỵ nạn tại Goam và sau đó được đưa qua lục địa Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 1975 để nhập trại tỵ nạn Indian Town Gap, Pennsylvania. Đến tháng mười 1975, chúng tôi được xuất trại, về định cư tại thành phố nhỏ Wilkes Barre thuộc tiểu bang Pennsylvania. Sau đó, theo công việc làm, chúng tôi dời lên Long Island, New York; và cuối cùng, chuyển về Annapolis, Maryland. Tôi đã về hưu cách đây ba năm lúc 71 tuổi, hiện sống với vợ tại Annapolis. Hai con gái của chúng tôi đã lập gia đình. Chúng tôi có 2 cháu ngoại.
Từ khi đến Hoa Kỳ, nhiều lần nhớ đến anh em cùng chiến hạm, tôi muốn viết lại vài dòng để làm mối dây liên lạc và cùng ôn lại quá khứ. Nhưng vì bận bịu với gia đình, học hành, và việc làm, nên tôi cứ hẹn rày hẹn mai mãi, nay tôi mới quyết định viết bài này , để chia sẻ với các chiến hữu , các Huynh Đệ Hải Quân VNCH, mong ước được ôn lại kỷ niệm cũ và liên lạc với anh em thuộc HQ 14, những chiến hữu đã cùng tôi chiến đấu bảo vệ tự do, chia sẻ vui buồn, hiểm nguy, nhọc nhằn gian khổ, nhất là trong những tháng cuối của cuộc chiến tháng 3 và tháng tư, 1975. Tôi xin cầu mong cho anh em và gia đình ở ngoại quốc và trong nước luôn được mọi sự bình an.
Vì tôi còn giữ được quyển nhật ký riêng tôi viết trong thời gian ấy, nên ngày tháng và các chi tiết quan trọng trong bài này đều chính xác. Ngoại trừ một số ít chi tiết dựa trên trí nhớ, có thể sai lạc chút ít. Mong anh em HQ 14 đính chính giùm.
2. HQ 14 vào sửa chữa Tiểu Kỳ

Sau chuyến công tác dài trên ba tháng đầy sóng gió, HQ 14 trở về Saigon ngày 13 tháng 3 để vào Tiểu Kỳ, Thủy thủ đoàn ai cũng vui mừng vì được gần nhà hơn một tháng. Riêng tôi, đây cũng là dịp được gần vợ con. Chúng tôi cưới nhau đầu nằm 1973.  Đến nay, con gái đầu lòng của chúng tôi đã sắp tròn một năm. Tôi cần thời gian để làm quen với nó. Hồi nó mới sanh ra, tôi còn làm hạm trưởng HQ 404, sau đó được thuyên chuyển qua HQ 14. Từ đó đến nay, chiến hạm tôi đã hải hành dài hạn liên miên, cứ mỗi lân về bến, nó lại đứng xa xa nhìn tôi như người xa lạ. Tôi cảm thấy thấm thía với cuộc đời Hải Quân và cũng thông cảm hơn với nhân viên của tôi.

Theo thường lệ, khi chiến hạm về Saigon, tôi cho nhân viên làm việc đến 12 giờ trưa thì hai phần ba được đi bờ cho đến sáng hôm sau. Nhưng trong thời gian Tiểu Kỳ, mọi người phải làm việc đến bốn giờ chiều. Ngoài công việc liên lạc Hải Quân Công Xưởng  liên quan đến viêc sửa chữa máy chánh, máy điện, hệ thống phòng tai, điện tử, truyền tin… thủy thủ đoàn còn phải lo lãnh đạn hải pháo tại Thành Tuy Hạ, lãnh tiếp liệu tồn kho, bảo trì chiến hạm hằng ngày, huấn luyện các nhiệm sở Phòng Tai, Tác chiến…

Sau khi sửa chữa Tiểu Kỳ hoàn tất vào ngày 24 tháng 2, Trường Chiến Hạm bắt đầu chương trình Huấn Luyện HQ 14 tại bến, và sau đó, tại Vũng Tàu, cho đến ngày 8 tháng 3.
3. Chuyến Công Tác Vùng I Duyên Hải
Sáng ngày 21 tháng 3, chỉ vài ngày sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh Triệt Thoái Quân Đội khỏi Vùng Cao Nguyên, tôi lên BTL/HQ/P3 nhận lệnh công tác đi bảo vệ dàn khoan Ocean Prospector, cách Côn Sơn 188 hải lý về phía đông nam. Nhưng sau đó, trên đường đi, vào lúc 3 giờ 30 chiều, tôi lại nhận được lệnh đổi hướng đi công tác V1ZH. Biển tương đối êm và chúng tôi có một chuyến hải hành thoải mái. Ngồi trên đài chỉ huy, ngắm sao trời và những ngọn đèn le lói từ các ghe đánh cá nhấp nhô trên sóng nước, tôi lại suy nghĩ miên man đến cuộc chiến, không biết mai đây số phận của Miền Nam sẽ đi về đâu. Tôi tự nhủ, dù sao tôi và thủy thủ đoàn vẫn phải giữ vững tinh thần chiến đấu cho đến phút cuối cùng. Chúng tôi vẫn còn hy vọng!
Mãi đến 6 giờ chiều ngày 23, HQ 14 mới đến BTL/V1ZH. Tôi cặp cầu Tiên Sa và lên trình diện TL/V1ZH, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Tôi được lệnh khởi hành ngay trong đêm đến khu vực hành quân 1B1, ngoài cửa Thuận An, để yểm trợ Bộ Binh rút quân về nam, qua đường biển. Đô Đốc Thoại có hỏi tôi: “Hạm Phó của anh có đủ khả năng chỉ huy chiến hạm khi có bất trắc gì xảy ra cho anh không?”. Tôi mạnh dạn trả lời: “Thưa Đô Đốc, tôi đã huấn luyện Hạm Phó đầy đủ”. Đô Đốc Thoại nói thêm: “Khi ra đến vùng hoạt động, anh chờ khi có lệnh của tôi thì tách ra, thành lập một phân đội riêng, và tiến ra gần vĩ tuyến 17. Phân đội của anh có nhiệm vụ ngăn chặn và tiêu diệt các chiến hạm, chiến đỉnh Bắc Việt khi chúng tiến vào Nam”. Tôi chào Đô Đốc Thoại và về chiến hạm ngay. Biết rằng tình thế đã đến giai đoạn nguy ngập.
3.1. HQ14 bị  bắn tại vùng hỏa tuyến
HQ 14 đến vùng hành quân ngoài cửa Thuận An lúc 2 giờ sáng ngày 24. Đến 9 giờ sáng, tôi bắt đầu cho chiến hạm đi theo đội hình với HQ 07. HQ 08 cũng đã đến vùng và nhập đội hình. Khoảng trưa, tôi quan sát thấy Bộ Binh hành quân bên trong, chắc cũng để yểm trợ rút quân. Tôi không có tần số để liên lạc với Bộ Binh. Lúc này HQ 709 đã được lịnh rời vùng hành quân, trở về Tiên Sa. Như vậy, trong vùng chỉ còn HQ 07, HQ 8, HQ 609, và HQ 14.
Vào khoảng sau 4 giờ chiều, tôi được lệnh tách ra khỏi đội hình để thành lập phân đội riêng, và tiến ra vĩ tuyến 17. Tôi lên đài chỉ huy để đích thân điều khiển chiến hạm. Nhưng trước khi tôi có thì giờ thành lập phân đội gồm HQ 14 và HQ 609, tôi nghe hai tiếng nổ thật chát chúa như tiếng bom. Nước tung tóe gần trước mũi chiến hạm. Nhìn lên bầu trời trắng đục, đầy mây trắng bao phủ, tôi thấy hai chiếc máy bay  lợi dụng thời tiết, bay cao trên mây để tránh bị phát giác và bất thần nhào xuống, thả 2 quả bom, nhắm chiến hạm tôi nhưng trật. Chúng bay vút đi. Chiến hạm không hư hại. Nhưng bất thần, chỉ vài phút sau, một lần nữa, hai chiếc máy bay này vòng trở lại, ném thêm 2 quả bom nữa. Lần này, các quả bom cũng không trúng chiến hạm, chỉ rơi trên biển, bên hữu hạm gần phòng ăn của đoàn viên. Nhưng các mảnh bom bay tung tóe, đâm thủng rất nhiểu lỗ bên hữu hạm. Rủi thay, đúng lúc này, nhân viên đang chạy lên nhiệm sở tác chiến, ngang phòng ăn, vì vậy tổng số nhân viên bị thương lên thật cao. Thêm vào đó, 4 nhân viên ở các nhiệm sở 40 ly, 20 ly, và hầm máy bị tử trận. Sau đây là tổng kết tổn thất của chiến hạm:
Tử trận (5): TSI/VC Bùi Đức Hùng (40 ly), TS/CK Trần Văn Trung (hầm máy), HSI/VC Đặng Hữu Thành (20 ly), TT/TS Lưu Chảy (40 ly), HIS/QK Lê Văn Quí. Theo nhật ký, tôi ghi 4 tử trận, nhưng lại liệt kê tên 5 người. Điều này cần kiểm chứng.
Bị thương nặng (10): TT/TS Nguyễn Hữu Trí, TT/TS Nguyễn Văn Hinh, HS/QK Nguyễn Xuân Quí, HS1/KT Nguyễn Văn Hòa, HS1/GL Cao Ngọc Bé, HS1/PT Hồ Thanh Siêng, TS/VC Nguyễn Văn Hùng, TS/GL Nguyễn Văn Vỉnh, TT1/TX Hồ Văn Sáu.
Bị thương nhẹ (10): ThS/VC Nguyễn Văn Thủ, TS1/VC Phạm Văn Túc, TS1/TP Trần Thiểu, TS/TV Nguyễn Văn Bình, HS1/CK Lê Văn Hùng, HS1/TP Đoàn Văn Ba, TT/TS Nguyễn Hữu Phúc, TT/TS Trần Văn Minh, TT/TS Hoàng Thanh Long, ThS/KT Trần Đình Phương.
Tổn thất vật thể: Cơ khí, Điện khí, Vỏ tàu, Phòng tai, Vũ khí, Vô tuyến, và vật dụng linh tinh. Máy điện hư. Hệ thống tay lái điện bất khiển dụng. Hệ thống vô tuyến bất khiển dụng, không liên lạc được với BTL/HQ/V1ZH, phải dùng máy truyền tin cầm tay để cố gắng liên lạc với các chiến hạm trong vùng hành quân. Y Tá và thủy thủ đoàn đã nỗ lực tối đa để săn sóc và cứu chữa các nhân viên bị thương, sửa chữa máy điện, hệ thống truyền tin… Cuối cùng HQ 07 đã nghe được và đến phụ giúp tải thương, nhưng vì biển động, phải tách ra và chỉ có một số nhân viên tử thương và bị thương được đưa qua HQ 07 để chuyển về Bệnh Viện Duy Tân Nẵng.
Sau khi máy điện và hệ thống truyền thanh được sửa chữa xong,  HQ 14 liên lạc được với BTL/HQ/V1ZH để báo cáo và xin về cặp cầu Tiên Sa để tải thương và sửa chữa. HQ 14 về cặp cầu sáng sớm ngày 25. Các nhân viên bị thương được chở qua bệnh viện quân đội Duy Tân bên Đà Nẵng để điều trị. CCYTTV/HQ bắt đầu cấp tốc sửa chữa để chiến hạm có thể chạy về Saigon. Tối ngày 26, tôi được lệnh chở gia đình Hài Quân về Saigon. Ngay sau đó, chiến hạm bắt đầu tiếp nhận gia đình quân nhân cho đến sáng hôm sau.
Nghĩ rằng Đà Nẵng sẽ thất thủ trong một ngày rất gần, tôi mượn xe của CCYTTV/HQ, chạy qua bệnh viện Duy Tân xin cho tất cả nhân viên của tôi được xuất viện và cuối cùng, tất cả đều được chuyển về bệnh xá CCYTTV/HQ, ngoại trừ một nhân viên giám lộ bị gẫy mất một cánh tay, phải ở lai thêm để điều trị. Tôi rất buồn vì tôi muốn, khi chiến hạm khởi hành, tôi sẽ đem tất cả các nhân viên của tôi về Bệnh Xá HQ Bạch Đằng (Saigon). Đi ngang qua thành phố Đà Nẵng, tôi thấy người đi lố nhố đầy đường. Không biết họ đi đâu, đi tìm đường về Saigon? Hay là Việt Cộng đã trà trộn vào dân? Tuy không có bạo động, tình thế có vẻ hỗn loạn. Tôi biết chắc Đà Nẵng sẽ thất thủ nay mai.
3.2  Di Tản Gia Đình HQ từ Đà Nẵng về Vũng Tàu
Sáng ngày 30 tháng 3, một số gia đình Hài Quân đã lên tàu nhưng chưa đầy đủ. Tôi được lệnh đem chiến hạm ra neo trong vũng Tiên Sa, chờ tiếp nhận thêm cho đủ khoảng 600 người. Sau khi thả neo, tôi đi quanh chiến hạm vài vòng để biết tình trạng của các gia đình quá giang, rồi lên đài chỉ huy ngồi quan sát. Dãy núi Tiên Sa sừng sững trước mặt. Trong nhiều năm qua, tôi đã ra vảo hải cãng này nhiều lần, đã thưởng thức vẽ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hòa lẫn với mây trời sóng nước, mà tâm hồn thấy thoải mái, dù chỉ trong chốc lát, trước khi con tàu ra khơi, lướt sóng đại dương! Nhưng hôm nay, tôi cảm thấy buồn thấm thía, linh cảm một mất mát lớn sắp xảy ra. Tôi sẽ không bao giờ có dịp đem con tàu trở lại vùng biển này nữa!
Một số ghe nhỏ đang chèo đến gần lái của chiến hạm và nhân viên canh gác ra hiệu cho họ ngưng lại, chờ lệnh của tôi. Tôi đi ra sân sau chiến hạm, nhìn những khuôn mặt hốt hoảng của người lớn lẫn trẻ con, tôi không cầm lòng được! Họ chỉ là những người dân, không thuộc gia đình Hải Quân, đang hớt hãi tìm đường chạy trốn Cộng Sản. Trên tàu không ai quen biết với họ. Tôi ra chỉ thị cho sĩ quan và nhân viên áp dụng các tiêu lệnh an ninh trước khi cho họ lên tàu.
Gia đình Hải Quân tiếp tục lên tàu. Đến chiều, HQ 14 khởi hành về Saigon. Chiến hạm về đến Vũng Tàu chiều 31, tháng 3. Theo lịnh chuyên chở, tôi cho các gia đình HQ và khách quá giang lên Vũng Tàu, trước khi chiến hạm tiếp tục về Saigon. HQ 14 về đến Bến Bạch Đằng ngày 1 tháng 4 và cặp tai cầu E trong HQCX để tải thương và sửa chữa. Chiếu theo tập hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cũng trong ngày này, Đà Nẵng đã bỏ ngỏ. Đô Đốc Thoại và tất cả lực lượng yểm trợ V1ZH đã rời vùng này, trực chỉ Qui Nhơn dưới sự điều động của BTL/HQ. Sau đó, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Chiến Thuât (OTC) để yểm trợ chiến trường Qui Nhơn .
Trong thời gian này, tôi có dịp gần nhà. Con gái tôi vừa được một năm và đã nhận ra tôi. Chiều chiều, tôi bế nó đi quanh chung cư Phạm Thế Hiển. Nó mở mắt lớn, tò mò nhìn khung cảnh chung quanh. Tôi thấy thương nó quá và, trong chốc lát, tạm quên thế sự đang biến chuyển từng giây phút. Sinh hoạt quanh chợ Phạm Thế Hiển vẫn bình thường, nhưng nhìn ánh mắt của phần lớn các bà, các cô bán hàng, tôi thấy những nét ưu tư thật khó tả. Tôi nghe đồn, nhiều gia đình đang tìm đường chạy.
Có một đêm, sau bữa ăn tối, hai vợ chồng tôi ngồi, bàn bạc với nhau về tình hình cuộc chiến. Tôi cũng không biết quyết định của các “ông lớn” trong Hải Quân như thế nào. Vợ tôi hỏi: “Em và con có thể lên tàu đi công tác với anh không?” Tôi ngần ngừ một lúc rồi lấy hết can đảm đáp: “Chắc không được đâu em. Tàu anh là tàu chiến. Vã lại, nếu anh cho em và con đi thì anh phải cho gia đình tất cả thủy thủ đoàn đi. Điều này chắc không được”. Vợ tôi buồn buồn nói: “Thôi, anh cứ yên lòng mà đi. Ở lại nhà, em sẽ lo săn sóc con. May ra Cậu (bố của vợ tôi) có thể tìm phương tiện máy bay cho gia đình đi, vì Cậu làm cho cơ quan Mỹ ở Saigon. Nếu khi mất nước, anh thấy an toàn để về đón gia đình, thì anh về. Nếu không, anh cứ đi ra ngoại quốc và tìm cách liên lạc với em sau”. Tôi thấy cảm động quá, nghẹn ngào thương cho sự hy sinh và phục cho lòng can đảm của vợ tôi. Tôi muốn ôm vợ tôi vào lòng để an ủi. Nhưng biết nói gì đây trong hoàn cảnh bất định này? Tôi chỉ khẻ gật đầu, ngồi yên lặng, cố nén hai dòng lệ muốn trào ra…, rồi quay qua nhìn con gái chúng tôi đang ngủ say. Nhiều lần trước, khi nhìn nó ngủ, tôi thường mơ đến cảnh thanh bình sau chiến tranh, và Miền Nam chiến thắng. Vợ chồng tôi sẽ nắm tay nó, dẫn đi Sở Thú, đi về Huế, về Hải Phòng thăm quê nội ngoại… Nhưng bây giờ, giấc mơ đó hầu như đã tiêu tan, chỉ còn cầu mong có một phép mầu xảy ra để quân nhân VNCH đâp tan được âm mưu xâm lược của CSBV. Nếu không, xin cho tất cả sẽ được an toàn và có dịp đoàn tụ ở một nơi nào đó, trên một xứ tự do. Nơi ấy có thanh bình, công lý, và dân chủ.
4. Công Tác Vùng III Duyên Hải
Trong lúc HQCX tiến hành việc sửa chữa vỏ tàu, và các hệ thống đã hư hỏng trong biến cố vừa qua tại V1ZH, nhân viên chiến hạm lo bảo trì súng phòng không, hệ thống máy chánh, hải pháo, radar, truyền tin, phòng tai, vận chuyển… và xin tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt… để chuẩn bị cho chuyến công tác sắp đến. Tôi chỉ định Thiếu Úy T lo hồ sơ tử tuất cho các nhân viên đã tử trận, lo chuyển giao di sản, và đón tiếp thân nhân. Tôi cho gởi TT/TS Nguyễn Văn Hùng nhập TYV Cộng Hòa.   Ngày 2 tháng 4, tôi chỉ định Hạm Phó, SQ/CTCT, và Y Tá lên Bệnh viện HQ Bạch Đằng đón bà Trần Nguơn Phiêu đến thăm thương binh. Tôi định sẽ đến nếu không bận. Nếu bận, tôi sẽ đến thăm anh em ngày hôm sau. Tôi cho thao dợt Nhiệm Sở Phòng Không mỗi ngày lúc 3 giờ chiều.
Ngày 8 tháng 4, lúc 8:30 sáng, một chiếc F5 của Không Quân bắn Dinh Độc Lập. Hải Quân chỉ định các chiến hạm sau ứng chiến phòng không: HQ 5, HQ 17, HQ 5, HQ 229, HQ 329, HQ 606, và HQ 231.
Lúc này Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đã tràn vào Bình Định, Qui Nhơn, và Phú Yên. Bộ Binh từ Tuyên Đức rút về Đà Lạt, sau đó Đà Lạt mất. Quân đội ta vẫn còn trấn giữ các tỉnh từ Nha Trang trở xuống. Tôi không nghe đồn có một mật ước nào cả giữa Mỹ và Trung Cộng. Trong lúc này, Miền Nam vẫn giữ lập trường “Không cắt đất, không chấp nhận liên hiệp”. Hải Quân vẫn còn giữ vững V3ZH, V4ZH, và V 4 Sông Ngòi, tuy nhiên tất cả đều đang trong tình trạng báo động.
Hiện tại, thủy thủ đoàn HQ 14 gồm có 17 sĩ quan, 37 hạ sĩ quan, và 54 đoàn viên hiện diện. Ngoài ra còn 12 nhân viên đi phép và 7 nhân viên còn nằm bệnh viện. Thêm vào đó, tôi còn tiếp nhận 70 nhân viên tạm trú thuộc HQ 2, 3, 07, 11, 12, 16, 800, và 228.
Sáng ngày 8 tháng 4, một F5 thuộc Không Quân VNCH bắn Dinh Độc Lập. Hải Quân được lệnh ứng chiến phòng không. Tôi chỉ thị Thiếu Úy T và toán ẩm thực đi chợ thêm để dự trữ cho chuyến công tác dài hạn sắp đến.
Sáng ngày 12 tháng 4 lúc 9 giờ sáng, HQ 14 khởi hành công tác V3ZH. Chiến hạm ra khỏi sông Lòng Tảo, đến Vũng Tàu và nhập V3ZH lúc 1 giờ trưa. Sau khi chuyển giao tất cả nhân viên tạm trú cho HQ 802, tôi cho chiến hạm trực chỉ phía bắc Vũng tàu, để thay thế HQ 618. Đến ngày 16, lúc 10 giờ 45 sáng, tôi khởi hành đi Phan Thiết. Nhưng đến 12 giờ 30 sáng lại được lệnh đổi đường đi Phan Rang. Lúc này Phan Rang đã bị Cộng Sản tràn ngập. Chuẩn Tướng Nhật và TKT/TK Khánh Hòa đã lên được HQ 3. Không có tin tức gì về Tướng Nghi. Ban đêm HQ 14 tuần tiễu từ Hòn Lao đến Lagran. Tôi cho báo cáo về Trung Tâm Kiểm Soát Cam Ranh (?) tình trạng kỹ thuật và đạn dược trên HQ 14 như sau: máy điện số 2, bơm cứu hỏa số 2, và motor số 2 của Frigo bất khiển dụng. Chiến hạm hiện tồn trữ 110 ngàn lít dầu, trên 5 ngàn lít nhớt, 20 tấn nước ngọt, 441 viên đạn đại bác 76 ly, trên 3 ngàn đạn 40 ly, trên 13 ngàn đạn 20 ly, một số đạn đại liên và  chiếu sáng. Với khả năng này, và nếu máy điện số 1 (máy điện duy nhất còn khiển dụng) vẫn chạy tốt thì chiến hạm còn khả năng hoạt động vài tháng nữa, không cần tiếp tế. Chỉ còn vấn đề thực phẩm, chỉ còn khoảng 2 tuần, ngoại trừ gạo còn rất nhiều. Tôi cho cắt bớt khẩu phần thịt và rau vì không biết bao giờ mới được ghé bến tiếp tế, và không tiên liệu được chiến tranh còn kéo dài bao lâu nữa. Đồng thời tôi giới hạn việc dùng nước ngot, vì máy chế tạo nước ngọt đã hư từ lâu. Tiêu lệnh này được áp dụng từ Hạm Trưởng đến đoàn viên. Sau này nghĩ lại, tôi thấy cảm phục nhân viên của tôi nhiều về tinh thần kỷ luật, can đảm, và sức chịu đựng lớn lao của họ.
Trưa ngày 18 tháng 4, chiến hạm đến gần mũi Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây Quốc Lộ 1 có môt đoạn ngắn  chạy ra tận biển. Sau này, chiếu theo bài tường thuật “Măt TrậnPhanRang”( http://nhaydu.com/index_83hg_files/left_files/MatTranPhanRang.htm tôi biết được bên trong đất liền, tuần trước, hai Lữ Đoàn Nhảy Dù và Quân Đoàn 3 còn hiên ngang trấn thủ Địa Đầu Giới Tuyến này mặc đầu đã bị thiệt hại nặng, nay Phan Rang đã bị Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tràn ngập. Một người bạn thân của gia đình bên vợ tôi, Đại Úy Đinh Quốc Tuấn thuộc Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đã anh dũng chiến đấu và đã tử trận ngày 15.  Sau đó, Trung Tướng Nghi cũng đã bị đich bắt.
Tôi cho chiến ham tiến vào cách bờ khoảng  9 ngàn yards để quan sát. Nhìn qua ống nhòm, trên Quốc Lộ 1, tôi thấy xe tăng, xe chuyển vận, đại pháo của CSBV đang kéo nhau đi sờ sờ trên quốc lô, hướng về nam. Tôi nóng máu. Suốt thời gian làm Duyên Đoàn Phó ZD 13 ở Cửa Tư Hiền, nhiều lần tôi đã dẫn quân đi phục kích và chạm trán với CSBV khi chúng chuyển quân từ Phú Thứ, qua Quốc Lộ 1 để vào dãy Trường Sơn. Anh em chúng tôi đã hạ chúng sát ván. Nay thấy tận mắt đoàn xe của chúng đang đi lừ lừ giữa thanh thiên bạch nhật, tôi không chịu nổi. Tôi quyết dùng hết hỏa lực để làm chậm bước tiến của chúng, để quân ta có thêm thời giờ rút lui. Tôi vận chuyển chiến hạm vào gần bờ thêm chút nữa và đích thân hướng dẫn hải pháo 76 ly bắn vòng cầu vào toán quân xa này. Viên đầu tiên rơi gần quốc lộ. Qua ống nhòm, tôi thấy chúng dừng lại. Tôi điều chỉnh và cho bắn tiếp, nhưng vô hiệu. Sóng biển chỉ lắc một tí là đạn rơi sai đi vài chục yards! Bắn một hồi, thấy bụi mù bay tung tóe, nhưng không biết có mảnh đạn nào trúng chúng nó không, tôi đành cho ngưng để tiết kiệm đạn, đồng thời vận chuyển chiến hạm ra xa bờ để tránh đạn địch, có thể bắn ra từ đại pháo của chúng.
Một lúc sau, qua máy truyền thanh trên đài chỉ huy, tôi nghe giọng nói của Hạm Trưởng HQ 11 gọi tiếp viện. Trước đó, HQ 11 đã tiến vào bờ gần Cà Ná để bắn triệt hạ một cây cầu nhằm trì hoãn địch. Cầu không sập, trái lại CSBV bắn ra tới tấp, và HQ 11 cần HQ 14 yểm trợ hải pháo để rút ra xa bờ. Lập tức, tôi gọi nhiệm sở ứng chiến 100/100 đồng thời cho HQ 14 tiến hết tốc lực về phía cầu. Càng lúc càng gần bờ. Tôi leo lên đài quan sát nhỏ bên trên đài chỉ huy, tay chỉ hướng bắn cho hải phào 40 ly, miệng la hét để kích thích nhân viên. Đạn 40 ly nổ ran dọc theo bờ biển. Một lúc sau, HQ 11 rút ra đến chỗ an toàn, tôi cho bắn cầm chừng và rút tàu về vị trí cũ. Tôi gởi công điện thỉnh cầu thượng cấp kêu gọi Không Quân ra bắn đoàn quân xa của CSBV nhưng được trả lời: “Không Quân đang lo yểm trợ trấn thủ Saigon”.
Lúc này, HQ 17 đã đến vùng và đảm nhận OTC. Đô Đốc Minh, trên HQ 3, đến điều động tại chỗ. Hồi trưa này, nhìn lên trên rặng núi bên trong, tôi thấy hàng trăm ánh sáng nhỏ nhấp nhánh, tôi biết quân ta đã tan rã, có lẽ đang tìm đường rút lên núi. Một số  trong đó thuộc Lữ Đoàn 2 Biệt Động Quân. Họ đang ra hiệu. Tôi thấy thương cho họ quá. Cũng như tôi, họ đang căm hờn nhìn địch tiến về Saigon. Nhưng khác với tôi, họ là những anh hùng, quả cảm chiến đấu, nhưng không còn đường triệt thoái. Quân CSBV đã tràn ngập và đang lùng kiếm khắp nơi. Họ không thể rút ra biển.Vài cấp chỉ huy của họ đã lên được HQ 3 và có mật hiệu để liên lạc với họ, nếu họ rút ra được gần bờ biển Cà Ná.
Một lúc sau, tôi được lệnh cho tàu vào bờ thi hành công tác rút quân của Bộ Binh, trong lúc đoàn quân xa, đại pháo của địch còn di chuyển liên tục trên quốc lộ. Vì HQ 14 thuôc loại tuần dương, và tôi không có một tin tức tình báo nào trên bờ, đem chiến hạm vào đó không khác gì làm mục tiêu cho chúng bắn, nên tôi đề nghị môt giải pháp và được chấp thuận: Tôi sẽ dùng ghe Duyên Đoàn và ghe dân đánh cá để ban đêm tiến vào bờ chuyển quân.
Nhìn ra ngoài khơi, tôi thấy một đoàn ghe của Duyên Đoàn đang tiến về nam. Tôi xin thượng cấp cho tôi xử dụng 2  Yabuta, và chỉ định vài nhân viên lên hai chiến thuyền này để chỉ huy việc đón quân Bộ Binh trên bờ. Tôi dặn dò hai thuyền trưởng Yabuta  và các nhân viên của tôi các việc phải làm, cho họ mật hiệu đánh đi và mật hiệu nhận khi đến gần bờ. Các mật hiệu này do cấp chỉ huy Bộ Binh trên HQ 3 cung cấp. Tôi bảo họ nhớ đem theo vài khẩu súng, vài cây đèn pin để ra hiệu, hai máy truyền tin, và cố gắng gom góp một ít ghe đánh cá để cùng đi vào bờ (tôi định sẽ trả công cho các ghe đánh cá này sau khi công tác hoàn tất), chờ đến lúc trời tối thì khởi hành đi. Tôi còn dặn họ, tắt máy truyền tin để khỏi bị địch phát giác, chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Trời vừa sập tối, tôi ngồi trên đài chỉ huy chiến hạm, theo dõi đoàn thuyền của các cảm tử quân đang tiến vào bờ cho đến khi không còn thấy họ nữa. Trên Quốc Lộ 1, đoàn quân xa của CSBV vẫn đều đều tiến về nam. Lòng tôi nôn nóng, cầu nguyện cho họ được bình an trở về. Nếu tôi được toàn quyền quyết định, chưa chắc tôi đã gởi họ đi, vì sự thành công của công tác này quá mong manh. Nếu thất bại, bị địch bắn tiêu diệt,  thì hậu quả thật vô lường.
Suốt đêm tôi thao thức chờ tin đoàn thuyền vớt Bộ Binh trở về, nhưng chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi! Tôi lo ngại vô cùng. Mãi đến rạng đông vẫn không thấy bóng các thuyền này. Tôi vận chuyển chiến hạm vào gần bờ hơn, dùng ống nhòm để quan sát. Bỗng nhiên, tôi nghe một tiếng nổ lớn, một cột nước trắng tóe lên cách tàu độ một ngàn yards. Biết đại pháo của địch vừa bắn ra, tôi cho chiến hạm chạy ra xa. Đúng lúc này, qua ống nhòm, tôi thấy xa xa đoàn thuyền bốc quân đang từ từ tiến ra. Tôi mừng vô kể. Họ đã xa bờ! Nhưng chỉ có 2 chiếc Yabuta. Còn các ghe đánh cá ở đâu, mọi người có an toàn hay không, tôi tự hỏi. Khi 2 ghe này cặp bên tả hạm, nhân viên báo cho tôi biết các ghe đánh cá sợ quá, đã biến đi mất trong đêm, trước khi vào đến bờ. Họ cho ghe đi dọc theo bờ suốt đêm mà chỉ liên lạc được và vớt khoãng 20 người. Tôi khen ngợi anh em đã can đảm thi hành trách vụ. Tôi tiếp nhận quân nhân Bộ Binh và cho họ tạm trú trên chiến hạm, đồng thời cám ơn và chào từ giã các chiến hữu trên Yabuta trước khi họ trở về đơn vị. Sau này, cách đây độ 5 năm, tôi có gặp lại Đại Úy T mới được biết anh thuộc Duyên Đoàn này và có hiện diện lúc đó tại Mũi Né. Không ngờ chúng tôi đã quen nhau nhiều năm tại Mỹ mà không biết đã có dịp cộng tác với nhau một khoảnh khắc ngắn trong thời gian cuối của cuộc chiến.
Ngày 19 tháng 4, CSBV tràn ngập Phan Thiết. Tôi được lệnh V3ZH gọi chiến hạm về Vũng tàu để nhận tiếp tế và đi công tác quần đảo Trường Sa. Trưa ngày 20, HQ 14 về đến gần Hòn Bà, Vũng Tàu. Ngày 21, tôi thả neo ngoài Vũng Tàu, nhận thêm trên 3 ngàn viên đạn 40 ly và 330 viên 76 ly do HQ 08 tiếp tế, và cho ban ẩm thực đi chợ, đồng thời cho các quân nhân và dân sự tạm trú lên bờ. Qua các đài truyền thanh, tôi được biết Tổng Thống Thiệu đã giao quyền lãnh đạo quốc gia cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Nhật lịnh của Đại Tướng TMT/QLVNCH: “Bảo vệ bờ cõi, đánh bại quân xâm lăng, bảo vệ Vùng 3 và Vùng 4”. Tuần trước, tôi mong có một hiệp ước nào đó giữa Mỹ và Trung Cộng để bắt buộc CSBV ngưng lại tại Phan Thiết. Nhưng sau khi Phan Thiết mất. Tôi không còn hy vọng nữa.
5. Cô ng Tác Quần Đảo Trường Sa
Lúc 9 giờ 30 tối ngày 21, HQ 14 khởi hành đi Trường Sa theo chỉ thị của BTL/HQ, thừa lệnh Bộ Tổng Tham Mưu. Cùng đi, có HQ 17 làm OTC. Vì HQ 17 khởi hành trước và chạy nhanh hơn nên sẽ đến Trường Sa trước. Chúng tôi được tiêu lệnh từ Bộ TTM: “Không được khai hỏa trước khi đối đầu với đich tại Trường Sa”.  Địch là ai, không biết rõ. Tôi chỉ được biết trong các ngày vừa qua, có tin một số máy bay lạ xuất hiện trên đảo. Nhiệm vụ của HQ 14 và HQ 17 là bảo vệ sinh mạng của lực lượng Địa Phương Quân đồn trú trên quần đảo này.
HQ 14 đến quần đảo Trường sa lúc 4 giờ chiều ngày 23 tháng 4. Quần đảo Trường Sa  cách Vũng Tàu 305 hải lý về phía Đông. Các đảo này là những cồn cát rất thấp, bao quanh bởi nhiều đá ngầm và san hô. Việc vận chuyển quanh quần đảo này tương  đòi khó khăn, nhất là ban đêm tối, dù chiến hạm có radar. Cần nhất là máy định vị trí LORAN, nhưng máy này đặt trên HQ 14 đã hư từ lâu, không đươc sửa chữa.
HQ 17 và HQ 14 chia nhau đi tuần tiễu trên quần đảo này. HQ 17 quan sát thấy một ngọn cờ đỏ trên đảo và ra lịnh  HQ 14 bắn triệt hạ. Cứ mỗi lần đạn 76 ly nổ, cả ngàn con hải âu trắng lại bay lên ngập trời, rồi đáp xuống ngay! Ngày đầu tình hình tương đối yên lặng. Đến quá nửa đêm ngày 25, có hai tàu lạ xuất hiện ở đảo Nam Yết, một ở hướng đông và một ở hướng tây. HQ 17 và HQ 14 gọi nhiệm sở tác chiến, rượt theo hai tàu này. Chúng bỏ chạy mất dạng. Đến 7 giờ sáng, 2 echo xuất hiện trên radar, cách HQ 17 gần 4 ngàn yards, nhưng chúng đi xa dần. HQ 17 xin chỉ thị BTL/HQ Saigon và được đáp: “Phải báo cáo trước khi hành động”. Tôi mong được chỉ thị “Tùy nghi hành động” thì dễ cho chúng tôi hơn!
Ngày 28, HQ 14, HQ 17, và Địa Phương Quân được lệnh rút khỏi Trường Sa, về Vũng Tàu. Tôi khởi hành trước. HQ 17 ở lại để tiếp nhận Địa Phương quân cho xong trong ngày và  trực chỉ Vũng Tàu. Vào lúc 5 giờ chiều, tôi nghe lễ bàn giao chức Tổng Thống giữa Cụ Trần Văn Hương và Đại Tướng Dương Văn Minh đã diễn ra tại Dinh Độc Lập.
Trên đường vể gần đến Vũng Tảu, tôi thấy “rồng hút nước” (những cột nước cuốn lên trời do sức xoáy cực mạnh của gió). Suốt 8 năm trên biển, đây là lần đầu tiên tôi thấy hiện tượng này. Người xưa tin rằng đây là một điềm xấu! Xa xa tôi thấy vài chiến hạm Mỹ. HQ 14 về đến Vũng tàu trưa ngày 29 tháng 4. Quang cảnh ngoài khơi Vũng tàu lúc đó thật tấp nập, nào chiến hạm Mỹ, nào thương thuyền ngoại quốc đến tiếp nhận dân sự do lời yêu cầu của chánh phủ Hoa Kỳ, nào ghe chở dân đến thương thuyền, nào trực thăng Mỹ bốc quân Mỹ và thường dân di tản  từ Tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigon, lên chiến hạm. Tôi nghĩ đến gia đình vợ con, không biết tất cả bây giờ ở đâu, có an toàn không. Chắc nhân viên của tôi cũng cùng tâm trạng. Nhưng không ai nói với ai điều gì. CSBV đã tiến đến gần Saigon và đang pháo kích Tân Sơn Nhất. Tôi cố thẩm định tình thế xem có nên liều đem chiến hạm về Saigon hay không, tuy nhiên tôi không có tin tức gì chính xác. Ngay cả bên trong Vũng Tàu, tôi cũng không biết rõ.
Trong lúc còn phân vân, tôi được lịnh của V3ZH cho tất cả chiến hạm dưới sự điều động của vùng này được tan hàng và các Hạm Trưởng được toàn quyền quyết định, có nghĩa BTL/HQ không còn ra lịnh nữa.
Nghe vậy, tôi lặng người, nghĩ đến mất nước. Một biến cố đau lòng tôi tiên đoán hơn cả tháng qua, nay đã đến! Nhưng tôi kềm chế được tình cảm của mình ngay. Bình tỉnh, tôi quyết định đưa HQ 14 ra ngoại quốc. Tôi nghĩ đi Philippines rất gần, nhưng không chắc được tiếp nhận. Vì vậy tôi cho nhân viên Giám Lộ chuẩn bị các hải đồ từ Vũng Tàu đến đảo Guam để tôi vẽ đường đi vì, qua tin trên các đài truyền thanh,  tôi biết tại đó chánh phủ Hoa Kỳ đang tiếp nhận quân nhân và thường dân VNCH tị nạn Cộng Sản.
Tức tốc, tôi triệu tập một buổi họp ngắn, gồm có các Sĩ Quan, Quản Nội Trưởng, một số Hạ Sĩ Quan, và một số nhỏ đoàn viên. Tôi cho họ biết ý định của tôi và phân công cho mọi người trong việc giữ gìn an ninh cho chiến hạm và thủy thủ đoàn. Đại khái, mỗi người giữ một cây súng cá nhân, tất cả súng cá nhân còn lại và lựu đạn phải giữ trong kho và khóa lại cẩn thận, quản thủ chìa khóa kho súng, bảo vệ các súng trên boong tàu, phản ứng cần thiết và cấp thời khi một nhân viên có hành động gây hấn hoặc nội loạn.
Thật ra, qua hơn nửa năm trường cùng sống chết với anh em, tôi đã biết rõ tinh thần kỷ luật cao độ và tình cảm của anh em đối với tôi. Tôi không tin có môt sự việc đáng tiếc nào sẽ xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, đây là môt biện pháp mà bất cứ cấp chỉ huy cẩn trọng và có trách nhiệm nào, cũng cần áp dụng trong trong trường hợp đặc biệt này.
Tôi cho tập họp anh em để nói chuyện. Khi tôi đến đứng trước hàng quân, anh em nghiêm chỉnh chào tôi như thường lệ. Nhưng thoáng nhìn ánh mắt của họ, tôi thấy hầu hết đều đượm một nét buồn sâu xa, hay hơn nữa một thất vọng. Chắc họ đã biết những gì đã xảy đến. Ngừng một chút, tôi nhẹ nhàng báo tin cho họ. Tôi nói: “Chúng ta đã cùng nhau chiến đấu một thời gian dài, hy vọng sẽ chiến thắng. Nhưng hôm nay, không may, chúng ta đã bại trận. CSBV đã tiến vào Saigon. Tôi quyết định đem chiến hạm ra ngoại quốc, đến môt nước tự do.  Anh nào muốn theo tôi, đứng ra bên này. Anh nào muốn trở về với gia đình, đứng ra bên kia”. Sau một hồi lưỡng lự, anh em đứng ra hai bên. Tôi cho Hạm Phó và Quản Nội Trưởng ghi tên các anh em muốn trở về. Số người trở về tôi không ghi trong nhật ký, chỉ nhớ thoang thoáng trên 30 người.
Trời đã về chiều, tôi bắt đầu tìm phương tiện cho anh em vào bờ để về nhà. Hồi trưa nay tôi thấy hằng trăm chiếc ghe nhỏ đưa dân sự từ Vũng Tàu ra tàu buôn ngoại quốc. Tôi định nhờ họ chở anh em vào bờ và trả bằng dầu. Nhưng bây giờ các ghe này biến đi đâu mất. Tôi cho tàu chạy vòng vòng để tìm kiếm. Khi trời sụp tối tôi cho rà trên radar xem có thấy gì không, nhưng vô vọng. Tôi muốn khởi hành đi Guam ngay để ra đến hải phận quốc tế, và càng xa càng tốt, sợ máy bay CSBV có thể rượt theo. Chỉ cẩn thận thôi, vỉ tôi ước đoán chiến đấu cơ Mig của chúng chưa đến Saigon. HQ 17 đã khởi hành đi từ lâu. Nhưng tôi đã hứa với nhân viên là cho họ vào bờ, bây giờ làm sao đây?
Trong lúc đang tấn thối lưỡng nan, tôi được công điện mật của Đô Đốc Minh gọi tập trung tại Côn Sơn để cùng đi. Tuy không biết đi đâu, nhưng vì tin Đô Đốc Minh nên tôi cho trực chỉ Côn Sơn. Trong lúc này Cộng Sản nằm vùng trong BTL/HQ liên tiếp gọi máy dụ dỗ các hạm trưởng đưa tàu về Saigon.
6. Chuyến Di Tản Cuối Cùng: Vũng Tàu – Côn Sơn – Subic Bay, Philippines
Sáng hôm sau, ngày 30, trên đường đi Côn Sơn, tôi gặp vài chiếc LCVP chở toán sửa chữa lưu động chạy tìm đường đi. Tôi cho vớt tất cả. Trong lúc họ lên tàu, một nhân viên giám lộ từ LCVP leo lên, đến chào tôi. Tôi nhận ra ngay, đó là nhân viên của tôi đã bị gẫy mất một tay trong lúc Không Quân bắn HQ 14 ngoài cửa Thuận An. Lúc đó anh đang đứng cạnh tôi trên đài chỉ huy. Anh nằm điều trị tại bệnh viên Duy Tân, và khi chiến hạm rút khỏi Đà Nẵng tôi không can thiệp cho anh ra được vì vết thương của anh vẫn còn đang rỉ máu. Anh cho biết, khi CSBV tràn vào Đà Nẵng, anh đã thoát ra được và theo một nhóm nhỏ Biệt Kích tìm về Saigon bằng đường biển. Mọi người đều mừng cho anh và nhân viên y tá săn sóc cho anh tận tình. Vài ngày sau, khi gặp chiến hạm Mỹ, tôi xin cho anh được chuyển qua điều trị. Từ đó, tôi không được tin tức gì về anh nữa. Trên đường đến Côn Sơn, tôi vớt thêm nhiều dân sự và gia đình quân nhân, tổng cộng trên 100 người.
Vào buổi chiều trên đường đến Côn Sơn, khi đang ngồi trên đài chỉ huy, tôi được HQ 3 gọi máy cho biết có gia đình vợ tôi trên chiến hạm. Tôi vừa mừng, vừa ngỡ ngàng, tại sao vợ tôi lại lên được HQ 3, hay là gia đình ai không. Từ lúc khởi hành đi công tác V3ZH đến nay, chúng tôi không có tin tức gì của nhau cả. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng là đúng. Tôi yêu cầu được nói chuyên trực tiếp với vợ tôi trên máy. Nhưng bị từ chối, bảo tôi phải chờ vì máy quá bận rộn. Mãi đến tối HQ 3 mới gọi lại cho tôi nói chuyện với vợ tôi. Nhưng vợ tôi chẳng nói được câu nào. Sau này hỏi lại mới biết vợ tôi không biết phải bấm máy khi nói. Thay vì, tôi nghe giọng nói của ông cậu ruột nhà tôi, ông Trần Van L. Ông cho tôi biết vợ con tôi và gia đình bên vợ, tổng cộng 19 người đang có mặt trên tàu. Tôi mừng quá, không kịp hỏi tại sao, chỉ hứa sẽ đón qua tàu tôi khi được phép. Nhưng cái mừng của tôi không trọn vẹn. Tôi thấy buồn cho nhân viên của tôi. Từ Hạm Phó trở xuống, không ai có thân nhân đi được cả. Sau này, khi gia đình vợ tôi được chuyển qua HQ 14, tôi được nghe kể lại chi tiết viêc chạy từ nhà ở bên Chí Hòa đến khi lên được HQ 3. Đoạn đường tuy không xa, nhưng thật hồi hôp và bất định. Mấy ngày trước đó, gia đình vợ tôi từ chung cư Phạm Thế Hiển chạy qua Chí Hòa cho gần đường lên phi truòng Tân Sơn Nhất. Nhưng không vào phi trường được vì Cộng Sản pháo kích. Đến chiều 29, trong khi CSBV pháo kích, đạn nổ nghe rất gần, và cả nhà ngồi chung dưới đất cầu nguyện, ông anh ruột của nhà tôi, Trung Úy L, và ông cậu ruột, Thiếu Tá Trần Quốc B thuộc bộ TTM đã về hưu, dùng xe Honda 2 bánh chạy đi tìm đường. Ra đến đầu ngõ, gặp một người bạn. Cô này cho biết trưc thăng Mỹ đang bốc người ở bến Bạch Đằng. Hai người chạy ra bến Bạch Đằng xem tình hình. Khi đến nơi, họ không thấy trực thăng đâu, chỉ thấy những vòng kẽm gai giăng ngang cổng vào BTL. Nhiều quân nhân HQ cầm súng ở thế tác chiến đứng gác. Thỉnh thoảng, có vài quân nhân HQ đưa gia đình vào. Hai người bàn bạc “chắc HQ đang di tản”, hãy về đưa gia đình ra đây rồi tính sau, may ra vợ tôi có thể xin vào được. Cả nhà, 19 người gồm cả bà con, chạy ra bến Bạch Đằng. Dọc đường, thỉnh thoảng lại thấy nhân dân tự vệ đang bắn chỉ thiên, chỉ lo bị chúng chận đường. Một lúc sau, đến được cổng BTL/HQ. Nhà tôi tiến đến, đưa ra một tấm hình của tôi chụp chung với cố vấn Mỹ khi tôi còn làm hạm trưởng HQ 612, và xin cho vào, nói tôi là hạm trưởng HQ 14 đang công tác ngoài khơi. Nhân viên gác cổng chỉ liếc qua rồi gạt đi. Vợ tôi thất vọng nghĩ thầm: Thế là vô phương rồi! May thay, đúng lúc đó, một sĩ quan HQ mang huy hiệu hạm trưởng từ trong đi ra. Nhận ra đó là Thiếu Tá Nguyễn Thụy Đ, cùng khóa với tôi mà vợ tôi được gặp một lần cách đây mấy năm về trước. Vợ tôi nhờ giúp đỡ và cả nhà được vào. Nhưng vào trong cổng rồi cũng không biết đi đâu. Bỗng nhiên, lúc đó một đoàn người trong một cơ sở bên trong đi ra và lên tàu. Cả nhà cứ theo họ và cuối cùng lên được HQ 3.
Đến Côn Sơn, sau khi chuyển các nhân viên muốn về nhà qua một hỏa vận hạm được chỉ định về Việt Nam, tôi cho chiến hạm ra khơi chạy vòng vòng đến sáng mới vào cặp với các chiến hạm khác.
Khoảng 9 giờ sáng, tất cả chiến hạm cùng nhau khởi hành qua Subic Bay, cách Côn Sơn 900 hải lý, với vận tốc trung binh 6 hải lý/giờ, vì có nhiều chiến hạm hư hỏng phải chạy chậm.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng năm, HQ bắn chìm HQ 474 vì chiến hạm này hầu như bất khiển dụng.
Đến sáng ngày 3 tháng 5, HQ 14 cặp HQ 3 nhận thực phẩm và một số gia đình, trong đó có gia đình vợ tôi. Tình trạng biển trong các ngày qua thật êm, nhờ vậy không ai ói mửa.
Suốt buổi sáng ngày 5, chiến hạm Kirk (USS Kirk, DE 1087) tiếp tế thực phẩm cho đoàn tàu VNCH. Trung úy Don Swain và Trung Sĩ Richardson thuộc USS Kirk lên HQ 14 để chuẩn bị bàn giao chiến hạm cho HQ Hoa Kỳ. Sau này, khi đọc hồi ký của Đại Tá Kiểm và video “The Lucky Few” của HQ Hoa Kỳ tôi mới biết rõ vì sao phải bàn giao ngoài khơi thay vì trong hải cảng. Hồi đó Philippine đã công nhận ngụy quyền CSBV mà chúng đã tự đặt cho mình cái tên thật trái ngược với bản chất của nó, “VN Dân Chủ Cộng Hòa”. Vì vậy, Philippines nhất quyết từ chối việc nhập hải cảng Subic Bay của các chiến hạm VNCH. Cuối cùng, các cấp lãnh đạo của HQVN trên soái hạm HQ 3 và chánh phủ Hoa Kỳ đã tìm ra một giải pháp hợp lý: Chuyển giao các chiến hạm HQVN cho HQHK ngoài khơi Subic Bay, theo thỏa ước “Khi nào VNCH không còn dùng các chiến hạm này nữa, thì phải trả lại cho Hoa Kỳ”. Ngoài ra, để giữ thể diện cho HQ/VNCH, một lễ bàn giao cần được cử hành trên tất cả chiến hạm VNCH hiện diện ngoài khơi Subic Bay, gồm có: HQ 3, 11, 12, 14, 228, 229, 231, 401, 470, 505, 618, 800, 607, 17, 08, 1, 404, 16, 502, 471, 5, và 801.
Ngày 6 tháng 5, HQ 14 còn cách Subic Bay 87 hải lý, thủy thủ đoàn được lệnh ném tất cả đạn dược, lựu đạn và súng cá nhân xuống biển, đồng thời vô hiệu hóa tất cả hải pháo và chuẩn bị kế toán nhiên liệu, nước ngọt, tình trạng chiến hạm để bàn giao ngày hôm sau.
Sáng ngày 7 tháng 5, các chiến hạm VNCH đã tập trung ngoài khơi Subic Bay. Đến trưa, lễ bàn giao chiến hạm bắt đầu trong bầu không khí trang nghiêm và cảm động. Trên HQ 14, tất cả thủy thủ đoàn và nhân viên quá giang đều tham dự. Trung Úy Don Swain, đại diện HQHK, tiếp nhận chiến hạm. Cảm động nhất là nghi thức hạ kỳ VNCH. Sau đó là lễ thượng quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Lể Hạ Quốc Kỳ VNCH trên HQ 14
Sau khi lễ bàn giao chấm dứt, thủy thủ đoàn gở lon ném xuống biển, một số giữ lại để kỷ niệm. Không ai nói vói ai, rơm rớm nước mắt. Lá quốc kỳ VNCH vừa hạ xuống, đươc trao cho tôi. Tôi vẫn giữ gìn, trân quí nó cho đến ngày hôm nay. Lá quốc kỳ nhuộm màu phong sương này đã phất phới tung bay trên HQ 14 suốt mấy tháng cuối cùng của cuộc chiến. Phần tôi, ngoài mặt tôi vẫn giữ nét nghiêm trang, nhưng trong lòng, tôi đang khóc. Một cuộc chiến dài đăng đẵng đã chấm dứt trong đau thương, thất vọng! Bao nhiêu quân sĩ, tướng tá anh dũng của Quân Lực VNCH đã thương vong. Bao nhiêu gia đình đau khổ, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố. Tất cả hy sinh đó chỉ nhắm một mục đích: Bảo vệ Miền Nam Tự Do. Nay, tất cả hy vọng đã trở thành mây khói!
Lễ Thượng Quốc Kỳ Hoa Kỳ.
Tuy đã nhận bàn giao, Trung Úy Don Swain vẫn yêu cầu tôi tiếp tục điều khiển nhân viên và đưa chiến hạm vào trong Subic Bay. Lần lượt, các chiến hạm vào hải cảng. HQ Hoa Kỳ không cho phép các hạm trưởng VNCH tự cặp cầu và HQ Hoa Kỳ cũng không đủ phương tiện để chuyên chở tất cả thủy thủ đoàn và người quá giang vào bờ. Vì vậy, tôi phải vận chuyển HQ 14 chờ trong hải cảng đến khi tàu kéo của HQ Hoa Kỳ dòng chiến hạm vào cặp cầu. Sau đó, tôi có vài lời từ giã nhân viên quá giang và thủy thủ đoàn trước khi họ rời chiến hạm.
Theo lời yêu cầu của HQ Hoa Kỳ, tôi cho Trung Úy Dân và vài nhân viên cơ khí cùng vô tuyến Tuấn tiếp tục ở lại chiến hạm để lo máy móc cho đến khi tôi rời chiến ham và tàu dòng của HQ Hoa Kỳ hoàn tất việc đưa HQ 14 ra buộc phao trong hải cảng thì tắt hết máy móc và theo tàu dòng vào bờ.
Khi tôi vào phòng ăn sĩ quan, các sĩ quan an ninh của HQ Hoa kỳ đã có mặt ở đó, chờ tôi cho biết tình hình trên quần đảo Trường Sa trong thời gian HQ 14 hoạt động quanh quần đảo này.

Sau khi thuyết trình cho họ, tôi cùng gia đình rời chiến hạm. Tuy tôi không còn mang cấp bậc, anh quân nhân TQLC Hoa kỳ đang đứng gác hạm kiều vẫn nhận ra tôi và nghiêm chỉnh đưa tay chào. Tôi chào lại anh, và quay lại chào lá quốc kỳ Mỹ, chào HQ 14 thân yêu của HQVNCH một lần chót, và vĩnh viễn rời chiến hạm, một chiến hạm mang đầy ắp kỷ niệm của đời tôi.

Phạm Thành

nguồn: https://dongsongcu.wordpress.com

Sự thật về Trận chiến Hoàng Sa

Sự thật về Trận chiến Hoàng Sa

Nỗi Bất Hạnh Đời Tôi !

Đôi lời vào truyện:

Tôi tên Nguyễn Bá Quang, là một sĩ quan QLVNCH cấp bậc Đại Úy thuộc đơn vị 101 P2/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Ở tù CSVN tại trại tù Tiên Lãnh, Quảng Nam, Đà Nẵng suốt hơn 12 năm. Qua Mỹ với diện HO.5 năm 1991. Hiện cư ngụ tại Reda, Califonia.

Trong thời gian tôi ở tù chưa được thả, gia đình vợ con tôi vượt biển tìm tự do tại Cà Mau tỉnh Minh Hải. Trong chuyến vượt biển hãi hùng ngày 22-2-1985 vợ và sáu người con trai của tôi đã bỏ xác trên biển cả vì bọn hải tặc làm đắm thuyền. Ngoài ra còn có cả nhạc phụ của tôi và các em vợ cùng các cháu đã chết một cách tức tưởi trên chuyến tàu đau thương ấy. Chỉ còn sống sót người con gái yêu thương của tôi tên Thùy Nhiên và dì ruột của cháu là Phạm Thị Sa.

Năm 1975 mất nước, con gái tôi mới có tám tuổi. Khi CS Bắc Việt chiếm miền Nam chúng dọa nạt, đấy ải gia đình của các sĩ quan QLVNCH đi cải tạo tại các trại lao động khổ sai. Vợ con tôi phải đi kinh tế mới tại Cà Mau, Minh Hải, việc học hành khó khăn, cháu chỉ học tới lớp bảy rồi phải bỏ lỡ dở đi buôn cá tại vùng ven sông thuộc Cà Mau để kiếm tiền nuôi gia đình và các em trai còn nhỏ tiếp tục đi học, vì thế nên cháu chỉ có thể thuật lại Nỗi bất hạnh của đời tôi một cách trung thực.

 Là ba của cháu, tôi cũng chỉ sửa những lỗi văn phạm, chính tả. Qua sự thúc bách của tôi, cháu mới có thể thuật lại câu chuyện thương tâm, vì mỗi lần nhớ lại những cảnh đau thương tang tóc của gia đình thì cháu đâm thẫn thờ, ngơ ngẩn hết mấy ngày, và lòng tôi cũng quặn đau vô vàn. Hiện cháu đã lập gia đình và sống với chồng con tại Úc. Sau đây là câu chuyện của con gái tôi, nỗi bất hạnh của cháu, cũng là nỗi bất hạnh của tôi.

Nguyễn Bá Quang

Nỗi Bất Hạnh Đời Tôi !

Thùy Nhiên

Sau bao tháng ngày mẹ và các anh chuẩn bị ghe thuyền, từng can dầu, tom góp từng gói lương khô như gạo sấy, thuốc men v….v…một cách bí mật. Ông ngoại, gia đình bà dì ruột, gia đình của cha Liêm, từng tốp, từng tốp len lỏi trong đêm tối lần lượt đến điểm tập trung tai bãi Đá Bạc Cà Mau thuộc tỉnh Minh Hải.

   Tất cả chúng tôi yên lặng lên thuyền, gồm có 22 người đã có mặt đầy đủ. Tiếng nổ dòn của máy lướt sóng ra khơi, mọi người chúng tôi nín thở hồi hộp.

    Qua mấy giờ lầm lũi chạy trong đêm, trời đã sáng, ánh nắng chan hòa, chúng tôi đã rời khỏi hải phận Việt Nam, mọi người thở ra nhẹ nhỏm, vui mừng, bồi hồi xúc động vì đã thoát qua được chặng đường  đầy nguy hiểm và bất trắc nhất, vì nếu chẳng may mà bị VC bắt lại, thì bị tù tội, tịch thu tài sản, tất cả đều mất sạch. Niềm vui thoát được khỏi bọn công an VC đang miên man trong đầu óc mọi người, bỗng nhìn đằng xa có chiếc tàu lớn hiện ra, tim tôi đánh thình thịch, tàu của ai đây? Của CS hay của thế giới tự do? Càng lại gần thì càng hồi hộp, một thoáng chán nản và sợ sệt hiện rõ trên nét mặt mọi người khi nhìn rõ màu cờ máu Liên Xô, Thuyền của chúng tôi cố ý lái chệch hướng chiếc tàu lớn, cứ thế tiến thẳng, đã qua thêm một sự nguy hiểm, và cũng vì thế thuyền đã chệch hướng đi như ban đầu đã định trước của mình. Chạy thêm vài giờ nữa thì đằng trước hiện lên một chiếc thuyền đánh cá treo cờ VC (cờ đỏ sao vàng), bên hông tàu thấy hai chữ Kiên Giang, giây phút trọng đại, mọi người như nín thở, từ thuyền bên kia phát loa yêu cầu thuyền chúng tôi ngừng lại để cho họ kiểm soát.

    Không thể để bị bắt, rồi phải ngồi tù, tài sản bị mất sạch, nên thuyền chúng tôi quyết định mở hết tốc lực. Một loạt đạn AK nổ dòn bắn về phía chúng tôi, tài công lúc đó là anh Hai Liêm của tôi bị thương ở cánh tay, Mẹ bị thương ở bả vai, ông Ngoại bị thương nhẹ ở đầu. Thuyền bắt buộc phải ngừng lại. Tất cả bàng hoàng chờ đợi những gì xấu nhất sắp xảy ra. Thuyền Kiên Giang là thuyền đánh cá nhưng có cán bộ VC, công an mang theo súng, bọn chúng bước qua thuyền chúng tôi lục soát từng người một kể cả những em bé 3, 4 tuổi, tịch thu một số vàng và tiền bạc (đô la) mà mọi người mang theo, chúng lấy một máy lớn của thuyền chúng tôi và dọa sẽ đưa trở lại vào bờ giao cho công an địa phương xử lý. Ông ngoại tôi là người lớn tuổi nhất trong thuyền, ôm vết thương còn chảy máu trên đầu loang xuống mặt, cố gắng năn nỉ giải thích: Các anh cho chúng tôi đi, nếu đưa chúng tôi trở lại bờ Việt Nam thì các anh chẳng có lợi gì cả, chúng tôi bị tù tội, tiền, vàng của các anh vừa tịch thu thì cũng phải giao nạp cho công an thôi. Sau đó bọn họ cho chúng tôi đi, và chỉ hướng cho tàu chạy.

   Còn lại một máy nhỏ, thuyền tiếp tục chạy một cách nặng nhọc, chậm chạp lướt sóng tiến về vùng biển Thái Lan. Chạy được một giờ đồng hồ nữa thấy có một chiếc thuyền giống thuyền đánh cá xuất hiện, khi chiếc thuyền này tiến lại gần không thấy treo cờ nước nào cả, nhưng dấu hiệu trên mạn thuyền được bôi lem, chạy với tốc độ nhanh rồi quay đầu chận ngang thuyền chúng tôi. Đã trải qua nhiều hiểm nguy, lần này tôi hồi hộp và lo sợ, tất cả như nín thở, những đứa nhỏ cũng biết được những gì quan trọng sắp xảy ra nên chúng ngồi thu mình vào thành ghe im re trông thật tội nghiệp. Tất cả không một tiếng động.

    Tiếng nói ở thuyền bên kia là một tiếng lạ không ai hiểu gì, lúc đó cha Liêm là người biết tiếng Anh nói xin họ giúp đỡ. Toán người kia như không nghe biết, với cử chỉ hung hăng dữ tợn, cặp vào thuyền chúng tôi la hét lục soát từng người một. Một lần nữa vơ vét sạch những gì tàu Kiên Giang VC vơ vét còn sót lại. Thấy kết quả lục soát chúng chẳng được là bao, chúng đi tìm từng bộ mặt một, nhất là nhìn chằm chằm vào những người đàn bà con gái. Mẹ tôi còn trẻ đẹp nhưng vừa bị thương mất máu co ro, mặt mày tái mét nên chúng bỏ qua không để ý tới. Chúng đến gần tôi và chị H, bạn gái của anh Hai, chúng liền nắm áo chúng tôi kéo qua thuyền chúng nó.

    Trước cảnh dã man này mấy anh tôi không kềm hãm được nên đã có phản ứng binh vực em mình (tôi lúc đó mới được 18 tuổi, cô kia xấp xỉ tuổi tôi hoặc lớn hơn một tuổi ) nên đã la ó phản đối. Mẹ tôi cúi lậy xin chúng tha. Ông ngoại, cha Liêm năn nỉ nài nỉ chúng chẳng nghe. Chúng đẩy chúng tôi qua thuyền chúng. Phẫn uất trước hành động tàn bạo này, mấy anh tôi đánh trả lại chúng. Chúng rút súng lục ra uy hiếp và chế ngự mấy anh. Lúc đó chúng lôi chúng tôi xuống nhốt dưới hầm tàu tối đen. Từ đó không hay biết chi nữa những việc xảy ra bên ngoài.

   Sau khi bắt chúng tôi, chúng nổ máy cho tàu chạy, sau đó quay trở lại đâm vào thuyền chúng tôi làm vỡ thuyền, thuyền chìm, chuyện xảy ra tôi sẽ kể tiếp phần sau khi tôi gặp lại người dì ruột tại trại SongLa.

    Ngồi trong hầm tàu tối đen mà lòng tan nát, tôi chấn tĩnh mình bằng lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, hiện ra trước mặt tôi là hình ảnh của mẹ, các anh, em tôi và ba tôi. Mẹ, các anh em tôi giờ đây trên biển cả mênh mông đã trôi dạt về đâu rồi? Đã được tàu của thế giới tự do vớt chưa? Ba tôi trong trại tù CS tại trại Tiên Lãnh, Quảng Nam Đà Nẵng, ba là sĩ quan QLVNCH ở tù 10 năm rồi tương lai sẽ ra sao đây. Tôi nhớ hết những người thân thương, đầu óc tôi rối bời như có trăm ngàn mũi kim nhọn đâm vào quả tim bé nhỏ của tôi tan nát. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến hoặc tưởng tượng ra hoàn cảnh mà tôi phải gánh chịu như hôm nay. Nước mắt tràn đầy ra má mà chẳng hay biết gì, nước mắt đã làm dịu cơn khủng hoảng của tôi. Một niềm hy vọng loé lên trong đầu, chắc mẹ và các anh em của mình còn sống sẽ được tàu vớt, sẽ vượt qua nguy hiểm để đến bến bờ tự do và mình sẽ được gặp lại.

    Ở trên tàu của bọn cướp được vài hôm, chúng chuyển tôi qua tầu đánh cá thứ hai, còn chị H. thì ở lại trên tầu của chúng nói tiếng Thái với nhau tôi không hiểu một tí gì cả chỉ biết cảm nhận theo linh tính của mình, thấy tàu này chuyên lo đánh cá, chắc là họ vừa đánh cá vừa làm hải tặc ăn cướp chăng? Một tuần sau chúng lại chuyển tôi qua tàu khác, cứ thế lênh đênh trên biển cả qua ngày thứ 51, ngày này chúng chuyển qua một tàu khác nữa, người trên tàu có vẻ hung tợn dữ dằn hơn những chiếc tàu trước đây.

    Vào khoảng nửa đêm một tên đàn ông vào kéo tôi dậy, nhìn cặp mắt nó, thấy dễ sợ như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Người tôi run bần bật, miệng thầm đọc kinh xin ơn trên phù hộ cứu giúp. Chúng nó sờ mó và bắt cởi hết quần áo, chúng nói gì với nhau tôi không hiểu, chỉ biết kẹp hai chân cứng lại, hai tay ôm chặt lấy ngực, và nhìn vào vết thẹo nổi đỏ trên cánh tay tôi. Lúc nhỏ khoảng hai tuổi bị tai nạn phỏng dầu làm đường đến 50% khi chữa lành vẫn còn vết thẹo luôn ửng đỏ. Không biết ai xui khiến cho tôi cứ nhìn vào vết thẹo ấy và kêu la thảm thiết. Bọn chúng nói với nhau những điều gì, tôi cảm nhận như chúng e ngại về vết thẹo của tôi là bị bệnh phong cùi gì chăng? Sau khi bàn bạc chúng đã xô tôi xuống biển không cho một vật gì có thể trôi nổi trên mặt biển.

    Nước lạnh làm tỉnh hẳn người, tôi đã thoát qua những bàn tay con quỷ dữ, cố gắng với hai chân để người mình nổi lên trên mặt nước (ở Cà Mau tôi sống bên sông nên bơi lội cũng khá giỏi. Trên biển giữa đêm đen, có gì ghê rợn bằng. Tôi cố sức mình chống chọi với bao ý nghĩ bi thương, bản năng sinh tồn lại đến với tôi mãnh liệt, tôi kêu xin mẹ Maria bổn mạng hãy cứu giúp tôi. Một lần nữa hình ảnh của mẹ, anh, em và Ba tôi ở trại cải tạo lại hiện ra như khuyến khích tôi hãy ra sức cố gắng chống chọi với tử thần để ráng sống may đâu có người cứu vớt. Vì thế mà đã qua được năm tiếng đồng hồ dưới biển lạnh.

    Trời đã hừng đông, một tia hy vọng đến với tôi, nhưng người càng ngày càng bị lạnh cóng, sắp sửa không chịu đựng nổi nữa rồi, thì may thay, nghe có tiếng động cơ của thuyền chạy đến. Tôi cố giơ tay lên nhưng thân hoàn toàn cóng cứng, rất may trên thuyền họ nhìn thấy, dừng thuyền lại và vớt tôi lên. Nguyện xin đây là một chiếc thuyền làm ăn lương thiện để tôi còn được sống an bình. Thật quả như lòng mong ước, tôi được những người này săn sóc tận tình, cho quần áo để mặc, cho ăn uống đàng hoàng và dùng máy vô tuyến gọi police (cảnh sát ) Thái cho tàu ra đón tôi vào bờ và đưa đến trại Song La và đến trại Sikiew.

    Hằng ngày ở trại, cô đơn lạc lõng, thân gái dặm trường, hằng đêm nguyện cầu cho lòng vơi đi ít niềm đau. Mong chờ mẹ, anh em sẽ đến với mình, nhưng càng ngày càng thấy bặt tăm vô âm tín, lòng buồn rười rượi. Mỗi khi có người mới nhập trại tôi thường đến để cầu mong gặp người thân. Hôm nay bất thần tôi thấy dì Sa, em của mẹ thất thểu bước vào trại, dì cháu gặp lại nhau, nước mắt tuôn trào như mưa, và Dì đã kể lại những gì xảy ra kế tiếp khi tôi bị hải tặc bắt qua tàu của chúng.

    Sau khi bọn hải tặc bắt con và H qua tàu của chúng. Vì không chịu nổi những uất ức các anh con đã phản ứng mãnh liệt đánh lại chúng nó. Nhưng chúng có súng, nên các anh con đành thúc thủ. Chúng lồng lộn lên lục soát nát bét trên tàu, bắt mọi người cởi bỏ hết quần áo chỉ cho mặc một quần lót mỏng, lấy hết những gì còn lại trên tàu, rồi rú máy cho tàu chạy.

    Mọi người chưa kịp hoàn hồn thì thấy tàu hải tặc quay đầu trở lại, và chạy rất nhanh đâm thẳng vào hông thuyền của mình đánh rầm, thuyền vỡ làm đôi, một số người văng xuống biển. Đồ vật nặng chìm xuống nước, những vật nhẹ nổi lềnh bềnh. Trong lúc hỗn loạn, mỗi người đều bơi lội, vớ lấy can đựng dầu, đụng nước làm phao. Các anh con, Chương, Long bơi vớt những tấm ván để kết làm bè, kèm lên phần thuyền còn lại nổi trên mặt nước. Phần bè và thuyền nổi cho mẹ, dì, con của dì và Đạt, Hoài, hai em con. Ông ngoại và anh Liêm đã ra đi trong lúc thuyền bị đánh chìm vì cả hai đều bị thương.

    Trời bắt đầu sập tối, nỗi kinh hoàng xâm chiếm lòng người. Màn đêm đem đến sự sợ hãi cho mọi người trong cảnh thập tử nhất sinh, lạnh đói và khát, nhưng vẫn cố gắng bu lấy bên nhau, cùng nhau sống chết. Thấy các em con vì đói khát và lạnh, quá tội nghiệp nên Chương liều bơi, lặn xuống lòng thuyền may ra tìm được nước uống hoặc thức ăn. Nhưng đã lâu không thấy Chương trở lại, mẹ và Dì kêu gào thật lâu chẳng có tiếng trả lời. Hễ người nào chịu không nổi buông tay ra là đi vĩnh viễn. Thấy những người thân lần lượt ra đi, lòng mẹ và dì tan nát nhưng biết làm sao đây hỡi trời, chỉ biết đọc kinh cầu nguyện Chúa, Mẹ cứu giúp, hộ phù. Phía bên kia có Linh mục Hồ Quang Liêm và người em Hồ Quang Lập cùng mấy người bà con của cha trong đêm đó cũng ra đi.

    Ngày thứ hai kể từ ngày đắm thuyền chỉ còn có dì, mẹ và mấy đứa nhỏ vì được ngồi trên bè, nên chống được sự lạnh cóng. Mẹ con bị thương máu ra nhiều, không ăn, không uống nên người mệt lả đi, hơi thở yếu dần, dì gọi mẹ không trả lời nổi, mẹ tức tưởi ra đi. Đạt, Hoài hai em của con ôm mẹ khóc thảm thiết, dì đứt cả ruột gan. Các cháu cứ muốn giữ mẹ lại bên cạnh không xa rời, dì khuyên nhiều lần các cháu mới chịu để mẹ con xuống lòng đại dương. Còn lại con Châu, con Xuân của dì mềm người vì đói khát lặng lẽ ra đi. Dì như người mất hồn, không còn biết gì nữa, đặt con mình xuống nước cho dòng nước trôi xuôi, đau đớn vô cùng.

    Ngày thứ ba chỉ còn lại Dì, Em Đạt của con, mệt quá gục trên tấm ván, bỗng nó ngồi nhổm dậy nói: Để con lấy nước cho dì, con thấy có dòng suối trong xanh, nước ngọt lắm dì ơi nó định bước xuống nước để đi. Dì cầm tay nó kéo lại: Con ơi không có đâu, đó chỉ là ảo ảnh mà thôi, con ngồi xuống đây đọc kinh với với dì xin ngài ban phước. Sau khi kinh nguyện, yên tĩnh được một lúc, nó lại kêu lên khát nước quá dì ơi con chịu hết nổi rồi. Dì nói trong vô thức hay con uống đại một hớp nước biển xem có chống chọi được không? Sau khi uống một miếng nước vào bụng, tức thì cháu ôm bụng rên la khủng khiếp, nước bọt trào ra nơi miệng, nước bọt giống như bọt xà phòng trào ra, trào ra, cháu lịm người dần và nằm bất động, người cuối cùng ở bên cạnh dì cũng ra đi.

    Còn lại một mình đang nằm chờ chết dưới ánh nắng như thiêu như đốt bỗng thấy có đám mây đen kéo đến trời đột nhiên dịu xuống, một vài giọt mưa rơi trên mặt dì, dì liếm từng giọt nước, nhưng người dì đã kiệt sức không còn hay biết gì nữa cả. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên thuyền đánh cá của người Thái Lan. Theo tàu họ trên biển, 15 ngày sau thì được đưa vào trại Batani, qua trại SongLa và dì gặp con tại đây.

    Ôi ! Những biến cố đó trong đời  làm tôi điên dại, sống dưới ánh nắng mặt trời mà như trong hang âm u. Tôi đã mất mẹ, mất anh, mất em, mất ông ngoại, cậu, cháu và những người thân yêu, 18 người đã chết tức tưởi, bỏ mình trên biển cả … Đó là tất cả NỖI BẤT HẠNH CỦA ĐỜI TÔI.

    Mẹ ơi! Sao mẹ nỡ xa lìa con, xa lìa ba, ba đã chịu bao nhiêu điều cay đắng tủi nhục trong ngục tù Cộng Sản. Các anh ơi! Các em ơi! Tất cả đã xa lìa tôi, vĩnh viễn ly biệt tôi một cách tức tưởi: Khổ đau tột đỉnh, hận thành non cao, Biển xa sóng lớn dạt dào, nhớ anh, em, mẹ có ngày nào nguôi.

Thùy Nhiên, viết từ Úc Châu

    * Viết để kính dâng linh hồn mẹ Phạm Thị Khanh, Ông ngoại Phạm Văn Đình, Cậu Phạm Văn Tiếng, các Anh: Nguyễn Bá Liêm, Nguyễn Bá Chương, Nguyễn Bá Long, các em, Nguyễn Bá Phú, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Bá Hoài, Chú nguyễn Văn Dậu, các em con dì Nguyễn thị Minh Châu, Nguyễn thị Minh Xuân, Nguyễn Minh Toàn và Linh mục Hồ Quang Liêm, chú Hồ Quang Lập và các anh bà con với cha Liêm mà tôi không nhớ tên.

   * Viết cho Ba là Nguyễn Bá Quang. Ba và con cùng chịu NỖI BẤT HẠNH trên cuộc đời này.

nguồn: maybienvh.wordpress.com

Từ Hà Nội đến Sài Gòn. Từ di cư 54 đến di tản 75

Lời giới thiệu: Bài viết về năm di cư 1954 của tác giả Lữ Tuấn được coi là một tài liệu cô đọng nhất để thế hệ sau này hiểu rõ những gì đã xảy ra khi hiệp định đình chiến Geneve được ký kết. Tác giả là một thanh niên Bắc Kỳ di cư, nhập ngũ trường Võ Bị Đà Lạt, trải qua nhiều đơn vị và cuối cùng đã tồn tại sau 7 năm tù lao cải. Ông từ giã Hà Nội năm 1954 nhưng lại có dịp đi qua Hà Nội trong một đêm chuyển trại tù từ Việt Bắc vào miền Trung. Với những kỷ niệm đầy biến động và đau thương của cuộc đời một thanh niên, tác giả ghi nhận từng chi tiết đoạn đường đã trải qua với những nhận xét rất khách quan và chính xác. Lịch sử luôn luôn đã có những ngã rẽ khác biệt ảnh hưởng đến ngàn đời sau, bắt đầu từ một triệu người từ Bắc vào Nam 1954 và tiếp theo là 130,000 di tản đợt đầu năm 1975. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết đầy dữ kiện lịch sử 50 năm về trước của Lữ Tuấn.

Giao Chỉ
San Jose. Tháng 7, 2004

Tháng 6 năm 1954 đúng 50 năm về trước, là lúc mọi người trong vùng kiểm soát của chính phủ Quốc Gia ở Bắc Việt cô cùng lo lắng và hoang mang sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhiều tin đồn trái ngược càng làm cho mọi người thêm sợ hãi. Khoảng 20 tháng 6, tại Nam Định và các tỉnh phụ cận, có tin đồn được lan truyền nhanh chóng nói rằng quân đội Pháp và quân đội Quốc Gia sẽ rút khỏi Nam Định và các tỉnh phía Nam Hà Nội. Từ hôm ấy, hàng loạt doanh trại được tháo gỡ vội vàng, xe vận tải quân sự chở vật liệu nặng bắt đầu theo nhau từ Bùi Chu, Ninh Bình, Thái Bình đổ về Nam Định cùng các xe cộ từ Nam Định nối nhau đi Hà Nội. Kho đạn Nam Định cho phá hàng loạt đạn súng cối và đạn pháo binh ở vùng đất hoang phía tây thành phố.

Bộ Tư Lệnh Pháp và chính quyền Bảo Đại không hề lên tiếng về tình hình tại Bắc Việt. Bộ Chỉ Huy Pháp tại Nam Định vẫn tiếp tục công việc chuẩn bị cuộc diễn binh hùng hậu vào ngày quốc khánh Pháp, 14 tháng 7 năm 1954 mà họ đã loan báo trước. Vào lúc này, đã có tin đồn ông Ngô Đình Diệm sẽ về nước làm thủ tướng. Những truyền đơn đầu tiên ký tên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ủng hộ ông Diệm xuất hiện lác đác ở Nam Định.


Ba ngày cuối cùng phi cơ quân sự lên xuống liên tiếp. Khi đã chuyên chở gần hết vật dụng và người, trạm hàng không quân sự Nam Định bắt đầu cho mọi người tự do lên phi cơ C-47 còn trống nhiều chỗ để đi Hà Nội.

Nam Định bắt đầu hoảng hốt thực sự từ ngày 28 tháng 6 khi điện bị cắt. Thành phố tối mù. Nhiều người chen chúc mua vé xe hoặc thuê xe di tản về Hà Nội. Nam Định là nơi số doanh trại và binh lính dầy đặc nhất Việt Nam. Trước đó từ 9 giờ khuya là giờ giới nghiêm, thành phố vắng vẻ không một bóng người trên phố xá. Nay đột nhiên tất cả chìm trong không gian đen thui, nhưng lại cựa mình mạnh hơn trong bóng tối. Trên đường phố người ta đi lại đông đúc khác thường quá cả giờ giới nghiêm.

 
Đường phố Hà Nội, hình chụp vào tháng 7 năm 1954.

Gia đình tôi lúc ấy đang ở một căn cư xá công chức nơi mẹ tôi làm việc. Lúc 7 giờ sáng, một anh lính tống thư viên người Pháp vào sở đưa một giấy báo di chuyển, ghi đúng số người thuộc quyền sở này và gia đình nhân viên kể cả 4 gia đình ở cư xá. Tất cả mau lẹ tập trung đợi xe. Sau đó chừng 15 phút, một tiểu đội Bảo Chính Đoàn dẫn 4 xe vận tải trưng dụng của tư nhân đến nơi và cho biết đúng 8 giờ kém 15 mọi người phải có mặt đầy đủ trên xe.

Việc di tản có vẻ đã được chuẩn bị nhiều tuần lễ trước đó. Số người ngồi trên xe thoải mái rộng rãi vì không ai mang theo đồ đạc gì nhiều ngoài một vài chiếc valise và túi xách tay gọn nhẹ.

Lệnh di chuyển cho biết đoàn xe này phải qua trạm kiểm soát phía bắc hướng đi Phủ Lý-Hà Nội vào khoảng giờ nhất định mà tôi nhớ là sau 8 giờ và trước 8 giờ 10 phút. Lệnh này cũng cảnh cáo nếu xe nào đến sớm quá hay muộn quá theo giờ ấn định sẽ bị ủi ra khỏi mặt đường để tránh nhiễu loạn giao thông.

Hồi đó tôi còn là học trò. Vội vàng xếp quần áo, hình ảnh, giấy tờ cần thiết, cuống cuồng không biết phải mang theo gì và phải bỏ lại món nào. Lúc còn chừng 25 phút, tôi xin phép mẹ tôi chạy ra phố nói là để chào mấy thằng bạn. Cô ruột tôi , người nuôi nấng tôi từ nhỏ không chịu vì sợ tôi chậm trễ e sẽ kẹt lại. Nhưng mẹ tôi hiểu ý, mỉm cười can thiệp nói, “Chị cứ cho nó đi, nó không dám về muộn đâu.”

Mẹ tôi thừa biết tôi đi đâu. Tôi đạp xe với tốc độ không thua các tay đua vòng quanh Đông Dương, xẹt qua trước nhà cô bạn mà tôi thương vụng nhớ thầm từ năm 17 tuổi và chưa hề mở lời yêu đương.

Nàng đang ngồi chải tóc ở cửa sổ trên lầu. Không rõ nàng có nhìn thấy tôi hay không, nhưng tôi vội vàng đánh bạo thu hết can đảm hôn gió trên bàn tay phải ném về phía cửa sổ rồi lao xe như gió về nhà, trước giờ xe chạy khoảng 10 phút. Ở miền Bắc hồi ấy trai gái còn nhút nhát, phải can đảm lắm mới dám làm như thế vì tôi linh cảm chuyến đi này sẽ lâu lắm., có thể là cả đời. Sau này trong đời lính chưa bao giờ tôi phải vận dụng can đảm cao độ như vậy dù gặp nhiều tình thế rất khó khăn nguy hiểm.

Quân cảnh Pháp thi hành đúng giờ giấc như quy định. Tại trạm kiểm soát Cổng Hậu, từng đoàn xe gồm năm mười chiếc có lính hộ tống được cho khởi hành. Một vài xe đến muộn phải đậu một bên đường chờ giải quyết sau. Trên đường đi, tại mỗi cây cầu đều có một toán Công Binh đặt sẵn chất nổ. Một trung sĩ Công Binh Việt Nam cho biết họ phải phá nổ các cầu này khi đơn vị cuối cùng đi qua.

Buổi trưa đoàn xe chúng tôi đi đến Hà Nội. Gia đình tôi về ở nhà người thân. Đêm hôm ấy thị xã Phủ Lý bị một sư đoàn Việt Minh tấn công. Thành phố đã hư hại sẵn nay lại chịu tàn phá gần hết những gì còn lại.

Cuộc rút lui này tuy tiêu biểu cho việc Pháp thua trận nhưng lại là cuộc rút lui thành công. Dựa vào tài liệu của Pháp và thực tế quan sát thấy tại chỗ, cho thấy Đại Tá Vanuxem chỉ huy trưởng Phân Khu Nam đã điều động cuộc rút lui mau lẹ, có trật tự với tổn thất nhẹ không đáng kể. Đoàn quân rút lui vượt qua nút Phủ Lý trước khi bị địch đánh chận.

Kế hoạch tỉ mỉ do bộ tham mưu Pháp bí mật soạn thảo, trong đó chỉ có các sĩ quan từ đại úy mới được cho tham dự. Mọi việc đánh máy, chuyển nhận công điện, văn thư tài liệu đều do các cấp sĩ quan từ đại úy trở lên đích thân thi hành. Bí mật được giữ đến phút chót. Chỉ có một điều đáng tiếc là nhiều đội dân quân tự vệ ở nhiều làng mạc các tỉnh vùng này kể cả quanh những trung tâm chiến lược như Phát Diệm, Bùi Chu bị Pháp bỏ rơi. Nhiều dân quân chạy không kịp bị Việt Minh bắt và giết hại.

Hà Nội vốn yên tĩnh, lúc đó đang sống thanh bình không nghe tiếng súng. Những vũ trường, hàng quán sang trọng và độc đáo với những thắng cảnh nổi tiếng đầy bóng dáng người đẹp thướt tha. Cuộc di tản 4 tỉnh phía Nam làm cho đường phố Hà Nội đông người thêm nhưng vẫn không mất vẻ mỹ lệ của đất Thăng Long ngàn năm văn vật.

Lúc ấy hội nghị Geneve bắt đầu họp. Ai cũng thấy phe Cộng Sản đang nắm ưu thế. Những người có quan tâm đều lo ngại không biết sẽ đình chiến kiểu nào. Có thể là hai bên ngưng bắn xen kẽ mà sau này năm 1972-73 người ta gọi là “giải pháp da beo.” Cũng có thể là chia đôi đất nước thành hai miền Nam và Bắc. Người ta cũng bàn tán gay go về ranh giới đình chiến sẽ nằm ở vĩ tuyến nào? Vĩ tuyến 13, 16 hay 19?

Đầu tháng 7, ông Diệm ra Hà Nội. Một số đông đảo dân chúng chào đón ông, và nhiều người hy vọng vị nhân sĩ này sẽ cứu vãn tình hình. Sau đó ngày 7 tháng 7 năm 1954 ông Diệm chính thức nhậm chức thủ tướng. Ông thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt. Các đoàn thể, đảng phái chống Cộng đều ủng hộ đường lối này. Nhiều sĩ quan, binh sĩ cũng sẵn sàng tham gia việc phòng thủ lãnh thổ phe quốc gia đang nắm giữ. Một số đông đảo đặt niềm hy vọng lớn lao vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ thay thế người Pháp.

Nhóm chúng tôi là đảng viên Đại Việt và Quốc Dân Đảng đều hăng hái tham gia tuyên truyền vận động ủng hộ chủ trương giữ Bắc Việt. Đêm đêm, chúng tôi đi ném truyền đơn ở khu Hồ Tây, Cổ Ngư, Ngọc Sơn và nhiều nơi khác kể cả những nơi có lính Pháp lui tới. Hà Nội bắt đầu có không khí căng thẳng và phảng phất mùi chiến tranh.

Đường phố Hà Nội về khuya lần đầu tiên có những bóng dáng cảnh sát võ trang súng trận Mas-36 và quân phục tác chiến đi tuần tiễu. Nhưng các cơ sở dân sự cơ yếu và doanh trại quan trọng của Quân Đội Quốc Gia đều thấy có lính Maroc hoặc da đen canh gác, rõ ràng là Pháp đang phòng ngừa chính biến chống lại họ.

Ngày 14 tháng 7, quân đội Pháp tổ chức diễn binh ờ Bờ Hồ phía Tòa Thị Chính. Thông cáo và bích chương của Pháp vẽ hình nắm đấm được thấy khắp nơi. Pháp giải thích rằng rút 4 tỉnh phía Nam là bàn tay trước kia xòe ra nay nắm lại để đánh mạnh hơn. Tất nhiên ít ai tin vào luận điệu này.

Đám học sinh chúng tôi từ Nam Định chạy về nhiều đứa tình nguyện vào Khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị và lục tục lên đường khoảng trước ngày 15 tháng 7 năm 1954. Phần còn lại thường tìm gặp nhau trao đổi tin tức và bàn luận về tình hình đất nước.

Chiều 21 tháng 7 năm 1954 khi bọn tôi đang tụ họp thì có tin trên đài Con Nhạn (Hirondelle) của quân đội Pháp vang lên lời loan báo “Hiệp Định Đình Chiến đã được ký kết.” Tờ báo của quân đội Pháp cũng đăng câu ấy trên trang nhất bằng chữ lớn. Mọi người bàng hoàng dù biết trước thế nào việc này cũng sẽ đến. Báo này cho hay đất nước phân chia ở sông Bến Hải, Vĩ Tuyến 17.

Tân Thủ Tướng Pháp Mendès-France nhậm chức ngày 17/6/54, đã tuyên bố rằng ông ta sẽ từ chức nếu không đạt được thỏa hiệp trước ngày 20 tháng 7 năm 1954. Vì thế hiệp định Geneve về Đông Dương được ký lúc sáng sớm ngày 21 nhưng nhà cầm quyền Pháp đã cho đồng hồ ngưng chạy từ đêm trước để làm như lúc ấy vẫn còn là ngày 20. Tại Việt Nam thời điểm này là trưa ngày 21.

Hà Nội liền thay đổi rõ rệt. Niềm hy vọng giữ Bắc Việt lịm tắt dần và dân chúng nóng lòng về tin tức sẽ có cuộc di cư. Một số bài trên báo chí đang từ thái độ chống cộng quay dần sang ủng hộ Việt Minh. Người các tỉnh đổ về Hà Nội đông đảo. Cán bộ Việt Minh cấp thấp ra vào Hà Nội dễ dàng. Đồ chơi trẻ em bày bán trước dịp Trung Thu có những chiếc máy bay, xe thiết giáp, xe chở lính, tàu thủy được sơn cờ đỏ sao vàng. Các cơ quan an ninh chẳng ai thèm để ý.

Một số cán bộ Việt Minh quen biết gia đình tôi đến thăm và khuyên gia đình tôi nên ở lại nhưng mẹ tôi và tôi đã dứt khoát ra đi. Sau đó 4 tháng, chúng tôi gặp lại vài người trong số cán bộ này ở Sài Gòn. Chính họ cũng đã mau chóng nhận rõ thực chất của Cộng Sản và kịp thời ra đi trước khi cảng Hải Phòng đóng cửa tháng 3 năm 1955.

Những gia đình chuẩn bị di cư đem đồ đạc bày bán dọc bờ hồ Thiền Quang làm thành một thứ chợ trời. Một buổi sáng sớm khi những người đầu tiên đang lục tục khuân đồ đạc đến chợ thì thấy có một lá cờ đỏ sao vàng treo trên tàng cây cao chừng ba bốn mét. Một thanh niên nổi nóng trèo lên giật lá cờ ném xuống đất.

Một trung tá người Pháp đi bộ ngang qua hung hăng can thiệp, lớn tiếng đại ý nói đó là quốc kỳ của một nhà nước, không được xúc phạm. Ông ta không ngờ những người bán chợ trời đều không ưa lá cờ máu ấy. Thế là xô xát xẩy ra, kết quả viên trung tá bị trọng thương vì gạch đá gậy gộc cho đến lúc xe quân cảnh Pháp cấp cứu.

Tin tức về di cư được loan báo chính thức vào đầu tháng 8. Nhiều nhà giầu đã đi vàoNam bằng phương tiện riêng. Đại đa số còn lại đợi ghi danh di cư bằng phi cơ và tàu biển. Trong nhóm chúng tôi từ Nam Định lên, phần đi Khóa 5 Thủ Đức, số còn lại một phần tham gia đoàn cán bộ xã hội được gửi vào Nam để phụ trách các trại tiếp cư do Bộ Xã Hội thiết lập. Tôi ở trong số này. Buổi chiều ngày 11 tháng 8 năm 1954 bốn đứa bọn tôi đi bộ thăm tất cả các di tích và thắng cảnh quanh Hà Nội lần cuối.

Hình chụp vào tháng 9 năm 1954 với một số người Bắc di cư trên tàu USS Bayfield khi tàu vừa cặp bến Saigon. Sau Hiệp Định Geneve, tàu USS Bayfield là một trong những vận-chuyển hạm của Hải Quân Hoa Kỳ được giao phó nhiệm vụ chở người tị nạn từ Bắc vào Nam.

Sáng sớm 12 tháng 8 khi qua cửa kiểm soát phi trường Gia Lâm, một trung úy Nhảy Dù người Pháp hỏi chuyện chúng tôi vì thấy 25 đứa trong đoàn cán bộ xã hội toàn là thanh niên còn trẻ. Sau khi nghe chúng tôi nói rõ lập trường và mục đích ra đi, ông ta nắm tay chúng tôi giọng xúc động nói rằng, “Nước Pháp đã liên tiếp sai lầm để các bạn chịu hậu quả đau đớn hôm nay.” Nói xong không ai ngờ viên trung úy trẻ dưới 30 này bật khóc, nước mắt chảy dài trên má.

Chúng tôi cũng cảm động tuy nhiên vẫn còn cầm được nước mắt. Nhưng khi phi cơ lượn một vòng lấy cao độ, tất cả đều ngó xuống. Giữa tấm thảm mây mưa xám xịt che kín bên dưới phi cơ có một khoảng trống vuông vắn hiện ra Hồ Gươm và 36 phố phường. Cảnh tượng tuy tầm thường nhưng lại gây xúc động mạnh, khiến đứa nào cũng rưng rưng nước mắt. Đây là lần chúng tôi vĩnh biệt Hà Nội. Vĩnh biệt miền Bắc.

Sau những giờ bay dài phi cơ đến Tân Sơn Nhất, cảnh những con rạch đỏ ngầu giữa hai hàng dừa xanh làm chúng tôi tươi vui hơn. Được đưa về nhận việc tại trại Bệnh Viện Bình Dân dưới quyền Bộ Xã Hội, ngày hôm sau chúng tôi được phân phối đi các trại tiếp cư khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Đợt đầu tiên đồng bào di cư bằng cầu vận chuyển của chính phủ và các nước trợ giúp đã vào Sài Gòn từ đầu tháng 8 năm 1954.

Nhờ vào dịp hè, các trường học vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định được trưng dụng để đón nhận người di cư đến bằng phi cơ quân và dân sự, các quân vận hạm Mỹ như Marine Serpent và Marine Addler, các mẫu hạm Anh và Pháp. Trại tiếp cư lớn nhất vùng Sài Gòn là trại Phú Thọ Lều (sát trường đua Phú Thọ, gồm hàng trăm lều vải lớn mỗi lều chứa bốn năm gia đình do quân đội Mỹ dựng. Gọi là Phú Thọ Lều để phân biệt với trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ ở gần kế đó. Trại Phú Thọ Lều chứa trên 10 ngàn người.

Trợ cấp tiền mặt một ngày cho mỗi người lớn 12 đồng, trẻ em 6 đồng, dư để ăn ba bữa tươm tất. Lúc ấy một bát phở hay một tô hủ tiếu giá 3 đồng, một bữa cơm ở quán ăn xã hội hai món canh và mặn giá 5 đồng. Chai bia 3 đồng kể cả nước đá, một gói thuốc lá Ruby 8 đồng. Lương giáo viên tiểu học khoảng hơn 4,000 đồng, lương trung sĩ 2,200 đồng, lương cán bộ ngang lương thấp là 1,500 đồng. Một căn nhà gỗ lợp tôn 4×20 mét ở mặt đường khoảng chợ Hòa Hưng giá chừng 30,000 đồng.

Đời sống trong các trại tiếp cư rất đa dạng. Sống chật chội chung đụng và ồn ào, làm nảy sinh nhiều vui buồn, đụng chạm, kết bạn, rã bạn, tạo ra những mối tình ái lăng nhăng xấu tốt đủ cỡ đủ kiểu. Những cảnh âu yếm giao tình nặng nhẹ bên bờ bụi gần trại trong đêm khuya vắng vẻ của trai gái, vợ chồng đủ lứa tuổi, là những nét sinh hoạt rất sống động có đủ vui, buồn, yêu, giận, phát khóc và nực cười.

Từ tháng 8 năm 1954, mỗi ngày có trung bình hàng ngàn người từ Hà Nội và Hải Phòng vào Sài Gòn bằng đường hàng không và nhiều ngàn người mỗi tuần bằng tàu chiến. Công việc định cư được tiến hành song song và khẩn thiết. Phủ Tổng Ủy Di Cư lúc ấy đã thay thế bộ Xã Hội trong nhiệm vụ chuyên biệt này.

Thời gian tạm cư kéo dài đến cuối năm 1954 và các trường học được trả lại cho học sinh. Trại Phú Thọ Lều giải tán. Người di cư theo nhau đi định cư khắp nơi, ở nhà tư hoặc ở các trại định cư khắp các tỉnh. Tính đến chuyến tàu sau cùng tháng 3 năm 1955 có khoảng 950,000 người từ bắc Vĩ Tuyến 17 di cư vào Nam.

Nếu tính theo giấy tờ, con số này có thể lên tới hơn 1 triệu vì có sự gian lận sổ sách của một số viên chức cán bộ lợi dụng thủ tục khai và lãnh tiền trợ cấp dễ dàng. Và không phải 90% người di cư là tín đồ Công Giáo như nhiều người nhận định. Số đồng bào Công Giáo di cư có lẽ chỉ chiếm khoảng 70% tổng số.

Một điểm đáng ghi nhận là đáng lẽ số người di cư còn cao hơn nữa nhưng vì vụ tướng Nguyễn Văn Hinh chống ông Diệm và những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng Bình Xuyên đầu năm 1955 ở Sài Gòn nên nhiều người Bắc không dám vào Nam. Tin tức về vụ này làm một số rất nhiều người đã định ra đi nhưng vì e ngại loạn lạc mà đổi ý.

Nói chung, sự xuất hiện của ông Ngô Đình Diệm và thái độ can dự của người Mỹ đã gây được tin tưởng trong một số đông đảo người miền Bắc khiến họ yên tâm vàoNam. Đại đa số thành phần trí thức, chuyên viên cao cấp như kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên trung cấp, thợ giỏi, đã rời bỏ đất Bắc khiến chính quyền ông Hồ Chí Minh gặp khó khăn lớn trong mục tiêu xây dựng một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật mà họ cho là xương sống của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật Xã Hội Chủ Nghĩa.

Cuộc di cư năm 1954 tạo ra những thay đổi sâu rộng trong lịch sử Việt Nam. Xin ghi lại một vài sự kiện nổi bật xảy ra và những nét đặc biệt của cuộc di cư sau Hiệp Định Geneve 1954 điển hình tại vùng thủ đô Sài Gòn.

Trước hết phải nhìn nhận cuộc di cư đã giúp hàn gắn những chia cách đáng buồn giữa hai miền trong nước. Tình trạng chia rẽ do hậu quả của những năm dài dưới chế độ thuộc địa Pháp đã tiêu tan mau chóng. Những dị biệt về phong tục, ngôn ngữ vì ngăn cách, lâu ngày được san bằng gần hết. Những ngăn cách và hiểu lầm còn lại không gây hậu quả nào nghiêm trọng. Về mặt chính trị và xã hội, sau nhiều biến chuyển và chiến tranh, cuộc di cư vĩ đại năm 1954 đã góp phần thay đổi bộ mặt bề ngoài cũng như nếp sống của dân chúng đến chỗ tốt đẹp, phong phú hơn.

Trước tháng 10 năm 1954, chính quyền địa phương còn gần y nguyên như thời Pháp Thuộc. Văn thư, giấy tờ, tên công sở, phố xá còn dùng tiếng Pháp. Từ khi chính phủ Ngô Đình Diệm nắm toàn quyền sau những âm mưu đảo chánh bất thành, luật lệ được thi hành nghiêm chỉnh. Nhiều cải cách hành chánh đã làm giảm hẳn nạn giấy tờ nhiêu khê. Văn thư, giấy tờ đều bắt đầu dùng tiếng Việt. Xin Tư Pháp Lý Lịch bây giờ chỉ mất một tuần thay vì đợi 3 tháng. Xin chứng nhận bản sao đợi lấy ngay hay sau vài giờ thay vì một tuần lễ. Các cuộc cải tổ mạnh mẽ được tiến hành có kết quả tốt nhờ phần nào ở sự ủng hộ tích cực của đồng bào di cư đối với chính phủ.

Cuộc đổi tiền Đông Dương thành tiền Việt Nam năm 1955 trong 3 ngày không giới hạn số lượng là một đòn bất ngờ vô hiệu hóa hàng tỷ bạc Đông Dương mà chính quyền Hồ Chí Minh thu gom được ở miền Bắc vì họ không kịp chuyển vào Nam để đổi lấy tiền miền Nam mới. Đợt đổi tiền này cũng chấm dứt luôn thói quen tiêu dùng coi nửa tờ giấy bạc 1 đồng như 5 cắc (hào). Khi cần xài hay trả lại 5 cắc, chỉ cần xé đôi tờ giấy bạc một đồng. Đành rằng tập tục này không áp dụng cho những giấy bạc mệnh giá trên một đồng.

Lúc ấy ảnh hưởng tuyên truyền của Cộng Sản rất mạnh ở nam phần ngay tại Sài Gòn. Nhiều người mở đài Hà Nội công khai mà không ai bắt bớ. Nhiều người miền Nam ít hiểu biết về thực tế Cộng Sản đã thật thà hỏi mấy đồng bào di cư mới gặp gỡ rằng “Ngoài Bắc đã độc lập rồi, mấy thầy cô dô đây làm chi?” Do đó đã xẩy ra một số đụng chạm nhỏ trong tháng đầu. Dần dần đồng bào miền Nam mới nhìn đồng bào di cư một cách có thiện cảm hơn.

Trong bối cảnh ấy, lực lượng học sinh di cư đã dẫn đầu cuộc biểu tình vào dịp 20 tháng 7 năm 1955 đòi tống xuất các đoàn đại biểu của quân đội Cộng Sản từ Hà Nội trú đóng tại hai khách sạn Majestic và Galliéni (đường Trần Hưng Đạo). Khi bị khiêu khích, cuộc biểu tình biến thành bạo động, gây thiệt hại nặng cho hai khách sạn nhưng không có thương vong quan trọng. Những hành vi cương quyết của quần chúng khiến bọn thân Cộng Sản không còn nhởn nhơ tuyên truyền bán công khai như trước.

Người di cư tiếp xúc, trao đổi với dân chúng địa phương mau chóng tạo ra những hiểu biết và thông cảm. Về kinh tế thương mại, người Bắc vào Nam đã mở mang thương trường, ra các cửa hàng nhất là hàng ăn. Năm 1954 hầu hết cửa tiệm ăn do người Hoa kinh doanh, và họ dành độc quyền ngành lúa gạo cũng như các sạp thịt ở mọi chợ. Đời sống dễ dàng ở miền Nam khiến người Việt ít muốn cạnh tranh, ngay như ngành công chức cũng không hấp dẫn nhiều người. Bà con lao động xích lô kiếm đủ tiền tiêu trong ngày nhiều khi đẩy xe lên lề dưới bóng cây làm một giấc, khách gọi mấy cũng từ chối. Cách biệt giầu nghèo ở Nam Việt lúc ấy rất ít.

Các tầng lớp dân di cư cần cù chịu đựng tham gia thị trường lao động đã làm cho đời sống kinh tế miền Nam lên cao nhưng lại buộc mọi người phải làm ăn chăm chỉ hơn. Một số người địa phương không hài lòng vì nếp sống thong thả lè phè cũ đã mất đi không còn trở lại.

Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong một trại định cư với hàng trăm căn lều. Lúc đó, một trong những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ Lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đưa Phú Thọ. Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư.

Trang phục phụ nữ hai miền khác nhau, nổi rõ nhất là giới nữ sinh trung học tuổi đôi tám. Nữ sinh Hà Nội làm dáng sớm hơn, quần hẹp, áo dài nở vòng số một. Nữ sinh Sài Gòn vận quần trắng rộng, áo bà ba trắng nhiều hơn áo dài được may vòng số 1 tương đối phẳng phiu có lẽ vì đó là cách tỏ ra là con nhà nghiêm túc. Sau hơn một năm các cô hai miền tự nhiên hòa hợp cách ăn mặc, bọn thanh niên sinh viên học sinh chúng tôi không còn phân biệt được gốc gác các cô qua y phục nữa. Điều quan trọng và dễ thương hơn hết là những câu chuyện tình Bắc duyên Nam đã nhiều khi hóa giải rất nhiều cho những mâu thuẫn văn hóa chính trị.

Các trường phía Bắc di chuyển vào Sài Gòn giữ gần y nguyên ban giám hiệu và tổ chức riêng. Từ Hà Nội vào, Chu Văn An tiếp tục tại cơ sở cạnh Petrus Ký. Trưng Vương học chung cơ sở nhưng khác giờ với Gia Long… sau hai ba năm mới ra học ở các cơ sở riêng trước Thảo Cầm Viên. Mấy năm sau nữa thì học sinh gốc hai miền dần dần pha trộn.

Chuyện đáng nhớ là năm 1955 học sinh Bắc vào Nam và các bạn gốc miền Nam mở chiến dịch phá bỏ tên đường tiếng Pháp. Nhờ đó mà việc đặt tên đường mới, vốn là việc mất nhiều công sức, đã được Tòa Đô Chánh Sài Gòn thực hiện trong vòng khoảng một tháng.

Về mặt văn hóa và báo chí, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ Bắc vào Nam đã hòa hợp với đồng nghiệp miền Nam tạo ra sinh khí mới, lối viết và văn phong, sắc thái trong sáng, có sức truyền đạt hơn. Sau một thời gian ngắn người đọc chỉ có thể nhận thấy một số khác biệt ít ỏi giữa bài vở sách báo do các tác giả gốc từ các miền khác nhau viết ra.

Đặc biệt là về tân nhạc, lớp nhạc sĩ và ca sĩ cũng như những người yêu nhạc từ miền Bắc vào Nam đã lôi cuốn được phong trào âm nhạc mới phát triển mạnh để tiến đến tới cao điểm nghệ thuật ca nhạc trong các thập niên sau. Và ngược lại số người Bắc di cư hâm mộ ca nhạc kịch cải lương cũng gia tăng nhiều.

Về mặt ăn chơi, sự thay đổi rõ rệt hơn. Sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới, khu mại dâm Bình Khang bị đóng cửa đầu năm 1955. Giữa năm 1954 cả Sài Gòn hình như chỉ có 2 hay 3 tiệm phở Bắc. Chỉ sau vài tháng số tiệm phở tăng đến hàng chục. Các quán cà phê cũng lục tục ra đời cùng với các ngành buôn bán khác. Các xuất gọi là phụ diễn tân nhạc trước khi chiếu phim chính ra đời dần dần tiến đến những buổi trình diễn âm nhạc chuyên nghiệp gọi là “nhạc hội” giúp vào việc phổ biến âm nhạc sâu rộng hơn. Trước đó hoạt động âm nhạc chỉ được biết qua các chương trình ca nhạc và các cuộc thi hát, tuyển lựa ca sĩ của các đài phát thanh quốc gia, đài quân đội và đài Pháp Á cùng hai đài Huế và Hà Nội.

Ngôn ngữ hai miền sau cuộc di cư cũng thay đổi và pha trộn về từ ngữ tuy vẫn giữ những nét độc đáo của từng vùng mà không lai giọng. Điểm đáng lưu ý là sau nhiều năm gia đình gốc gác miền Bắc di cư có con cái đứa thì nói giọng địa phương (Nam hay Trung), đứa thì nói giọng Bắc, đứa thì nói cả hai ba giọng tùy theo môi trưởng xóm giềng và trường học. Nhưng không mấy ai nói lẫn lộn cùng một lúc các giọng khác nhau.

Về mặt đời sống xã hội, người di cư dần dần và chậm chạp chịu ảnh hưởng bởi lối sống phóng khoáng, chân thật, thẳng thắn của dân miền Nam. Sau một thế hệ, tính nết người Bắc di cư khác hẳn tính nết của đồng hương của họ còn ở lại quê nhà. Đến sau 30 tháng 4 năm 1975 người ta càng thấy điều này rõ rệt hơn khi gặp đợt Bắc Kỳ mới vào Nam.

Trong đời sống tinh thần, có hai sự kiện đáng nhớ trong thời gian ấy. Một là trước ngày Việt Minh tiếp thu Hà Nội thì chùa Một Cột, di tích quý báu nhất của Việt Nambị kẻ vô danh phá bằng chất nổ. Rất may chùa chỉ hư hại một góc. Nghe tin ấy chúng tôi đều hết sức buồn phiền. Hai là giữa lúc nhịp độ di cư đang lên cao thì Hoàng Dương, em nhạc sĩ Hoàng Trọng cho ra đời ca khúc Hướng Về Hà Nội với lời ca tha thiết “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi… mái trường phượng vĩ dâng hoa, dáng chiều ủ bóng tiên nga… biết đâu ngày ấy anh về.” Ca khúc này khiến lứa tuổi 18, 19 chúng tôi cảm thấy rõ điều mà các văn thi nhạc sĩ gọi là “tan nát cõi lòng.”

Dĩ nhiên trong ngót một triệu người Bắc di cư có đủ mọi thành phần tốt xấu kể cả đầu trộm đuôi cướp, quan lại tham nhũng, trọc phú bất lương, tay sai thực dân và nội tuyến Cộng Sản. Nhưng so với số các phần tử tinh hoa của xã hội, số người yêu nước, chuyên viên giỏi các loại, các nhân sĩ, trí thức, chiến sĩ quốc gia chân chính, thì những phần tử xấu xa nói trên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ bé.

Một số người cho rằng người miền Bắc di cư đã là chứng nhân lịch sử khiến đồng bào miền Nam hiểu rõ bản chất của chế độ Cộng Sản. Điều đó có thể đúng một phần nhỏ. Phần quan trọng hơn là chính vì thực tế những đường lối mà Cộng Sản thi hành tại miền Nam tại nông thôn từ khoảng năm 1961 trở đi. Từ đó họ đã thấy rằng chế độ Cộng Sản đi ngược lại quyền lợi và sự an hòa của nhân dân ta nhất là giai cấp nghèo khổ ở nông thôn.

Tôi và các bạn cùng lứa tuổi di cư vào ở miền Nam gần 40 năm tính đến năm 1990 qua di trú sang Hoa Kỳ. Tuy sinh ra trên đất Bắc nhưng chỉ ở Bắc dưới 20 năm trong đó mới biết chuyện đời được dăm ba năm. Vì thế chúng tôi có hai miền quê quán. Quê quán thứ nhất ở miền Bắc còn ở trong tim nhiều hơn. Quê quán thứ hai ở miền Nam sau ngày di cư năm 1954 mới thực sự chứa đựng nhiều vui buồn, yêu thương, giận dỗi, vinh quang và tủi nhục vì trải qua quãng đường đời dài 40 năm với biết bao nhiêu là kỷ niệm.

Lữ Tuấn

nguồn: dsdatlanh.blogspot.com