Vũ Thất

Bảo Bình 1

Monthly Archives: Tháng Năm 2021

Thánh chửi, thần y, danh hài, và các ngôi sao đang lặn

Nguyễn Quang Dy

Gần đây, dư luận ồn ào về câu chuyện “thần y” Võ Hoàng Yên đang bị “thánh chửi” Nguyễn Phương Hằng (CEO của Đại Nam, vợ đại gia “Dũng Lò Vôi”) tố cáo dùng bùa ngải để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản. Theo bà Phương Hằng, 14 năm qua ông Yên đã hành nghề “lang băm”, lừa đảo nhiều người cả trong và ngoài nước, làm họ “tiền mất tật mang”. Bà còn tố cáo một số “nghệ sỹ” đã ẩn danh nói xấu mình để bênh vực cho ông Yên.

Bà Phương Hằng cũng lên án “danh hài” Võ Hoài Linh, không chỉ vì đồng bóng, mà sáu tháng qua đã ỉm đi gần 14 tỷ VNĐ mà những người hảo tâm đã ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Về pháp lý, phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự thực, nhưng nếu sự thực được phanh phui thì đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về một nhóm lợi ích có bóng dáng một giáo phái tà đạo mà chính bà ấy là nạn nhân, nay đang làm thay đổi cuộc chơi (game changer).

Các loại siêu lừa   

Tuy lừa đảo không chỉ có ở Việt Nam mà nước nào cũng có, nhưng ở các nước văn minh, họ thường lừa đảo “chuyên nghiệp hơn”. Siêu lừa Bernie Madoff bị bắt vào tháng 12/2008, sau khi công ty quản lý tài sản mà ông ta điều hành ở Manhattan (New York) bị cáo buộc lừa đảo bằng “mô hình kim tự tháp” (Ponzi), với số tiền lên tới 65 tỷ USD. Nhưng ở Việt Nam, họ thường lừa đảo dân chúng một cách “thô thiển hơn”, như một đặc thù riêng.  

Hai năm trước, siêu lừa Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) đã bị tuyên án tù chung thân. Theo Viện Kiểm Soát, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và các đồng phạm đã sử dụng mạng lưới bán hàng đa cấp gồm 34 chi nhánh và đại lý tại 27 tỉnh/thành, chiếm đoạt 2.090 tỷ VNĐ của hơn 68.000 người. Giang và đồng bọn đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ngộ nhận rằng Liên Kết Việt là công ty của Bộ Quốc phòng, và tổ chức lễ đón nhận bằng khen (giả) của thủ tướng chính phủ. (Lao Động, 23/12/2020).

Trước đó là vụ “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn phạm tội lừa đảo. Tuấn vốn lái taxi nên được nhận vào làm lái xe ở cục Phòng chống Tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Vì quen với Chủ tịch Hội Luật gia và Hội Nhà báo, nên Tuấn được kết nạp làm hội viên, và đã “thỉnh giảng” tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Tuấn còn làm “trợ lý” cho ông Võ Kim Cự (Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2016, với danh nghĩa “Viện trưởng Viện Pháp luật & Kinh doanh” (thuộc Hội Luật gia Việt Nam), Tuấn định ứng cử vào Quốc Hội. (VOV, 19/5/2019).

Người Việt lừa đảo không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Năm 2016, cô gái Lê Mỹ Trúc bị bắt ở Sydney (Australia) và bị tuyên án 18 tháng tù treo vì tội lừa đảo với số tiền là 466.000 AUD (khoảng 8 tỷ VNĐ). Trên 300 du học sinh người Việt ở Sydney và Melbourne là nạn nhân của trang Facebook Vi Tran, bán vé máy bay giá rẻ trên mạng. Các nạn nhân bị lừa do mua vé máy bay giá rẻ mà không thẩm định. (Thanh Niên, 10/8/2016).  

Gần đây, các vụ lừa đảo ngày càng nhiều, với các phương thức đa dạng hơn, kết hợp truyền thống với công nghệ cao, nên càng khó đối phó, được cảnh báo thường xuyên như một hiện tượng “bình thường mới” (new normal). Năm 2020, tiếp theo thiên tai là đại dịch Covid, làm cho nền kinh tế suy thoái, càng tạo điều kiện cho bọn lừa đảo hoạt động. Người ta nói “quan tham thì dân gian”, nên tình trạng buôn gian bán lận không có gì lạ.

Các “siêu lừa” như Lê Xuân Giang, Lê Hoàng Anh Tuấn, hay Võ Hoàng Yên, là những kẻ mạo danh (imposters), thu hút được rất nhiều người tham gia và trở thành nạn nhân, bao gồm doanh nhân, trí thức và văn nghệ sỹ. Trong thế giới đầy “tin vịt” (fake news), “nửa thật nửa hư” (half truth) và “hậu sự thật” (post truth) mà Yuval Noah Harari đã cảnh báo, các Youtubers bẩn đang mọc ra như nấm, thao túng thông tin làm nhiều người dễ ngộ nhận.

Theo bà Phương Hằng và dư luận trên các trang mạng, “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoài Linh đã thao túng một mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia, vận dụng các phương thức truyền thống (như bùa ngải) và hiện đại (như truyền thông mạng xã hội), nên khó nhận dạng và đối phó. Điều đó vừa phản ánh sự phân hóa của cộng đồng, vừa bộc lộ hiện trạng dân trí của đất nước. Tuy đã có nhiều bài viết về dân trí, nhưng có lẽ chưa đủ.

Bài học truyền thông và dân trí

Trong khi cộng đồng người Việt khó đoàn kết và hòa giải, thì lại dễ chia rẽ và phân hóa theo vùng miền hay phe nhóm. Trong khi người Việt coi nhẹ những vấn đề cốt lõi, thì lại coi trọng những vấn đề vụn vặt. Họ thường lẫn lộn hệ quy chiếu làm thước đo giá trị, nên dễ ngộ nhận.  Trong khi bị người khác lừa, họ lại thích lừa người khác vì tưởng mình khôn ngoan hơn. Đó là một nghịch lý làm nhiều người tinh tướng và “khôn nhà dại chợ”. 

Tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng có ba nguyên nhân chính. Một là dân trí thấp, làm nhiều người Việt không chịu lắng nghe để học hỏi nên dễ nhầm lẫn. Hai là giáo dục và đào tạo có lỗ hổng lớn, làm nhiều người Việt không có tư duy độc lập và thiếu phản biện nên dễ chấp nhận. Ba là truyền thông yếu kém, làm nhiều người Việt ít được giao lưu với thế giới bên ngoài và thiếu kinh nghiệm quốc tế (international exposure) nên dễ bị lừa.  

Thực ra, chất lượng một cộng đồng trí thức hay văn nghệ sỹ không phụ thuộc vào số giáo sư tiến sỹ hay nghệ sỹ ưu tú và nghệ sỹ nhân dân, mà phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm của họ đóng góp cho xã hội. Cũng như vậy, chất lượng của một thầy thuốc hay lang băm phụ thuộc vào số người mà anh ta cứu sống hay làm chết oan. Nghe nói hàng chục người đã chết dưới tay “thần y” Võ Hoàng Yên. Nếu đó là sự thực thì phải truy tố như một tội ác.   

Cuộc chiến đầy kịch tính giữa “thánh chửi” Phương Hằng với “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoàng Linh, cùng một số “ngôi sao”, không chỉ phản ánh sự phân hóa cộng đồng, mà còn bộc lộ thực trạng văn hóa và dân trí của giới Showbiz. Đằng sau hào quang của các “ngôi sao” showbiz là một khoảng tối của dân trí thấp. Trong đó, bà Phương Hằng nổi lên như một hiện tượng truyền thông, trong một xã hội dân sự đang hình thành. Tuy bà sử dụng truyền thông mạng (lá cải), nhưng nó ngày càng hiệu quả và có tác động tích cưc.    

Theo các chuyên gia, bà Phương Hằng không chỉ là một doanh nhân giàu có, mà còn là một người giỏi truyền thông. Để lôi kéo và thuyết phục đám đông, bà đạt được 4 concepts về truyền thông (một tỷ lệ cao). Đó là: (1) nổi tiếng, (2) có tài sản lớn, (3) biết kiện cáo, (4) biết bật mí. Bà phát động cùng lúc 2 cuộc chiến: (1) cuộc chiến truyền thông (phương tiện) và (2) cuộc chiến pháp lý (mục đích). Bà biết lồng ghép các thông điệp truyền thông đúng lúc đúng chỗ, và đối đầu với giới showbiz làm phương tiện để đạt mục đích (chơi tất tay). 

Trong một cuộc chiến “đuổi cùng diện tận”, bà Phương Hằng biết chơi cờ, đưa mình vào thế bị bắt nạt (họ ăn hiếp em), để đối phương bộc lộ điểm yếu (ai sập bẫy ai), nhằm phân hóa đối phương (đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy). Để có chính nghĩa (legitimacy), bà biết chiếm lĩnh điểm cao (positioning) là yêu nước và đứng về phía người dân để “thế thiên hành đạo” (như Robinhood). Bà biết cách khai thác điểm yếu của đối phương (như hiệu ứng bầy đàn) để công kích họ đúng chỗ (tạm ứng niềm tin, đánh tráo khái niệm).  

Trong một livestream dài ba tiếng đồng hồ (tối 25/5/2021), bà Phương Hằng đã cùng lúc thu hút được nửa triệu người xem (một kỷ lục rất cao). Theo các chuyên gia, bà nổi nên như một ngôi sao truyền thông và showbiz có tài, đang làm chủ cuộc chơi và dẫn dắt dư luận. Trong khi các nettizens gọi bà Phương Hằng là “thánh chửi” thì ông “Dũng Lò vôi” gọi vợ mình là một “chiến binh”. Đó là một nữ chiến binh xinh đẹp, thông minh và dũng cảm.

Tuy bị đám đông xúm vào tấn công, nhưng bà Phương Hằng vẫn bình tĩnh livestream một cách chuyên nghiệp, với phong cách tự nhiên, tự tin và nữ tính, sẵn sàng thách đấu các đối thủ “núp lùm”. Sau khi hạ đo ván (knockout) “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoài Linh, chắc “thánh chửi” không còn đối thủ. Có lẽ vì vậy, mà ông “Dũng Lò Vôi” đã tin tưởng chống lưng cho vợ và nhường cho bà làm Tổng Giám đốc (CEO) của Đại Nam.  

Lời cuối 

Cách đây hơn một thế kỷ, trong khi cụ Tản Đà than “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, thì cụ Phan Châu Trinh đề xướng “Khai dân trí” như tư tưởng khai phóng để quốc gia khởi nghiệp. Trong khi Nhật mở cửa canh tân thành công và cất cánh thành cường quốc sau thời Minh Trị (Meiji Restoration) theo “Thoát Á luận” của Fukuzawa Yukichi, thì Việt Nam vẫn “bế quan tỏa cảng”, nên trở thành thuộc địa của Pháp.

Đến nay, Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, chưa thoát khỏi “ngã ba đường”, thậm chí vẫn đang tụt hậu. Liệu Việt Nam có thể phát triển nếu vẫn nhốt những người như Trần Huỳnh Duy Thức, và thả rông Võ Hoàng Yên? Nay bàn về dân trí là hơi muộn, nhưng “muộn còn hơn không”. Việt Nam không thể tiếp cận công nghệ 4.0 nếu vẫn theo hệ quy chiếu 0.4. Triết gia Immanuel Kant (cha đẻ của thuyết khai sáng) đã nói: “Khai sáng là ra khỏi trạng thái vị thành niên do tự mình chuốc lấy”. Theo nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, “khai sáng và trưởng thành là quá trình con người ra khỏi hang tối của tư duy, để tiếp cận ánh sáng”.

NQD. 27/5/2021

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-5-21

Tin buồn khóa 10 Đệ nhất Nam Dương

CÁO PHÓ 

Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cùng thân bằng, quyến thuộc và bạn hữu xa gần:

Chồng, Cha, Anh, Cậu, Bác, Ông Ngoại, Ông Nội của chúng tôi là

Ông LÊ BÁ THÔNG 

Cựu SĨ QUAN HẢI QUÂN QLVNCH – KHOÁ 10 SQHQ/NT Cựu HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC QUỐC HỌC, HUẾ 

PHÁP DANH: NGUYÊN THÁI 

Sinh ngày 30 tháng 01 năm 1941 tại Huế, Việt Nam Viên tịch hồi 18 giờ 18 phút ngày 10 tháng 5 năm 2021 Nhằm ngày 29 tháng 3 năm Tân Sửu 

tại Manassas, Virginia, USA 

HƯỞNG THỌ 80 TUỔ

***** 

TANG LỄ SẼ ĐƯỢC CỬ HÀNH 

Ngày Chủ Nhật 16 Tháng 5 Năm 2021 

Phát tang & Cầu siêu: Tại gia 

Hoả táng: 11 giờ tại Pierce Funeral Home 

9609 Center Street, Manassas, Virginia 20110 

*****

TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO 

Vợ: Lê Thị Minh 

Các con: 

Trưởng nữ: Lê Thanh Nhàn, chồng và các con

Thứ nữ: Lê Thanh Trang, chồng và các con

Trưởng nam: Lê Bá Trí, vợ và các con

Thứ nam: Lê Bá Dũng, vợ và các con

Thứ nữ: Lê Thanh Nhã, chồng và các con

Thứ nam: Lê Bá Hùng, vợ và các con

Thứ nữ: Lê Thanh Tâm, chồng và các con

Thứ nam: Lê Bá Phúc, vợ và các con 

Các em: 

Em gái: Lê Thanh Thảo, chồng và các con

Em trai: Lê Bá Thuận, vợ và các con

Em gái: Lê Thanh Hòa, chồng và các con

Em gái: Lê Thanh Hảo, chồng và các con

Em gái: Lê Thanh Thuỷ, chồng và các con

Em trai: Lê Bá Thành và vợ 

***** 

CÁO PHÓ NÀY THAY THẾ THIỆP TANG XIN MIỄN PHÚNG ĐIẾU & VỒNG HOA

Vụ xâm phạm cờ vàng tại Úc, sản phẩm què quặt của nền giáo dục cộng sản

Thông tin từ cộng đồng Việt Nam tại Úc cho biết, một du học sinh từ Việt Nam tên là Dương Đức Thịnh đã giật lá cờ vàng ba sọc đỏ của cộng đồng Việt Nam tại một nơi công cộng, thuộc thành phố Sidney, đạp lên rồi lớn tiếng mắng những người Việt treo lá cờ này là bọn phản động.

Mời xem clip đang lan truyền trên mạng:

Cộng đồng người Úc gốc Việt đã phản ứng mạnh mẽ, Dương Đức Thịnh bị cảnh sát bắt về đồn, trường trung học nơi cậu ta đang học ra lệnh cấm cậu ta đến trường trong một thời gian. Khả năng cậu ta bị trục xuất về Việt Nam là rất lớn, với tội xâm phạm tài sản người khác.

Dương Đức Thịnh là một thanh niên, chắc chắn thuộc gia đình có tiền của mới được đi du học tại Úc. Chắc chắn cậu ta không thuộc nhóm người Việt ở những “vùng sâu vùng xa”, đến nỗi không biết rằng lá cờ vàng là một biểu tượng thiêng liêng của một cộng đồng có cùng tiếng nói với cậu ta. Anh ta biết lá cờ đó thiêng liêng với một cộng đồng, và vì biết cho nên cậu ta cố tình chà đạp lên nó.

Dù biết hay không biết thì Dương Đức Thịnh chính là kết quả của nền giáo dục què quặt của chế độ Cộng sản Việt Nam nói chung, là kết quả của kiểu tuyên truyền chính trị ma mãnh của tuyên giáo Cộng sản nói riêng. Và tôi không cho rằng, nhóm thanh thiếu niên ngu ngốc như Dương Đức Thịnh ở Việt Nam là hiếm.

Xin nêu một số đặc điểm của nền giáo dục này, cũng như tuyên truyền của tuyên giáo của Đảng, có liên quan đến sự kiện này.

Đảng CSVN chủ tâm xóa bỏ lịch sử không có lợi cho họ, xóa bỏ mọi thứ có liên quan đến lịch sử của miền Nam Việt Nam, các giá trị văn hóa, giáo dục… của chế độ Việt Nam Cộng hòa đều bị phỉ báng, chà đạp. Lịch sử đã được “bên thắng cuộc” viết lại với lằn ranh Ta – Địch, Quốc – Cộng…

Giáo dục của chế độ CSVN không dạy học sinh hướng thiện, nhân bản, mà nhấn mạnh vào bạo lực, với lý thuyết đấu tranh giai cấp. Vì lý thuyết này, con người trong xã hội thời cộng sản được kích động qua hành vi bạo lực, núp dưới những chiêu bài như là “cách mạng triệt để”, “bạo lực cách mạng”, dạy con người thù hận, thay vì yêu thương…

Chính vì ngụp lặn trong nền giáo dục đó, đã khiến cho Dương Đức Thịnh nghĩ rằng việc làm của cậu ta là đúng đắn, là chính nghĩa, cho nên cậu ta hết sức tự tin để thực hiện nó.

Xem lại sách giáo khoa thời Cộng sản, có thể thấy mối căm thù đã được đưa vào những trang sách để dạy học sinh như làm toán bằng cách đếm xác lính Mỹ, hay cách tuyên truyền gọi địch thủ bằng “thằng”,… thì hành động của Dương Đức Thịnh không có gì đáng ngạc nhiên, mà là kết quả tất yếu.

Giáo dục dưới chế độ cộng sản độc tôn một quan điểm duy nhất, đó là quan điểm của Đảng cầm quyền, và nó phủ nhận tất cả những ý kiến khác, phủ nhận cả những cộng đồng khác. Những con người thoát thai từ sản phẩm giáo dục cộng sản khi tiếp xúc với xã hội dân chủ đa dạng ở phương Tây, hoặc là bối rối, nếu còn biết suy nghĩ, hoặc là dẫn đến những hành động què quặt và ngu xuẩn như hành động của Dương Đức Thịnh.

Từ quan điểm đấu tranh giai cấp, con người trong chế độ cộng sản không còn bị ràng buộc bởi một cái khung đạo đức nào, mà chỉ nhằm đạt đến mục đích, bất kể phương tiện nào. Có thể suy đoán rằng, hành động của Dương Đức Thịnh, theo suy nghĩ của cậu ta, sẽ ghi một dấu son vào lý lịch của mình trên con đường hoạn lộ sau này với Đảng Cộng sản.

Quan điểm “mục đích biện minh cho phương tiện” của Đảng Cộng sản và cơ quan tuyên giáo tuyên truyền của nó, dẫn đến hiện tượng quái dị trong vài năm qua, là các video trên mạng xã hội chia sẻ tin vịt từ Mỹ, dân chúng trong nước được phép xem một cách thoải mái, vì những video này làm cho người dân Việt Nam hoài nghi nền dân chủ Mỹ. Trong khi đó, những ý kiến phản biện xã hội cũng qua video, lại bị tuyên giáo kiểm duyệt gắt gao.

Trong bài trả lời phỏng vấn BBC Việt ngữ nhân ngày 30/4, Tiến sĩ Phương Nguyễn từ Mỹ, cho biết, ông được một tờ báo trong nước đề nghị viết về những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trẻ đang gắng sức duy trì văn hóa của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ. Bài viết của ông tiến sĩ Phương Nguyễn không được đăng vì tờ báo Việt Nam nói rằng, những người Việt trong bài là những nhân vật “nhạy cảm”.

Đó là sự không chấp nhận người khác của chế độ toàn trị và nền giáo dục tuyên truyền làm linh hồn của nó.

Và đó là một linh hồn què quặt.

Jackhammer Nguyễn (baotiengdan.com)

Vinfast đâu có méc công an, mà họ sai bảo công an làm việc

Một khách hàng mua xe hơi của Vinfast, sau một thời gian sử dụng, đã than phiền về lỗi của xe, làm mất uy tín công ty. Công an bèn “làm việc” ngay với khách hàng này, như là một vụ án an ninh quốc gia hay là một vụ án hình sự, rất kinh hoàng. Người ta cho rằng Vinfast đã méc công an.

Tạp chí Luật khoa gọi chuyện méc công an đó là một loại văn hóa của xã hội Việt Nam hiện nay.

Tôi cho rằng Vinfast không méc công an, mà là sai bảo công an, và đây không phải là văn hóa, mà là một định chế mang tính hệ thống.

Các viên công an phường

Nếu bạn sống ở Việt Nam vài năm, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến nay, bạn có đủ kinh nghiệm để không phải ngạc nhiên về hình ảnh các nhân viên công an vào ra các doanh nghiệp, dù đó là một tiệm chạp phô ở góc phố, một cửa hàng sang trọng trên đường Đồng Khởi, một “tổ hợp” sản xuất xà bông rẻ tiền ở xã, hay một công ty vận tải… Tất cả những doanh nghiệp tôi vừa kể đều là tư nhân và công an dĩ nhiên là người của nhà nước.

Các viên công an vào ra những chốn nói trên để làm gì? Họ vào đó để “nắm bắt quần chúng”, tức là tạo mối quan hệ với doanh nghiệp. Họ là “công an” mà, tức là an ninh công cộng, họ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh; thế nhưng, ai tinh mắt sẽ thấy họ ra vào có lịch hẳn hoi và nếu để ý kỹ hơn nữa, bạn có thể thấy họ đi ra… với bàn tay đút túi quần!

Doanh nghiệp chính là nguồn thu của họ. Và ngược lại họ sẽ bảo vệ cho doanh nghiệp, hay nói chính xác là “bảo kê”. Ngoài công việc chính, lãnh lương nhà nước, công an ở Việt Nam còn kiêm thêm nghề “bảo kê” cho các doanh nghiệp. Và thu nhập từ công việc phụ này đôi khi còn cao hơn thu nhập từ việc chính.

Thường đây là các viên công an địa phương, công an phường, có khi cấp quận, nằm trong hệ thống công an trị, hay toàn trị bao trùm mọi lãnh vực đời sống của người dân Việt Nam. Nhưng hệ thống này không chỉ có công an quận, phường, hay công an sát vách nhà bạn ở “tổ dân phố”, mà có cả các nhân vật chóp bu là các viên công an rất nổi tiếng, như là Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Minh Chính, Trần Đại Quang… chưa kể loại tép riu như Thượng tá tình báo Vũ “nhôm”.

Nếu bạn hiểu rõ mối quan hệ … đút túi quần của các viên công an cấp thấp và các doanh nghiệp mà tôi vừa kể, thì bạn sẽ không ngạc nhiên gì hết về chuyện công ty Vinfast “méc công an” vừa rồi.

Với việc bảo kê của công an ở cấp phường thì ta sẽ thấy các viên công an tay đút túi quần, ở cấp phục vụ cho Vinfast thì phải hoành tráng hơn chứ!

Từ “thanh gươm và lá chắn” đến bảo kê

Các chính quyền độc đảng như Cộng sản Việt Nam không giấu giếm rằng, lực lượng công an là xương sống của chế độ. Cách đây vài năm, có thông tin vô tình tiết lộ từ chính phủ Bắc Kinh, cho thấy ngân khoản hàng năm dành cho Bộ Công an nước này, cao hơn cả quân đội. Tức là bảo vệ chế độ tốn nhiều chi phí hơn bảo vệ an ninh quốc gia. Ở Việt Nam người ta không biết chính xác các con số này là bao nhiêu, nhưng khả năng ngân sách dành cho Bộ Công an cũng vô cùng lớn.

Thế rồi chủ nghĩa tư bản tới, đô la Mỹ tới và được Đảng chấp nhận, được chế độ chấp nhận, và rồi công an phải bảo vệ chủ nghĩa tư bản, bảo vệ đô la Mỹ là đúng rồi!

Thật ra, câu chuyện Vinfast “méc công an” vừa là sự thể hiện của chế độ công an trị trong cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vừa là chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism). Đâu phải ai cũng có thể méc công an như Vinfast đâu, mà phải là những chủ nhân ông có quan hệ rộng và cao, chứ chẳng phải loại tầm thường.

Công an thời Đảng trị đã tìm ra được phương cách sống hùng, sống mạnh hiện nay. Một mặt là công an tự tổ chức doanh nghiệp, vừa có doanh nghiệp vừa “làm luật” thì ai chơi cho lại; mặt khác, họ ra sức bảo kê cho các chủ nhân ông “tư bản thân hữu” bồ bịch này.

Mà chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam đang lên như diều gặp gió. Sự trơ trẽn của chủ nghĩa tư bản bồ bịch này ngày càng lớn, việc bổ nhiệm Nguyễn Hồng Diên, con rể đại gia Trần Văn Sen, làm Bộ trưởng Bộ Công thương, việc Vinfast “méc công an”, thật ra là sai bảo công an, là biểu hiện cho sự trơ trẽn đó.

Vingroup, là công ty mẹ của Vinfast, đi từ chỗ tinh vi như thao túng bộ máy truyền thông nhà nước, rút những bài báo “bất lợi” cho mình, “vận động” các “chuyên gia” viết bài có lợi cho mình, đến chỗ dùng công an như đầy tớ. Chỉ cách đây vài năm, phụ huynh học sinh ở một trường học do Vingroup làm chủ ở Hà Nội, bị công an “làm việc” vì đã dám phàn nàn về trường này.

Thời ông thủ tướng công an Nguyễn Tấn Dũng còn huy hoàng, báo chí Việt Nam hết sức ca ngợi mong muốn thực hiện mô hình Chaebol của Hàn Quốc ở Việt Nam. Chaebol là mô hình mà các đại tập đoàn kinh tế, các nhà tài phiệt giữ vai trò chính trị, như tập đoàn Hyundai, Daewoo… bên Hàn. Nhưng “đồng chí X” chưa kịp thực hiện giấc mơ Chaebol Việt Nam thì đã phải “về vườn làm người tử tế”. Các “quả đấm thép” của thủ tướng hóa ra là các ổ tham nhũng, liên tục đổ bể như Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Dầu khí VPN, Gang thép Thái Nguyên…

Mô hình Cheabol Hàn Quốc cũng phải đối đầu với những vụ nhũng lạm của các tập đoàn Daewoo, Hyundai, Samsung,… nhưng Hàn Quốc đã thoát khỏi chế độ độc tài để xây dựng được các định chế độc lập, kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Các tay tư bản bồ bịch, cả các chính khách cao cấp nhất cỡ tổng thống cũng phải xộ khám.

Với sự cai trị độc đảng tại Việt Nam, mà xương sống của nó là chế độ công an trị, công an bảo kê, những chuyện trơ trẽn như Vinfast sẽ còn xảy ra nhiều trong tương lai.

Và đương kim thủ tướng Việt Nam cũng là một ông công an đó!

Jackhammer Nguyễn (baotiengdan.com)