Vũ Thất

Bảo Bình 1

Monthly Archives: Tháng Năm 2017

Trần Hoài Thư, người ngồi vá lại những linh hồn

Đỗ Trường (Danlambao) – Cuối tuần, có bác nhà thơ già đến thăm, ghé mắt vào bài đang viết về nhà văn Trần Hoài Thư của tôi, rồi gật gật, lắc lắc, bảo: Cái tựa, Người ngồi vá lại những linh hồn, thấy rờn rợn thế nào ấy. Vâng! Khi chưa đọc, chưa nghiên cứu Trần Hoài Thư, bác có cảm giác vậy thôi. Đọc rồi, bác sẽ thấy, một Trần Hoài Thư không chỉ đang ngồi vá lại linh hồn mình, đồng đội mình, mà còn đang nhặt nhạnh những linh hồn văn hóa Việt rách nát, vương vãi đâu đó, rồi cặm cụi khâu lại nữa kìa.
Nghe tôi trả lời, bác nhà thơ già gật gù, gật gù lẩm bẩm: Được, tôi sẽ tìm đọc, xem có thật vậy không?
Phải nói thẳng, Trần Hoài Thư không phải là một nhà văn, nhà thơ lớn, lừng lững tên tuổi trên văn đàn của Văn học miền Nam trước 1975, cũng như ở hải ngoại hiện nay. Nhưng ông là một trong những nhà văn tôi yêu mến nhất của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay. Bởi, ngoài tài năng, thì nhân cách lòng quả cảm, dám hy sinh, đi đến tận cùng của sự đam mê, cũng đầy trách nhiệm với văn hóa, văn chương nước nhà như ông, không phải ai cũng làm được. Và có lẽ, nhiều người đọc, nghiên cứu ông đồng cảm với tôi về điều này (?).
Nhà văn Trần Hoài Thư tên thật là Trần Qúi Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Dường như, cái tên Qúi Sách này, đã vận thẳng vào cái nghiệp viết, và nâng niu gìn giữ từng trang sách, hồn thơ Việt của ông chăng? Truyện ngắn “Nước Mắt Tuổi Thơ” in trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn vào năm 1964 là chiếc thẻ thông hành đã đưa Trần Hoài Thư đến với làng văn. Sau khi tốt nghiệp ngành toán học, trường Đại học Sài Gòn, ông về giảng dạy trung học tại Tam Kỳ. Năm 1966 Trần Hoài Thư nhập ngũ khóa 24 Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Và gần mười năm trong quân ngũ, lúc là lính thám kích, khi là phóng viên chiến trường, dường như không lúc nào ông ngừng viết. Nhật ký chiến trường, hoặc những truyện ngắn, tản văn thời kỳ ấy, không chỉ có khói súng, mùi đạn bom quyện với máu thịt ông, đồng đội ông, mà còn thấm đẫm nước mắt của tình yêu, tình người. Sau 30-4-1975, Trần Hoài Thư bị tù cải tạo. Ra tù, năm 1980 ông vượt biển, hiện đang viết và làm chủ cơ sở xuất bản Thư Ấn Quán, cũng như Thư Quán Bản Thảo, một tạp chí văn học tại New Jersey Hoa Kỳ.
Có thể nói, thơ văn cũng như thân phận người lính Trần Hoài Thư gắn chặt với những biến cố thăng trầm của đất nước. Do vậy, cũng như những nhà văn cùng thời, cái sự nghiệt ngã ấy, đã ngắt thơ văn ông thành từng giai đoạn thật rõ ràng.
Tuy bước chân vào làng văn bằng văn xuôi, nhưng thơ đã đóng góp không nhỏ tạo nên một chân dung vạm vỡ Trần Hoài Thư. Với 14 tập truyện, cùng 8 tập thơ (?) đã xuất bản, minh chứng Trần Hoài Thư có sức viết dẻo dai, và khá cân đối. Với tôi Truyện Từ Văn và Truyện Trần Hoài Thư (rút từ các tập san) viết trước 1975, được in lại trong mấy năm gần đây, cùng với thơ, và tập truyện Ra Biển Gọi Thầm, Hành Trình Của Một Cổ Trắng là những tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp trong từng giai đoạn sáng tác của ông.
Khi đi sâu vào nghiên cứu, tôi nhận ra, ngoài tính chân thực, thì nghệ thuật miêu tả (diễn biến) nội tâm nhân vật là đặc điểm nổi bật nhất trong truyện của Trần Hoài Thư. Nghệ thuật này là một tài năng, tìm tòi liên tưởng chứ dứt khoát không phải do ông xuất thân từ nhà giáo, đã kinh qua những giáo trình tâm lý học. Bởi, cũng có nhiều nhà văn xuất thân từ nhà giáo, nhưng không có đặc điểm này.
Chiến tranh, dưới cái nhìn và ngòi bút nhân bản của nhà văn.
Nếu phải đưa ra một câu trả lời, với tôi Trần Hoài Thư, Phan Nhật Nam, Thế Uyên là những nhà văn hàng đầu viết về người lính của văn chương miền Nam ở thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc chiến. Và cùng với Cao Xuân Huy và Phạm Tín An Ninh ở giai đoạn sau 1975 cho đến nay, nơi hải ngoại.
Có một điều đặc biệt, Trần Hoài Thư là một người lính chiến thực thụ và viết ngay nơi chiến trường. Hơn thế nữa, nhiều nhà phê bình đánh giá, nhận định ông là nhà văn quân đội. Nhưng đọc ông, cho tôi cảm giác, dường như có những lúc linh hồn ông đã tách ra khỏi cuộc chiến, rời bỏ chiếc áo nhà binh. Bởi, ngoài những người lính, còn có không ít truyện viết về tình yêu, về cái thuở học trò với những cuộc sống thường nhật, hay về cả những khi phản kháng đào ngũ, bỏ đơn vị nó hằn đậm trên trang viết của ông ở cái thời binh đao khói lửa ấy.


 
Có lẽ, ngay từ buổi ban đầu, Trần Hoài Thư chưa có ý thức rõ ràng về chiến tranh, với những lý tưởng cao đẹp nào đó. Cho nên, bước chân vào quân trường là nghĩa vụ bắt buộc đối với ông. Sự chán chường ấy, ta đã bắt gặp rất nhiều trên những trang viết của Trần Hoài Thư. Giai đoạn đó với ông, dù có đứng ở bên nào, góc độ nào thì cuộc chiến này cũng đều vô nghĩa. Do vậy, không chỉ ở truyện ngắn văn xuôi, mà ngay trong thơ ta thấy tương lai mịt mù với những lời thán ca đau đến nhức nhối lòng người:
 
“Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân
 
Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa rũ bờm, không biết về đâu” (Thế hệ chiến tranh)
 
Với cái nhãn quan như vậy, cho nên người lính Trần Hoài Thư luôn ước nguyện, hy vọng trở về quê hương, nơi có cuộc sống bình dị, và cũng thật yên bình: “…Anh nghĩ rồi đây chiến tranh sẽ chấm dứt. Miền Nam và miền Bắc sẽ sum họp. Mọi người sẽ ngồi lại và tha thứ lẫn nhau. Rồi em về Nha Trang. Anh cũng trở lại cùng Nha Trang. Anh sẽ xin dạy trở lại. Rồi anh sẽ xin cưới em…” (Nha Trang).
 
Và cái suy nghĩ đơn giản, vô tư ấy, ông đã trả giá bằng chính những năm tháng ngục tù, rồi buộc phải cùng với con thuyền lá tre kia lao ra biển cả.
 
Có thể nói, tính nhân đạo là đặc trưng nổi bật nhất, xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Trần Hoài Thư. Cái tình người, và sự cảm thông ấy không chỉ nằm trong tình đồng đội, tình đồng bào, mà nó còn là hơi ấm cho cả những người lính ở bên kia của chiến tuyến. Cái đặc tính này, gần đây dường như nó được tiếp nối một cách rất sâu sắc trong trang văn, truyện ngắn của đồng đội ông, nhà văn Phạm Tín An Ninh.
 
Ngày Thanh Xuân, một truyện ngắn điển hình như vậy, được Trần Hoài Thư viết vào mùa xuân 1972. Chúng ta hãy đọc lại lời thoại của hai đoạn trích dưới đây giữa một tù binh bị thương miền Bắc với người lính miền Nam, khi ở ngoài chiến trường, cũng như lúc ở quân y viện. Để thấy rõ tài năng miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật, cũng như sự nhân đạo và sự cảm thông ngút trời ấy của Trần Hoài Thư: 
 
“Mong anh hiểu trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi, những người lính khác trận tuyến với các anh. Anh hãy để chúng tôi săn sóc. Hy vọng một ngày hòa bình, anh sẽ trở về quê hương và tôi được dịp đáp tàu ra Bắc, như niềm mơ ước của tôi. Mời anh một điếu thuốc thơm, anh vui lòng chứ? Anh uống cà phê nhé. Cà phê tôi mang theo trong bi-đông…
 
Nếu tôi còn ở miền Bắc, có lẽ bây giờ tôi là đồng chí của anh. Chúng ta đều bị bắt buộc cầm súng. Chúng ta bị chủ nghĩa, ngoại bang, các thế lực quốc tế xô đẩy chúng ta vào hố thẳm của hận thù. Anh đồng ý với ý kiến của tôi không? – Phải, tôi đồng ý – Y thầm thì – Tôi đã hiểu rằng những người tuổi trẻ của Việt Nam là những đứa con tội nghiệp. Chúng ta lỡ sinh vào một thế kỷ bất hạnh nhất. Chúng ta được giao truyền lại một gia tài bi đát nhất…”
 
Không chỉ đối với những người còn sống, hay người tù binh tàn tật, mà lòng nhân đạo, và tình thương ấy đến với cả người lính đối phương vừa chết trận của Trần Hoài Thư. Và nếu văn là những lời sẻ chia, cảm thông, thì thơ ông như một tiếng ru cho linh hồn của đồng loại đã nằm xuống trong trận chiến này. Tôi đã đọc khá nhiều thơ của những người lính, thuộc cả hai chiến tuyến viết cho đồng đội nằm xuống. Từ đó có thể nói, Khi Chưa Có Mùa Thu là một trong những bài thơ hay nhất của người lính phía Bắc Trần Mạnh Hảo. Và vắt cơm nhòa nước suối, hay nhòa nước mắt để viếng (cúng) đồng đội của Trần Mạnh Hảo làm cho người đọc phải rưng rưng, xúc động: ”Vắt cơm nhòa nước suối/ Viếng bạn mình không ăn”. Nhưng đặc biệt, cao cả hơn thế nữa, người lính phương Nam Trần Hoài Thư đã tiễn đưa hồn người lính Bắc bằng những ly rượu nồng với những câu thơ đẹp và vô cùng lãng mạn, đọc lên ai cũng bùi ngùi, xót xa. Và tôi tin lúc đó, Trần Hoài Thư đã dứt bỏ hoàn toàn mọi áp lực xung quanh, mà chỉ còn trái tim đa cảm, bao dung đang rung lên của người nghệ sĩ, để viết nên bài thơ này. Tôi không dám nghĩ, đây là bài thơ độc nhất vô nhị, dù được viết trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Nhưng có lẽ, nó là bài thơ lạ lùng nhất đến nay tôi được đọc. Vâng! Và chính nó, bài thơ Một Ngày Không Hành Quân của Trần Hoài Thư đã làm cho những giọt nước mắt của tôi rơi ngay trên bàn phím này:
 
“…Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi cao mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với hắn đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em”
 
Hoàn toàn không có ý so sánh, nhưng như có một sợi dây liên cảm, bởi khi đọc truyện ngắn Chiến Tranh của Trần Hoài Thư, làm cho tôi nghĩ đến những người lính gian khổ chống phát xít trong tiểu thuyết, tập truyện: Họ Đã Chiến Đấu Vì Tổ Quốc, hay Số Phận Con Người… của nhà văn Nga Mikhail Sholokhov. Trong cái không khí mịt mù khói lửa ấy, sự nguy hiểm, gian nan càng tăng lên, thì tình chiến hữu đồng đội của họ càng hòa quyện chặt vào nhau hơn. Và đứng trước thất bại cũng như cái chết, dường như đã cho Trần Hoài Thư nghị lực vượt qua tất cả để sống, để viết trả nợ đồng đội. Lời văn tự sự nhanh và mãnh liệt, với ngôn ngữ, câu thoại mang đậm tính điện ảnh, gần tâm lý độc giả Âu- Mỹ, Trần Hoài Thư đã cho ta thấy rõ điều đó:
 
“- Mày hãy nghe tao nói. Mày là nhà văn. Tao là độc giả của mày. Mày phải sống. Mày nghe rõ chưa. Mày phải sống để mà viết lại…
 
Rồi hắn gào lớn:
 
– Phải viết lại cảnh này. Thằng Trí, thằng Luông đang nằm cạnh tao đây cũng cần mày. Thằng Trí cõng tao, rồi chết vì tao… Mày hãy nói cho mọi người biết về những cái chết chó má như thế này. Chết mà không được bắn một viên đạn như thế này…
 
– Tư. Tao xin nghe mày. Tôi đau đớn nói.
 
– Tao dẫu sống cũng vô ích. Hai chân tao, ngực tao, ruột tao… Chỉ còn cái đầu tao là không trúng đạn… Rồi hắn la. Không, hắn mắng tôi.
 
– Sao lại không chịu chạy. Mày hèn à. Diều hâu mà hèn à…”
 
Chập chờn ký ức hiện về, cùng những tình tiết hiện thực đan xen, tạo nên hình ảnh so sánh ẩn dụ làm cho người đọc phải ám ảnh rờn rợn, xuyên suốt những tác phẩm của Trần Hoài Thư. Với thủ pháp nghệ thuật này, đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công, cũng như tên tuổi tác phẩm, tác giả Trần Hoài Thư. Nhiều thế hệ các nhà văn trẻ sau ông sử dụng khá thành công thủ pháp nghệ thuật này, đặc biệt cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Và Mắt Đêm là một truyện ngắn điển hình như vậy của Trần Hoài Thư. Tuy khoác áo lính, bước vào cuộc chiến là nghĩa vụ bắt buộc, nhưng Trần Hoài Thư luôn giữ vững quân kỷ của người trung đội trưởng, và trách nhiệm bảo vệ dân chúng, đồng bào được ông đặt lên hàng đầu. Đọc nó, không chỉ thấy được cái tình của người lính Việt Nam Cộng Hòa đối với người dân nơi chiến trường (dù biết họ có thể là nằm vùng, hay có quan hệ, che chở cho những người lính Bắc) mà Trần Hoài Thư còn đưa ta ngược về ký ức với hình ảnh tuổi thơ xa vời vợi của ông. Có thể nói, đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của Trần Hoài Thư được viết trong thời kỳ này:
 
“Thằng Trung cầm trái M.26, sắp bỏ vào miệng rút chốt. Tôi gọi giựt: Khoan đã. Muốn chết hả? Trung nói: Thiếu úy, em nghe tiếng động trong hầm, bọn nó núp trong hầm, thiếu úy. Tôi nạt: Mà tưởng bắt bọn nó dễ dàng như vậy sao? Trung cầm trái lựu đạn, phân bua: Thì ở đây là bọn nó rồi còn gì. Tôi nói: Lỡ dưới hầm toàn dân không thì? Tôi chỉ tay vào trái lựu đạn cay, sao mày không dùng thứ này?…
 
Tôi không thể chịu nổi những gương mặt thảm thê, những đôi mắt ngơ ngác sợ sệt đó. Mụ đàn bà nhìn tôi van lơn. Hai ông già tiếp tục nhìn ra cánh đồng chói nắng… Tôi muốn nhắm mắt lại, ngủ một giấc, một giấc thôi. Mẹ tôi ở đó, những đêm ôm chặt tôi trốn dưới gầm giường. Đạn réo ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài hiên. Đạn réo trên đầu, trên mùng, Mẹ tôi ở đó, trên sân nắng, hai tay để lên đầu, khóc lóc nhìn bọn lính Tây tra hỏi. Vẫn những giọt nước mắt, vẫn những tiếng khóc lóc, như một âm vang từ xa xôi vọng lại, từ một quê hương, một xóm làng đìu hiu.”


 
Vẫn những đêm ngủ rừng, hay trên gò mả giữa cánh đồng trắng trơn, hoặc xông vào những trận đánh kinh hồn, nhưng dường như giấc mơ, nỗi nhớ vẫn không thể thiếu trên mỗi chặng đường hành quân của Trần Hoài Thư. Tình yêu và cái thuở ban đầu ấy, như những cơn mưa đầu mùa tưới mát cho tâm hồn chai sạn của người lính chiến. Với tôi, trong các nhà văn quân đội VNCH (trực tiếp cầm súng) nơi chiến trường ác liệt, viết nhiều và hay nhất về tình yêu, và cái thuở học trò, chắc chắn phải là Trần Hoài Thư. Thật vậy, đọc truyện Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình của ông, cho tôi cảm giác như đang đọc một bài thơ. Một bài thơ tự sự đầy hình tượng về sự tiếc nuối một mối tình đầu của thuở hoa niên. Tuy nhiên ông bạn nhà thơ già của tôi, ghé mắt đọc, không cho là như vậy. Vì thế, khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi chưa biết để Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình ở mục truyện ngắn, tùy bút, hay một trang thư…Nếu đây là một lá thư, thì có lẽ, đây lá thư tình hay nhất mà tôi đã được đọc. Và đọc nó, khẳng định thêm một lần nữa tài năng miêu tả tâm lý, nội tâm nhân vật của nhà văn Trần Hoài Thư:
 
“…Trên mái ngói đỏ của ngôi trường nữ trung học, có đôi chim bồ câu âu yếm tỉa lông cho nhau. Nhưng, riêng anh, cả lòng như một bến ga quạnh quẽ. Đứng bơ vơ, mà nghe trong gió có một cung đàn kỷ niệm. Cung đàn ấy, vọng từ một cõi nào xa xôi lắm, có vỉa hè Đồng Khánh, có cả rừng bướm trắng dập dìu, và có một kẻ tình si đang trồng chân như cây phượng vĩ già nua, nhìn theo một cánh bướm, qua sông vĩnh biệt…”
 
Trong văn học sử miền Nam có hai ông nhà văn vừa cầm súng vừa viết Phan Nhật Nam và Trần Hoài Thư, cùng chung cảnh cải tạo tù tội sau 1975, nhưng lại có văn phong khác hẳn nhau. Nếu văn Phan Nhật Nam sinh động, sắc sảo, thì văn Trần Hoài Thư trầm lắng, hình tượng. Phan Nhật Nam động thì Trần Hoài Thư tĩnh. Âu đó cũng là sự may mắn làm phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam.
 
Và Viễn Thám là một truyên ngắn hay, có lời văn đẹp, tĩnh lặng như vậy của Trần Hoài Thư. Đây là truyện ngắn làm cho người đọc ngạc nhiên, bất ngờ và gây ra nhiều tranh cãi. Nó mở ra tư tưởng cũng như nhân sinh quan của ông. Có lẽ, không riêng tôi, mà còn nhiều người đánh giá cao giá trị nội dung cũng như quan niệm, thay đối tượng thẩm mỹ trong chiến tranh của tác giả trong truyện ngắn này. Hơn thế nữa, nó không chỉ đẹp trong từ ngữ lời văn, mà trong cả tâm hồn và trong cái tình của người lính thám báo, nhà văn Trần Hoài Thư. Và nó khác hẳn hình ảnh người thám kích dã man, tàn bạo trong truyện của Bảo Ninh và Dương Thu Hương. Tôi nghĩ, Bảo Ninh, Dương Thu Hương viết Nỗi Buồn Chiến Tranh và Vô Đề vào những năm cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, khi chưa bốc (hết) được ngôi mộ với con ma xó tuyên truyền bấy lâu ra khỏi linh hồn mình. Nếu những cuốn sách ấy được ra đời vào thời điểm ngày nay, có lẽ sẽ khác đi chăng? Đọc truyện này, có lẽ nhiều người phản bác, cho rằng Trần Hoài Thư hành động bằng cảm tính. Và bằng chứng dường như có những đoạn văn của ông bị xét duyệt cắt bỏ khi in ấn vào thời điểm ấy chăng? Ơ hay! Trần Hoài Thư mang trái tim nghệ sỹ vào chiến tranh cơ mà. Và trong chiến tranh dường như, những người nghệ sỹ cầm súng luôn có tâm hồn, suy nghĩ như vậy. Nhưng dám hành động, và viết thành lời như ông không phải ai cũng đủ dũng khí. Chúng ta đọc lại một đoạn trích trong Viễn Thám (tuy nhiên, có đoạn khi duyệt đã cắt bỏ?) để thấy rõ điều đó:
 
“Trung đội thám kích đang săn tin về một đơn vị Bắc quân mới xâm nhập vùng Trường sơn, đã không ngờ gặp một cặp bộ đội đang hát bên bờ suối. Quân thù đó nhưng người lính đã không bắn. “Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu (…) Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam…. Tiếng hát như dậy khỏi mồ, bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu”
 
Có thể nói, chất liệu trong văn thơ Trần Hoài Thư có được từ thực tế bản thân và đồng đội. Ông đã trải nó lên trang văn dưới nhãn quan của riêng mình. Tuy có cái nhìn bi quan về cuộc chiến, nhưng nó lại bật lên tính nhân đạo ngút trời trong từng trang viết của ông. 
 
Tính bi hài và những nỗi đau.
 
Có lẽ không ai nghĩ, một thư sinh với sức trói gà Trần Hoài Thư có sức phản kháng mãnh liệt đến vậy. Sự phản kháng ấy, không chỉ có trên trang văn, mà còn mãnh liệt hơn trước những bất công ở ngoài đời. Trần Hoài Thư tự động rời bỏ quân ngũ trước phi lý của số phận đã chứng minh cho điều đó. Và từ đó, cho ta thấy được tính khí khái trong con người ông. Chứ thành thật mà nói, một nhà văn dù có sống ở chế độ nào cũng vậy, cứ cúi mặt xuống viết dưới cái bóng của các đấng ngồi trên, thì không bao giờ có được những tác phẩm ra tấm ra miếng.
 
Ngay ngày đầu, Trần Hoài Thư đã nhận ra cái bất công và số phận hẩm hưu của những người lính nơi tiền đồn. Do vậy, những cay đắng, khắc khoải đó như nén chặt trong lòng văn nhân. Và rồi, một lúc nào đó, nó sẽ chảy ộc ra bằng văn, bằng thơ, trải dài trên trang giấy, đọc lên ai cũng phải xót xa:
 
“Khi ra trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc ghi ơn, lãnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ, ta là thằng chạy chót
Nên khó lòng ấp vợ đẹp trong chăn…” (Lính tiền phương)
 
Vâng! Và người lính ấy chưa chết hẳn, nhưng trở về với đôi nạng gỗ trên tay. Đọc truyện Bệnh Xá Mùa Xuân, ta không chỉ thấy được sự lên án, mỉa mai, mà còn thấy được sự tàn nhẫn của chiến tranh. Và hình ảnh người lính cụt chân ấy, cứ tưởng mình còn nguyên vẹn, nhảy phắt xuống giường, bị ngã úp mặt xuống đất, dường như đẩy tính bi hài, và nỗi đau lên gấp bội. Phải nói thẳng, miền Nam có nhiều nhà văn lớn và tài hoa, nhưng tài năng đưa hình ảnh, hình tượng vào trong văn nhiều và hay như Trần Hoài Thư quả thực không nhiều:
 
“Nửa đêm, cả lòng đêm bỗng dưng bị dội lên bởi những quả đạn rơi rất gần khu bệnh xá. Những tiếng la thất thanh. Pháo kích! Pháo kích! Tiếp sau là những bóng người vụt chạy ra hầm núp ngoài sân. Tên thương binh cụt chân, trong cơn bấn loạn tột độ ngỡ mình vẫn còn lành lặn như xưa, đã ào nhảy xuống giường. Sau đó, hắn mới biết được sự thật. Hắn ôm khúc đùi rên rỉ và nằm ngay dưới nền. Hắn không còn nhận ra cặp nạng nữa…”
 
Đọc và nghiên cứu tôi thấy rất có lý, khi nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nhắc đến cái chất giản dị trong văn của Trần Hoài Thư. Thật vậy, ngoài cái giản dị trong sáng, văn thơ Trần Hoài Thư không hề đao to búa lớn. Chính những đặc điểm ấy, đã giúp tôi đọc hết tất cả những gì ông viết, khi bắt gặp, hoặc tìm thấy, dù bất kể đề tài, thể loại nào. Qủa thật, tôi rất sợ đọc những bài viết lên gân quá mức cần thiết khi viết về người lính Việt Nam Cộng Hòa của một số tác giả gần đây. Thường những bài này, tôi bỏ nửa chừng. Là người, kể cả người lính dù có lý tưởng gì gì đi chăng nữa, trước cái chết ai mà chẳng sợ. “Cái chết nhẹ tựa lông hồng” không phải ai, và hoàn cảnh nào cũng có thể dùng được. Ta đọc lại những câu thoại giữa hai người lính (là thày, trò cũ của nhau) cùng bị thương dưới đây,trong truyện Bệnh Xá Mùa Xuân, để thấy cái day dứt, bi hài đi thẳng vào lòng người, tuy từ ngữ rất mộc mạc: 
 
“- Trời ơi, một người mang cặp kính nặng như thế mà họ vẫn không chịu buông tha sao thầy?
 
Minh cười:
 
– Họ nói là điếc thì không sợ súng, còn mang hai cặp mắt mới dễ bắn VC hơn.
 
– May mà em cụt một chân, nếu mù một con mắt họ vẫn bắt em đi ra đánh giặc trở lại.
 
– Thầy không buồn đâu. Bởi vì dù sao thầy là sĩ quan, là thiếu úy, thầy vẫn còn sướng hơn những người lính khác. Trung đội thầy có thằng mang đại liên, tên là Nga, Võ hồng Nga, to đen như Mỹ đen, nhưng bị cận thị nặng. Đi hành quân, nó không thấy đường, cứ nhằm chỗ VC mà tiến. Cuối cùng nó chết.
 
– Thầy biết không, bởi vì nó không cổ cánh….”
 
Chết hoặc trở thành tàn phế chưa phải là điều đáng sợ của người lính, mà cái đáng sợ nhất nhận lệnh, buộc phải thi hành của những người lãnh đạo quan liêu, và dốt nát. Đọc truyện Thế Hệ Chiến Tranh dường như cho ta một cảm giác, đây là một bản cáo trạng của nhà văn thì đúng hơn:
 
“Suốt cả một buổi trưa hai thằng chúng tôi mắc nạn không thể bò xuống đồi. Tư bị đạn trúng bã vai và chân. Còn tôi thì bị lựu đạn làm bể cả bắp đùi. Lúc này mạnh ai nấy thoát. Bởi ai cũng biết rằng nếu ở lại thì chết bởi những họng súng đang săn mồi từ cao điểm. Rõ ràng đây là một cuộc thí quân. Họ ra lệnh chúng tôi phải chiếm đồi với M16, và lựu đạn, trong khi địch ẩn núp trong những hang kiên cố, với lợi thế là thấy rõ chúng tôi, còn chúng tôi thì như những kẻ đui mù…”
 
Không dừng lại nơi chiến sự, Trần Hoài Thư tiếp tục chọc thẳng vào cái ung nhọt thượng tầng của xã hội. Khi ông đã nhận ra, sự hy sinh cả một thế hệ để phục vụ cho những kẻ lãnh đạo không lương thiện, thiếu tài năng này. Nếu gần đây, ta đã đọc bút ký Sau Cơn Binh Lửa của Trung tá, nhà văn Song Vũ, thì thấy được, những con sâu ở giới lãnh đạo thượng tầng này, góp phần không nhỏ dẫn đến sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Có thể nói, tuy miền Nam được tự do viết lách, nhưng ở vào thời điểm đó, Trần Hoài Thư viết thẳng tưng như thế này, quả thật cần lắm một sự dũng cảm. Và đoạn trích dưới đây, chứng minh cho ta thấy sự thối nát cũng như sự can trường của nhà văn:
 
“Trong khi bạn bè thầy, bạn bè em cứ tiếp tục bị chết, thì ở Sài Gòn người ta vẫn ăn chơi phè phỡn, đô la thuốc phiện và tranh giành quyền lực bằng những thủ đoạn chính trị bẩn thỉu. Ngay tại nơi này, những đồn điền mênh mông, những khu rừng cấm mà bọn mình đem xương máu bảo vệ là tài sản của các tướng tá hay các lãnh tụ ở Sài Gòn. Chúng ta cứ chết, mặc nước mắt của người mẹ, người em, để những mệnh phụ phu nhân, những bà lớn nắm quyền mua quan bán chức. Họ đục khoét tiền viện trợ Mỹ, con cái họ được chạy đi du học để trốn tránh trách nhiệm.”
 
Nỗi đau, sự trớ trêu trên những trang viết Trần Hoài Thư không dừng lại một gia đình, một tỉnh thành, mà cho toàn dân tộc Việt. Có thể nói, từ ngày lập quốc đến nay chưa có trận chiến nào tang thương, thù hận bằng cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn vừa qua. Trần Hoài Thư chứng kiến những hiện thực bi hài trớ trêu ấy, và tái hiện vào những trang sách, nên đôi lúc tôi cứ nghĩ, ông không dừng lại ở nhà văn, mà còn như một nhà sử học vậy. Nếu truyện Người Anh Hàng Xóm, cuộc đối đầu nhau trên chiến trường giữa hai cha con đều là trung đoàn trưởng ở hai phía, thì truyện Về Làng là nỗi đau của một người lính Việt Nam Cộng Hòa trước người chú và chị ruột theo CS, bị chính đồng đội của mình bắn chết… Đây là hai câu chuyện điển hình nhất trong nỗi bất hạnh của dân tộc trên trang viết của ông. Và nó cứ ám ảnh đeo vào lòng người một sự day dứt, không thể dứt bỏ. 
 
Có một điều đặc biệt nữa, truyện nào của ông cũng mang một nỗi u hoài của sự chia ly, chết chóc với những cái kết bất ngờ bỏ ngỏ, buộc người đọc phải suy nghĩ. Nói Trần Hoài Thư là nhà văn của những nỗi đau, thì quả thật không ngoa tẹo nào.
 
Khi các nhà văn cùng thời thường khai thác đề tài ít va chạm với quyền lực, xã hội, hoặc viết về những trận đánh, chiến công oai hùng của người lính, thì Trần Hoài Thư đi vào bới móc cái bóng đen của chiến tranh, cũng như xã hội con người. Một đề tài khó nhằn, khó nuốt.
 
Nói cho cùng, xã hội, quân đội nào cũng vậy, đằng sau cái hào nhoáng đó, nó còn ẩn nấp bao thứ tồi tệ và bệnh hoạn khác. Và rất cần những nhà văn như Trần Hoài Thư bóc trần, rồi cắt bỏ.
 
Ba mươi tháng tư, và linh hồn rách nát.
 
Vậy là chiến tranh đã kết thúc, người lính thám kích Trần Hoài Thư không thể về Nha Trang cưới em, và trở về nghề dạy học của mình, như ước nguyện. Nam- Bắc thống nhất, nhưng không thể tha thứ cho nhau, và người lính thua trận ấy bước vào vòng lao lý. Bốn năm lưu đày ấy như bốn ngọn roi quất vào tâm hồn văn nhân. Cặp bộ đội đứng hát bên bờ suối năm xưa, nay đã thành người quản giáo. Tiếng hát ngày nào đổi thành lời rao giảng, để hành hạ nhau. Đói và rét làm cho người người lính, văn nhân mất đi cả lý trí. Mình là ai? Sinh vật hay con người? Có lẽ chỉ có trời mới biết. Sự phản ứng vô ý thức ấy của văn nhân buộc tôi tự hỏi: Nếu bây giờ trở lại hoàn cảnh năm xưa, người thám kích Trần Hoài Thư có bắn cặp bộ đội đang hát bên suối hay vẫn tha? Và trái tim văn nhân có còn sống vĩnh cửu? (như ở truyện Viễn Thám). Ta đọc lại đoạn trích trong truyện ngắn Ra Biển Gọi Thầm, để so sánh tư tưởng, ý thức, hành động trước và sau 30-4-1974 của nhà văn Trần Hoài Thư:
 
“Nó cũng thâm độc hơn bất cứ một sinh vật nào. Nó đái lên những con cá lóc cá trê nó câu được trước khi nạp phần cho cán bộ quản giáo. Nó thầm lén phạt đứt cọng mạ non thay vì làm cỏ. Nó chửi thề khi hắn ngồi nghe chính trị viên lên lớp. Nhưng nó lại chịu thua trước thiên nhiên. Bởi nước thì quá sâu, và chảy quá mạnh. Bởi bó tràm thì quá ngỗ nghịch, cứng đầu. Nó ngoi ngóp. Nó vùng vẫỵ Hai chân vừa đạp, hai tay vừa kéo. Mưa lạnh làm châu thân nó run như lên cơn sốt rét. Hàm răng nó đánh cầm cập. Nó lại đóị Cái đói ghê gớm. Cái đói tàn bạo quật ngã nó khiến nó cứ thở dốc, thở rống từng hồi từ lồng ngực ngỡ khô cạn. Nó lảo đảo. Nó đang ở bên trời. Nó hay là tôi. Và tôi hay là nó. Tôi cũng chẳng cần biết nữa…”
 
Với tôi, Ra Biển Gọi Thầm là truyện ngắn hay và cảm động nhất trong tập truyện cùng tên. Truyện này, Trần Hoài Thư viết khi ông đã vượt thoát sang Hoa Kỳ. Vẫn thủ pháp nghệ thuật hồi tưởng, chập chờn của ký ức, ông đã đưa người đọc trở về với những ngày tù tội, nơi có mối tình cao thượng tuyệt đẹp, nhưng cũng tuyệt vọng của mình. Tôi đã đọc khá nhiều truyện, ký của các tù nhân, cải tạo, nhưng đây là lần thứ hai đọc truyện viết về tình yêu trong thời gian tù của họ. Và trước đó, là truyện Nghỉ Hè Ở Mallorca của nhà văn Phạm Tín An Ninh.


Dường như càng lớn tuổi, nhất là từ sau 1975 càng gian nan Trần Hoài Thư kiệm lời hơn, nên đi vào sự cô đọng, sâu lắng của thơ. Hơn bốn năm tù, với một linh hồn rách nát, đủ để cho ông nhìn lại. Dù nhận được lời mời vào hội văn thơ, nhưng ra đi là con đường duy nhất của ông. Và con thuyền lá tre chòng chành giữa biển khơi mênh mông bão tố ấy, chở ông đi tìm tự do, hay tìm về cõi chết? Đọc bài thơ Đêm Ra Biển của Trần Hoài Thư làm cho tôi phải rợn tóc gáy:
 
“…Đêm nước mặn mà ngọt ngào nỗi chết
Đêm quá dài mà ngắn chớp tử sinh
Đêm ơi đêm, một cõi u minh
Đêm bật khóc nhìn chúng tôi tự sát…”
 
Vậy là Trần Hoài Thư đã vượt qua được những chớp tử sinh. Đến được bến bờ tự do, nhưng ông cảm thấy mình bất hạnh hơn. Mâu thuẫn trong tư tưởng, tình cảm luôn giằng xé văn nhân. Và từ đây, ông như con thuyền không lái, chòng chành hơn, bởi đã mất quê hương:
 
“Là lúc biết mình như thoát nạn
Sáng chân trời, hồng rực vầng dương
Là lúc, thấy mình như bất hạnh
Sắp làm người không có quê hương” (Đêm tiễn biệt Việt Nam)
 
Có thể nói, sau 1975 và từ khi định cư ở Hoa Kỳ, Trần Hoài Thư viết nhiều hơn. Ông viết cho mình, viết cho đồng đội, cho quê hương. Mỗi trang sách, bài thơ của ông như những đường kim sợi chỉ, vá lại linh hồn cho bao người đã bị rách nát trong chiến tranh, và trong những ngày trốn chạy lưu vong.
 
Tuy chưa phải là nhà văn lớn, nhưng Trần Hoài Thư là một trong những nhà văn điển hình nhất trong hai mươi năm nội chiến của nền Văn học Việt Nam.
 
Viết bài này, khi tài liệu thơ văn của Trần Hoài Thư, tôi có không nhiều, chủ yếu tìm đọc trên Internet, (và cũng chưa một lần gặp gỡ ông). Do vậy, không có hệ thống, có thể còn sai sót và chưa lột tả, đi hết cái tận cùng con người, cũng như thế giới mênh mông văn thơ Trần Hoài Thư. Nhưng đây như một lời tạ ơn của kẻ hậu bối, đến một nhà văn suốt đời hy sinh, tận tụy cho văn chương nước nhà.
 
Và hình ảnh Trần Hoài Thư, ngồi vá lại những linh hồn in đậm trong lòng, đã thôi thúc cho tôi viết bài này.
 
Leipzig ngày 22- 5-2017

Sách mới: CÒN KHÔNG CHỐN QUAY VỀ

Giới thiệu sách mới: CÒN KHÔNG CHỐN QUAY VỀ

Truyện và tạp bút của nhà văn Hoài Ziang Duy

Bìa: Nghiêu Minh

Trình bày: Nguyễn Nam An

Nhà xuất bản Thân Hữu – tháng 4.2017

Sách dày 308 trang giá 18 USD

gồm 20 truyện và tạp bút

Muốn mua sách, xin gửi check hoặc money order

ghi tên BINH DO và gửi về địa chỉ:

21269 Mirror Ridge Pl

Sterling, VA 20164

Liên lạc với tác giả: hoaiziangduy@gmail.com

Phone: 571-232-2989

Đọc tạp bút Còn không chốn quay về:

https://vuthat.wordpress.com/2014/03/18/13600/

Đồ nói láo

Đồ Nói Láo! (Liar!)

 Nguyên tác: Isaac Asimov
 Bản dịch: Vũ Thất
Lời người dịch: Người máy Robot là nhân vật trong các truyện khoa học giả tưởng của nhà văn Isaac Asimov (1920-1992), tiến sĩ Hóa học, giáo sư Đại Học Boston.
Nhiều truyện của ông được quay thành phim. Cách đây không lâu, phim I, ROBOT, dựa vào tập truyện cùng tên của ông được tung ra thị trường, lôi cuốn hàng chục triệu khán giả khắp thế giới.
Robot là một công cụ dành cho con người sử dụng. Để con người khỏi phải trở thành nạn nhân của công cụ do chính mình tạo ra, bộ óc Robot được lập trình theo 3 điều luật:
1. Người máy không được gây tổn thương con người, cũng không được bất hoạt khiến con người bị thương tổn.
2. Người máy phải tuân thủ mệnh lệnh của con người trừ phi những mệnh lệnh đó đi ngược với điều luật 1.
3. Người máy phải tự bảo vệ quyền tồn tại miễn sao hành động tự vệ không đi ngược với điều luật 1 và 2.
Chính 3 điều luật ràng buộc khắc khe trên đã tạo ra những tình huống gây cấn, cảm thương mà người máy phải gánh chịu.
* * *
Alfred Lanning thận trọng châm điếu xi gà, nhưng các ngón tay run nhẹ. Cặp lông mày màu tro cong lại khi ông vừa bập khói thuốc vừa nói:
– Nó đọc được ý nghĩ. Mẹ kiếp, chả nghi ngờ gì nữa! Nhưng tại sao?
Ông nhìn nhà toán học Peter Bogert:
– Anh nghĩ thế nào?”
Bogert đưa hai tay vuốt mái tóc đen:
– Thưa ông Lanning, đó là kiểu RB thứ 34 vừa xuất xưởng. Những kiểu khác đều tuyệt đối chính thống.
Người thứ ba ngồi ở bàn, cau mày. Đó là Milton Ashe, thành viên trẻ nhất của Tổ Hợp Chế Tạo Người Máy Hoa Kỳ và anh rất hãnh diện với địa vị của mình:
– Này, Bogert. Trong suốt quá trình lắp ráp, không một vấp váp nào đã xảy ra. Tôi bảo đảm.
Đôi môi dầy của Bogert nở nụ cười kẻ cả:
– Anh bảo đảm? Nếu anh có thể trả lời thay cho toàn bộ đường dây lắp ráp, tôi sẽ đề nghị thăng chức anh ngay. Theo kiểm toán chính xác, có đến bảy mươi lăm ngàn, hai trăm ba mươi tư động tác cần thiết cho việc chế tạo một bộ óc điện tử, mà mỗi động tác riêng rẻ lại tùy thuộc vào việc hoàn thành một số yếu tố nào đó, từ 5 đến 105. Nếu chỉ cần một yếu tố sai lầm, bộ óc sẽ tiêu tùng. Tôi dẫn chứng từ chính tư liệu do anh phổ biến đấy, anh Ashe ạ.
Milton Ashe đỏ mặt nhưng tiếng nói thứ tư chận lời đáp của anh. Đôi bàn tay của Susan Calvin đan chặt đặt trên đùi, đôi môi mỏng lợt lạt mím lại:
– Nếu chúng ta sửa sai bằng cách đổ lỗi cho nhau thì tôi xin rời khỏi đây. Chúng ta có một người máy đọc được tư tưởng và theo tôi, điều quan trọng là chúng ta phải tìm cho ra tại làm sao mà nó đọc được tư tưởng. Chúng ta không làm việc đó bằng cách nói lỗi tại anh hay lỗi tại tôi!
Đôi mắt nâu lạnh lẽo của nàng dán chặt Ashe, và hắn cười nhăn nhở. Lanning cũng nở nụ cười toe toét và như thường lệ vào những trường hợp thế này, mái tóc bạc để dài và đôi mắt ti hí ranh mãnh tạo cho ông hình ảnh của một giáo chủ:
– Quả là chí lý, bác sĩ Calvin.
Ông đổi sang giọng giòn giã:
– Ở đây, mọi thứ đều trong dạng thức cô động như viên thuốc. Chúng ta đã sản suất một bộ óc dương điện tử được coi như đương nhiên là phải hoạt động bình thường, thế mà nó lại mang một đặc tính bất thường là có khả năng bắt được các làn sóng tư tưởng. Điều nầy hẳn là sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng đi trước hằng thập niên trong ngành nghiên cứu người máy nếu ta hiểu được bằng cách nào việc đó đã xảy ra. Chúng ta hiện chưa biết và chúng ta phải tìm cho bằng được. Rõ ràng chứ?
Bogert hỏi:
– Tôi được phép nêu một đề nghị?
– Tự nhiên.
– Tôi muốn nói rằng cho tới khi chúng ta tìm ra đầu mối – và với tư cách một nhà toán học, tôi ngờ rằng đây là cái thứ rối rấm quỷ quái – chúng ta nên giữ bí mật về sự hiện hữu của RB-34. Bí mật ngay cả với các thành viên khác trong ngành. Trên cương vị là các trưởng ngành, chúng ta không được phép xem nó như là một vấn nạn không có cách giải quyết và càng nên có ít người biết chuyện này…
Bác sĩ Calvin lên tiếng:
– Bogert nói đúng. Từ ngày luật Liên Hành Tinh sửa đổi cho phép các mẫu người máy được xét nghiệm ngay trong các cơ xưởng trước khi chuyển vận ra ngoài, các chiến dịch tuyên truyền chống người máy đã gia tăng. Trước khi có đủ điều kiện tuyên bố rằng chúng ta đã nắm vững hiện tượng, chỉ cần một lời nào tiết lộ người máy có khả năng đọc được tư tưởng con người là chúng ta sẽ phải mất khá nhiều vốn liếng.
Lanning kéo một hơi xi gà và nghiêm nghị gật đầu. Ông quay sang Ashe:
– Tôi nhớ, anh có nói anh chỉ ở một mình khi lần đầu anh tình cờ khám phá ra cái vụ đọc được tư tưởng này?
– Đúng là tôi một mình. Tôi đã sợ gần chết. Thằng RB-34 vừa được nhấc ra khỏi bàn lắp ráp là họ cho mang đến tôi ngay. Oberman vừa đi đâu đó, vì vậy tôi tự mình mang nó xuống phòng thử nghiệm. Sự việc diễn ra ngay từ lúc tôi bắt đầu đưa nó đi.
Ashe ngưng lại, môi cố nở nụ cười mong manh:
– À này, có ai trong quý vị đã từng trải qua một cuộc đàm thoại trong đầu của mình mà lại không nhận biết?
Không ai buồn trả lời và anh tiếp tục:
– Thoạt đầu tôi không nhận ra việc đó. Nó cứ nói chuyện với tôi một cách có lý có tình như quý vị có thể hình dung và chỉ đến khi xuống tận phòng thử nghiệm tôi mới nhận ra tôi đã chẳng nói lời nào. Tất nhiên tôi đã suy nghĩ rất nhiều nhưng suy nghĩ đâu có nghĩa là nói, phải không quý vị? Tôi bèn khóa thằng người máy đó lại trong phòng và chạy tìm ông Lanning. Cứ nghĩ đến việc có nó đi bên cạnh, lặng lẽ săm soi vào tâm tưởng của mình, rồi moi móc, chọn lựa giữa các ý tưởng mà thấy hãi hùng.
Susan Calvin trầm ngâm, đôi mắt chăm chú dán chặt vào Ashe một cách lạ lùng:
– Tôi cũng thấy việc đó đáng sợ thật. Chúng ta đã có thói quen xem tâm tưởng của chúng ta là riêng tư.
Lanning nóng nảy chen vào:
– Thôi thì chỉ có bốn chúng ta biết chuyện này. Được lắm! Chúng ta hãy duyệt xét sự việc một cách có hệ thống. Ashe, tôi muốn anh kiểm lại đường dây lắp ráp, từ điểm khởi đầu đến điểm cuối cùng, từng động tác một. Anh loại bỏ các động tác xét ra không thể có sai lầm, rồi ghi chép các loại động tác có thể có cùng mức độ sai lầm của chúng.
Ashe càu nhàu:
– Việc mệt dữ đa!
– Tất nhiên! Anh phải xếp đặt nhân viên thuộc quyền làm việc này. Sử dụng hết mọi người nếu công việc đòi hỏi. Có trễ hạn việc khác cũng không sao.Và dứt khoát không một ai được biết lý do, anh thừa hiểu mà.
Chàng chuyên viên trẻ tuổi cười nhăn nhở:
– Hừm, được thôi! Nhưng nó vẫn là một việc phi thường.
Lanning xoay ghế, đối diện Calvin:
– Cô phải chận mọi việc từ các hướng khác. Ngoài ra, là nhà tâm lý học về robot, cô phải nghiên cứu đặc biệt thằng robot này, bằng cách đi ngược lại, bắt đầu từ điểm cuối. Hãy cố gắng khám phá xem làm sao mà nó làm được như vậy. Tìm xem có cái gì khác gắn bó với khả năng thần giao cách cảm, tới một chừng mực nào, tác động đến triển vọng của nó ra sao và chính xác là nó gây thiệt hại gì cho các đặc tính thông thường của loại robot này. Cô hiểu rồi chứ?
Không chờ bác sĩ Calvin trả lời, Lanning tiếp:
– Tôi sẽ điều hợp công việc và sẽ diễn giải các phát hiện một cách thích đáng.
Ông bập mạnh điếu xi gà và nói lầm bầm qua khói thuốc:
– Bogert sẽ tiếp tay tôi, dĩ nhiên.
Bogert chà bóng các móng tay bằng bàn tay ngắn ngủn ú nần, ôn tồn lên tiếng:
– Tôi nhận, nhưng có điều là tôi biết không nhiều về đường dây sản xuất.
Ashe đẩy chiếc ghế lui lại và đứng lên. Khuôn mặt vui vẻ dễ thương của anh gấp nếp với nụ cười tươi tắn:
– Vậy thì tôi bắt đầu đây! Tôi vớ phải cái phần việc đáng nguyền rủa nhất, vì vậy tôi phải biến ngay khỏi đây để tiến hành.
Anh rời phòng bằng giọng líu nhíu:
– Sớm gặp lại quý vị!
Susan Calvin đáp lễ bằng cái khẻ gật đầu nhưng đôi mắt vẫn nhìn theo cho tới khi anh khuất dạng. Và nàng cũng không buồn trả lời câu càu nhàu của Lanning:
– Cô có muốn lên xem thằng RB-34 bây giờ không, bác sĩ Calvin?
***
Cặp mắt quang điện của RB-34 rời khỏi quyển sách khi có tiếng xoay bản lề và nó đứng lên khi Susan Calvin bước vào. Nàng dừng bước, chỉnh lại tấm biển to lớn “Cấm Vào” trên cửa và tiến đến gần người máy robot:
– Tôi mang theo vài quyển sách viết về động cơ siêu nguyên tử, Herbie có muốn đọc chăng?
RB-34 – mang tên Herbie- nhấc ba quyển sách nặng nề khỏi tay nàng và mở một quyển, đọc tựa:
– Hừm! Lý Thuyết Về Siêu Nguyên Tử.
Trong khi lật từng trang giấy, nó lầm bầm gì đó rồi bỗng thốt lên qua dáng vẻ lơ đãng:
– Xin mời bác sĩ ngồi, chắc cũng phải mất vài phút tôi mới ngốn hết các quyển này.
Nhà tâm lý học ngồi lên ghế và tẩn mẩn quan sát Herbie từ lúc nó mang chiếc ghế từ bên kia bàn và ngồi đọc cả ba quyển một cách có phương pháp. Nửa giờ sau, nó bỏ sách xuống:
– Dĩ nhiên tôi hiểu vì sao bác sĩ mang mấy quyển nầy đến đây.
Góc môi của bác sĩ Calvin dúm lại:
– Tôi cũng e rằng chú đã rõ. Thật khó mà làm việc với chú, Herbie ạ! Chú luôn luôn tiến trước tôi một bước.
– Mấy quyển này cũng y như mấy quyển trước thôi! Chúng chẳng mang cho tôi ích lợi gì! Nội dung vẫn chỉ là con số không. Khoa học của bác sĩ chỉ là một khối dữ kiện cóp nhặt, được chắp vá với nhau bằng các lý thuyết tạm bợ và tất cả đều đơn giản đến không ngờ. Chắc chắn là không đáng để quan tâm. Chính các quyển tiểu thuyết mới gây cho tôi nhiều thích thú. Chính những nghiên cứu của bác sĩ về sự tác động lẫn nhau giữa duyên cớ và tình cảm con người…
Cánh tay đầy sức mạnh của nó làm một động tác mơ hồ như là nó cố tìm một từ thích hợp. Bác sĩ Calvin thì thào:
– Tôi nghĩ là tôi hiểu.
Thằng robot tiếp tục:
– Tôi đọc được tư tưởng con người, bác sĩ biết đó, nhưng hẳn không sao biết là chúng phức tạp đến chừng nào! Tôi không thể bắt đầu hiểu được mọi sự bởi vì tâm trí của tôi không có được bao nhiêu điểm tương đồng với tâm trí con người. Nhưng tôi hết sức cố gắng và các tiểu thuyết của bác sĩ đã giúp tôi.
Giọng Calvin đượm vẻ chua xót:
– Cứ cho là thế đi, nhưng tôi e rằng sau khi tiếp nhận vài kinh nghiệm xúc cảm, kinh nghiệm đớn đau từ các truyện tình thời đại, chú lại thấy rằng tâm tư trung thực của con người sao mà buồn nản, vô vị.
– Nhưng tôi không thấy buồn nản vô vị!
Câu trả lời đầy năng nổ, bất ngờ làm Susan đứng bật dậy. Nàng có cảm giác khuôn mặt mình đỏ rần và đầu óc nghĩ ngợi lung tung: “Nó hẳn đã biết!”
Herbie nhún người và hạ thấp giọng khiến cho cái âm sắc đầy chất kim khí biến mất:
– Hẳn nhiên là tôi biết, thưa bác sĩ Calvin. Bác sĩ luôn nghĩ đến chuyện đó, thì làm sao mà tôi không biết được.
Nét mặt Susan rắn lại:
– Thế chú mày đã có nói với ai khác không?
Herbie đáp với vẻ ngạc nhiên thực sự:
– Dĩ nhiên là không. Mà có ai hỏi đâu mà nói!
Bác sĩ như tự trách mình:
– Thế thì, tôi nghĩ, hẳn chú mày coi tôi như một người khờ dại.
– Thưa không! Đây là xúc cảm thường tình mà.
– Chính vì thường tình nên mới dại khờ đến thế! Tôi không phải là một phụ nữ được người ta gọi là… hấp dẫn.
Giọng Susan buồn thảm như làm lắng đọng mọi vật chung quanh. Nàng không biết rằng có biết bao phụ nữ đang thèm muốn địa vị của nàng.
– Nếu bác sĩ đề cập hấp dẫn như là sức mạnh lôi cuốn riêng về phần thể xác thì tôi không thể đánh giá được. Bởi tôi biết, trong bất cứ trường hợp nào, cũng đều có nhiều dạng hấp dẫn.
Bác sĩ Calvin hầu như không nghe lời nói của robot. Nàng tiếp tục ý nghĩ riêng:
– Cũng không còn trẻ nữa.
Giọng Herbie nài nỉ, đầy lo lắng:
– Bác sĩ chưa tới bốn mươi mà.
– Tính bằng niên kỷ thì tôi ba mươi tám. Còn tính bằng tình cảm thì tôi cằn cỗi đến tuổi sáu mươi. Một chuyên gia tâm lý thì cũng có được gì đâu?
Nhà tâm lý học tiếp tục bằng hơi thở dứt quãng, đắng cay:
– Còn anh ấy thì mới vừa ba mươi lăm, dáng dấp, cử chỉ còn trẻ trung. Chú mầy có cho rằng anh ấy xem tôi như… không là gì hết?
Bàn tay sắt của Herbie nện xuống mặt bàn bọc nhựa, kêu sầm:
– Bác sĩ nghĩ sai rồi! Xin nghe tôi…
Calvin vụt quay lại nó, mắt rực lên những tia đau đớn:
– Tại sao phải nghe chú mày? Chú mày biết gì về chuyện này. Nói gì thì nói, chú mày cũng chỉ là… cái máy! Hay chú mày coi tôi như một mẫu vật thử nghiệm, là con bệnh với bộ óc dị thường đầy hứng thú được trải rộng để chú mày khảo sát. Đó là một mẫu vật tuyệt vời về tâm trạng vỡ mộng, đúng không? Cũng hay ho như mấy quyển tiểu thuyết chú mày nghiền ngẫm chứ gì?
Giọng nàng nức nở vang lên rồi nghẹn ngào tắt dần. Thằng robot co rúm lại trước cơn giận đột phát đó. Nó lắc đầu van xin:
– Làm ơn nghe tôi nói mà! Tôi có thể giúp nếu bác sĩ chịu nghe tôi.
Nàng bĩu môi:
– Bằng cách nào? Bằng cách cho tôi những lời khuyên hữu ích?
– Không, không phải vậy. Quả đúng là tôi biết được những gì người khác suy nghĩ. Như Milton Ashe, chẳng hạn.
Một sự im lặng kéo dài, và đôi mắt của Susan bắt đầu nhỏ lệ. Nàng thổn thức:
– Tôi không muốn biết người đó nghĩ gì! Hãy im đi.
– Tôi biết bác sĩ muốn biết ông ấy nghĩ gì.
Đầu nàng vẫn cúi thấp nhưng hơi thở dồn dập dần. Nàng thì thào:
– Chú mày nói chuyện vô lý.
– Tại sao tôi nên nói ra. Tôi muốn giúp mà. Những ý nghĩ của Milton Ashe về bác sĩ…
Thằng robot ngưng lại. Và đến lúc đó, nhà nữ tâm lý học mới ngẩn đầu:
– Sao?
Thằng robot nói một cách bình thản:
– Ông ấy yêu bác sĩ.
Suốt trọn một phút, bác sĩ Calvin nghẹn lời. Nàng chỉ đăm đăm nhìn. Rồi bỗng thốt lên:
– Chú mày lầm! Chắc hẳn là lầm. Sao lại thế được?
– Thế mà đúng, ông ấy yêu bác sĩ. Chuyện như vậy khó che dấu, nhất là với tôi.
Nàng lắp bắp không thành lời:
– Nhưng tôi rất…rất…
– Ông ấy thâm trầm hơn là vẻ bên ngoài và biết ngưỡng mộ tài năng của người khác. Ông ấy cũng không thuộc hạng sẽ cưới bất cứ cô nào miễn cô đó có đôi mắt và mái tóc trên đầu.
Susan Calvin chớp mắt liên hồi và phải đợi một lúc mới lên tiếng được. Dù vậy, giọng nàng vẫn còn run run:
– Vậy mà anh ấy chẳng bao giờ tỏ dấu hiệu gì…
– Bác sĩ có cho ông ấy một cơ hội?
– Làm sao được? Tôi có bao giờ nghĩ rằng…
– Quả là vậy!
Nhà tâm lý học chìm đắm trong suy tư rồi bất thình lình ngẩn lên:
– Nửa năm trước, có một cô đến thăm anh ấy ở đây. Theo tôi, cô ấy đẹp, tóc vàng, dáng thon thả. Và dĩ nhiên, khả năng cùng lắm là biết cộng hai với hai. Anh ấy đã bỏ cả ngày, hết hơi hết sức cố giải thích cách thức chế tạo một robot.
Giọng cô trở nên đanh đá:
– Kết quả là cô ta chả hiểu tý gì! Mà cô ta là ai vậy?
Herbie trả lời không chút do dự:
– Tôi biết người đó. Cô nàng là em họ của ông ấy và chẳng có việc phiêu lưu tình cảm dính vào, tôi bảo đảm.
Susan Calvin đứng lên với một dáng vẻ rực rỡ đầy nữ tính:
– Quả lạ lùng! Đó chính là điều tôi tự bịa ra để an ủi dù chẳng tin chút nào. Thế rồi nay lại là sự thật.
Nàng chạy đến Herbie, hai tay nắm bàn tay lạnh lẽo,nặng nề của nó và thì thầm bằng giọng khản đục, khẩn nài:
– Cám ơn Herbie. Đừng nói với bất cứ ai việc này nghe. Coi như chuyện bí mật giữa chúng ta. Và một lần nữa, rất biết ơn.
Dứt lời, sau khi vụng về siết chặt những ngón tay kim loại vô cảm, nàng rời phòng. Herbie chầm chậm xoay lại quyển tiểu thuyết bỏ dở. Nhưng không một ai đọc được đầu óc nó đang nghĩ gì.
***
Milton Ashe chầm chậm vươn vai qua một động tác tuyệt đẹp hòa điệu với tiếng răng rắc của các khớp xương và khúc hợp âm của các lời cẳn nhẳn. Anh nhìn trừng trừng tiến sĩ Peter Bogert, rồi lên tiếng:
– Này! Cả tuần nay tôi bù đầu với vụ duyệt xét này gần như không chợp mắt. Tôi còn phải thức thêm bao lâu nữa đây? Tôi tưởng ông nói việc bắn phá các phân tử ở buồng chân không D đã có giải đáp kia mà.
Bogert kín đáo ngáp dài và nhìn đôi tay xanh xao của mình với vẻ thích thú:
– Đúng vậy. Tôi đang phăng lần manh mối đây.
– Tôi quá rành ngôn ngữ của các nhà toán học! Vấn đề là bao lâu nữa mới phăng xong?
– Cái đó còn tùy.
Ashe thả người lên ghế, duỗi dài đôi chân:
– Tùy cái gì?
Bogart thở dài:
– Tùy ở Lanning. Lão đó bất đồng ý kiến với tôi. Lão có phần cổ lỗ sĩ. Cái rắc rối là ở lão. Lão bám vào cơ học ma trận như là phương thức duy nhất trong khi sự việc rắc rối này lại đòi hỏi các phương tiện toán học có năng lực mạnh hơn. Lão ngang bướng quá!
Ashe thì thào giọng buồn ngủ:
– Vậy tại sao không hỏi thẳng Herbie và giải quyết toàn bộ vấn đề?
Bogert nhướn mày:
– Hỏi thằng người máy?
– Sao lại không? Người đẹp lỡ thời không nói gì với anh sao?
– Anh muốn ám chỉ Calvin?
– Đúng! Chính nàng ta nói đấy. Thằng người máy là một thiên tài toán học. Cái gì nó cũng biết mà biết dư thừa nữa. Nó làm ba bài toán tích phân nhẩm trong đầu và ngốn phép phân tích cơ trương như ăn tráng miệng.
Nhà toán học mở to mắt, ngờ vực:
– Anh nghiêm túc đấy chứ?
– Xin thề có Trời! Điều tức cười là thằng ngớ ngẩn này lại không thích toán. Nó chỉ khoái đọc tiểu thuyết tình cảm ướt át. Thật đấy! Anh phải thấy cô nàng Susan bệ rạc liên tục nuôi dưỡng nó: Nào là “Đam mê màu tím”, nào là “Tình trong không gian”…
– Bác sĩ Calvin đã chẳng một lời về việc này với chúng ta.
– Ờ, cô nàng chưa hoàn tất nghiên cứu thằng robot này. Anh biết nàng ta quá mà. Luôn luôn nắm chắc mọi thứ trước khi tiết lộ bí mật.
– Và cô nàng đã tiết lộ với anh.
– Chúng tôi chỉ nói đại khái. Gần đây tôi gặp cô nàng rất thường.
Ashe mở lớn đôi mắt và nhíu mày, tiếp lời:
– Nè, Bogert, gần đây anh có để ý thấy điều gì khác lạ ở cô nàng?
Bogert nở một nụ cười nhăn nhở:
– Cô ta tô son môi, nếu đó là điều anh ám chỉ.
– Quỷ thần ơi! Tôi biết mà! Má hồng, phấn tô, mày kẻ! Trông diêm dúa. Nhưng không chỉ thế. Tôi không thể giải thích rõ được. Đó là cái cách cô nàng ăn nói – cứ như là đang hạnh phúc một điều gì.
Ashe ngẫm nghĩ một lúc rồi nhún vai. Bogert ranh mãnh nhìn Ashe, lối nhìn của một khoa học gia ở tuổi năm mươi hiểu đời:
– Có thể cô nàng đang yêu.
Một lần nữa, Ashe nhắm kín đôi mắt:
– Khùng điên, Bogert! Đi mà hỏi chuyện với Herbie. Tôi muốn ở đây đánh một giấc.
– Nói y như thiệt! Tôi không chỉ không ưa thằng robot chỉ bảo cho việc phải làm, mà càng không tin là nó có khả năng chỉ bảo tôi!
Chỉ có tiếng ngáy đều đều đáp lời nhà khoa học.
Herbie chăm chú lắng nghe trong khi Peter Bogert, tay thọc vào túi quần, nói với vẻ thờ ơ đầy dụng ý:
– Chú mày đây rồi! Tôi nghe nói chú mày rành các việc này và tôi đang rất tò mò muốn hỏi chú mày. Tôi nhìn nhận rằng phương pháp lý luận của tôi, như tôi phát họa, có dính dáng vài bước đáng ngờ, là điều mà tiến sĩ Lanning không chấp nhận. Thành ra cái giải pháp vẫn còn chưa trọn vẹn.
Thằng người máy không nói gì và Bogert nhắc nhở:
– Sao?
Herbie nghiên cứu những con số viết nguệch ngoạc:
– Tôi không thấy sai sót gì.
– Tôi không nghĩ là chú mày có thể đi xa hơn những con số đó?
– Tôi không dám thử. Ông giỏi toán hơn tôi. Tôi ghét tự mình phơi bày cái dỡ của mình.
Một chút tự mãn hiện lên nụ cười của Bogert:
– Tôi nghĩ tình huống có thể là vậy. Nó còn sâu xa hơn nữa. Chúng ta hãy quên nó đi.
Ông vò nát tờ giấy, ném vào sọt rác, xoay người định rời phòng, rồi nghĩ sao ông đổi ý:
– Nhân tiện…
Thằng người máy chờ đợi. Bogert có vẻ như gặp khó khăn:
– Có một việc mà có lẽ chú mày có thể…
Ông ngừng lời. Herbie bình thản lên tiếng:
– Ý tưởng của ông đang rối rắm nhưng không chút nghi ngờ rằng tựu trung đều liên quan đến tiến sĩ Lanning. Thật là vớ vẩn nếu cứ ngần ngừ. Ngay khi ông bình tâm, tôi sẽ biết được ông muốn hỏi việc gì.
Bàn tay của nhà toán học lướt trên mái tóc bóng mượt bằng một động tác nhuần nhuyễn. Ông nói, làm như lời nói đó đã giải thích mọi chuyện:
– Ông Lanning có đến bảy mươi tuổi rồi!
– Tôi biết!
– Và ông cũng đã làm giám đốc cơ xưởng gần tròn ba mươi năm.
Herbie gục gặc đầu. Giọng nói Bogert trở nên đầm ấm:
– Vậy liệu chú mày có biết… có biết ông ấy đang nghĩ đến việc từ nhiệm? Có thể vì lý do sức khỏe hay lý do nào khác?
Herbie đáp gọn lỏn:
– Đúng!
– Nghĩa là chú mày biết?
– Tất nhiên.
– Vậy thì, nói tôi nghe?
Giọng thằng người máy hoàn toàn dửng dưng:
– Vì ông hỏi đấy nhé. Đúng, ông ấy đã xin về hưu!
– Cái gì?
Tiếng kêu vang lên rồi nghẹn lại. Nhà khoa học chòm đầu về phía trước:
– Nói lại lần nữa xem!
Giọng đều đều lặp lại:
– Ông ấy đã xin về hưu, nhưng chưa có hiệu lực. Như ông biết, ông ấy đang chờ giải quyết cho xong vụ rắc rối của chính…tôi ấy mà! Xong vụ này, ông ấy sẵn sàng bàn giao văn phòng giám đốc cho người kế vị.
Bogert phà mạnh hơi thở:
– Và người kế vị là ai vậy?
Cái đầu to lớn của Bogert đã rất gần thằng người máy, đôi mắt mê mẩn dán chặt vào các ổ điện quang màu đỏ đục, vô hồn. Lời nói chầm chậm vang lên:
– Ông là vị giám đốc kế nhiệm.
Và Bogert thấy vô cùng thư thái, nở nụ cười toe toét:
– Rất vui biết tin này. Tôi đã bao ngày mong đợi. Cám ơn nhiều, Herbie.
***
Peter Bogert làm việc đến tận năm giờ sáng mới về nhà và trở lại sở lúc chín giờ. Dãy sách tham khảo và đồ biểu không còn nằm trên hàng kệ ngay trước bàn. Tất cả đã lần lượt được Bogert nhấc xuống tra cứu. Trước mặt ông, các trang giấy dầy đặc những con toán có nét nhỏ dần theo từng hàng và dưới chân, những tờ nhàu nát, nguệch ngoạc chất cao thành núi.
Vào đúng ngọ, ông ngắm nghía trang cuối cùng, xoa đôi mắt có những tia máu đỏ, mở miệng ngáp và nhún vai:
– Càng lúc càng tệ, tiên sư nó!
Ông quay lại khi nghe tiếng cửa mở và gật đầu chào Lanning đang bước vào, hai bàn tay gầy gò bẻ răng rắc các đốt xương.
Vị giám đốc ghi nhận ngay tình trạng vô trật tự của căn phòng và đôi lông mày nhíu lại:
– Có manh mối gì không?
Một giọng trả lời đầy thách thức:
– Không! Mà có sự sai lầm gì trong các con toán trước đây vậy?
Lanning không buồn trả lời, cũng không có hành động nào khác hơn là liếc vào tờ giấy trên cùng ở bàn của Bogert. Ông nói qua ánh lửa của que diêm khi châm điếu xì gà:
– Calvin có nói với anh về thằng robot? Nó là một thiên tài toán học đấy. Quả là khác thường!
Bogert buông tiếng xì lớn:
– Tôi có nghe. Tuy nhiên tốt hơn hết là Calvin chỉ nên gắn bó với cái chuyên môn tâm lý về người máy của mình. Tôi đã kiểm nghiệm Herbie về toán và chắc chắn là nó không thể vật lộn với các phép tính vi-tích phân!
– Calvin không cho là vậy!
– Nàng ta ba trợn!
Đôi mắt của vị giám đốc híp lại một cách nguy hiểm:
– Tôi cũng không cho là vậy!
Giọng cứng cỏi của Bogert:
– Ông cũng không ư! Ông nói cái gì vậy?
– Suốt buổi sáng tôi đã đặt Herbie vào cuộc xét nghiệm và nó có thể làm nhiều trò mà anh chưa từng được nghe.
– Thật vậy sao?
Lanning rút nhanh tờ giấy từ túi áo vét và mở banh ra:
– Đây không phải là nét chữ của tôi, đúng không?
Bogert xem xét các ký hiệu lớn đầy góc cạnh trên khắp trang giấy:
– Herbie viết những thứ này?
– Đúng! Và nếu anh để ý, trong thời gian anh về nhà nghĩ, nó đã làm tiếp bài toán tích phân về thời gian của Phương Trình 22. Nó đã đạt đến…
Lanning gõ gõ ngón tay vàng khói thuốc vào phần cuối bài toán:
– Nó đã đạt đến cùng kết quả tính toán của tôi nhưng chỉ mất một phần tư thời giờ! Anh không có quyền bỏ quên hiệu ứng Linger khi bắn phá dương điện tử.
– Tôi đã không bỏ quên hiệu ứng đó. Trời ơi! Ông Lanning, hãy nhớ rằng hiệu ứng đó sẽ cân bằng…
– Ồ, chắc chắn rồi, anh đã giải thích điều đó. Anh đã sử dụng phương trình chuyển dịch Mitchell, có phải không? Thế thì…nó không áp dụng.
– Tại sao không?
– Bởi vì anh đã dùng quá nhiều các số ảo, đó là một việc…
– Dùng nhiều số ảo thì có dính dáng gì?
– Phương trình của Mitchell sẽ không hiệu lực khi…
– Ông điên chắc? Nếu ông đọc lại bản gốc của Mitchell trong quyển Kỷ Yếu Viễn…
– Tôi chả cần đọc. Tôi đã bảo anh ngay từ đầu rằng tôi không thích lý luận của Mitchell và Herbie đã làm hậu thuẫn cho tôi trong vấn đề này.
Bogert hét to:
– Vậy thì hãy để cái thằng người máy quỷ quái ấy giải quyết toàn bộ vấn đề cho ông. Cần gì làm rộn tôi với những việc vặt vãnh?
– Đúng y chang! Herbie đã không giải được vấn đề. Và nếu nó không thể, tự chúng ta cũng không thể! Tôi đang đệ trình toàn bộ nan đề lên Hội Đồng Quốc Gia. Nó đã vượt ngoài tầm tay của chúng ta.
Chiếc ghế của Bogert chạy vụt lui khi ông nhảy dựng, gầm gừ, đỏ mặt tía tai:
– Ông không thể làm ăn kiểu đó.
Lanning cũng đỏ mặt không kém:
– Anh dám bảo tôi điều tôi không thể làm à?
Bogert nghiến răng:
– Đúng! Tôi đã quá vất vả vì vụ việc này, ông không được lấy nó khỏi tay tôi, ông hiểu chứ? Đừng nghĩ rằng tôi không thấy rõ con người thật của ông, hỡi ông già hủ lậu, hết xí quách! Ông ghét bỏ tôi, muốn xóa bỏ hết, không để tôi có được uy tín do việc giải quyết tốt đẹp vụ thần giao cách cảm nầy!
Môi Lanning run lên vì tức giận bùng phát:
– Anh ngu quá là ngu Bogert ạ! Và tôi cất chức anh vì tội không tuân lệnh thượng cấp.
– Đó là điều mà ông sẽ không thực hiện được, ông Lanning ạ. Ông đâu còn giữ được điều gì bí mật với thằng người máy kề cận. Cho nên đừng quên rằng tôi quá biết việc ông từ chức.
Đoạn tro ở đầu điếu xi gà run lên và rơi xuống. Và điếu xi gà cũng rơi theo:
– Cái gì… Cái gì…
Bogert khúc khích cười một cách đểu cáng:
– Và tôi là vị giám đốc mới, xin hiểu biết cho. Tôi thừa biết việc này, đừng cho là tôi không biết. Hãy dương cặp mắt ra nhìn Lanning. Tôi sẽ ban hành mệnh lệnh về mọi việc ở đây và sẽ có một toán làm việc vui vẻ hữu hiệu mà ông chưa từng gia nhập.
Lanning tằng hắng lấy giọng rồi gầm lên:
– Anh đã bị sa thải, anh nghe không? Anh đã bị tước bỏ mọi nhiệm vụ. Anh tiêu tùng rồi, anh hiểu chứ hả?
Nụ cười hoang hoác trên môi người đối nhiệm:
– Giờ đây ông nói có ích gì? Sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi đang nắm con bài chủ. Tôi biết ông đã từ chức. Herbie tiết lộ với tôi và nó lấy tin đó thẳng từ ông.
Lanning thấy mình cần dịu giọng lại. Ông trông già nua, với đôi mắt mệt mõi. Khuôn mặt đã biến mất nét hồng hào, nhường lại vẻ xanh xao vàng vọt của năm tháng chất chồng:
– Tôi muốn nói chuyện với Herbie. Nó không thể nào đã nói với anh một chuyện như thế. Anh đã chơi trò tháu cáy, Bogert, anh đúng là tên bịp. Hãy đi với tôi.
Bogert nhún vai:
– Đi gặp Herbie à? Tốt! Quá tốt là khác!
***
Cũng đúng vào trưa hôm đó, Milton Ashe rời mắt khỏi bản phát thảo vụng về, ngẩn lên nói:
– Cô hình dung được chứ? Tôi vẻ rất dở nhưng cũng ráng phát họa cho cô thấy nó ra làm sao. Đó là căn nhà thật tuyệt và tôi có thể mua với giá rẻ.
Susan đăm đăm nhìn Milton với ánh mắt thương cảm rồi bỗng thở dài:
– Căn nhà thật đẹp. Tôi thường nghĩ rằng tôi thích….
Giọng nàng ngập ngừng, chợt im bặt. Ashe bỏ cây bút chì qua một bên, giòn giã tiếp:
– Dĩ nhiên, tôi phải chờ đến dịp nghỉ phép. Chỉ còn hai tuần nữa thôi, thế rồi vì chuyện thằng Herbie mà mọi sự dở dang.
Milton nhìn xuống mấy ngón tay, tiếp lời:
– Ngoài ra, còn một điều nữa, một điều bí mật!
– Thế thì đừng nói.
Ashe nhe răng cười ngượng nghịu:
– Than ôi, tôi lại muốn nói. Tôi cứ muốn thổ lộ cùng một ai đó và cô đúng là người đáng tin cậy nhất ở sở này.
Tim Susan đập mạnh nhưng không đủ sức lên tiếng . Ashe kéo ghế gần hơn và hạ thấp giọng thành tiếng thì thầm cẩn mật:
– Thành thật mà nói căn nhà không phải chỉ dành cho một mình tôi. Tôi sắp cưới vợ!
Vừa dứt lời, anh chàng nhảy vụt khỏi ghế:
– Cô có sao không vậy?
Cảm giác choáng váng tan nhanh, cô nàng nghẹn lời:
– Không sao. Anh nói anh cưới vợ? Ý anh là…
– Đúng rồi! Cũng đã đến lúc, phải không? Cô còn nhớ cô gái đến đây thăm tôi vào hè năm ngoái? Chính nàng. Nhưng… hình như cô bị bệnh! Trông cô…
Calvin xua tay yếu ớt:
– Tôi bị nhức đầu! Gần đây tôi cứ bị nhức đầu luôn. Tôi muốn, muốn chúc mừng anh, dĩ nhiên là phải thế. Tôi rất vui…
Đốm phấn hồng tô vụng về tạo thành hai vệt đỏ trên khuôn mặt trắng phết. Đầu óc nàng lại quay cuồng:
– Xin anh tha lỗi…
Calvin lí nhí khi lảo đảo bước ra cửa như người đui mù. Sự việc đã xảy với đại họa bất thường của mộng đẹp, với ảo tưởng kinh hoàng của giấc mơ. Nhưng làm sao có thể như thế được? Herbie đã nói…Và Herbie đã biết! Nó đọc được ý nghĩ kia mà!
***
Nàng thấy mình đứng tựa thành cửa, không còn chút hơi thở nào, nhìn chòng chọc bộ mặt bằng sắt của Herbie. Calvin hẳn đã phải trèo suốt hai dãy thang lầu nhưng nàng đã không nhớ chút gì về việc này. Cái khoảng xa đã được che mờ trong một khoảnh khắc, như một giấc mơ.
Như trong một giấc mơ! Đôi mắt không chớp của thằng Herbie đang đứng im lìm hướng thẳng vào mắt nàng và màu đỏ đục của chúng chừng như làm nở phồng hai quả cầu lù mù trông ghê rợn.
Nó đang nói và nàng cảm thấy như có ly nước lạnh ấn lên môi nàng. Nàng nuốt nước bọt và rùng mình tỉnh thức, về với thực tại.
Herbie vẫn còn nói, giọng nói run run chừng như nó đang đau đớn, sợ hãi và van xin. Lời lẽ đã bắt đầu mang ý nghĩa. Nó nói:
– Đây chỉ là giấc mơ. Và bác sĩ nhất định không được tin vào giấc mơ. Bác sĩ sẽ bừng tỉnh và sẽ tự cười nhạo mình. Tôi nói ông ấy yêu bác sĩ. Ông ấy có yêu bác sĩ, có thực sự yêu nhưng không phải ở đây, không phải lúc này. Đó chỉ là một ảo mộng.
Susan Calvin gật đầu, chộp lấy cánh tay Herbie, bám chặt lấy nó, giọng thì thào lặp đi lặp lại:
– Đúng! Đúng! Nó không có thực, phải không? Nó không có thực, phải không?
Nàng không rõ bằng cách nào mình sực tỉnh nhưng nó tương tự như đang từ một thế giới mờ ảo chuyển sang một vùng ánh sáng chói chang! Nàng xô thằng người máy cho xa khỏi nàng, đẩy mạnh cánh tay sắt thép, mắt nàng mở lớn. Giọng nàng cất cao, cao vút:
– Chú mày muốn gì? Chú mày muốn gì hả?
Herbie lùi lại thật xa:
– Tôi muốn giúp.
Nhà tâm lý học nhìn trừng trừng:
– Giúp? Giúp bằng cách nói rằng đây chỉ là giấc mơ? Bằng cách cố đẩy tôi thành người loạn trí?
Cơn kích động xâm chiếm lấy nàng. Nàng la như cuồng dại:
– Việc này không mộng mơ gì hết. Tôi ao ước nó có thực.
Nàng hít một hơi thật mạnh:
– Xem nào! Tại sao…Tại sao… Tôi hiểu ra rồi! Cám ơn Thượng Đế, rõ ràng quá mà!
Thằng người máy nói bằng giọng kinh hoàng:
– Tôi phải nói thế!
– Và tôi lại tin chú mày! Tôi đã không hề nghĩ tới…
Có tiếng nói vang vang ngoài cửa làm ý nghĩ nàng đứt đoạn. Susan quay đi, bàn tay lúc nắm lúc mở, và khi Bogert cùng Lanning bước vào thì nàng đã đến tận cánh cửa sổ phía xa. Chẳng người nào mảy may để ý tới nàng.
Họ cùng lúc tiến đến Herbie; Lanning giận dữ và nóng nảy, Bogert khinh khỉnh lạnh lùng. Ông giám đốc lên tiếng trước:
– Bây giờ, Herbie, hãy lắng nghe tôi nói.
Đôi mắt Herbie đảo xuống nhìn người giám đốc già nua:
– Vâng, thưa tiến sĩ Lanning.
– Chú mày có luận bàn với tiến sĩ Bogert về tôi, phải không?
Câu trả lời phát lên thư thả:
– Dạ thưa không.
Nụ cười trên khuôn mặt Bogert vụt tắt. Bogert sấn lên trước vị giám đốc và đứng dạng chân trước thằng người máy:
– Gì thế hả? Hãy lặp lại đúng những lời chú mày nói với tao hôm qua.
– Tôi có nói rằng…
Herbie chợt nín bặt. Tận bên trong thân thể của nó, lớp cơ hoành xung động đưa ra những tiếng khua nho nhỏ, không đều.
Bogert gầm lên:
– Chú mày đã chẳng nói là ông ấy từ nhiệm là gì? Trả lời tao đi!
Bogert vung cánh tay một cách điên dại nhưng Lanning đẩy ông ta qua một bên:
– Anh định cố ép nó nói láo hả?
– Ông nghe mà, ông Lanning! Nó bắt đầu bằng từ “có” rồi không chịu nói thêm. Ông tránh ra. Tôi muốn nó nói lên sự thật, ông hiểu chứ?
– Để tôi hỏi nó.
Lanning hướng về thằng robot:
– Nè, Herbie! Cứ trả lời thoải mái! Có phải tôi đã từ chức?
Một cử động yếu ớt như là cái lắc đầu của robot. Hai người chờ khá lâu nhưng không có thêm dấu hiệu nào khác. Họ nhìn nhau và sự thù địch phát từ ánh mắt của họ trông thật lộ liễu. Bogert sửng cồ:
– Thật quái đản! Thằng robot bỗng phát câm! Mày không nói được nữa ư, thằng quỷ sứ?
Lời đáp như đã chuẩn bị sẵn:
– Tôi nói được chứ!
– Thì trả lời đi. Chú mày đã chẳng nói với tao là ông Lanning đã từ chức? Bộ ông ấy chưa từ chức sao?
Một lần nữa chỉ có sự lặng thinh buồn nản cho đến lúc, từ cuối phòng, tiếng cười của Susan bất thình lình vang lên cao vút gần như khùng điên. Hai nhà toán học nhảy dựng, đôi mắt Bogert nhíu lại:
– Cô cũng có mặt ở đây à? Cái gì mà xem ra vui thú quá vậy?
Nàng đáp bằng giọng không mấy tự nhiên:
– Có gì vui thú đâu! Chỉ cái điều tôi không phải là nhân vật duy nhất bị mắc lỡm. Thêm một điều mỉa mai -quả là mai mỉa- là có đến ba chuyên viên lỗi lạc của thế giới về robot lại bị sập chung một cái bẩy sơ đẳng nhất.
Giọng nàng lẩm bẩm, lắng dần, và đôi bàn tay xanh xao đặt lên trán:
– Có gì vui thú đâu!
Hai người đàn ông nhìn nhau. Lanning cất giọng một cách khó khăn:
– Có gì không ổn ở Herbie hả?
Susan chầm chậm bước lại gần họ:
– Không, không có gì không ổn ở Herbie hết. Chỉ chúng ta là không ổn thôi!
Bất thình lình nàng xoay người và hét vào thằng người máy:
– Cút đi! Lại góc đàng kia và đừng để tao nhìn thấy chú mày.
Herbie lùi lại trước các tia nẩy lửa từ đôi mắt Calvin và loạng choạng chạy xa bằng từng bước khua lách cách.
Giọng Lanning còn mang âm hưởng ghét bỏ:
– Đầu đuôi sự việc ra sao, bác sĩ Calvin?
Nàng nhìn thẳng vào mặt họ, giọng cay đắng:
– Chắc quý vị còn nhớ Điều luật Căn bản đầu tiên về việc chế tạo Người Máy.
Hai người gật đầu. Bogert cáu kỉnh:
– Tất nhiên là phải nhớ! “Một người máy không được gây tổn thương con người, cũng không được bất hoạt khiến con người bị thương tổn.”
Susan cười nhạo:
– Câu nói hay nhỉ? Nhưng mà tổn thương gì mới được?
– Đủ thứ tổn thương.
– Rất đúng! Bất cứ thứ tổn thương nào! Như cảm giác đau đớn, hạ nhục cá nhân, tan tành hy vọng, những thứ đó hẳn đều là tổn thương?
Lanning cau mày:
– Thằng robot có biết gì về…
Ông chợt hiểu ra và thở chừng như muốn hụt hơi!
– Ông nắm bắt được rồi phải không? Thằng robot này đọc được tư tưởng. Ông có cho rằng nó không biết gì về các tổn thương tinh thần? Ông có cho rằng nếu có người đặt cho nó một câu hỏi, nó sẽ không trả lời đúng cái ý mà người hỏi muốn nghe? Nó không biết câu trả lời không làm tổn thương người hỏi?
Bogert kêu lên:
– Thánh thần ơi!
Nhà tâm lý học ném tia nhìn diễu cợt về phía ông này:
– Tôi đoán ông hỏi nó có phải Lanning đã từ chức? Ông muốn được nghe đáp rằng ông ấy đã từ chức. Vậy là Herbie nói theo ý ông.
Lanning nói bằng giọng nhạt nhẽo:
– Cứ cho đó là lý do khiến vài phút trước nó không trả lời được. Nó không thể trả lời người này mà không làm tổn thương người kia.
Cả ba cùng im lặng, trầm ngâm nhìn thằng robot ở cuối căn phòng. Nó thu người vào chiếc ghế cạnh giá sách, đầu gục vào cánh tay. Susan dán mắt lên sàn nhà:
– Nó biết hết chuyện này. Thằng quỷ quái biết mọi thứ, kể cả việc sai sót trong cách lắp ráp nó.
Mắt nàng trở nên đen tối và tư lự. Lanning ngẩn lên:
– Điểm này thì cô trật rồi, bác sĩ Calvin. Nó không biết cái gì sai với nó. Tôi đã hỏi nó.
Calvin cao giọng:
– Câu trả lời của nó hàm chứa cái ý gì? Cái ý là ông không muốn nó cung cấp cho ông giải pháp. Trả lời biết, nó sẽ làm tổn thương cái tôi của ông vì một người máy làm được cái việc mà chính ông không thể làm.
Nàng hướng mắt về Bogert:
– Còn ông, ông có hỏi nó gì không?
Bogert tằng hắng, mặt đỏ nhừ:
– Theo một nghĩa nào đó thì có. Nó nói với tôi là nó biết đôi chút về toán học.
Lanning bật cười dòn và nhà tâm lý học mím môi chế nhạo. Nàng nói:
– Tôi sẽ hỏi nó. Lời giải đáp từ nó sẽ không tổn thương cá nhân tôi.
Nàng cất cao giọng, lạnh lùng ra lệnh:
– Đến đây ngay!
Herbie đứng thẳng, tiến về phía nàng bằng những bước ngại ngùng. Nàng nói:
– Tôi cho là chú mày biết, biết một cách chính xác, ở vào một thời điểm nào đó trong tiến trình lắp ráp, có một phần tử bất thường đã được dẫn nhập hoặc một phần tử thiết yếu đã bị bỏ qua.
Herbie đáp bằng giọng khó nghe:
– Thưa đúng!
Bogert cắt ngang, giận dữ:
– Khoan đã. Điều này không nhất thiết là sự thật. Các người muốn được nghe như thế. Và nó trả lời theo ý các người!
Calvin đáp lời:
– Đừng khùng điên! Tất nhiên là nó hiểu biết toán học nhiều bằng cả hai ông cộng lại vì nó có thể đọc được tư tưởng của hai ông. Hãy cho nó một cơ hội.
Cơn giận của Bogert dịu xuống và Calvin nói tiếp:
– Nói được rồi, Herbie. Chúng tôi đang chờ.
Nàng quay sang nói riêng với hai nhà toán học:
– Xin quý vị sẵn sàng giấy bút.
Nhưng Herbie vẫn im lặng. Giọng nói đầy vẻ đắc thắng của nhà tâm lý học vang lên:
– Tại sao chú mày không trả lời, Herbie?
Herbie mau mắn buột mồm:
– Tôi không trả lời được. Cô thừa biết là tôi không trả lời được. Tiến sĩ Bogert và tiến sĩ Lanning đều không muốn tôi trả lời.
– Họ đều muốn có giải pháp.
– Nhưng không phải từ nơi tôi.
Lanning xen vào, nói chầm chậm, rõ ràng từng tiếng:
– Đừng nói điên, Herbie. Chúng tôi đều muốn chú mày nói ra.
Bogert cộc lốc gật đầu. Herbie la lối:
– Nói ra thì có ích gì? Chẳng phải quý vị cho rằng tôi chỉ có thể nhìn thấu lớp ngoài tâm tưởng? Còn sâu hơn, quý vị lại không muốn tôi xuyên suốt. Tôi chỉ là một cái máy, được tạo ra theo phương thức bắt chước đời sống nhờ vào ưu điểm của các dương điện tác động qua lại trong bộ óc, một thiết bị do con người sáng tạo. Quý vị không thể bị mất mặt với tôi mà không bị tổn thương. Đó là điều đã in hằn trong tâm não của quý vị và sẽ không xóa bỏ đi được. Tôi không thể cho quý vị cái giải pháp.
Tiến sĩ Lanning lên tiếng:
– Hai chúng tôi sẽ rời khỏi phòng. Hãy nói cho Calvin biết.
Herbie kêu to:
– Có khác gì đâu! Rồi nhị vị cũng sẽ biết và tôi vẫn là thằng người máy đưa ra giải pháp.
Nhà tâm lý học Calvin lại lên tiếng:
– Nhưng, chú mày thừa hiểu mà, Herbie. Bất kể thế nào, tiến sĩ Lanning và tiến sĩ Bogert đều muốn có giải đáp đó.
Herbie cương quyết:
– Chính họ phải tự tìm lấy.
– Nhưng họ muốn có giải đáp, và sự thật là chú mày đang có nó. Việc chú mày nhất định không đưa cho họ sẽ làm tổn thương họ. Chú mày có thấy điều đó không?
– Có! Có!
– Còn nếu chú mày đưa giải đáp cho họ, thì việc này cũng lại làm họ bị tổn thương.
– Phải! Phải!
Herbie chầm chậm thục lùi theo từng bước tiến của Susan. Hai người đàn ông bàng hoàng nhìn cảnh tượng trước mắt.
Giọng nói của nhà tâm lý học chầm chậm, đều đều:
– Chú mày không thể nói cho họ biết vì nói sẽ làm họ tổn thương, và chú mày không được phép làm họ tổn thương. Nhưng nếu chú mày không nói cho họ, chú mày lại cũng làm họ tổn thương, vì vậy chú mày phải nói. Và nếu chú mày nói, chú mày sẽ làm họ tổn thương, là điều chú mày không được phép làm, nên chú mày không thể nói; nhưng nếu chú mày không nói, chú mày lại làm họ tổn thương, vì vậy chú mày phải nói; nhưng nếu chú mày nói, chú mày làm họ tổn thương nên chú mày không thể nói; nhưng nếu chú mày không nói chú mày lại làm họ tổn thương, vì vậy chú mày phải nói; nhưng nếu chú mày phải nói, chú mày….
Herbie bị dồn đến chân tường và tại đó, hai chân nó quỵ xuống. Nó hét lên:
– Đủ rồi! Xin đóng cái ý tưởng của bác sĩ lại! Nó chứa đầy những đớn đau, tuyệt vọng và thù ghét. Cho tôi xin nói, tôi đâu có ý như vậy. Tôi cố giúp cô mà. Tôi đã nói điều cô muốn nghe và tôi phải làm đúng như thế.
Nhà tâm lý học không quan tâm những lời phân trần của thằng người máy, nàng tiếp tục:
– Chú mày phải nói, nhưng nếu nói, chú mày họ làm tổn thương nên không thể nói; nhưng nếu không nói, chú mày làm họ tổn thương nên phải nói; nhưng…
Và Herbie thét lên! Tiếng thét giống của tiếng tiêu có âm độ cao nhất được nhân thêm nhiều lần, càng lúc càng thêm chói lói cho đến lúc nó biến thành tiếng rên la ghê rợn của người sắp trút linh hồn khiến cho căn phòng tràn ngập âm thanh đinh tai điếc óc.
Và khi tiếng thét tắt nghẽn vào cõi hư vô, Herbie sụp xuống thành một đống sắt hỗn độn, không còn động đậy.
Khuôn mặt Bogert không còn chút máu:
– Nó chết rồi!
Susan Calvin bật lên một tràng cười rũ rượi đến man dại:
– Chưa! Chưa chết đâu! Chỉ mới mất trí thôi! Tôi buộc nó phải đương đầu với một nan đề, một thế tiến thoái lưỡng nan và nó sụm! Ông có thể vứt nó ngay bây giờ vì nó chẳng bao giờ còn nói gì được nữa!
Lanning quỳ xuống bên cái vật từng được gọi là Herbie. Những ngón tay của ông sờ lên bộ mặt bằng kim loại vô tri lạnh ngắt và cảm thấy rùng mình.
Ông đứng lên, mặt nhăn nhúm:
– Cô cố tình làm thế!
– Nếu tôi cố tình thì sao? Giờ đây ông cũng chẳng đừng được.
Nàng buột thêm lời cay nghiệt:
– Đáng đời cho nó!
Vị giám đốc nắm lấy cườm tay của Bogert đang đứng tê liệt, bất động. Ông thở dài:
– Thì cũng thế thôi! Mình đi đi, Peter. Dẫu sao, một thằng người máy biết suy nghĩ loại này, xét cho cùng chẳng lợi ích gì!
Đôi mắt Lanning lộ rõ nét già nua, mõi mệt. Ông lập lại:
– Đi thôi, Peter!
***
Phải cần nhiều phút sau khi hai nhà khoa học rời phòng tâm trí bác sĩ Susan Calvin mới trở lại trạng thái quân bình. Hai mắt nàng từ từ hướng về robot Herbie đang sống dở chết dở và nét đanh đá lại hiện lên mặt nàng. Nhà tâm lý chăm chăm nhìn nó, rất lâu, trong lúc vẻ đắc thắng lụi tàn dần. Và nỗi tuyệt vọng đua nhau kéo về. Thế rồi giữa bao ý tưởng cuồng quay, chỉ một lời vô vàn đắng cay lướt qua môi nàng:
– Đồ nói láo!