Vũ Thất

Bảo Bình 1

Category Archives: Tạp Văn

Tưởng nhớ Phan Xuân Sinh

Từ trái: Trần Doãn Nho, Lương Thư Trung, Phạm Văn Nhàn, Phan Xuân Sinh (hình 2019)

Khi nghe tin Phan Xuân Sinh được khẩn cấp chuyển vào bệnh viện hôm 18/2/24, tôi bàn với bạn bè Dallas cùng đi thăm, nhưng do ai cũng bận bịu chuyện này chuyện nọ chưa thu xếp ổn thỏa, nên nấn ná. Hóa ra, trễ mất rồi. Anh đã từ giã cõi đời vào khuya 28/2/2024, sau hơn mười ngày hôn mê. 

Trước nay, tuy cách khá xa (đoạn đường Dallas-Houston mất từ 4 đến 5 tiếng lái xe), nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tự lái xe đi thăm anh em bầu bạn và vấn an anh, người vốn đã không mấy khỏe, lại phải chăm sóc cho chị Nga, vợ anh, sức khỏe còn tệ hơn. Thế mà, trong lúc bạn bè ái ngại hỏi han, thì anh vẫn vậy, hiếm khi vắng mặt trong các cuộc gặp gỡ. Còn nhớ, bốn tháng trước đây (10/2023), chúng tôi (Nguyễn Trọng Khôi, Thận Nhiên và tôi) đi Houston, cùng vợ chồng anh tham dự buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi hội ngộ với anh chị Duy Trác và các con, do Ngu Yên tổ chức tại nhà riêng. Anh ở lại đến khuya, đọc thơ góp vui và sáng hôm sau, cùng đi uống cà phê và ăn trưa với nhau. Không ngờ đó là lần gặp anh cuối cùng. Mới đây, một ngày trước khi anh vào bệnh viện, khi Hoàng Xuân Sơn ghé Houston, anh chị vẫn đến với bạn bè, cà phê cà pháo bình thường, không có dấu hiệu gì báo trước tin xấu. Thế mà, anh ra đi, đột ngột. Đúng là sinh hữu hạn, tử vô kỳ!

Chỉ biết ngậm ngùi.

Trong đời sống, Phan Xuân Sinh là một mẫu người hiếm thấy. Nhà văn Song Thao, qua bài viết tưởng nhớ Phan Xuân Sinh chỉ một ngày sau khi anh qua đời, đã gọi anh là “người của mọi người”.[1] Quả thật thế. Khi còn ở Boston, anh là một trong những thành viên tích cực của cộng đồng và là “mạnh thường quân” cho các sinh hoạt văn nghệ. Mỗi lần có bạn văn từ xa tới để thăm viếng hay ra mắt sách, thì ngoài nhà thơ Trần Trung Đạo lo điều hành tổng quát, Phan Xuân Sinh gần như bao sân những chuyện còn lại, từ đưa đón, ăn ở cho đến tiệc tùng, tham quan. Một số buổi ra mắt sách (của Trần Doãn Nho hay Hoàng Lộc chẳng hạn) được tổ chức ngay trong nhà (mà cũng là tiệm) của anh. Phụ tá đắc lực cho anh không ai khác hơn là chị Nga. Không những tiếp đón khách, anh chị còn đảm trách luôn cả việc đưa anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi đi các nơi tham dự các sinh hoạt văn nghệ: Canada, Washington DC, New Jersey, Philadelphia…Anh lái xe, chị lo ăn uống. Nói tóm, hễ anh em cần là anh chị sẵn sàng, hiếm khi từ chối. Giai đoạn 1995-2006, Boston xôn xao sinh hoạt văn học nghệ thuật (tôi đoán có lẽ chỉ thua… Quận Cam), một phần là nhờ anh. Giữa thập niên 2000, anh chuyển công việc làm ăn về Texas; thìếu anh, Boston dường như lắng xuống. Ngược lại, có anh, Houston khởi sắc lên, nhất là khi công việc làm ăn của anh chị xuôi chèo mát mái. Nhà anh luôn rộng mở, bất kể thịnh, suy. Bạn bè văn nghệ khắp nơi, khi đến Houston, không có chỗ nghỉ chân hay cần họp mặt hàn huyên là cứ tới nhà Phan Xuân Sinh. Chan hòa với cuộc sống như thế, không hiểu sao, vận rủi cứ liên tiếp đổ xuống gia đình anh, sau này. Chị Nga đột ngột bị đột quỵ, rồi lại tái đột quỵ, khiến công việc kinh doanh phải đình chỉ. Vốn là người bươn chải, năng động, nhưng từ đó, chị đành phải sống dựa vào anh, dù bản thân anh, vốn là thương phế binh thời VNCH, cũng mang đủ thứ bệnh của người lớn tuổi. Đã thế, tháng 9/2020, đứa con trai đầu của anh, độc thân, bị tai nạn, qua đời, khi đi phi trường đưa tiễn một người bạn. Đứa con trai còn lại, cũng độc thân và cũng bị bệnh, chỉ ở nhà phụ giúp chuyện lặt vặt. Xem như cả nhà có ba người thì đều là ba người bệnh. Bây giờ, anh ra đi thì yên phần anh, nhưng còn chị Nga và đứa con…Thiệt là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”!

                                                                        *

            Phan Xuân Sinh mê văn chương. Anh làm thơ đăng báo từ trước 1975 và tiếp tục làm thơ khi ra hải ngoại. Nhiều bài thơ của anh với hiện thực chan hòa trong lý sự, tạo hành một phong cách riêng, đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Trước sau, anh xuất bản ba tập thơ. Tôi đã có nhiều dịp “bình” thơ Phan Xuân Sinh, hoặc qua lời Tựa hoặc khi anh ra mắt tác phẩm. Nói chung, theo tôi,  “Hơi thơ của Phan Xuân Sinh lạ, ngang tàng mà u uất, cuồng ngạo mà xót xa, sâu mà chân chất. Trong cuộc rượu, đọc lên nghe nghèn nghẹn, tưng tức và cảm giác như muối xác vào lòng.” (thi tập Đứng dưới trời đổ nát). Thơ anh không cần phân tích dài hơi. Anh làm thơ y như thể đang trò chuyện với bạn bè trong cuộc nhậu. Dù đề cập đến bản thân, người tình, kẻ địch hay đồng đội, ngôn ngữ Phan Xuân Sinh thẳng băng, hiếm khi vận dụng lối nói tu từ màu mè, bóng bẩy.  Muốn hiểu thơ anh, rất giản dị, chỉ cần mang bài thơ ra đọc. Là đủ. Bàn thêm, đôi khi sẽ thấy thừa. Lại không khéo sẽ làm bay đi mất cái “chất” riêng vốn sẵn.
           trên chiếu rượu. Bạn là tay cự phách
            cỡ như ta cũng phải chầu rìa

            nhào vô. Chỉ thấy mình lãnh đạn

thối lui…đâu được. Cứ lia chia

máu Quảng Nam ta, hơi thô lỗ
vài ba chén rượu, đã cãi càng
bận tâm chi mấy lời nói sảng
rượu vô, điên tiết cứ huênh hoang
(Chén rượu ta lòng bạn hiền)

Phan Xuân Sinh thế đấy: chầu rìa, nhào vô, lia chia, cãi càng, nói sảng, điên tiết…

Thực ra, nếu lưu ý, qua thứ ngôn ngữ nghe rất “đời thường” đó, thơ anh ẩn chứa một nét khác: tính nghịch lý. Chẳng hạn, nghịch lý tiền tuyến/hậu phương:

ta vẫn nằm trên đồi gió thổi
chim hót ban ngày, pháo dội ban đêm
em cứ chạy theo từng mốt mới
còn ta, uống rượu để tìm quên
(Nghe chim hót trên đồi 55)

Chẳng hạn, nghịch lý quê hương/đảng:

trên quê hương tôi
lòng người đổ vỡ, tan hoang
khi những người thắng trận

(…)
thay vì xây dựng quê hương
lại xây dựng đảng
thay vì vá lại những vết thương
lại vạch thêm những vết nứt
những đứa bé đến trường
phải thông qua lý lịch
bài học đầu đời không cần đạo đức
phải tỏ tấm lòng
nhiệt thành cách mạng
những học vị vứt vào sọt rác
lao động là vinh quang
những thằng vô học đứng trên bục giảng
rêu rao lý thuyết điên cuồng
như vẹt
không nuôi được nhân dân
nhưng làm giàu bè đảng
quê hương tôi chìm trong uất nghẹn
(Bom nổ giữa tim người)

Hay nghịch lý bộ đội/lính:

sau vài ly, ông nhìn tôi từ đầu tới chân
anh là ai? thấy quen quen như gần gũi
tôi trả lời ông, xin thưa, tôi là thằng “lính ngụy”
xưa kia… có lần tôi nhắm bắn trật ông

ông cười ha hả hèn chi thấy quen
mình là lính chuyên nghiệp,
mà “dở ẹt’ nghề xạ thủ
bữa nhậu nầy tràn ly vẫn chưa đủ
tôi với ông đều là thứ lính dân chơi
(Người lính già, bên kia)

            Bài thơ này còn hàm chứa một nghịch lý khác: bắn trật/bắn trúng. “Bắn trật” ở đây nói lên một yếu tố rất nhân văn của người lính Phan Xuân Sinh: không muốn giết người. Vậy ai là kẻ “bắn trúng”. Dạ thưa, đây:

cuộc chiến qua, như một tấm tuồng đời
            thấy chúng nó bắn đâu trúng đó
            bắn tan xác nhân dân,
           bắn tanh bành đất nước
           vẫn chưa thỏa được lòng tham

Không những chỉ bắn trúng một cách chung chung, mà “bắn đâu trúng đó”. “Chúng nó” chẳng ai khác hơn đám quan chức nhà nước hiện nay, tạo nên một vấn nạn nhức nhối của đất nước gần như không tìm ra lối thoát. Rõ là Phan Xuân Sinh nhạy cảm với cái nghịch lý. Và tìm cách biến nó thành thơ.

Đọc bài thơ trên, không thể không nhớ đến “định nghĩa” về chiến tranh của nhà thơ Paul Valéry (Pháp): “Chiến tranh là cuộc tàn sát lẫn nhau giữa những người không quen biết nhau, để phục vụ cho những người quen biết nhau nhưng không tàn sát lẫn nhau” (La guerre est un massacre de gens qui ne se connaissent pas au profit de gens qui se connaissent bien mais ne se massacrent pas).

                                          Phan Xuân Sinh tiếp bạn văn tại nhà.

      Từ trái: Phan Xuân Sinh, Phạm Văn Nhàn (Houston), Uyên Hà (VN), Bùi Huy, Trần Doãn Nho (Dallas), chị TDNho, chị PXSinh. (Hình: TDN, Houston 2018)

                                                                        *

Ngoài thơ, Phan Xuân Sinh còn viết văn. “Bơi Trên Dòng Nước Ngược”, tập văn xuôi đầu tiên của anh, là một tạp bút. Trong lời mở đầu, anh thành thật cho biết: “Đây là một tạp văn gom góp lại những mẫu chuyện nho nhỏ của tôi được đăng rải rác trên các báo và tạp chí tại hải ngoại. Vì sợ thất lạc và để dễ dàng gìn giữ nên tôi quyết định in ra để bạn bè, những người thân thuộc, những anh chị em quen biết, như một món quà giữ làm kỷ niệm, chứ không có hoài bão lớn lao nào khác”. Trong đoạn cuối, anh cũng thành thật viết “Trong tạp văn này tôi gom đủ mọi thứ, buồn vui lẫn lộn, hư thực xen lẫn nhau. Để người đọc mua vui trong chốc lát…”

Như thơ, văn Phan Xuân Sinh bộc trực, không quanh co, úp mở. Tấm lòng anh tỏ lộ trên từng câu,  chữ, dù trong tùy bút, ký, tự truyện hay truyện ngắn. Anh gói mọi biến cố và bi kịch cuộc đời trong tình người. Vì thế, truyện của anh – tuy không ít kịch tính – lại có những kết thúc, lúc nào cũng làm…nhẹ lòng người. Thú vị nhất là theo anh xuôi về những kỷ niệm thời thơ trẻ với những tinh nghịch thuở học trò, với mối tình đầu và với vùng đất quê hương anh. Vui, buồn, tếu, cay đắng, khổ đau, hạnh phúc…. Đủ cả. Quê hương Quảng Nam xấu, tốt chi cũng đều bị anh lột trần. “Con gái Bắc tế nhị, khéo léo bao nhiêu thì con trai Quảng Nam cộc cằn, độc đoán bấy nhiêu, họ kín đáo thầm lặng bao nhiêu thì mình huỵch toẹt, ồn ào bấy nhiêu. Ôi cái xứ mình tạo ra những con người như thế, quá thẳng thắn, quá cứng rắn, mà cái gì quá thì nó cũng căng dễ đứt, không hay. Vừa phải chừng mực thì tốt hơn. Thế nhưng người Quảng Nam thì không chịu thái độ không dứt khoát này, chấp nhận tràn đầy chứ không thể lưng chừng.

Cảm động nhất, có “Con tàu chỉ có một người”, truyện ngắn. Một tù nhân cải tạo bị vợ chê, không hề được thăm nuôi, bỗng nhiên nhận được một gói quà gửi qua đường bưu điện. Tưởng vợ mình hồi tâm, té ra không: vợ một người khác gửi cho anh. Đọc thư kèm theo, mới hay, chị vợ này bé cái lầm: do trùng họ tên lại trùng cả đơn vị trong quân đội, chị tưởng anh là người chồng – vốn bị mất tích từ lâu trong chiến tranh – hãy còn sống. Nhận quà bất ngờ, lòng không yên, anh viết thư ám chỉ xa gần rằng chị đã gửi nhầm. Tưởng thế là yên, không ngờ, quà và thư vẫn cứ gửi vào. Đã thế, còn  được thăm nuôi. Tưởng người thân, hóa ra, lại là người phụ nữ không quen biết nọ. Anh ngỡ ngàng, nhưng chị ta ra dấu cho anh im lặng, làm như là vợ đi thăm chồng. Chị nói, nhận thư anh, chị biết mình lầm lẫn, nhưng vẫn cứ gửi, vì thương cho hoàn cảnh một người tù bị vợ bỏ rơi. Biết chắc chồng mình đã chết, chị tuyệt vọng nhưng bù lại, cảm thấy vui vì đã làm được một việc đầy ý nghĩa: mang chút tình sưởi ấm cho người bất hạnh. Kết truyện, diễn tả lại cảm xúc của người tù trước tình cảnh éo le này, Phan Xuân Sinh viết:

“Đêm nay anh nằm đây, nghĩ lại cái cảnh chị lầm lũi bước lên tàu trở về Sài Gòn. Con tàu chạy vùn vụt trong đêm tối. Chỉ còn một mình chị thức, nhìn ra bên ngoài với sự trống vắng. Chị ôm một nỗi buồn sâu lắng (…) Anh thấy trên con tàu trở về kia, chỉ có mỗi một mình chị. Còn tất cả đều nhạt nhòa. Một mình chị thôi, chứa trên đó nỗi đoạn trường, bất hạnh của môt đời người. Nhưng thật quý báu cho một tấm lòng. Anh cảm thấy chị và con tàu đang lao vào màn đêm, xé tan bóng tối và lạnh lẽo. 

Bốn năm sau, anh cho in “Sống với thời quá vãng”, cũng là một tạp bút. Trong lời đề tựa cho tập này, Trần Doãn Nho viết:

“…Qua những số phận rất riêng, thực ra, Phan Xuân Sinh muốn nói lên một cái rất chung: vết thương chia cắt dân tộc qua những năm dài chiến tranh và hơn ba thập niên không-chiến-tranh mà chưa có dấu hiệu gì đã được chữa lành. Bằng những ghi nhận sắc nét và cụ thể từ hiện thực, qua một chuyến trở về với vô vàn cảm xúc, Phan Xuân Sinh đã cung cấp cho người đọc những hình ảnh và những sự kiện rất thấm thía. Đây là một tác phẩm văn chương, cố nhiên. Nhưng mọi cái toát ra từ đây không chỉ là văn chương. Mà là một tấm lòng. Một bày tỏ. Một mối quan hoài. Và cuối cùng, một niềm hy vọng…”

Nội dung các câu chuyện khác nhau chỗ này chỗ kia, nhưng ý nghĩa chính của chúng gói gọn trong hai chữ: trở về. Trong “Ánh sáng cuối đường hầm”, người vợ từ nước ngoài “trở về” nước tìm lại chồng con sau 15 năm cắt đứt mọi liên lạc chỉ vì tủi hổ đã bị hải tặc hiếp trên đường vượt biển. Trong “Khi con đường không lối thoát”, người con trở cũng từ nước ngoài “trở về” tìm gặp lại người mẹ đã bỏ chồng tù để lấy người khác. Cũng là bỏ, nhưng một người thì vì mặc cảm tội lỗi, còn một người thì phản bội. Hoàn cảnh khác nhau đưa đến hậu quả khác nhau. Người vợ này tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, gặp lại được chồng con, được tha thứ; còn người vợ kia thì “không lối thoát” vì nhận ra quyết định của mình trong quá khứ là không thể sửa chữa được.

Và chính Phan Xuân Sinh cũng “trở về”. Bút ký dài ghi lại chuyến trở về này là một chuỗi những sự kiện và gặp gỡ với nhiều tình huống và cảm xúc phức tạp. Cũng như hàng triệu người Việt Nam khác, anh rời bỏ quê hương; rời bỏ nhưng khát khao trở về; trở về thì hoàn toàn bị hụt hẫng: quê hương không nhìn nhận đứa con xa xứ. Cảm giác bị xem như một người lạ ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình là một kinh nghiệm mới mẻ đầy chua xót. Một trong những kinh nghiệm đó là xuất bản sách. Anh kể:

Tôi về Việt Nam trong chuyến nầy, nhà xuất bản Văn Nghệ có in cho tôi một tập thơ, theo lời rủ rê của vài người bạn thân, tôi in một tập ở đây để biếu anh em, vì in ở Mỹ mang về khó quá. Theo dự trù, tập thơ sẽ in xong trước Tết, thế nhưng vào giờ chót không kịp. Nhà in hẹn mồng 8 Tết sẽ giao. Tập thơ mang tên: “Khi Tình Đang Ru Đời”. Đúng ra tập thơ 225 trang, tôi layout sẵn. Thế nhưng khi nhận tôi nhìn thấy thay đổi tất cả, kể cả layout. Anh Tần Hoài Dạ Vũ (một nhà thơ trước 75) báo cho tôi biết là tập thơ bị kiểm duyệt 8 bài và 5 bài viết về tôi của Nguyễn Đình Toàn, Luân Hoán, Nguyễn Mạnh Trinh, Vương Trùng Dương và Lương Thư Trung bi cắt. Tập thơ chỉ còn lại 115 trang. Lý do vì sao bị kiểm duyệt? Tôi không được nghe chính thức giới có thẩm quyền nói ra, chỉ nghe qua người khác nói lại là những bài thơ bị kiểm duyệt có chút ít đụng chạm. Những tác giả viết về tôi, không phải là người trong nước viết nên bị loại. Đơn giản như vậy. Khi in tập thơ nầy, chính tôi đã tự kiểm duyệt, chỉ lựa ra những bài thơ vô thưởng vô phạt, thế mà cũng chưa vừa lòng người kiểm duyệt. Tôi là người viết ở hải ngoại, người đọc tác phẩm tôi là người đang sống tại hải ngoại. Có ai trong nước đọc được của tôi đâu để viết về tôi. Một sự đòi hỏi thật vô lý, tréo cẳng ngỗng. Thế nhưng người kiểm duyệt hình như họ không cần phải biết những điều như vậy. Họ chỉ là những bộ máy nghiền nát theo một chính sách chung. Thật khó lòng cho những ai muốn về nước để in ấn, khi bộ máy nghiền nầy chưa được tháo gỡ.

Thật thấm thía nỗi đời.

            Chào vĩnh biệt Phan Xuân Sinh!

                                                            *

Phan Xuân Sinh sinh năm 1948 tại Nại Hiên Tây – Đà Nẵng. Định cư tại Hoa Kỳ 01-6-1990. Có bài đăng trên các tạp chí: Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Làng Văn, Phố Văn, Chủ Đề và các trang mạng Talawas, Da Màu v.v.. Các tác phẩm đã xuất bản: Chén Rượu Mời Người (tập thơ, Phan Xuân Sinh-Dư Mỹ/1996), Đứng Dưới Trời Đổ Nát (tập thơ/2000), Bơi Trên Dòng Nước Ngược (tạp bút/2004), Khi Tình Đang Ru Đời (thơ/2008), Sống Với Thời Quá Vãng (tạp bút/2009).

Trần Doãn Nho (3/2024)


[1] Song Thao, Phan Xuân Sinh, Người Của Mọi Người – Văn Học Nghệ Thuật – Việt Báo Foundation – A Nonprofit 501 (c)(3) Organization (vietbao.com)

Đinh Quang Anh Thái | Thơ Phan Xuân Sinh:        

https://www.youtube.com/watch?v=H5veqJcekEk                          

Tiếng Chuông Đêm Trừ Tịch

Trương văn Dân

Khi năm Dương Lịch 2023 sắp bước qua và 2024 sắp đến, nhà văn Nguyên Cẩn có post lên trang Facebook (Nga Pham) bài thơ “Chào 2024”, trong đó có mấy câu thơ đã làm tôi suy nghĩ, 2 câu đầu nói lên một ước nguyện, nhưng hai câu sau vẽ lên một hiện thực buồn đau về thế giới:

Chào 24 nguyện cầu cho thế giới (2024)
Đạn bom ngưng oán hận cũng tàn phai.
Hòa bình ơi sao giấc mộng còn dài !
Khi nhân loại điên cuồng trong ảo vọng.
 

Tưởng chừng sau những năm tháng có quá nhiều diễn biến bất ngờ, nhiều sự kiện “không thể nghĩ tới” thì năm mới sẽ êm ả… nhưng thực tế cho thấy là thế giới càng ngày càng ảm đạm và bất định, liên tiếp có những biến động làm ta lo ngại.

Ngay từ đầu năm 2023, các nhà phân tích đều dự đoán về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy gần đây có vài dấu hiệu tích cực nhưng kinh tế Mỹ vẫn còn khó khăn khiến nhiều người bị ảnh hưởng về việc làm và thu nhập nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Sự bất ổn chính trị, tuy chính phủ đã tạm tránh bị đóng cửa, nhưng kinh tế Mỹ ở giai đoạn tranh cử Tổng thống trong năm 2024, là thời điểm có nguy cơ diễn ra cao nhất.

Các nền kinh tế của Âu Châu như Đức, Pháp Ý,… cũng đang trên đà trượt dốc, bất chấp hàng nghìn doanh nghiệp năng động và hàng triệu chuyên gia tài năng đang hoạt động. Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga nên bị ảnh hưởng lớn từ xung đột ở Ukraine. Quan hệ Mỹ-Trung, Nam Bắc Triều Tiên căng thẳng; Mỹ, Anh vừa bắn tên lửa Tomahawk vào các thành phố ở Yemen để trả đũa Houthi gây nên điểm nóng chiến sự mới sau cuộc càn quét của Israel vào Dải Gaza. Trong thế giới hỗn loạn đó, Liên Hiệp Quốc chỉ hữu danh vô thực, hoàn toàn bị tê liệt vì quyền phủ quyết của Mỹ, Nga hay Trung Quốc.

Không ai biết là khi nào chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra, xóa sổ Trái Đất?

Lịch sử chuyển động nhanh đến chóng mặt. Hỗn loạn đến bất ngờ.

Thế giới mong manh. Nhân loại sẽ về đâu?

Có người nói nửa đùa nửa thực: người ta có thể tiên đoán mọi chuyện, trừ những chuyện xảy ra trong tương lai. Chỉ có điều chắc chắn là … cực kỳ bất ổn.

Các nhà phân tích cho rằng sắp tới 1% những người giàu nhất không những sở hữu phần lớn tài sản của nhân loại mà cả sắc đẹp và sức khỏe. Công nghệ sinh học sẽ còn chia con người thành siêu giàu và nghèo đói, một tình huống vô cùng nguy hiểm, dẫn đến những biến động xã hội và chính trị mà không ai biết sẽ giải quyết như thế nào!

Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua có Cuộc đình công ở Hollywood chống lại hiểm họa từ trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence). Họ quyết liệt đòi kiểm soát việc lạm dụng như thâu giọng nói, hình ảnh, cử chỉ của các diễn viên để làm phim hay chuyển âm mà không phải trả lương.

Tất nhiên việc lạm dụng không chỉ nằm trong giới điện ảnh vì AI sẽ là một cuộc cách mạng thay đổi xã hội. Nếu AI đã giúp y khoa và khoa học tiến những bước dài, nó cũng sẽ là một đe dọa khủng khiếp cho nhân loại: Khởi đầu là chuyện thất nghiệp, máy làm thay người. Sau đó là văn hóa, sẽ không còn nghệ sĩ, không còn sáng tạo, không còn suy nghĩ. Ngày nay, chỉ cần cho một đề tài, AI sẽ viết một cuốn tiểu thuyết, với đủ tình tiết hỷ nộ ái ố, một cuốn khảo luận với đầy đủ dẫn chứng cổ kim chỉ trong vài phút!

Nếu trí tuệ nhân tạo gây xáo động thị trường nhân lực, biến hàng tỷ người thành vô ích và đang đặt ra những lo ngại về đạo đức, thì thiên nhiên cũng không có dấu hiệu ưu đãi con người.

Lụt lội, hạn hán, cháy rừng, nạn châu chấu triệt hạ mùa màng, sóng thần, động đất… luôn luôn thường trực. Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Syria và bão ở Hoa Kỳ đã gây ra thiệt hại nặng nề. Âm thầm và đều đặn, mỗi năm đều có những thảm họa dịch tễ ở các châu lục: Ebola, bệnh bò điên, H5N1, SARS, sốt Chikungunya, xuất huyết và hiện tại là COVID-19 và các biến thể.

Một thế giới bất an!

Nhiệt độ Trái đất năm 2023 đã phá vỡ kỷ lục, cao nhất trong 100.000 năm qua. Những trận cháy rừng tại nhiều quốc gia đang làm tăng khí thải và nhiệt độ hành tinh có khả năng còn tăng cao trong những tháng tới.

Hệ sinh thái đang sụp đổ! Biến đổi khí hậu gây thiên tai, bão lụt, mở đầu cho những cuộc di dân khí hậu còn lớn hơn những cuộc di dân vì lý do chính trị, kinh tế hay chiến tranh. Đại họa này đang là một thực tế trước mắt, con người có thể bị diệt vong. Vậy mà lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh trên thế giới vẫn vô tư khai thác tài nguyên, tàn phá những cảnh quan tuyệt vời của thiên nhiên để làm du lịch bất chấp sự mai một văn hóa truyền thống. Tất cả chỉ quan tâm đến tiền, về tăng trưởng kinh tế, hồn nhiên bàn về tầm nhìn 20/ 30 năm sau thì có khác gì căn nhà của mẹ thiên nhiên đang bốc cháy mà các con cứ vô tư ngồi nhậu và tán phét!

Liệu 20/ 30 năm sau chúng ta có còn sống sót vì cách sống vô trách nhiệm, tham lam và hủy diệt?

&&&

Trong bối cảnh chợ búa đìu hiu, người mua, kẻ bán cùng ‘thắt hầu bao’, tiểu thương lo mất Tết, các quốc gia có thể hồn nhiên đốt pháo hay bắn pháo hoa chào “mừng” năm mới? Nhiều trẻ em ở các nước cơm không đủ no, áo không đủ mặc sao có thể lãng phí với trò chơi nguy hiểm? Tai nạn, thương tật, cháy nổ… chưa kể đến chuyện người già con trẻ giật mình. Có nơi thả pháo từ lầu cao, từ xa chỉ thấy một đám khói mù mịt, lãng đãng bay hơn tiếng đồng hồ mà chưa tan.

Mà chỉ có dân ở thành phố lớn chứ miền quê nào biết đến pháo hoa? Sao không làm những thước phim rồi chiếu trên TV để mọi người đều được xem mà không tốn kém. Và số tiền tiết kiệm vì pháo được bỏ vào quỹ phống chống tai ương?

&&&

Thức trong đêm trừ tịch chờ phút giao mùa, tôi miên man suy nghĩ về các mẩu tin vừa đọc: Tháng 10/2023 Hamas tấn công Do Thái, giết 1200 người, bắt cóc đàn bà, trẻ em nên Do Thái trả đũa bằng những cuộc hành quân tàn bạo nhất trong lịch sử. Mới đây họ còn định dẫn nước biển làm ngập lụt đường hầm Gaza bất chấp nguy cơ phá hủy môi trường sống, vừa làm hỏng nguồn nước ngọt nuôi sống người dân Palestine vừa làm ảnh hưởng đến kết cấu nền đất và các ngôi nhà trên mặt đất! Mọi giới hạn đều bị vượt qua và khốc liệt hơn cả những cuốn phim giầu tưởng tượng.

Một kỷ nguyên mới với bom rơi đạn lạc bắt đầu!

Vừa qua, có nhiều nơi trong vùng Địa Trung Hải không tổ chức lễ Giáng Sinh và ở một nhà thờ ở Bethlehem người ta đặt Chúa Hài Đồng giữa đống đổ nát của một tòa nhà bị đánh bom!


Chúa Hài đồng giữa đống đổ nát


Ánh mắt kinh hoàng nhìn cái chết đang đến gần

Chiều nay trên TV tôi vừa thấy hình ảnh một người cha đang vuốt ve khuôn mặt con gái và nói “hãy nhìn xem cháu xinh đẹp biết bao!”. Bé gái như đang ngủ nếu không có tấm vải liệm. Trước đó người ta thấy ông trèo trên đống gạch ngói, té lên té xuống, đi tìm những mảnh đồ chơi của con để bé được mang theo. Còn trên đường phố một cậu bé đang vật vã trên con đường lầy lội, mang trên vai thi thể đứa em trai mà cậu vừa kéo ra từ sân nhà sụp đổ.

Có lẽ chỉ có chiến tranh mới tạo được những hoàn cảnh bi thảm và kỳ lạ như thế.

Một bé gái khác ngồi bó gối, ánh mắt buồn bã ngồi nhìn căn nhà đổ nát. Bé gầy ốm, cổ tay cổ chân như những chiếc que, áo quần rách nát, còn khuôn mặt thì đăm chiêu như một cụ già. Tôi không biết điều gì diễn ra trong đầu bé khi nhìn căn nhà của mình sụp đổ, nhưng chắc một điều là những đổ vỡ ấy sẽ lưu lại suốt cả cuộc đời của bé.

Bao nhiêu chiến tranh tương tàn đã làm tan hoang trái đất? Bao nhiêu triệu người đã bỏ mạng trên đường lánh nạn, vượt sông vượt biển…? Máu chảy thành sông, xương chất thành núi, để người ta tranh giành gái đẹp và ngôi báu, cho thỏa lòng tham quyền lực hay ảo tưởng xây dựng một thế giới không có thực.

Bỗng dưng tôi buồn vô hạn. Dù biết nỗi buồn thúi ruột ấy không làm ai no, không xoa dịu được những vết thương, không an ủi được người đau khổ hay ngăn được cái chết.

Chiến tranh! Chiến tranh!

Từng đọc rất nhiều trang về lịch sử nhưng tôi chưa hề thấy có cuộc chiến nào mang lại cơm ăn áo mặc khôi phục lại nhân quyền, đem lại tự do hay công bằng xã hội. Nó chỉ là sự tranh giành quyền lực, kẻ chiến thắng làm ông chủ mới, chưa chắc tốt hơn chủ cũ mà ông vừa đạp đổ.

Đâu là công bằng? Đâu là tự do? Ấm no, hạnh phúc? Những thứ mà mấy nghìn năm nay nhân loại mãi kiếm tìm mà chúng không ai nhìn thấy!

Vì sao? Có phải cái bệnh nan y của thế giới hôm nay làm nhân loại phải triền miên đau khổ là tham lam, do thiếu tình yêu và tình người.

Hơn 2000 năm trước, triết gia Aristotle cũng đã hiểu: Nếu có tình yêu trên trái đất, mọi thứ luật lệ sẽ là thừa!

Hình như chưa có quốc gia nào quan tâm đến việc trừng phạt kẻ mạnh mà chỉ dùng đường lối cứng rắn để áp đảo, bóc lột kẻ yếu, gây chiến tranh với nước nghèo, tặng quà cho người giàu, ân xá cho kẻ cướp, bỏ bê đạo đức nên các vụ bê bối và tham nhũng lan rộng, không có điểm dừng.

Cách đây không lâu có một người bạn nói với tôi: “Anh biết không? Điều nổi bật ghê rợn của thế kỷ này là con người đã đánh mất nhân tính, trở thành những cái máy ăn nhậu vô cảm. Tôi thương hại những ai ngồi viết những trăn trở hay ngợi ca giá trị nhân văn mà không ai đọc, còn người đọc thì coi đó là chuyện vô ích!”

Bi đát! Vậy chúng ta sẽ phải làm gì?

Liều thuốc hữu hiệu cho tất cả những vấn nạn là tất cả chúng ta đều phải thay đổi lối sống, mỗi người tự thay đổi bản thân và có lẽ chỉ với cuộc chuyển hóa nội tâm này thì may ra mới có thể đóng góp và hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Nhưng có thể thay đổi được con người? Chẳng phải mọi tai họa đều do con người muốn thay đổi thế giới nhưng không chịu đổi thay chính mình sao?

Trong buồn chán tôi nằm ngủ thiếp lúc nào không hay.

Đánh thức tôi là một tiếng chuông chùa từ xa vọng lại.

Nghe tiếng chuông ngân nga, tự nhiên lòng tôi cảm thấy bình an và hy vọng. Cơ thể tôi đung đưa nhè nhẹ như đang trôi trên một con thuyền lướt trên mặt sông êm dịu. Tôi nằm yên, nhắm mắt cho thân xác và ý nghĩ bồng bềnh trong một cảm giác êm đềm. Gió mát từ dòng kênh Nhiêu Lộc thổi đến, như có mang theo chút hương thơm của những đóa hoa xuân đầy màu sắc, xanh vàng, nâu, đỏ, đang nở rộ.

Tôi ngồi dậy lặng lẽ bước ra ban-công nhìn về phía dòng nước và nghe một tiếng pháo lẹt đẹt lẻ loi của ai vừa đốt. Tự nhiên tôi nhớ đến ý tưởng đã viết 20 năm trước trong tạp bút “Buổi chiều trên nghĩa trang”: “Sao chúng ta không gom hết vũ khí trên trái đất, đúc thành những chiếc chuông” thì trong đầu lóe lên một ý tưởng khác: Thay vì bắn pháo hoa, trong đêm trừ tịch, ngay lúc giao mùa, tất cả các nước trên thế giới cùng lúc gióng chuông chùa, chuông nhà thờ, chuông ở các nơi tôn nghiêm và từ nhà của mọi thường dân, không phân biệt tôn giáo… cho âm thanh ngân vang trong không gian làm tỉnh thức tâm thiện của loài người.

Tiếng chuông và lòng thành kính sẽ truyền đến mọi nơi xa xôi tăm tối để ai nấy cũng đều nghe: Thâm trầm giữa náo nhiệt, ngân nga giữa bể dâu và đánh thức những khách trọ trần gian còn mãi theo đuổi danh lợi, gọi thế nhân đang mê đắm nơi bể khổ, trở về cõi an nhiên để cuộc sống mãi bình an trên trái đất.

Sài Gòn, 15.1.2024
Trương văn Dân

* Mời các bạn click vào link để nghe chuông:

Tiếng chuông chùa sáng sớm (nhịp nhanh 10 giây) – cảnh tỉnh và giữ chánh niệm: https://www.youtube.com/watch?v=h7GQaBDVZ9A

Chuông chùa – mõ chùa: https://www.youtube.com/watch?v=hioY8UFYaPU

Chuông trong lễ hội: https://www.youtube.com/watch?v=KvjvYI-ecuY https://www.youtube.com/watch?v=KxDUaQVkMoI

Chuông trong lễ hội ở thành phố Bologna (Ý): https://www.youtube.com/watch?v=HL2vaklhr5o

Chuông ở Tòa thánh Vaticano (33 giây): https://www.youtube.com/watch?v=mqHM9WJ5yq0

Chuông ở Roma (60 giây): https://www.youtube.com/watch?v=RHapsjHDz2U

Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2024/02/20/tieng-chuong-dem-tru-tich/#more-50284

Giới Thiệu “Một ngày kia… đến bờ”

Tùy bút: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Thật đáng buồn, là phần đông chúng ta chỉ bắt đầu thưởng thức
được hương vị đời sống khi chúng ta sắp sửa chết.

Padmasambhava (Liên Hoa Sanh)

Một ngày kia đến bờ?

Lời ngỏ

Bờ nào? Bờ bên kia hay bờ bên này? Đáo bỉ ngạn? Là mong cho tới bờ bên kia? Ý rằng bờ bên kia hẳn là hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn bờ bên này? Sao biết? Đã có ai nói cho biết chưa? Có con rùa nào từng đi dạo lang thang từ dưới biển lên đất liền nói cho biết chỗ nào đáng sống hơn chăng?

Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté… một đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú… năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư ư? Sao người ta vẫn đọc hà rầm khắp nơi, đọc hằng ngày câu chú trong Tâm kinh Bát Nhã đó mãi mà vẫn thấy cứ còn khổ, thậm chí “cực khổ”, nên chỉ mong sao được mau về miền “cực lạc”, được vãng sanh qua nơi khác, qua bờ bên kia. Vậy mà lạ, hình như ai cũng muốn sống lâu, thậm chí trường sinh bất tử, nghĩa là ở mãi nơi này, nơi “cực khổ” này? Tại sao?

Tôi viết những cảm nghĩ này ở tuổi U90 của mình, viết cho riêng mình đọc, lai rai đọc cho đến khi không cần đọc nữa! Và dĩ nhiên có thể chia sẻ cùng bè bạn thân quen “cùng một lứa bên trời lận đận” của mình để có dịp “chí chóe” cho vui…!

Well-being và well-dying vậy nhé!

Đỗ Hồng Ngọc
(6.2023)

Mời đọc sách:

Lê Hân – Câu thơ bất chợt thả hong Thu chiều

Lê Hân – Câu thơ bất chợt thả hong Thu chiều

Khi đọc Văn học Việt hải ngoại, ngoài chia ra từng giai đoạn hình thành, phát triển gắn liền với biến cố của xã hội, con người, tôi còn thường đi sâu vào khai thác chân móng, nền tảng làm nên dòng văn học này. Dường như, nói đến Văn học hải ngoại, ta thường nghĩ ngay đến cái mốc 30 tháng 4-1975, khi người Việt ồ ạt trốn chạy, bỏ nước ra đi. Nhưng với tôi, có lẽ không hẳn vậy. Bởi, Văn học hải ngoại đã được manh nha từ trước 1975 khá lâu, với những cây viết phần lớn là du học sinh. Họ đã góp phần tạo dựng, khơi nguồn làm nên dòng Văn học Việt nơi hải ngoại phong phú và đặc sắc.

Thật vậy, ngay từ thập niên 50, ngoài tác phẩm Đời Phi Công của Nguyễn Xuân Vinh, ta thấy đã có hàng loạt bài thơ về Paris rất hay, mới lạ của những Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa. Đến thập niên 60, 70, 80 cùng với nhà phê bình Đặng Tiến, các nhà thơ: Đỗ Quỳnh Dao, Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến, Minh Đức Hoài Trinh (Pháp Quốc) và đặc biệt nhà văn Ngô Nguyên Dũng (Đức) nhà thơ Lê Hân (Hoa Kỳ/ Canada) để lại ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người đọc. Họ đều là sinh viên, do vậy thời gian này viết không nhiều. Tuy còn mờ nhạt, song nó như những viên gạch lót đường cho những sáng tác sau này của họ, cũng như Văn học Việt hải ngoại.

Và trong khuôn khổ bài viết này, tôi đi chỉ sâu vào thơ ca Lê Hân. Một trong những viên gạch ấy, đã đặt nền móng cho Văn học Việt hải ngoại, mà dường như từ trước đến nay ít được nhắc đến.

Lê Hân sinh năm 1947 tại Hội An. Sau khi đậu tú tài tại Saigon, năm 1966 ông sang Mỹ du học, và trở thành kỹ sư hóa học. Canada và Hoa Kỳ là nơi ông sống và làm việc suốt gần sáu chục năm qua. Tài năng thi ca Lê Hân phát tiết sớm. Do vậy, thơ ông được đăng rải rác trên các báo Văn nghệ Saigon, ngay từ khi còn là học sinh trung học: “một hôm vào Sông Đà/ Lật báo đọc lướt qua/ Bài thơ nằm trong báo/ Tên mình thấy lạ ra“ (Giờ nghiêm trọng). Đến với thi ca sớm như vậy, nhưng Lê Hân viết không nhiều. Cho đến nay ông mới cho in ấn và phát hành hai tác phẩm: Tình Thơm Mấy Nhánh (2003) và Ngọn Tình Lục Bát (2016). Có người cho rằng: Lê Hân viết ít, bởi sống ở nước ngoài gần hết cả cuộc đời, nên cứ như cây nhiệt đới ép trồng nơi miền ôn đới vậy.

Vâng, một kiểu ví von thật hình tượng, song không hẳn đúng. Bởi, đi sâu vào nghiên cứu, có thể thấy: Lê Hân viết bằng cảm xúc tự nhiên, bất chợt chứ ít bị chi phối bởi lý trí. Do vậy, ông viết không nhiều, song tính mộc mạc, chân thực in đậm trên từng trang thơ: “câu thơ bất chợt thả hong thu chiều“. Một câu thơ có hình ảnh rất đẹp trong bài lục bát: Lá Phong Mùa Thu, dường như không chỉ chứng minh điều ấy, mà còn tóm gọn hồn cốt con người, thi ca Lê Hân vào đó vậy. Và tôi xin mượn nó để làm lời tựa cho bài viết này.

Tuổi thơ với khát vọng.

Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong bom đạn, do vậy không chỉ tuổi thơ Lê Hân, mà cả thế hệ ông cô đơn, buồn tẻ. Núi rừng là nơi tuổi thơ của Lê Hân phải đến: “lên hai từ giữa núi non/ Tiên Châu, Tiên Phước chon von đỉnh trời/ mái tranh, nền đất nện ngồi/ ngó trời mưa phủ ngút hơi đá già:“. (Mưa núi). U buồn là thế, song vẫn thấy tâm hồn trong trẻo lạc quan của cậu bé Lê Hân: “những buổi trưa cúi lom khom trong bụi/ trốn tàu bay do thám đảo vòng vòng/ bàn tay cầm một nụ hoa dủ dẻ/ hương cùng lòng như bay bổng lên không”. (Về lại ấu thơ). Có thể nói, Về lại ấu thơ là một trong những bài thơ bát ngôn hay viết về tuổi thơ của Lê Hân. Mỗi khổ thơ là một câu chuyện với những diễn biến tâm lý khác nhau. Và nó hoàn toàn có thể đứng độc lập, với bố cục rõ ràng, như một bức tranh động trong cái tĩnh của núi rừng vậy. Với biện pháp tu từ ẩn dụ, nhà thơ mượn thời gian, cảnh vật thiên nhiên bộc lộ cảm xúc tâm trạng của mình. Và mỗi khổ thơ này đều có thể hoán đổi cho nhau (như điệp khúc của lời ca vậy). Có sự lỏng lẻo ấy, bởi nó được bật ra từ những rung động bất chợt của nhà thơ. Thủ pháp nghệ thuật này, ta đã từng bắt gặp ở Đinh Hùng, Du Tử Lê trước đây hay của Đinh Thị Thu Vân hiện nay. Và nếu ước vọng con người (cùng hương dủ dẻ) được mở ra, thì điểm tựa ấy chính là hồn quê, bằng những gốc quế hương rừng:

“những buổi chiều rảo chân trong rẫy quế

gió không đưa mà nhận hết hương rừng.

mỗi gốc quế mở ra một cách cửa

cửa chẳng để vào mà để dựa lưng“. (Về lại ấu thơ)

Có lẽ, cũng từ núi rừng Tiên Phước hoang dã, gian nan đó đã sớm gieo vào hồn cậu bé Lê Hân những tư tưởng và khát vọng. Để rồi Lê Hân đã ủ khát vọng ấy vào trong thơ của mình. Thật vậy, Mộng, bài thơ ngũ ngôn, một thể thơ sở trường có ngay từ ngày đầu cầm bút của Lê Hân dưới đây, sẽ chứng minh cho ta thấy rõ cái điều đó. Và dường như, ở cái tuổi thiếu niên, rất hiếm người viết được những câu thơ đã chín như Lê Hân: “thi đậu vào đệ thất/ tôi thấy mình bảnh thật (…) mai sau không kỹ sư/ cũng phải thành bác sĩ (…) không nên thành văn sĩ/ nhưng nếu vì không may/ sa tay vào cây bút/ phải viết cho thật hay/ đừng lộng ngôn lấy được“. 

Để đạt được những mục đích khát vọng ấy, dường như cậu học trò Lê Hân phải: “Tự hứa sẽ chăm hơn/Luôn luôn đứng hạng nhất“ (Mộng). Nhưng đọc, ta thấy có sự mâu thuẫn giữa thi ca và tư tưởng, con người Lê Hân. Và cái sự mâu thuẫn này, có lẽ đi qua hầu hết lứa tuổi của mọi học trò. Và Tình Học Trò là một bài thơ (chứa mâu thuẫn) như vậy. Vẫn ngũ ngôn, thể thơ dễ làm, khó hay, song cậu học trò Lê Hân đã xóa đi cái mâu thuẫn ấy, chinh phục được người đọc, bởi sự hồn nhiên, trong sáng và chân thực: “em học Phan Thanh Giản/ tôi học Phan Châu Trinh/ không chung trường, chung lớp/ chỉ chung một cuộc tình/ em không hề trốn học/ tôi đều đều cúp cua/ cổng trường em cây lá/ mọc thêm tôi, không thừa”

Với nghị lực và tài năng, Lê Hân sớm đến được cái đích mà mình đã chọn. Chiến tranh leo thang đến mức tàn khốc. Chẳng cứ miền Nam, mà miền Bắc cũng bom rơi máu chảy. Du học Hoa Kỳ là con đường đã mở ra (tương lai) cho Lê Hân, nhưng nỗi buồn cô đơn luôn dày vò trong lòng thi nhân. Buộc thi sĩ cuộn tròn nỗi cô đơn đó vào trong thơ. Và đọc Trên đường du học, bài thơ thất ngôn, Lê Hân viết về thời gian ấy, có những câu thơ rung lên cứ ngỡ là thán từ, làm cho lòng mình buốt nhói:“Không phải mồ côi mà đơn độc“. Và nó là một bài thơ đánh dấu bước ngoặt đầu đời quan trọng nhất của thi sĩ Lê Hân:

“Bịn rịn nhìn quanh phi trường rộng

Người đưa người, đâu kẻ đưa ta

Không phải mồ côi mà đơn độc

nhìn mây thấy rõ bóng cha gìa“ (Trên đường du học)

Tình yêu – nỗi nhớ về quê hương, đất nước.

Tình yêu, một đề tài có lẽ bất cứ văn nhân, thi sĩ nào cũng đã thử bút qua. Nhưng sâu đậm và xuyên suốt sự nghiệp thi ca của mình như Lê Hân, thì quả thực không có nhiều. Với ông tình yêu là lẽ sống. Do vậy, nó như một sự trải nghiệm sống để yêu người và yêu mình của Lê Hân. Thật vậy, đặc điểm này thể hiện rất lãng mạn, đậm nét trong bài lục bát Thơ Tình Riêng Tôi. Với biện pháp nói quá (khẩu ngữ) mang tính triết lý nhân sinh: “một đời tôi chưa thất tình/ yêu người là để yêu mình rõ hơn/ nhớ nhung lãng mạn giận hờn/ bao nhiêu chiêu giúp tâm hồn trẻ luôn“.

Thơ tình Lê Hân, nếu đọc thoảng qua, ta chỉ thấy được cái vỏ, cùng với những tiếng cười. Chẳng vậy, hôm rồi tôi có gã bạn đọc bài Luận về yêu của Lê Hân bảo: Gớm tình yêu, tình iếc gì của bác này (Lê Hân) cứ như bày binh bố trận vậy. Nhưng hãy đọc chậm lại một chút thôi, ta sẽ nhận ra tính triết lý ở đằng sau hình ảnh, câu chữ ấy. Bởi, các động từ cũ kỹ ấy được tác giả đặt đúng văn cảnh, nó trở thành từ mới nghĩa mới. Ở đây đã hoán đổi động từ (phục kích, lăm le, hay lấp ló) thành tính từ trạng thái chỉ mức độ, diễn biến tâm lý con người (em) bật ra những tiếng cười cho người đọc. Thủ pháp nghệ thuật này không mới, tuy nhiên độc đáo và sâu sắc như Lê Hân, không phải nhà thơ nào cũng làm được: “mỗi nhánh chữ đều có tôi phục kích/ nằm lăm le tình mộng trong tim/ em lấp ló, tức thì tôi nhận diện/ yêu hay không là chuyện của trái tim” (Luận về yêu).

Đi sâu vào đọc, ta thấy thơ tình Lê Hân luôn có sự biến đổi thống nhất diễn biến hành động cũng như tâm lý. Và phải nói, ông có cái nhìn, quan sát thật tỉ mỉ và tinh tế, mới viết được những câu thơ sinh động, chiều sâu về tâm lý đến vậy:

“yêu em chẳng phải dễ dàng

lệch con mắt ngóng, mòn bàn chân đi

tiếng cười bỗng chợt lạ kỳ

giọng nói bỗng đổi, nhiều khi lạ lùng” (Yêu)

Có thể nói, Lê Hân có sở trường về thơ lục bát. Và chắc chắn tôi chưa đọc hết thơ của ông, song những bài lục bát đã in, hoặc chưa xuất bản tôi đã được đọc không có bài thơ nào dở. Bởi, lục bát Lê Hân hình ảnh, từ ngữ giản dị, hồn vía rất gần với ca dao. Cho nên thơ ông không hề kén người đọc: “áo em mặc loãng nắng trời/ làm con bướm dạo lưng đồi quên bay…/ áo em có ướp ca dao/ hai tà khép mở đường vào cõi thơ“ (Tà áo mùa thu).

Nếu được phép tuyển chọn, với tôi: Lục Bát Tình, và Thu Trong Lục Bát, hai bài thơ hay nhất ở thể loại này của Lê Hân. Hai bài thơ này đối nghịch nhau về thái độ, hành động, cũng như tâm lý của (hai) người tình xưa, khi gặp lại người thi sĩ. Thật vậy, nếu Lục Bát Tình ấm áp bao nhiêu: “mắt nồng ấm trải chiếu giường/ môi thơm từng nụ quê hương ru hời/ em hiền dịu đến cùng tôi/ thản nhiên như tự muôn đời có nhau“ thì Thu Trong Lục Bát lại hờ hững, lạnh lùng bấy nhiêu: “năm xưa nhặt lá thu vàng/ ép vào trang vở mơ nàng hóa thơ/ thu nay chợt thấy bất ngờ/ gặp lại khuôn mặt hững hờ năm xưa/ ngửa tay đựng mấy hạt mưa/ xoa lên mặt mũi vẫn chưa tỉnh người“. Đọc nó, không chỉ cho ta thấy rõ, cái giá trị của tình yêu, tính chân thực, mà còn thấy được tài năng, sự đa dạng trong thi ca và cuộc sống Lê Hân.

Sống và tiếp thu văn hóa Âu Mỹ, do vậy Lê Hân chịu ảnh hưởng khá sâu sắc hồn vía thi ca tiền chiến lãng mạn. Nếu ta đã đọc Đinh Hùng, Bích Khê hay Nguyễn Bính, thì không ngạc nhiên lắm, khi bắt gặp những câu thơ mượt mà, song ám ảnh, rờn rợn của Lê Hân: “có phải em từ một kiếp thu/ mắt xanh lấp lánh ngấn sương mù“ (Em, biển và trăng). Với giọng điệu này, ta bắt gặp nhiều ở những thể thơ thất ngôn và bát ngôn, đôi khi là lục bát của Lê Hân:

“và biết đâu chừng hai chúng ta

bay vào vũ trụ nhặt sao sa

mỗi sao là một con chim nhỏ

biết thở, biết cười, biết hát ca”. (Đón xuân)

Có lẽ, không thể thơ nào viết về quê hương đất nước hay và nhiều bằng lục bát. Chẳng vậy, mà Lê Hân đã dành riêng cả một tập thơ cho lục bát. Lục bát Lê Hân rất gần với ca dao. Đọc nó, tôi cứ ngỡ ông đang trộn tình yêu quê hương vào ca dao lục bát vậy. Cho nên, cả cuộc đời cầm bút Lê Hân cứ mải miết đi tìm lại hồn thơ cũ: 

“mẹ ươm hạt giống ca dao

nở nhánh lục bát ngọt ngào Việt Nam

trời còn tinh khiết trăng vàng

đời còn sáu tám nồng nàn ấm tay” (Trích: Ngọn Tình Lục Bát)

Gần sáu mươi năm xa quê, xa tổ quốc, một lần về lại, làm cho bước chân Lê Hân ngập ngừng. Ký ức khó có thể xóa nhòa, dù hồn quê dường như đã mất. Những câu thơ mộc mạc, nhẹ nhàng, song đọc lên như một lời than tiếc nuối quặn thắt trong lòng: “bước chân không dám, ngập ngừng/ hình như tôi sợ rưng rưng mắt buồn/ làng quê ơi hỡi quê hương/ mất rồi gò mả những đường dọc ngang” (Thăm Làng).

Dù viết về quê hương, nhưng câu thơ nào của Lê Hân cũng buồn vời vợi. Không chỉ mất những con đường dọc ngang, mà còn vắng bóng người xưa. Và chỉ còn hình bóng lẻ loi xưa của chính mình chợt hiện về trong ký ức thi nhân: “chợ mai nắng hấp hơi người/ và tôi chạm mặt cái tôi thuở nào”. Thăm Chợ Miếu Bông là một bài thơ mang mang nỗi u hoài như vậy của Lê Hân. Nó không thuộc trong nhóm những bài thơ hay, song Lê Hân làm cho người đọc phải bùi ngùi xúc động, bởi lời thơ chân thực, và dung dị: “xuống xe, đứng dựa cột đèn/ nhớ ra bỏ thuốc ngàn trăng thu rồi/ chờ mà chẳng đợi ai đâu/ bọn đàn em cũ theo nhau bỏ làng”.

Lớp Cũ Trường Xưa, có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất viết về thuở học trò của Lê Hân. Trước ngôi trường xưa tiêu điều, nám bụi, (dường như đã đổi họ thay tên) hình ảnh, kỷ niệm xưa chợt hiện về, làm cho nhà thơ bồi hồi xúc động. Nước mắt rơi, trộn trong nỗi buồn vui của mình: “tay nám bụi tôi vịn vào cửa lớp/ nhận ra mình ứa nước mắt hân hoan”. Và trích đoạn dưới đây, không chỉ có lời thơ, hình ảnh đẹp, mà ta còn thấy khả năng đưa lối nói thậm xưng vào trong thơ của Lê Hân:

“tôi đứng tựa cổng trường đôi ba phút

mắt ngước nhìn mái ngói (đổ mồ hôi)

trời tháng bảy ngói (chồng nhau mấy lớp)

từng vách tường buồn lặng lẽ (bốc hơi)…

tôi gặp lại bín tóc nâu biết hát

đoạn ca dao phổ nhạc rất quen thân

tôi gặp lại những (bàn tay óng mát)

thơm hương me hương cốc ổi … ngại ngần”

Lê Hân dành rất nhiều trang, nhiều giai đoạn viết về cha mẹ, gia đình. Rất nặng tình, với nhiều hoài niệm ở mọi hoàn cảnh, song thật đáng tiếc, nó không thuộc về những bài thơ hay của ông. Bởi, lời thơ nặng về kể lể, thiếu những hình tượng độc đáo như trang thơ viết về tình yêu, hoặc về quê hương, đất nước. Tuy nhiên, ở đó ta vẫn nhặt ra được những câu thơ với hình ảnh ẩn dụ/ so sánh hay, và sâu sắc: “Mẹ chẳng nói gì chỉ ngắm thôi/ giữa trưa trăng mọc thay mặt trời/ dịu dàng âu yếm tâm hồn mở/ tiếp tục cho con những vốn đời”. (Mẹ)

Và (hầu như) Lê Hân viết gần hết về các nhà văn, nhà thơ và các nhạc sĩ là bạn bè, hoặc ông yêu mến. Tôi đã đọc khá nhiều người vẽ chân dung các nghệ sĩ bằng thơ. Song với tôi, Xuân Sách, Luân Hoán và Lê Hân là ba thi sĩ tôi khoái đọc nhất. Có điều đặc biệt, Lê Hân viết (vẽ) chân dung tuốt tuồn tuột các văn nghệ sĩ, từ Nam ra Bắc cho đến hải ngoại, bất kể nguồn gốc xuất thân. Sự không định kiến này, cho thi ca Lê Hân rất phong phú, và đa dạng. Do vậy, ai cũng có thể đọc, và tự suy xét đánh giá. Ta hãy đọc hai trích đoạn về Nguyễn Ánh 9 (gốc Nam) và Trần Tiến (gốc Bắc) hai nhạc sĩ tài hoa, đức độ dưới đây, vẫn bằng thủ pháp, ngôn ngữ thậm xưng để thấy hình ảnh lời thơ rất đẹp và công bình của Lê Hân:

“bén duyên trên phím dương cầm

mười ngón tay thở dần dần tỏa hương

khởi đi từ một nỗi buồn

Không… không… để có yêu thương một đời”

(Nguyễn Ánh 9)

“độc huyền cầm khúc thủy tinh

Nguyễn Du giao lại tay linh hiển trồng

cũng nhờ lòng dạ trổ bông

nên dòng nhạc mới như sông đưa người”

(Trần Tiến)

Cũng như những nhà thơ cùng thời (cùng tuổi Nguyễn Trọng Tạo, hay Trần Mạnh Hảo) đề tài về tình yêu, và quê hương đất nước có thể nói là quan trọng nhất trong những năm tháng dài sống và viết của Lê Hân. Và chính nó là nền tảng, vốn sống cũng như nghị lực để ông đến với những trang thơ mang tính thời sự, xã hội.

*Dòng thơ này xin đắp thành bia mộ. (thơ thế sự)

Có lẽ, chỉ có những biến động lớn của xã hội, con người mới làm ngòi bút của Lê Hân thực sự rung động chăng? Do vậy, Lê Hân gửi hồn vào thơ thế sự, xã hội không nhiều. Tuy vậy, thơ thế sự Lê Hân không hề lên gân, đao to búa lớn. Bài nào của ông cũng rất nhẹ nhàng, và sâu sắc. Cái đặc điểm nghệ thuật miêu tả, và tự bộc lộ nội tâm, dường như Lê Hân làm cho người đọc dễ cảm thông hơn chăng: “Sớm ba mươi tháng ba/ Đà nẵng chết hôm qua/ Tôi ngồi trên cao ốc/ Tay tỳ chồng hồ sơ …/ Sao lòng tôi bối rối/ Sao chân tay không yên/ Tiếng cười của đồng nghiệp/ Bỗng nhiên thành vô duyên” (Đà Nẵng 29-3). Đà Nẵng thất thủ, một viễn cảnh điêu tàn về gia đình, xã hội, làm cho Lê Hân bối rối, và lo lắng. Đi giữa phố đông người, mà Lê Hân cảm thấy mình trống rỗng. Cùng với sự cô đơn, giá lạnh, để cho ông viết nên những câu thơ thật bùi ngùi, xúc động: ”Xe chạy giữa phố đông/ Trăm ngàn người trước mặt/ Lòng tôi lạnh, trống không”. Và vẫn là những lời tự sự, song thơ Lê Hân nặng hơn cả ngàn trang cáo trạng: ”Cha tôi vừa 79/ Già một đời ngụy quyền/ Anh tôi làm công chức/ Sau khi là ngụy quân… /Em tôi bỏ hẳn trường/ Bà con tôi thất sắc/ Đồng bào tôi tang thương/ Vị cà phê quá đắng” (Đà Nẵng 29-3).

Lê Hân nhận ra, nguyên nhân của làn sóng dữ, dẫn đến những biến cố tang thương, và chứng kiến hàng trăm ngàn con dân đất Việt bị nhấn chìm giữa biển cả: “làn sóng dữ từ Mạc Tư Khoa háo hức/ kéo Bắc Kinh, Việt Bắc dậy cơn cuồng/ sóng nhổ người bén rễ giữa quê hương/ phải bật gốc ùn ùn ra biển cả/ sự sống mỏng vật vờ như chiếc lá”. Hiện thực ấy, gây cho Lê Hân một cảm xúc mạnh để viết: Bia Mộ Thuyền Nhân. Với tôi, đây là bài thơ sâu sắc nhất của ông về đề tài này. Đọc Bia Mộ Thuyền Nhân của Lê Hân làm cho tôi lại nhớ đến những câu thơ cùng tâm trạng của Trần Mạnh Hảo: ”Những người Viêt Nam vượt biên chết chìm trên biển…/ Chết rồi còn giơ tay cầu cứu/ Chết rồi còn quờ tay tìm lối thoát/ Đâu nhà văn, đâu người cầm bút”. Vâng, và cái nỗi đau của mình nằm trong nỗi bất hạnh của dân tộc, người cầm bút Lê Hân mượn dòng thơ để vuốt mắt, đắp bia mộ cho chính những nhân vật của mình:

“tôi chẳng dám nhìn lâu dòng bi kịch…

những cánh tay, những thân xác nhạt nhòa

chới với mãi trong hồn tôi u uất…

dòng thơ này cũng xin là bia mộ”

Không dừng ở đất Việt, Lê Hân còn đi sâu vào thế sự, xã hội ở Hoa Kỳ, hay Canada nơi ông cư ngụ. Mỗi biến cố đều được ông nghi lại bằng thơ, qua góc nhìn, cảm xúc riêng của mình. Qùa Cho Người Lính Mỹ, Vòng hoa cho Hoa Kỳ…là những bài thơ như vậy của Lê Hân. Nó không chỉ ghi lại những hiện thực, mà còn cho người đọc một lòng nhân ái, qua lời thơ rất đẹp của ông: “Khi không nhớ New York/ Nhớ cao ốc sinh đôi/ Nhớ chỗ mình đang đứng/ Thử giơ tay với trời/ Khi không ngồi tưởng tượng/ Gặp kỹ sư Nguyễn Khang/ Bốn ngọn nến ai thắp/ Vào ngày sinh nhật An?/ Khi không sao thấy nhớ/ Loanh quanh trái đất này/ Giật mình chợt phát hiên/ Nụ hoa cầm trong tay” (Vòng hoa cho Hoa Kỳ)

Có thể nói, ba đặc điểm chính trong thi ca Lê Hân cũng là những đặc điểm làm nên nền móng văn học Việt hải ngoại. Vào cái tuổi 76, Lê Hân vẫn miệt mài viết, và chăm lo in ấn sách ở Nhà xuất bản Nhân Ảnh cũng như tạp chí Ngôn Ngữ của mình. Tôi chưa một lần được gặp gỡ, hay chuyện trò, song mỗi lần đọc Lê Hân cứ làm cho tôi nhớ đến nhà văn Trần Hoài Thư, cả cuộc đời tận tụy cho Văn học Việt Nam.

Leipzig 21-8- 2023

Đỗ Trường (diendantheky.net)

MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ MÙA HÈ & CON VE

MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ MÙA HÈ & CON VE

Trần Doãn Nho

Hè về, nắng.

Cùng phát xuất từ mặt trời, nhưng nắng không những mỗi mùa một khác, mà mỗi nơi cũng một khác. Khác thế nào?

Qua những trang văn, chúng ta hãy cùng thưởng thức hai thứ nắng hè: “nắng (trong) vườn” của Thạch Lam; và “nắng (trong) phố” của Đặng Thơ Thơ. Hai cái nắng cách nhau đến…hơn 60 năm: nắng của Thạch Lam diễn ra vào cuối thập niên 1930 ở Hà Nội, Việt Nam và nắng của Đặng Thơ Thơ diễn ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba ở California, Hoa Kỳ.[1] Hai tác giả này thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng xuất thân từ cùng một gia tộc văn chương: Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) là em ruột của Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long); Đặng Thơ Thơ là cháu ngoại của  Hoàng Đạo, do đó, cũng (xem) như là cháu ngoại của Thạch Lam. 

Trong truyện ngắn “Nắng Trong Vườn” của Thạch Lam, nhân vật (xưng “tôi”) là một học sinh Hà Nội, về nghỉ hè ở đồn điền trồng chè của một người bạn thân của cha chàng, nơi hồi còn nhỏ chàng thường tới chơi. Trong những ngày ở đây, chàng có dịp thưởng thức đủ thứ nắng trong khung cảnh bao la bát ngát của thiên nhiên cùng với cô con gái của chủ nhà. Nắng không chỉ là nắng. Nắng chan hòa cùng với vườn tược, cây cỏ, núi đồi. Nắng là một không gian, một cảnh trí và cũng từ đó, một…cuộc tình.

Trên đường đi bộ về nhà của chủ nhà sau khi rời sân ga, trước hết, chàng bắt gặp nắng chiều. “Về phía tây, mây trời rực rỡ những mầu sáng lạn và ánh nắng chiều loang một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại.” Sáng hôm sau, thức dậy, chàng thấy nắng buổi sáng. “Mặt trời còn khuất sau quả đồi, ánh một vùng hồn lên nền trời xanh biếc. Bên kia sông, rừng cây từng lớp nhiều mầu còn mờ lẩn trong màn sương trắng.” (…) “Khi nắng bắt đầu gay gắt, và cỏ đã mềm nóng dưới gót chân, tôi thong thả xuống, đi len lỏi vào các vườn chè, sầu, rồi đến bờ sông Cống, tìm một chổ bóng mát nghỉ ngơi. Tôi ngả người trên cỏ nằm mơ mộng, đếm tiếng kêu của chim gáy ở tận đâu xa xa. Tất cả buổi, tôi chỉ quanh quẩn ở ngoài đồi, trông và nghe không biết mỏi.”

Nhưng thú vị nhất là nắng buổi trưa: “Những buổi trưa nắng, tôi tìm chỗ có bóng mát, phanh áo nằm trên cỏ thiu thiu ngủ. Những mộng đẹp đến ám ảnh tôi, những mộng mà trong ấy tôi mơ màng khoác tay một cô gái cùng đi len lỏi trong vườn chè.” Không những thú vị mà còn xôn xao hơn vì giấc mộng của chàng, chỉ ít ngày sau đó, biến thành sự thật: chàng được sống những buổi trưa nắng cùng với Hậu, cô con gái vừa mới lớn của ông chủ nhà. Cả hai chia xẻ những buổi trưa tràn đầy kỷ niệm:

Những buổi trưa, tôi rủ Hậu ra bờ sông Cống. Chúng tôi bỏ giầy ngồi trên cỏ ẩm, dưới bóng mát của một cày tràm cành lá um tùm. Trước mặt chúng tôi, dãy đồi đất tím loè trong ánh nắng, trời xanh thẳm và sáng như tấm gương. Một vài đám mây trắng thong thả đi ngang trên đỉnh đồi. Chúng tôi nghe ngóng cái yên lặng của buổi trưa, hình như theo giòng nước chói ánh nắng đi xa. Thỉnh thoảng, một bóng cá nổi trong cành lau sậy, lờ dờ lên gần mặt nước như nhìn trộm hai chúng tôi, rồi lại vùng quẫy đuôi chìm mất.” (…) “Có khi Hậu và tôi cùng ngả mình dưới bóng cây, nằm thiêm thiếp trong cái nắng của buổi trưa. Một con chim ở đâu đến khẽ hót trong bụi, tiếng ríu rít như vướng vào cành lá, hoà một bản đàn rực rỡ để ru hai chúng tôi trong những giấc mộng êm đềm.”

Nhờ nắng mà hai người yêu nhau. “Tôi cũng bắt đầu yêu Hậu; tình yêu của nàng vừa làm tôi say sưa vừa lạm tôi kỳ dị, như người đầu tiên bước vào một mảnh vườn đầy hoa cỏ lạ. Những cái hôn tha thiết và vụng về của Hậu có một hương vị mới mà tôi chưa từng được hưởng, hương vị đượm ngát của một bông hoa dại. Vì Hậu, tuy đã đi học ở trường tỉnh, vẫn hãy còn ngây thơ; nhưng nàng không chất phác như một cô gái quê, không mộc mạc những người quanh nàng. Tôi thấy trong Hậu những của quý vô ngần của một tâm hồn vừa trong sách vừa mê mải.

Nhưng mối tình bồng bột không kéo dài. Khi những ngày hè sắp hết, tâm tình chàng thay đổi:

Một cảm giác dịu buồn thấm vào lòng; nhưng một đằng tôi cũng ao ước được chóng lên Hà Nội, để thấy căn buồng học cũ ở nhà trọ, những anh em, chị em bạn thân ở nhà trường. Cánh đồi ruộng đối với tôi bây giờ đã mất cái vẻ thú vị mới mẻ khi xưa, tôi muốn nói chuyện với những người khác, nhìn những phong cảnh khác.”

Thế là đã rõ: chỉ có Hậu buồn, vì nàng nghĩ đến lúc xa chàng. Còn chàng, khi nghĩ đến cái vui của phố phường náo nhiệt, chàng không bận lòng mấy với chuyện chia tay. Chẳng thế mà, hết hè, trở lại trường, chàng quên hẳn cô bạn gái chốn thôn dã. Nhiều năm sau, khi gặp lại thì nàng đã có chồng. “Ngậm ngùi, tôi nghĩ đến cuộc ái ân ngắn ngủi của Hậu với tôi trong mấy tháng hè; cái tình yêu ấy biết đâu vẫn còn để lại trong lòng một vẻ rực rỡ như ánh nắng trong vườn.”

Quá muộn! Nắng trong vườn của Thạch Lam, tuy rực rỡ, nhưng không đủ mãnh lực giữ chàng thanh niên ở lại với mối tình thôn dã.

          Cô cháu Đặng Thơ Thơ, qua truyện ngắn “Một Nơi Để Viết”, cho ta một cái nắng hoàn toàn khác. Nhân vật (cũng xưng tôi) là một nhà văn. Bị mất cảm hứng khiến một truyện (ngắn) đang sáng tác bị kẹt giữa chừng không thể hoàn tất được, nhà văn chẳng thèm đi đâu cả, cũng chẳng muốn làm quen với ai mà  tự nhốt trong căn phòng tưởng tượng của mình, đợi chờ “nhân vật” bước vào trang chữ. Đúng lúc đó, “một vệt nóng dán lên bàn chân làm tôi nhìn xuống.” Thì ra là nắng. Nó không chan hòa, không rực rỡ, mà chỉ là một vật thể nhỏ nhoi: tia, sợi, vệt. Dẫu vậy, khác với cái nắng thụ động của Thạch Lam, nắng của Đặng Thơ Thơ hoàn toàn chủ động.

Nắng ở ngạch cửa, đã bò vào tận giữa phòng, luồn dưới bàn viết. Tôi đu đưa chân qua lại giữa luồng nắng, những sợi nắng không chịu nằm yên trên sàn, chúng bám vào chân tôi như muốn lôi kéo. Tôi nhìn ra ngoài, xem nó đến từ đâu: nắng ở đằng sau rặng cây sát bao lơn, trong vòm cây gió đang thì thầm, bầy chim đang hát đồng ca, những âm thanh tạt qua theo luồng gió như đang rủ rê, đang hứa hẹn nhiều điều. Tôi lại nhìn xuống chân, nắng vẫn ở đấy, không chịu đi xa nữa, cũng không chịu lùi bước, quấn quít, níu kéo, rủ rê. Tôi dứng dậy, theo vạch nắng nối từ chân ra cửa. Cũng có thể những sợi nắng cuốn lấy tôi kéo băng ra ngoài. Tôi muốn quay lại nhìn, xem nắng có còn nằm đó không, hay đang cuốn lại như một tấm thảm dưới bước đi… Nhưng không kịp, một mãnh lực đẩy tôi ra khỏi phòng, tuột theo cầu thang, thả tôi xuống giữa hè phố.

Đặng Thơ Thơ

Sự khác nhau giữa hai thứ nắng thật rõ rệt. Trong lúc nắng vườn của Thạch Lam là khung cảnh thiên nhiên hiện ra một cách hồn nhiên dưới ánh sáng mặt trời, thì nắng phố – mà lại phố ở Hoa Kỳ – của Đặng Thơ Thơ biết “bò”, “luồn”, “bám”, “quấn quít”, “níu kéo”, “rủ rê” và “cuốn lấy” tác giả lôi ra ngoài…phố. Cách diễn đạt của cô cháu nghe “hiện đại” hơn ông ngoại và chính vì thế, cô đã làm cho nắng cũng “hiện đại” hơn. Khung cảnh khác, nắng khác theo. Nắng Thạch Lam dịu dàng, tràn trề không gian và dù có tiếng động đâu đó ở chung quanh, nhưng vẫn lặng lẽ. Nắng Đặng Thơ Thơ thiếu không gian nhưng đầy người, đầy âm thanh và tuy chậm rãi, nhưng lại rất vội vàng. Không gian Thạch Lam là của thị giác (chỉ để nhìn) trong lúc không gian của Đặng Thơ Thơ là của thính giác (chỉ để nghe). Không gian nắng của Thạch Lam tĩnh trong lúc không gian nắng của Đặng Thơ Thơ động, vì thế, vào lúc cao điểm là nắng trưa, mọi sinh hoạt trên đường phố trở nên nhộn nhịp và rộn ràng.

Nắng mở ra một con đường mới giữa con đường của phố xá. Đường hẹp và chạy xiên xiên, xe cộ thả từ từ, từng đoàn người kéo ra từ một phòng tranh, dừng lại ở những cửa sổ của tiệm nữ trang và quần áo, đổ xuống những bãi cỏ và những quầy bán kem, rồi lại kéo vào một phòng triển lãm khác. Họ đi vừa vội vã vừa chậm rãi, và tôi nhận ra mình cũng đang chậm rãi trong sự vội vàng. Cứ như tất cả đang xảy ra cùng một nhịp độ, trong con phố này, vào giờ khắc này, như tất cả những bè của một bản nhạc, bè nhanh và bè chậm, dòng chẩy và dấu lặng, hòa hợp và đối chỏi…., tất cả cùng tấu lên những âm sắc riêng theo một tiếp điệu chung. Chỉ có những thằng bé trượt ván gỗ trên hè là đi lạc ngoài tiết tấu, nghe như tiếng lướt của dây đàn tây ban cầm…

Ở chốn đô thị, nắng có vẻ như hiếm hoi hơn, không bao la như ở chốn thôn dã. Nhân vật trong truyện bị nắng kéo đi, và thỉnh thoảng nó bị mất hút giữa những khối nhà, khiến nhân vật bối rối. “Tôi muốn tránh và tìm một lối đi khác, nhưng nắng lại đang trải qua lối đó, và bắt buộc nếu muốn đi theo nắng tôi phải đi ngang qua tiệm cà phê này.” (…) “Ánh nắng trở nên dịu nhạt khi có tiếng đàn luồn vào không khí, đoàn xe chuyển động rất chậm chạp- hầu như ứ đọng, những âm thanh khác như lùi lại thật xa phía sau lưng. Một nỗi buồn khôn tả dâng lên làm người tôi nao nao, xáo trộn.”

Nhưng rồi nắng từ từ bỏ đi:

Con đường nắng mờ dần. Nắng lúc này đã chạy ra tuốt ngoài khơi, lấp lánh trên đường chân trời. Có lẽ nào nắng lừa tôi đến đây, rồi bỏ rơi tôi, để đi rong chơi trên biển? Hy vọng rằng nắng có thể kéo tôi ra khỏi tiếng đàn, dù rất mong manh, cũng bắt tôi tưởng tượng ra một cách đi theo nắng. Tôi ngửa mặt lên và nhắm hờ mắt lại, cuối cùng nắng chỉ còn là một sợi chỉ vàng óng vắt ngang, một sợi tơ nóng rực đè nặng lên mi. Trong khoảnh khắc này, sợi nắng chồng khít với đường chân trời, và chân trời cụ thể như một sợi dây nối đầu này với đầu kia của tầm mắt…”

Lại nắng chiều! Chẳng chút gì giống với nắng chiều của Thạch Lam.

Và cuối cùng, nắng biến mất. “Nắng đã tan biến hoàn toàn khi tôi về đến nhà, nhưng ảo ảnh của nắng vẫn còn vướng vất trong đầu.” 

                                                *

Nắng là nắng, ở đâu và lúc nào cũng thế thôi. Ấy thế mà, khi đọc, ta có cảm tưởng như hai tác giả mô tả hai cái nắng khác nhau. Thạch Lam nói về nắng, thực ra, ông chỉ dùng nắng như là bối cảnh cho một mối tình nho nhỏ thoáng qua trong tuổi học trò. Đặng Thơ Thơ nói về nắng, thực ra, chỉ là nói về cái ảo ảnh của nhà văn trong quá trình xây dựng nhân vật hư cấu của một cấu trúc văn chương.

Y như thể cả hai nhà văn đang đánh lừa những người đọc chúng ta.

Nhưng văn chương là thế. Một sự đánh lừa thú vị!

TDN

(5/2023)

Thơ Haiku-ve (Cicada-ku)

  • Trần Doãn Nho

“Cicada-ku” là một nhóm chữ tiếng Anh mới xuất hiện trên nhật báo Washington Post ngày 8/6/2021, do John Kelly, một nhà bỉnh bút của tờ báo này sáng tạo ra, để chỉ những bài thơ tiếng Anh làm theo thể Haiku viết về con ve. Xin tạm dịch là thơ Haiku-Ve.

Haiku là tiếng Nhật, chữ Hán viết 俳句, âm Hán Việt là Bài Cú. “Bài” là hí kịch, nghĩa là hài (hước), có lẽ vì thế nên “Haiku” có khi đọc thành “hài cú”, nghe cũng thuận tai. Theo Nguyễn Thị Mai Liên, “Haiku là thể thơ độc đáo của Nhật Bản. Về quá trình hình thành thơ haiku, có giả thiết cho rằng tiền thân của nó là thể đoản ca (tanka). Đoản ca là thể thơ ngắn mỗi bài có 31 âm tiết chia làm 5 dòng: 5-7-5-7-7. Thể thơ này chiếm ưu thế trong Vạn diệp tập- một thi tuyển đồ sộ của văn học Nhật Bản tập hợp những bài thơ được sáng tác khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Về sau, chúng bị ngắt làm hai để tạo ra những câu thơ 5-7-5 và 7-7 âm tiết. Những câu này được kết hợp đan xen với nhau tạo thành chuỗi dài gồm 36, 100, có khi nhiều hơn nữa những mắt xích, gọi là thể liên ca hài hước (haikai no renga). Chúng có thể do một nhóm thi sĩ hoặc một thi sĩ sáng tác với tư cách nhóm, đề tài là thiên nhiên qua bốn mùa. Thể liên ca thịnh hành ở Nhật Bản vào thế kỷ XIV và XV. Sau đó, các nhà thơ sáng tác những bài thơ 5-7-5 âm tiết độc lập, không đứng trong chuỗi. Đến giữa thời Edo (1600- 1868), thi pháp của loại thơ 17 âm này đã được định hình vững chắc và được gọi là haiku.[2]

                                      Matsuo Basho (1644-1694)

                                      (Hình: Terebess)

Thiền sư Nhật Bản Matsuo Basho, 松尾笆焦, Tùng Vĩ Ba Tiêu (1644-1694), người khai sinh ra Haiku, đã kết hợp sự trào lộng trong đời thường với yếu tố cao nhã của tâm linh đưa vào thơ. Thể thơ độc đáo này về sau được các nhà thơ Nhật Bản khác là Buson và Masaoka Shiki tiếp nối làm cho nó hoàn thiện hơn.

Một bài Haiku có 4 đặc điểm:

  • Gồm 17 âm tiết (syllables) được sắp xếp theo cấu trúc 5-7-5, trong đó, câu đầu gồm có 5 âm tiết, câu hai, 7 âm tiết và câu ba, 5 âm tiết.
  • Mô tả thiên nhiên (nature) và mùa (seasons) để chỉ sự thay đổi trong năm.
  • Để chỉ tên mùa, thay vì dùng trực tiếp các chữ Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì nhà thơ sử dụng một chữ hay một câu như là hoán dụ hay ẩn dụ để chỉ mùa gọi là Kigo. Chẳng hạn, dùng hoa sakura (anh đào)  để chỉ mùa Xuân; fuji (cây đậu tía) chỉ mùa Hè, tsuki (trăng) chỉ mùa Thu và samushi (lạnh) để chỉ mùa Đông.
  • Kireji: trong ngôn ngữ Nhật, “kireji” thường xuất hiện ở cuối một trong ba nhóm chữ của câu thơ để tạo ra một khoảng lặng trong nhịp điệu hay ý tưởng của bài thơ. Kireji không có chữ tương đương trong tiếng Anh, tạm dịch là “cutting word” (cắt từ), được hiểu như là dấu chấm câu cảm thán (verbal exclamations), gợi nên cho người đọc hiểu sự liên kết giữa hai hình ảnh hay ý tưởng khác nhau đã được mô tả. Thơ Haiku hiện đại không nhất thiết sử dụng “kireji”.

Nói chung, thơ Haiku, một mặt, cô đọng ngôn ngữ đến tối đa, không chi li, dông dài và mặt khác, chỉ mô tả những gì đang diễn ra ở-đây-và-bây-giờ, không biểu tỏ xúc động cá nhân. Chẳng hạn hai bài thơ tiêu biểu sau đây của Basho:[3]

1.

            Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao

(Nhật Chiêu dịch)

2.

            Trên cành khô

Cánh quạ đậu

Chiều thu

(Nhật Chiêu dịch)

Đơn giản nhưng đủ. Vô tình nhưng hữu tình. Ít nhưng nhiều. Khi đọc, ta tưởng như tác giả đứng ngoài mọi thứ, nhưng thực ra là thể nhập vào mọi thứ.

                                                          *

          Nhân sự tái xuất hiện của hàng tỷ con ve Brood X (Lứa Ve Số 10)[4] vào mùa hè năm 2021, nhà bỉnh bút John Kelly kêu gọi độc giả tham dự một cuộc thi thơ về ve (cicada poetry contest). Christine Hagan, một độc giả cư ngụ ở tiểu bang Virginia, thay vì gửi một bài thơ mà bà sáng tác, thì gửi một bài thơ mà bà yêu thích. Đó là một bài Haiku của thiền sư Matsuo Basho, được R.H. Blyth dịch ra tiếng Anh:

          Did it yell

till it became all voice?

Cicada-shell!

          (Tạm dịch:

          Có phải nó la hét

          Cho đến khi tất cả trở thành giọng hát

          Chiếc vỏ ve!)

Một bài khác, cũng của Basho, về tiếng ve, do William George Aston dịch:

The cry of the cicada

Gives us no sign

That presently it will die

(tạm dịch:

Tiếng ve kêu

Chẳng có dấu hiệu nào

Sẽ chóng tàn đi)

Thích thú với các bài thơ Haiku đơn giản nhưng đầy ý nghĩa của Basho, Kelly liền khuyến khích độc giả viết những bài Haiku để vinh danh con ve, mà ông gọi là “Cicada-ku”. Nhiều độc giả hưởng ứng. Trong số báo Washington Post ra ngày 8/6/2021, với tựa đề “Can You Cicada-Ku? Here Are Haiku and Other Poems in Honor of Cicadas”,[5] Kelly cho công bố một loạt thơ “Cicada-ku”. Dù âm tiết trong tiếng Anh không hoàn toàn giống với âm tiết tiếng Nhật, nhưng các bài Cicada-ku này đã giữ rất đúng số câu và số âm tiết theo cấu trúc 5-7-5; ngoài ra, có tác giả còn sử dụng các dấu cảm thán sau các câu thơ như một hình thức “kireji”: dấu gạch ngang (), dấu chấm (….), dấu hỏi (?), dấu chấm thân (!), vân vân.

Xin trích đăng lại một số bài để độc giả thưởng thức.

  1.  

Noisy cicada —

How short your time in the sun;

How long your silence.(Donna Royston)

(Tạm dịch:

Ve kêu ầm ĩ

sống đời quá ngắn

lặng im quá dài)

  •  

pandemic easing . . .

cicadas and waxed humans

emerging from holes (Clifford Rames)

          (Tạm dịch:

đại dịch dịu dần…

ve và người

trồi ra khỏi lỗ)

  •  

cicada nymphs

primping for their big night out

curfews are lifted  (Genevieve Lehr)

(Tạm dịch:

Nhộng ve

điểm trang ra dạ tiệc lớn

chẳng còn giới nghiêm)

  •  

Emerge, shed our shells.

Meet! Mate! Pulsate! Sing! Take wing!

Cicadas, or us? (Katherine Fox)

(Tạm dịch:

Trồi lên, lột vỏ

Gặp! Tình! Rộn! Hát! Bay

Ve, hay ta?)

  •  

not at all subtle

the cicada’s mating call

same line always works (Sari Grandstaff)

(Tạm dịch:

không hề trau chuốt

tiếng ve gọi tình

đều đều mà thấm)

  •  

Here’s one syllable

for each of seventeen years

we lived underground. (J.D. Smith)

(Tạm dịch:

chỉ một âm thôi

mỗi mười bảy năm

nằm trong lòng đất)

  •  

Six hundred siblings

In cicada family

Who would Mom like best?

(Tạm dịch:

Sáu trăm anh em

Trong gia đình ve

Me yêu ai nhất? (Susan Williams)

  •  

A cicada’s plight

Seventeen years without love

Then frenzy and death (Jim Riley)

(Tạm dịch:

Nguyện ước ve

Mười bảy năm cô đơn

Hát vang rồi chết)

TDN

(7/2021)

Thơ hè

  • Trần Doãn Nho

Hạ chí, ngày mặt trời hiện diện trên bầu trời dài nhất trong năm ở Bắc bán cầu, báo hiệu lúc chuyển mùa.

Hè về!

Chẳng thế mà trong “Ngày hạ chí” của Trần Mộng Tú, những con chữ hớn hở reo vui:                   

ngày hạ chí như có ngàn nến thắp

soi buổi chiều trong suốt hồn em

anh đứng đó như mặt trời không tắt

tự nhóm than nung đỏ đời mình

Nhà thơ chào mặt trời, chào nắng và chào …người tình từ xa trở về. “Anh” là mặt trời, là nắng. Cả hai tự “nung đỏ đời mình” trong tình yêu ngay vào ngày đầu tiên, và có lẽ đi xuyên suốt hết, của mùa hè…2006.

            Hè chan hòa nắng. Tia nắng, sợi nắng, ánh nắng, hoa nắng, làn nắng, màu nắng, nắng vàng, nắng tươi, nắng hồng, nắng ửng, nắng cựa, nắng xôn xao, nắng rung, nắng sáng, nắng lóa, nắng trong, nắng vui…Hình ảnh nắng hè vốn cũng đã đi vào thi ca tiến chiến.

“Hè” của Đoàn Văn Cừ là một bức tranh vui:

Trưa hè nắng rọi vàng hoe
Nhà tranh khói bám, cổng tre gió lùa
Tàu cau xanh dưới trời lơ
Ngọn rơm vàng ánh gương hồ long lanh
Nước mưa trong, nước chum sành
Vườn cây lủng liểng bòng xanh, ổi hồng
(…) Trưa ngồi nghỉ bóng đa xanh
Sớm ra chợ đón gặt quanh các làng
Đêm thanh đập lúa, trăng vàng
Nến sao thắp trắng trên màn trời xanh

Hè, với nhà thơ này, ngày nắng đẹp, đêm trăng thanh. Trưa hè đã vui nhộn, êm đềm, thì “Trăng hè”, lại càng êm đềm hơn: từ con chó ngủ lơ mơ đến bóng cây bên hàng dậu; từ ông lão nằm giữa sân đến thằng cu đứng bên thành chõng, từ con mèo quyện dưới chân đến mấy cô gái gánh nước đêm, tất cả tạo thành một cảnh làng quê thanh bình, nhàn nhã:

Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa,
Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ,
Bóng cây lơi lả bên hàng dậu,
Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ.

Ông lão nằm chơi ở giữa sân,
Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân.
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng,
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân.

Bên giếng, dăm cô gái xứ quê
Từng đàn vui vẻ rủ nhau về,
Trên vai nặng trĩu đôi thùng nước,
Kĩu kịt đi vào lối cổng tre.

Nhưng, khác với thứ nắng và trăng đáng yêu của nhà thơ họ Đoàn, nắng của Anh Thơ và Bàng Bá Lân đồng nghĩa với nóng. Cả hai nhà thơ này đều mô tả “Trưa hè” bằng những hình ảnh tiêu cực. Trước hết là Anh Thơ:

Trời trong biếc không qua mây gợn trắng,
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa;
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng,
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.

Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy,
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu…
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu.

Không thấy nắng, chỉ thấy nóng. Dù khéo giấu, nhưng rõ ràng, nhà thơ không mặn mà gì với nắng (trưa) hè: lơ đãng, xao xác, thiu thiu, buồn lê, rời rạc. Cái gì trông cũng phờ phạc, mệt nhọc, chán nản, luời biếng. Không kém gì Anh Thơ, “Trưa hè” của Bàng Bá Lân, từ cái quán cũ, cánh diều cho đến chim chóc, cây trái và người đều rã rời, buồn bã:

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng,
Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm…
Đứng lặng trong mây một cánh diều.

Cành thưa, nắng tưới, chim không đứng;
Quả chín bâng khuâng rụng trước hè.
Vài cô về chợ buông quang thúng
Sửa lại vành khăn dưới bóng tre.

Thời gian dừng bước trên đồng vắng;
Lá ngập ngừng sa nhẹ lướt ao.
Như mơ đường khói lên trời nắng;
Trường học làng kia tiếng trống vào.

Nếu những nhà thơ chỉ bày tỏ tình cảm của mình chỉ bằng chữ, thì ở một lãnh vực nghệ thuật khác, âm nhạc, Hùng Lân pha âm thanh vào chữ. Cũng như Đoàn Văn Cừ, người nhạc sĩ này yêu nắng hè. Chả thế mà, giai điệu vui nhộn, phấn khởi của ca khúc “Hè về” đã gieo một không khí rộn ràng, lạc quan, yêu đời vào ký ức của hàng bao nhiêu thế hệ học sinh miền Nam ngày trước và tiếp tục kéo dài đến bây giờ. Câu hát khởi đầu “Trời hồng hồng sáng trong trong” vang vang trên đài phát thanh hồi đó nghe như khúc “điểm mùa”, báo hiệu những ngày nắng hè rực rỡ. Nếu đọc kỹ lời ca, ta thấy hiếm có ai ca ngợi nắng hè một cách dồi dào và hào phóng bằng nhạc sĩ Hùng Lân qua một ngôn ngữ khá trau chuốt và đẹp, đẹp hơn cả…thơ! Hùng Lân vừa viết nhạc, vừa làm thơ và vừa vẽ. “Hè về” là một bức tranh rạng rỡ, chứa chan hiện thực với cách dùng chữ gây nhiều ấn tượng: phượng “rung” nắng, gió “lọc” mầu mây, cánh chim “đo” bầu trời, lúa vàng “leo” dốc đồi, hương sen “ướp” gió:

Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
lọc mầu mây bích
ngọc qua mầu duyên
(…) Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng
đàn chim cánh do trời

Phân vân đôi mái chèo lữ thứ
             thuyền ai biếng trôi
             Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng
             leo dốc chân đồi
             Thanh thanh hương sen nồng
             ướp gió trắng khi chiều rơi
             Chắc không mấy ai lưu ý đến một chữ khá lạ trong ca khúc này: “trắng”. Tôi không rõ tác giả muốn nói cái gì trắng? Hương sen hay gió hay nắng hay buổi chiều, hay là tất cả tổng hợp lại?

Sau này, một nhạc sĩ khác, Trịnh Công Sơn, chính thức gọi mùa hè là “hạ trắng”.  Nắng làm trắng cả mùa hè và hè làm trắng cả mùa nắng. Trong thơ Trần Mộng Tú, nắng là “Anh” thì ở Trịnh Công Sơn, nắng là Em. Ông lên tiếng da diết gọi nắng và gọi em suốt cả mùa hè:

Gọi nắng!
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy
Gọi nắng!
Cho cơn mê chiều
Nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài
Gầy thêm nắng mai
Bước chân em về
Nào anh có hay
Gọi tên cho nắng
Chết trên sông dài
Nắng hè ấy thế mà khác nhau. Nắng Trần Mộng Tú nồng nàn; nắng Hùng Lân khỏe khoắn, tự

tin, yêu đời, thứ nắng của đất trời vạn vật, hồn nhiên, vô tư và là “nắng thật”; còn nắng của Trịnh Công Sơn bâng khuâng, lãng đãng, chập chờn y như “nắng giả”, thứ nắng chỉ quấn quýt theo một hình bóng: nắng đậu trên vai gầy, nắng đuổi theo tà áo, nắng len qua mắt, nắng thắp đường đi, nắng rơi trên tay và nắng lịm chết trên sông dài. Trịnh Công Sơn còn có một thứ nắng khác, không phải nắng hè, mà là nắng thu: nắng thủy tinh. Rốt cuộc, nắng nào, với ông, cũng chỉ là người tình.

Khác với tất cả những nhà thơ và nhạc sĩ trên, Tô Thùy Yên đến với mùa hè bằng những hình ảnh khác, thấm đẫm cuộc nhân sinh. Qua “Vườn hạ”, ông mô tả buổi trưa hè bằng một thứ ngôn ngữ tân kỳ:

Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai gọi ấu danh anh
Hàng cây đứng bóng ôm tròn gốc
Đất ẩm vương hương, cỏ trở màu

Thì cũng nắng và nóng trưa đó thôi, nhưng cách diễn đạt khiến cho ta cảm thấy bỡ ngỡ, y như

được sống trong một khung cảnh xa lạ. Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh! Một câu thơ đẹp cả lời lẫn ý. Mùa hạ, với ông, là dịp đánh thức trong lòng những ký ức xa xôi thời còn trẻ dại. Suốt cả bài thơ là nỗi nhớ về những “hồn mùa cũ đọng xanh xao”, về “u minh ngày tháng, bóng lao đao”: cơn mưa, chú dế, con chó, tiếng ve, khúc hát, tiếng mõ…Cuối cùng, tất cả đều là nỗi tiếc nuối mênh mông:
            Em có tìm không mùa hạ trước?
            Chiếc vành xưa đánh lạc về đâu?
            Đám tranh thuở ấy cao là vậy
            Vành lạc, chân không, ngại bước vào…
           (Có thể có người không biết “chiếc vành” mà Tô Thùy Yên mô tả. Đó là một đồ chơi tự chế đơn giản làm bằng một thanh tre vót đều uốn thành một cái vành rồi cột hai đầu lại với nhau trông giống như bánh xe; trẻ con sử dụng một thanh tre khác, đẩy chiếc vành chạy quanh bằng cách cho nó tựa vào một sợi thép uốn thành hình chữ U cột ở phía đầu kia của thanh tre). Chiếc vành là hình ảnh sống động của tuổi thơ.

Đó là một mùa hè bình thường. Tô Thùy Yên còn có một mùa hè hết sức khác thường: Mùa

hạn. Đó là tựa đề của một bài thơ làm ở trong nhà tù. Trong cơn hạn, nắng và nóng tịch thu hết cả sinh khí đất trời.

  • Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt
    Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn
  • Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng
  • Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
  • Cây đa râu tóc già thiên cổ
    Trụi lá, trơ cành, xương nám đen

Tất cả, không còn gì, chỉ là cõi Chết! Mùa hạn của trời đất mà cũng là mùa hạn nhân sinh, hạn đổi

đời, hạn thịnh suy, hạn thay ngôi đổi chủ. Dẫu vậy, những tù nhân vẫn  không nguôi mơ ước. Mơ về “miền xanh bóng cây”, “nước giếng khơi”, “suối thần tiên”, “bóng chim huyền diệu”, “cụm mây hư ảo”, “trận gió thênh thang”…với tấm lòng bao la của những người không xem hận thù là dưỡng chất trần gian:

Những ai hôm trước từng gây tội
Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình
Tự tại, thời gian chôn chính nó
Đời lên lại mãi tựa bình minh

TDN

(Hạ chí – 21/6/2022)


Thơ ve:

ve sầu, ve lạnh, ve vui

  • Trần Doãn Nho

Lại hè! Lại nắng! Và lại ve!

Năm 2021, con ve xuất hiện dài dài trên báo chí Hoa Kỳ, báo động một mùa ve rộn ràng, ầm ĩ vì sự xuất hiện của  “Brood X” (Lứa Ve 10) – tên riêng do các nhà sinh vật học đặt cho loại ve năm 2021 này- trải dài qua 14, 15 tiểu bang, từ North Carolina, Georgia, Tennessee đến Indiana, Michigan, Pennsylvania, New York, New Jersey….

Ve hiện diện trên khắp thế giới: 3.390 loại, có loại xuất hiện hàng năm (annual cicadas), có loại xuất hiện theo từng chu kỳ (periodical cicadas). Hoa Kỳ có 190 loại, trong đó, 15 loại là chu kỳ, hoặc 13 năm hoặc 17 năm. Brood X, lớn nhất trong các loại ve chu kỳ, tái xuất giang hồ sau 17 năm nằm im tu luyện trong lòng đất. Mô tả bằng những nhóm từ nghe rất “kêu” như “a big tsunami is coming” (cơn sóng thần lớn sẽ ập đến), “the big cicada invasion of 2021” (cuộc đại xâm lăng ve năm 2021), các nhà chuyên môn ước đoán phải có đến hàng tỷ (billions), thậm chí hàng ngàn tỷ (trillions) con sẽ tràn ngập các tiểu bang nói trên, từ rừng sâu cho đến công viên, từ đường phố cho đến các khu vườn nhà, bắt đầu từ giữa tháng 5 và đạt đến đỉnh điểm vào giữa tháng 6/2021.

Quả là như thế. Ngoài tiếng ồn, một số tai nạn ve đã được ghi nhận trên báo chí: ve đâm vào mắt một người đang lái xe khiến xe lạc tay lái, đâm vào cột điện ở Cincinnati, Ohio hôm 7/6/21; chuyến bay chở thông tín viên báo chí đi Âu Châu tháp tùng chuyến Âu du của tổng thống Joe Biden bị chậm 7 tiếng đồng hồ vì bị ve bám vào máy, không khởi động được, hôm 9/6/21…

                                        Ve Lứa số 10 (Brood X)

                                      (Hình: Jen Rose Smith, CNN)

                                                     Dog-day cicada

                                      (Hình: Songs of Insects)

Vùng tôi ở, Dallas, không có Brood X, chỉ có loại ve thường niên “Dog-Day cicada”,[6] trông chẳng khác mấy với ve Huế. Đối với chú bé sống ở khu nhà vườn, ve là con vật bé nhỏ đáng yêu và thân quen nhất trong rất nhiều thứ côn trùng đầy dẫy chung quanh, mà tiếng kêu rộn ràng sảng khoái của chúng vào mỗi buổi trưa hè và những trận mưa ve (ve đái) mát mẻ trong những ngày nóng bức nằm ngủ võng dưới vòm cây, tràn trề ký ức tuổi thơ tôi, kéo mãi đến tận bây giờ. Nhưng có điều lấn cấn: nói đến ve, lập tức tôi nghĩ đến hình ảnh con ve trong bài ngụ ngôn “Ve và Kiến” do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ “La cigale et la fourmi” của La Fontaine.

Ve sầu kêu ve ve/Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi/Nguồn cơn thật bối rối

Hồi nhỏ, khi học bài thơ này, tôi hết sức bực mình với cách diễn tả “tính tình” con ve đầy những nét tiêu cực: lười, chỉ biết ca hát, không chịu làm việc, lại còn “sầu” nữa. Ve không lười, chẳng ham chơi và cũng không hề sống tới mùa đông để than thở và xin xỏ thức ăn. Ve sạch sẽ, cao sang, không ô nhiễm môi trường, chẳng ăn sống nuốt tươi con vật nào; không những thế, hoà cùng với nắng và cây và lá, tạo nên sức sống miên man của những ngày hè tươi vui, náo nhiệt. Tôi chẳng rõ mỗi con thọ được bao lâu. Chỉ biết rằng khoảng chừng sau năm, bảy tuần lễ rộn ràng là chúng dần dà biến đi đâu mất, gần như chẳng để lại dấu vết gì ngoài những chiếc vỏ khô chết, hờ hững bám trên những cành cây buồn hiu, để lại một nỗi tiếc nuối vô bờ trong lòng đứa bé. Ừ, đồng ý là “người buồn” thì “ve có vui đâu bao giờ”, chả thế mà “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng” (nhạc Thanh Sơn)hayCung đàn nào thương bằng tiếng ve sầu”(nhạc Lê Dinh-Minh Kỳ), nhưng gọi con ve là “ve sầu” như một cái tên chính thức để chỉ loài ve thì thật là không chấp nhận được. Nhất là khi các nhà biên soạn tự điển biến hai chữ “ve sầu” thành từ vựng: hầu hết các tự điển đều dịch “cicada”, “la cigale” hay “thiền” () là “ve sầu” thay vì chỉ là “con ve” hay “ve”. Có lẽ không có từ vựng nào chỉ một sinh vật lại kèm thêm một tính từ tiêu cực như con ve. Nổi tiếng bi thảm như “con dế buồn tự tử giữa đêm sương” (Du Tử Lê) mà tự điển chỉ ghi “cricket” là “con dế”, chứ chẳng phải “dế buồn”!

Tiếng ve là tiếng của một dàn đại hợp xướng, lúc nào cũng rộn ràng, hào hứng, vui tươi. Ngoài mục đích dọa nạt hay làm nhụt chí những con vật mê thịt ve, thì tiếng ve cũng là tiếng gọi tình (courting/mating call).  Sao chẳng ai gọi là “ve tình” nhỉ! Chú bé ngày xưa đã chứng kiến (và chờ đợi) biết bao lần, khi hàng ngàn chàng ve đang say sưa hợp xướng là lúc những nàng ve cái (vốn nhỏ con hơn và không hề biết kêu) đậu ở đâu đó lắng nghe, rồi thấm tình thấm ý, vỗ cánh nhẹ bay đến bên cạnh bạn tình, yên lặng chờ chàng trổ tài yêu đương. Nàng đến, chàng vẫn tiếp tục kêu, có điều, tiếng kêu đột nhiên dịu hẳn xuống, cách quãng, chậm rãi hơn và du dương hơn rồi từ từ…im bặt: cả hai quấn lấy nhau, quên trời quên đất. Chỉ đợi có thế,  chú bé cầm cây cần dài, đẩy nhẹ một cái là cả chàng và nàng (đang dính vào nhau trong say đắm cuộc tình) từ từ rơi xuống đất để chú  lấy cả cặp bỏ vào trong giỏ. Chao ơi, chú đã làm “tàn một cuộc tình” để thỏa mãn niềm vui tuổi nhỏ!

Khác với hình ảnh tiêu cực trong bài thơ ngụ ngôn La Fontaine, tiếng ve kêu đã đi vào thơ bằng những lời ca ngợi kể từ thời Hy Lạp cổ. Dù được gọi là thứ côn trùng kêu đinh tai nhức óc (shrill-voiced insect), nhiều nhà thơ Hy Lạp đã làm những bài “tụng ca ve” (cicada ode) tới nơi tới chốn. Chẳng hạn nhà thơ Meleager of Gadara:[7]

O, shrill-voiced insect; that with dewdrops sweet  

Inebriate, dost in the desert woodlands sing

(Ôi, tiếng hát con ve the thé đinh tai; cùng với những giọt sương ngọt ngào

Vang lên trong những khu rừng vắng làm mê mẩn tâm can)

            Thơ cổ Trung Hoa không thiếu tiếng ve. Có thể kể: “Tại Ngục Vịnh Thiền” (Vịnh con ve từ chốn lao tù),, của Lạc Tân Vương (640-684),“Văn Thiền” (Nghe tiếng ve kêu), , của Đỗ Mục (803-853), “Hàm Phong Thiền” (Con ve chịu gió),, của Lư Chiếu Lân (663-689), “Văn Tảo Thiền” (Nghe tiếng ve sớm),, của Lục Sướng (thế kỷ thứ 9), “Vũ Lâm Linh”( )[8] của Liễu Vĩnh (1004-1054)…Mời đọc một bài tiêu biểu, “Văn Thiền” (Nghe tiếng ve kêu),, của Lai Hộc (?-883):[9]

                     




Lục hoè âm lý nhất thanh tân,
Vụ bạc phong khinh lực vị quân.
Mạc đạo văn thì tổng trù trướng,
Hữu sầu nhân hữu bất sầu nhân.
                                            
 

(Trong bóng mát của cây hoè một tiếng mới phát ra,
Sức truyền trong sương mù loãng và gió nhẹ chưa đồng đều.
Đừng có bảo lúc nghe ai cũng buồn,
Có người buồn, cũng có người không buồn.)

                                            “Thông và Ve” (tranh của Tề Bạch Thạch

                                      và Trần Niên)

                                                 (Hình: Bukowskis)

            Thơ cổ Việt Nam về ve có “Sơ Thu Cảm Hứng” (Cảm hứng đầu thu), , của Nguyễn Du và “Văn Thiền” (Nghe tiếng ve kêu), , của Tùng Thiện Vương. Mời đọc “Sơ Thu Cảm Hứng”:

         

西

調

Giang thượng tây phong mộc diệp hy,
Hàn thiền chung nhật táo cao chi.
Kỳ trung tự hữu thanh thương điệu,
Bất thị sầu nhân bất hứa tri.

(Gió tây thổi trên sông lá cây thưa thớt
Ve lạnh suốt ngày kêu trên cành cao
Trong tiếng kêu có điệu thanh thương
Không phải người buồn thì không biết được)

Nhà thơ đã nhập tiếng lòng vào tiếng ve, lại là con ve cuối mùa hè lạc lõng, hèn gì mà chẳng là “hàn thiền”, , ve lạnh!

Nhà thơ Nhật Matsuo Basho (1644–1694), trong một bài hài cú về ve, đưa “Tiếng Ve” (Cicada Voice) vào một khung cảnh khác hẳn: thiền.[10]

閑かさや
岩にしみ入る
蝉の声

Mấy câu thơ ngắn ngủi này được rất nhiều người dịch ra tiếng Anh. Tôi thích câu này:
–     The Deep Stillness/Seeps into the rocks/The voice of the cicadas (Ken Baker)

  • Tĩnh Mịch Sâu Lắng

Ri rỉ giọt vào đá

Tiếng ve kêu

Trong thi ca Hoa Kỳ đương đại, John Blair, một trong nhiều nhà thơ nổi tiếng Hoa Kỳ, có một bài thơ dài ca tụng tiếng ve kêu, “Cicada”.[11] Khổ thơ đầu tiên viết:

              A youngest brother turns seventeen with a click as good as a roar,

            finds the door and is gone.

            You listen for that small sound, hear a memory.

            The air-raid sirens howled of summer tornadoes, the sound

            (Tạm dịch: Chú em út lên mười bảy

            bằng một tiếng lách cách mà nghe như tiếng gầm

            mở cửa và ra đi

            tưởng là nghe tiếng gì nho nhỏ âm vang kỷ niệm.

            (hóa ra) là tiếng còi báo động không kích hú lên những cơn lốc xoáy mùa hè)

Thơ Việt Nam hiện đại có rất nhiều bài viết về tiếng ve.[12] Tiếng ve trong bài thơ sau đây, “Nụ Hôn Đầu” của Trần Dạ Từ, chỉ đóng vai trò ngoại biên, nhưng thiếu nó có lẽ là thiếu tất cả:

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.

Nụ hôn vô tiền khoáng hậu: thơm, ngon, ngọt, đẹp, lại vô cùng trong sáng và vô cùng ồn ào. Một nụ hôn ve. Hèn gì mà “tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh.”

          Một nhà thơ trẻ sau này, Đinh Thị Như Thúy, diễn tả ve bằng một thứ ngôn ngữ và nhịp điệu khác, mới mẻ và hiện đại hơn:

Đó là tháng tư

Tháng của những ve núi rền rĩ trong các vòm xanh

Tháng của những ve núi gắt gỏng lêu nghêu trên các nhánh cành lặng phắc 

Em nói: Những con ve không để ai yên

Em nói: Ban đêm chúng ngủ say còn em không sao ngủ được

Em nói: Phải giấu che những chiếc gai nhọn

Em nói: Vì em không phải hoa hồng (Những ám ảnh bất động)

          Ve của nhà thơ này nghe có vẻ ngổ ngáo và bướng bỉnh.

                                                                   *

          Thơ ve, nói chung, đa dạng và khá mặn mà.

Với tôi, ve thì nhất định là “ve vui”, không hề là “ve lạnh”, lại càng không thể là “ve sầu”!

Có sầu muộn chia ly thì khi nghe tiếng ve, nếu không vui ra, thì nhất định cũng phải bớt sầu.

Bạn nghĩ sao?

TDN

(6/2021)


[1] Truyện ngắn “Nắng Trong Vườn” nằm trong tập truyện “Nắng Trong Vườn” của Thạch Lam xuất bản vào năm 1938. Truyện ngắn “Một Nơi Để Viết” nằm trong tập truyện đầu tay “Phòng Triển Lãm Mùa Đông” của Đặng Thơ Thơ xuất bản vào năm 2001.

[2] Nguyễn Thị Mai Liên, Đặc Điểm Thơ Haiku Nhật Bản

  Xem: http://www.inas.gov.vn/665-dac-diem-tho-haiku-nhat-ban.html

[3] Dẫn theo Nguyễn Thị Mai Liên (như trên).

[4] Xem Người Việt ngày 22/6/2021

[5] https://www.washingtonpost.com/local/cicada-broodx-poems/2021/06/08/018ae0b6-c85e-11eb-81b1-34796c7393af_story.html

[6] Gọi “Dog-Day cicada” vì loại ve  này có mặt cùng thời điểm với chòm sao “Dog Star” xuất hiện trên bầu trời buổi sáng sớm, khoảng giữa tháng 7 và tháng 9 Dương lịch.

[7] The Cicada Poems of Ancient Greece.

https://www.atlasobscura.com/articles/o-shrillvoiced-insect-the-cicada-poems-of-ancient-greece

[8] Vũ lâm linh là tên một nhạc khúc thời Đường do Dã Hồ soạn. Đường Minh Hoàng trên đường đi, nghe tiếng mưa trong rừng ngân như tiếng chuông bỗng nhớ Dương Quý Phi, sai Dã Hồ làm hai khúc Vũ lâm linh và Hoàn ai nhạc 還哀樂.

[9] Xem ở Thi Viện: thivien.net

[10] https://suisekiblog.wordpress.com/2017/08/29/a-haiku-by-basho-cicada-voice/

[11] https://poets.org/poem/cicada

[12] Mời nghe Hoàng Ngọc-Tuấn nói chuyện với Tú Trinh (SBS Radio): Con ve sầu trong thơ và nhạc

Phải chi ngày ấy …

Trong thế kỷ qua, ở Việt nam bỗng từ đâu xuất hiện một con người mà mặt thật được che giấu kỷ dưới nhiều lớp dày mỏng khác nhau, nhiều cách khác nhau . Từ đời sống bản thân, tên họ, tuổi tác . Đều bằng dối trá và bưng bít . Do bản chất của con người gian ác .

Điều này, dĩ nhiên là một hiện tượng quái lạ đã khêu gợi sự tò mò của một số người nên đã làm tốn khá nhiều công sức và giấy mực nhưng vẫn chưa phơi bày được đầy đủ sự thật . Thật rùng rợn!

Con người đó có tên là Hồ Chí Minh . Mà cái tên Hồ Chí Minh cũng do hắn chôm của người khác, Cụ Hồ Học Lãm . Và cả cái tên Việt Minh của Cụ Lãm nữa!

Vì đặc tính không giống ai hết nên tưởng chỉ nói qua «tuổi tác» của hắn cũng chưa chắc đã rốt ráo . Và ai cũng biết chuyện này là củ như vẻ rách, nói đi nói lại làm gì cho mất thì giờ và còn làm như chuyện này là nặng ký lắm vậy . Đúng . Nhưng nghĩ có nói thêm nhiều nữa thì vẫn chưa đủ . Nó chỉ đủ khi ở Việt nam có báo chí tự do . Và không còn cái đảng cộng sản ác ôn nữa . Nên có dư thì giờ thì cứ nói cho vài người đừng vội quên sự dối trá của hắn . Về ngày sanh, tài liệu chánh thức của Hà nội đều nói ngày sanh của Hồ Chí Minh là ngày 19-05-1890 . Hoàn toàn không đúng . Do bịa đặt có dự mưu gian ác . Chuyện này sẽ đề cập tiếp theo . Vậy còn những ngày sanh nào khác cũng chánh thức, cũng do chính đương sự tự tay viết ra khai báo hay không? Có nhiều . Chỉ kể ra những năm sanh khác nhau do chính ông khai báo .

Theo sử gia Daniel Hémery (trong“Hồ Chí Minh, de l’Indochine au Vietnam”, Gallimard, Paris, 1990), trên đơn xin vào trường thuộc đia* học để sau này trở thành người hữu ích cho chế độ Pháp, do tự tay Hồ chí Minh viết, ký tên Paul Nguyễn Tất Thành, khai năm sanh là 1892. Đơn gởi từ Marseille, thành phố cảng Miền Nam nước Pháp, ngày 15-09-1911, lúc ông vừa tới Pháp để tìm đường cứu thân và cứu cha . Đúng vậy vì ông đã nhiều lần gởi tiến bằng bưu phiếu (mandat) về nhà cầm quyền pháp ở Việt-nam và nhờ chuyển cho cha của ông . Nhà cầm quyền thực dân pháp đã chuyển giao và cha của ông đã nhận được tiền. Việc làm này rất đáng ca ngợi vì hợp tình hợp nghĩa. Nhưng thời gian sau, việc gởi tiền không thấy nói tới nữa, phải chăng vì ngưng do mất liên lạc?

Năm 1922, tại Paris, Hồ Chí Minh nhờ một người thợ kim hoàn tên Boulanger giới thiệu vào « Hội kín Thợ Hồ » (Franc-maçonnerie), ông lấy tên Nguyễn Ái Quốc chớ không phải Nguyễn Tất Thành vì tên này được nhiều người biết do ký tên dưới những bài «phong» trên tờ « Le Paria » (Người Cùng khổ) . Biết là tên chung (Nguyễn Le Patriote, trước kia là tên Nguyễn ở Pháp) của các Cụ viết cho Le Paria nhưng ông vẫn tự tay khai năm sanh của mình là 1895 để hợp thức hóa luôn cái tên Nguyễn Ái Quốc (Jacques Dalloz, Les Vietnamiens de la franc-maçonnerie coloniale, Revue d’Histoire d’Outre-Mers, 3è Trimestre 1998, Paris, Société Française d’Histoire d’Outre-Mers) . Tới với Thợ Hồ chỉ trong thời gian ngắn, có lẽ vì ông  không hội đủ tiêu chuẩn hội viên, nhứt là về trình độ học vấn . Như luật sư Phan văn Trường là hội viên.

Riêng năm sanh 1891 rất có thể đúng vì do bà Thanh, chị và ông cả Khiêm, anh của ông, xác nhận rất cụ thể, với dẫn chứng. Trong quyển « Đèn Cù », tác giả Trần Đĩnh có nhắc lại, với cả lời phủ nhận của Hồ Chí Minh «Của người ta sao, cứ để nguyên như vậy … » . Cứ để nguyên như vậy, tức ngày 19-05-1890 !

Phải chăng vì ngày này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng với ông mà ông không muốn thay đổi để lấy lại ngày sanh thiệt của mình?

Hồ chí Minh về Hà nội, qua năm sau, ngày mùng 06-03-1946, ông ký với Pháp Hiệp ước Sơ bộ, đưa Việt-nam trở lại Liên Bang Đông Dương thuộc Liên Hiệp Pháp. Theo Hiệp ước, Việt nam tương đối độc lập vì có chánh phủ riêng, có Nghị viên, có tài chánh riêng nhưng vẫn kẹt trong Liên Hiệp Pháp. Hồ Chí Minh sẳn sàng đón rước nhà cầm quyền pháp tới thay thế quân đội Trung hoa để giải giới quân đội Nhựt sau khi đầu hàng Đồng Minh.

Đô đốc d’Argenlieu, Toàn quyền Đông Dương, sau khi rời Lào, chiều ngày 18-05-1946, qua Hà nội. Trong quan hệ chánh phủ với chánh phủ, d’Argenlieu là Đại diện Chánh phủ Pháp tới, Việt nam phải tổ chức lễ đón rước có cờ quạt đúng theo nghi lễ . Hồ Chí Minh không thể làm khác hơn được . Ông bèn bảo Cụ Vũ Đình Quỳnh**, thân phụ của nhà văn Vũ Thư Hiên « Chú hảy kêu gọi dân chúng treo cờ trước nhà, cán bộ treo cờ ở Cơ quan, để đón rước Toàn quyền d’Argenlieu, nói là mừng ngày sanh của tôi . Nói thật ra, chẳng nhửng chúng không thèm làm mà còn chửi cho mang nhục» .

Ký Hiệp ước Sơ bộ, còn long trọng đón rước Quan Toàn Quyền Đông Dương tới là biểu hiện tinh thần đầu hàng giặc, là phản quốc trong lúc dân chúng trên cả nước đang hừng hực tinh thần đánh Tây giành Độc lập .

Chắc chắn dân chúng Hà nội hảy chưa kịp quên hôm 02-09-1945, Hồ Chí Minh trong diển văn mừng ngày lễ độc lập đã long trọng tuyên thệ «Nếu Pháp đến xâm lăng lần nữa thì chúng tôi xin thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp ».

Trong Nam, cán bộ chánh trị của Hà nội gởi vào để kè Nam Nộ kháng chiến, hỏi Bảy Viễn tại sao không thi hành lệnh ngưng chiến, Bảy Viễn chửi thề “ĐM. Không ngưng bắn c.c gì hết . Chưa có Độc lập, cứ oánh nữa . Chừng nào có Độc lập mới thôi”.

Vậy là cờ đỏ sao vàng được treo lên trong ba ngày, từ ngày 18-5 đến hết ngày 20-5. Từ đó cứ tới cái ngày 19/5 là Hà Nội lại ra lệnh dân chúng treo cờ mừng sanh nhật của Hồ Chí Minh . Ngày bịa đặt ra để phục vụ cho ý thứ đồ đen tối nhưng cứ lập đi, lập lại, với cả bộ máy tuyên truyền cồng kềnh, phải trở thành như thiệt . Ngày sanh của Bác!

Thậm chí năm nay, 19/05/2023, Sứ quán vc Hà nội ở Paris tổ chức kỷ niệm ngày 19/05 lần thứ 133 trong khuôn viên của Tòa Thị xã Montreuil, ngoại ô phía Đông Paris . Thị xã này vẫn còn là xào huyệt của cộng sản pháp tuy đảng  cs pháp ngày nay chẳng  còn được mấy ngoe .

Nhưng Hồ Chí Minh khi rước Tây trở lại còn âm mưu cùng với Tây đi hành quân lên miền bắc tảo thanh các lực lượng đảng phái Quốc gia yêu nước đánh Tây vì Việt minh lúc đó còn yêu để giành quyền lãnh đạo kháng chiến. Một may kháng chiến thành công, với tư thế lãnh đạo kháng chiến, sẽ đưa Việt nam lệ thuộc Bắc kinh như Hồ Chí Minh đã thỏa thuận với Mao (Jung Chang và Jon Halliday,“MAO: The Unknown Story”,2005,Anchor Books và Random House) .

Việt Nam ngày xưa thật sự có sanh nhựt không? Có nhưng chỉ trong phạm vi tín đồ Thiên chúa giáo hoăc trong giới trưởng giả Tây học mà thôi . Người thiên chúa giáo không có ngày giổ, chỉ có sanh nhựt và họ mừng sanh nhựt. Còn đại đa số dân chúng Việt nam thì chỉ trọng ngày giổ vì ngày giổ mang đầy tính văn hóa dân tộc . Từ lễ giổ tưởng nhớ người thân trong gia tộc, ra tới cúng tế Thần Hoàng, cúng tế những vị anh hùng dân tộc, tới Thần cho cả nước là Quốc tổ .

Hồ chí Minh có chấp nhận sanh nhựt, cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi ông là cộng sản tinh ròng. Mà cộng sản Liên-xô là Âu châu, con đẻ của Đế quốc tư bản cũng Âu châu . Riêng cộng sản ở Việt nam là con đẻ của thực dân pháp . Cộng sản việt nam và Hồ chí Minh không còn là Việt nam, mà là thành phần của giai cấp vô sản quốc tế .

Nói rỏ vấn đề này, xin nhắc lại lời của Hồ Chí Minh : ”Cái danh từ Tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đấu nhơn dân, để buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản . Thực ra, chẳng có Tổ quốc, cũng chẳng có biên giới » (báo Thanh niên, phát hành tại Quảng châu, 20-12-1926) .

Khi có dịp nhắc tới ngày sanh của Hồ Chí Minh, chắc nhiều người chưa quên bài thơ “Hôm nay 19-05”của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện:

«Hôm nay 19-05

Tôi nằm

Toan làm thơ chửi Bác

Vần thơ mới hơi phang phác

Thì tôi thôi

Tôi nghĩ Bác

Chính trị gia sọt rác

Không đáng để tôi

Đổ mồ hôi

Làm thơ

Dù là thơ chửi Bác… » (Hà nội,1964)

Ngày nay, người ta cũng đã phơi bày khá nhiều sự gian dối của ông về vợ con, tình nhơn từ lúc còn «bôn ba» ở Paris, ở Tàu, ở Nga cho tới hang Pac Bó và về Hà nội. Ở Tàu, Hồ Chí Minh đã chánh thức cưới bà Tăng Tuyết Minh, y tá đở đẻ . Từ giã vợ, rời lục địa, ra ở Hồng Không, ông bị Cảnh sát Anh xét khách sạn vào 6 giờ sáng, bắt cùng với Nguyễn thị Minh Khai, hai người còn nằm trên giường, không y phục trên người .

Và Nguyễn thị Minh Khai cũng thừa nhận mình là vợ của Hồ Chí Minh . Trong tờ khai tại Đại hội Quốc tế cộng sản năm 1935 ở Moscou, Nguyễn thị Minh Khai khai rỏ bà là vợ của Hồ Chí Minh .

Chuyện vợ chồng này được đảng hợp thức hóa . Khi ngồi vào mâm đông đủ mọi người , anh Hà Huy Tập mới đứng dậy, trịnh trọng tuyên bố : « Hôm nay Đảng làm lễ thành hôn cho anh Vương và chị Duy . Hiện nay Đảng ta còn nghèo, lại hoạt động trong vòng bí mật, không cho phép tổ chức lễ cưới lớn cho hai anh chị được, nhưng chúng ta vn rất vui . Chúng tôi chúc mừng cô dâu chú rể cộng sản bách niên giai lão» . (Nguyệt Tú, Chị nguyễn thị Minh Khai, xb Phụ Nữ, Hà nội, 1980) . Chuyện chủ hôn này cũng lôi thôi . Vẫn theo tác giả Nguyệt Tú (vợ của Lê Quang Đạo, từng làm Chủ tịch Quốc Hội ở Hà nội), sách in lần I, thì Huỳnh văn Nọn (Cao Bằng) làm chủ hôn, in lần II, thì Hà Huy Tập làm chủ hôn . Vậy xin liệu mà tin việt cộng !

Minh Khai sau đó lấy Lê Hồng Phong . Người con gái của bà tên Hồng Minh. Không biết đây là con của Hồ Chí Minh hay của Lê Hồng Phong? Cũng lại một bí ẩn nữa.

Tại sao cả chuyện vợ con chánh thức như vậy mà Hồ Chí Minh vẫn giấu như mèo giấu cứt? Phải chăng vì ông ta tuổi Tân Mão, cầm tinh con mèo?

Vả lại chuyện vợ con, cả mèo chuột, có gì là xấu hổ? Có mà giấu, ăn quịt mới là xấu hổ chớ.

Phải chi ngày ấy ….

Ngày nay dân chúng trong nước, nhứt là lớp trẻ Miền Bắc, lần hồi biết rõ chân tướng Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên không mấy ai còn kính trọng ông như trước đây vì bị bưng bít và nhồi sọ. Nhắc về Bác, có một bài thơ châm biếm, nguyền rủa đúng hơn, đầy cay đắng, uất hận:

« Phải chi ngày ấy bến Nhà Rồng đóng cửa

Nó lang thang quay trở lại Nghệ An

Làm giáo làng hay một chân thư lại

Thì ngày nay dân đã thoát lầm than.

Phải chi ngày ấy, sông Sài Gòn nổi sóng

Nó đang leo bỗng rớt mẹ xuống sông

Bấy sấu đói đã reo mừng ruớc bác

Thì ngày sau xương đâu trắng cánh đồng

…Nếu nếu nếu, thêm một ngàn lần nếu

Bác chẳng đi! Đi chẳng có ngày về !

Về, thượng mã phong bờ hang Pác  Pó

Thì ngày nay đâu có lũ u mê !.”

Caubay (theo caphevanhanh, internet)

Ghi chú :

* Nguyễn Tất Thành viết đơn xin vào học Trường Thuộc địa bị từ chối, vì thủ tục, phải qua chánh quyền địa phương chuyển đơn . Và vể trình độ, thí sinh phải có văn bằng  Tú Tài . Qua vài năm sau, xin vào học, phải qua kỳ khảo hạch (Examen – Theo Étienne Aymonier, nguyên Giám đốc Trường Thuộc địa, đổi qua Hà nội làm việc, viết tựa cho cuốn sách « La psuchologie du peuple annamite » của  Paul Giran . Và trong « Revue d’Histore moderne et contemporaine », 40-2, avril-juin 1993, Paris)

** Theo lời kể của ông Vũ Thư Hiên với tác giả sau buổi lễ truy điệu Tướng Trần Độ ở thành phố Jena , do anh em gốc sinh viên, công nhơn ở Đông Đức củ tổ chức, để xác nhận lời kể của tác giả về giai thoại này tác giả được nghe các Cụ cán bộ VNQDĐ ở Sài gòn kể lại .

Nguyễn thị Cỏ May (danchimviet.info)

Thành phần “phản động” & kẻ thù của Đảng và Nhà nước là ai?

Kẻ thù của Đảng và Nhà nước là ai?


Đối với đảng cộng sản Việt Nam, kẻ thù lớn nhất trong suốt bao nhiêu năm qua của đảng không phải là Pháp, Mỹ hay Trung Cộng mà chính là nhân dân Việt Nam. Bởi vì họ có thể bỏ qua quá khứ, bắt tay và hoan hỉ đón nhận sự giúp đỡ từ các cựu thù Pháp, Mỹ, Trung Cộng (đặc biệt với kẻ thù truyền kiếp đã và vẫn sẽ tiếp tục xâm chiếm đất, đảo, lãnh thổ lãnh hải của VN là Trung Cộng thì họ mau mắn nhất, cuộc xung đột biên giới giữa VN-Trung Quốc trên thực tế kéo dài từ 1979 đến năm 1988, 1989, và đảo Gạc Ma bị chiếm là năm 1988, nhưng đảng cộng sản VN đã vội vã bình thường hóa quan hệ với đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 1991!), nhưng với nhân dân Việt Nam thì họ không bao giờ bỏ qua.

Không chỉ với phía VNCH – một chế độ đã không còn tồn tại gần nửa thế kỷ, nhưng bất cứ cái gì liên quan đến chế độ ấy, từ một câu hát, từ một lá cờ ở sân vận động quốc tế hay trên đồng tiền kỷ niệm của nước khác… đều khiến nhà nước này chạm nọc, cho tới toàn bộ di sản của chế độ đó vẫn tiếp tục bị tìm cách tiêu diệt, xóa khỏi ký ức người dân.

Mà bây giờ là hàng bao nhiêu người sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, từng là công thần cho tới con em của chế độ, nhưng chỉ cần lên tiếng đấu tranh ôn hòa bằng tiếng nói, bằng ngòi bút (chứ làm gì có vũ khí, lực lượng, tổ chức, tài chính… mà có thể lật đổ chế độ như cáo buộc của nhà cầm quyền) là bị truy cùng diệt tận gây khó dễ cả gia đình, cả đường làm ăn sinh sống lẫn sự nghiệp, bị tống vào tù với những bản án hết sức hà khắc, thậm chí khi đã chạy sang xin tỵ nạn ở các nước láng giềng cũng bị đuổi theo bắt cóc về…

Đảng cộng sản luôn theo dõi, canh chừng, đối xử với nhân dân như kẻ thù nhưng thật ra kẻ thù lớn nhất của họ là chính quan chức cán bộ của chế độ, đã ăn tàn phá hại, tham nhũng kinh hoàng, làm đủ thứ chuyện sai trái khiến lòng dân căm phẫn, khiến bộ máy của nhà cầm quyền bị mục ruỗng, thối nát từ bên trong, đó mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất mà họ không muốn thừa nhận.

Thành phần “phản động” bây giờ là những ai?


Khoảng 20, 25 năm đầu sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, những người chống lại đảng và nhà nước cộng sản, chống lại mô hình thể chế độc tài toàn trị lúc ấy đa phần là người thuộc chế độ VNCH cũ, trong đó rất nhiều người từng làm việc cho quân đội, chính quyền VNCH cho tới trí thức, văn nghệ sĩ, tu sĩ, linh mục.

Nhưng ít nhất hai mươi năm trở lại đây đa phần những người dám đứng lên chỉ trích chế độ cộng sản là ai? Là những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, từng tham gia vào lực lượng quân đội của cộng sản trong những cuộc chiến tranh khác nhau, từng hoạt động trong bộ máy nhà nước cộng sản, từng là đảng viên, hay là những người không dính dáng đến đảng nhưng đang có công ăn việc làm tốt, thành đạt trong xã hội chứ không phải là những người thất bại, bất mãn.Ví dụ, những người vừa là nhà văn, nhà báo vừa là cựu chiến binh như nhà báo Bùi Tín, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ Nguyễn Đức Thạch, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà hoạt động Lê Đình Lượng… cho tới những người từng làm việc trong các cơ quan khác nhau của nhà nước cộng sản như nhà văn Phạm Thành (cựu thư ký tòa soạn Đài Tiếng Nói Việt Nam), nhà báo Trương Duy Nhất (từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung), nhà báo thuộc loại “con nhà cách mạng nòi” như Phạm Chí Dũng, nhà báo Phạm Đoan Trang, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân… Kể không xiết. Đó là chưa nói tới những bậc tu hành, mục sư, linh mục, tín đồ… các tôn giáo khác nhau, trong đó đồng bào thuộc các sắc dân bản địa bị đàn áp, tù đày hoặc phải bỏ trốn sang Campuchia, Thái Lan rất nhiều.

Và bây giờ kỹ sư Trần Văn Bang, người đang bị đưa ra xét xử về tội “tuyên truyền chống nhà nước” cũng lại xuất thân là một quân nhân tham gia cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược vào thập niên 80. Xuất ngũ, ông trở lại giảng đường đại học Thủy Lợi và tốt nghiệp với văn bằng kỹ sư.

Những quan chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam và toàn bộ bộ máy tuyên truyền của nhà nước luôn luôn nổ hết công suất ngày đêm tụng ca chế độ, tụng ca tài năng lãnh đạo của đảng, tụng ca cuộc sống ở “thiên đường xã hội chủ nghĩa VN” v.v. và v.v… vậy thì, chỉ với 3 câu hỏi đơn giản này thôi họ giải thích ra sao đây:

1. Đất nước tươi đẹp, cuộc sống sung sướng hơn xưa tại sao suốt gần nửa thế kỷ qua dòng người bỏ nước ra đi bằng mọi cách, bằng mọi giá, trong đó có cả những người thành đạt, quan chức cộng sản và con cháu của họ, vẫn chưa hề dừng lại ?

2. Tại sao thành phần chỉ trích đảng, chống đảng cứ ngày càng đông, và là con cháu của chế độ này?

3. Một đảng cầm quyền, một chế độ phải được xây dựng từ những con người. Vậy thì một cái đảng cầm quyền, một chế độ mà rất nhiều người ưu tú thì chống lại và bị bỏ tù hoặc phải bỏ xứ ra đi, trong khi hàng trăm, hàng ngàn quan chức, cán bộ từ trung ương đến địa phương thì bị bắt với những tội danh như tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, hủ hóa, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng v.v… cái đảng đó, cái chế độ đó phải hiểu như thế nào-thành công hay thất bại và có xứng đáng để tiếp tục cai trị, đè đầu cưỡi cổ nhân dân nữa hay không?

Song Chi (baotiengdan.com)


Đọc Báo Vẹm | Show 1026 | www.sbtngo.com
Đọc Báo Vẹm | Show 1026 | http://www.sbtngo.com

Đã Từng Có Một “CHÂU ĐỐC” Cổ Kính, Nên Thơ
Đã Từng Có Một “CHÂU ĐỐC” Cổ Kính, Nên Thơ

Wagner tố quân đội Nga bỏ chạy khỏi các vị trí quan trọng gần Bakhmut | VOA Tiếng Việt
Wagner tố quân đội Nga bỏ chạy khỏi các…

Vũ Thấtneo

Tưởng niệm nhạc sĩ ANH THY

Tưởng niệm nhạc sĩ ANH THY nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất: 21/4/1973-21/4/2023) .

Nhạc sĩ Anh Thy (có nơi ghi là Anh Thi) là nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc Hoa Biển, Lính Mà Em, Đừng Gọi Anh Là Chú… Ông tên thật là Phạm Văn Khổn, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1944 tại Thái Bình. Từ nhỏ ông đã theo gia đình di cư vào Nam sinh sống ở khu Hòa Hưng.

Thuở nhỏ, ông học tại trường Nguyễn Thượng Hiền và đã bắt đầu sáng tác nhạc, có thời gian ngắn theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Y Vân. Thời gian này ông cũng có quen biết nhiều nhạc sĩ và chơi thân với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cũng chính Trần Thiện Thanh là người đặt cho ông bút danh là Anh Thy, được đọc lái từ chữ Y Thanh (ghép 2 tên Y Vân và Trần Thiện Thanh).

Năm 1964, nhạc sĩ Anh Thy vào lính và theo học tại Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều về Hải đoàn Xung Phong 32 thuộc hải quân, đó là một thời ông đã ngang dọc trên biển triền miên. Những tháng ngày lênh đênh đó đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác một số ca khúc chủ đề lính biển nổi tiếng: Hoa Biển, Tâm Tình Người Linh Thủy, Mộng Đêm Hải Hành.

Thời gian sau đó ông được chuyển về công tác tại ban văn nghệ thuộc Bộ tư lệnh Hải quân cùng với một số nhạc sĩ khác như Mặc Thế Nhân, Nguyễn Vũ,… Ban văn nghệ Hải Quân lúc đó có khoảng 20 người, gồm ban tân nhạc và ban kích động nhạc, ban kịch, hai nhân viên chuyên trị cổ nhạc và một ảo thuật gia, dưới sự quản lý của nhà văn Vũ Thất.

Nhà văn Vũ Thất mô tả lại hình dáng của nhạc sĩ Anh Thy như sau: “Anh Thy người cân đối, cao ráo, khuôn mặt điểm vài anh hoa phát tiết, miệng rộng môi dầy, cười hở hai hàm răng đều đặn…”

Ngày 21 tháng 4 năm 1973, Anh Thy bị tử trận trên đường đi công tác. Do đã qua đời từ rất lâu như vậy nên sau này tên tuổi của Anh Thy không được nhắc đến nhiều, dẫn đến một số nhầm lẫn ở sáng tác của ông. Thậm chí còn có nhiều người nhầm tưởng Anh Thy là một trong những bút hiệu của nhạc Trần Thiện Thanh.

Hoa Biển là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Anh Thy, thường được biết đến qua giọng hát Nhật Trường. Có nhiều nơi giới thiệu đây là một ca khúc do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác phần nhạc được Anh Thy viết lời. Trong DVD Asia số 50 chủ đề nhạc Trần Thiện Thanh, bài hát Hoa Biển cũng được giới thiệu là ca khúc viết chung của Trần Thiện Thanh và Anh Thy. Tuy nhiên theo những người bạn của cố nhạc sĩ Anh Thy, và theo những tài liệu còn lưu trữ lại, thì Hoa Biển được nhạc sĩ Anh Thy sáng tác năm 1965 một cách độc lập khi ông đang là một người lính biển với cấp bậc Hạ sĩ Nhất phục vụ Giang Đoàn 22 Xung Phong.v

“Ngày xưa em anh hay hờn dỗi

Giận anh khi anh chưa kịp tới

Cho anh nhiều lời, cho anh bồi hồi

Em cúi mặt làm ngơ

Không nghe kể chuyện bao nhiêu chuyện tình đẹp nhất trên trần đời

Tại em khi xưa yêu màu trắng

Tại em suy tư bên bờ vắng

Nên đêm vượt trùng anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em

Cho anh thì thầm: Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương

Trùng khơi nổi gió lênh đênh triền sóng thấy lung linh rừng hoa

Màu hoa thật trắng, ôi hoa nở thắm ngất ngây lòng thêm

Vượt bao hải lý chưa nghe vừa ý lắc lư con tàu đi

Chỉ thấy bọt nước tan theo ngọn sóng dáng hoa kia mịt mùng

Biển khơi không mang hoa màu trắng

Tàu anh xa xôi chưa tìm bến

Nên em còn hờn, nên em còn buồn Sao chưa thấy anh sang

Em ơi giận hờn Xin như hoa sóng tan trong đại dương” .

Ngoài ra, cấp trên trực tiếp của nhạc sĩ Anh Thy tại ban văn nghệ là nhà văn Vũ Thất cũng xác nhận ca khúc Hoa Biển là của nhạc sĩ Anh Thy sáng tác… Ngoài ra, một bài báo trước 1975 đã có đăng những dòng tâm sự của tác giả Anh Thy về Hoa Biển như sau:

“Được hỏi lý do nào, trường hợp nào Anh Thy đã cho nở trong vườn tân nhạc một loài hoa mang tên là hoa biển. Lại tiếng cười héo hắt mở đầu, Anh Thy – giọng nửa thành thực, nửa như hờn trách một hình ảnh nào đó có lẽ xa xôi lắm nhưng rất gần trong tâm tưởng Anh Thy:

– Thì bạn cứ nghĩ với những ngày dài đi biển với những gì đòng khung quanh một con tàu lầm lì ở đại dương – Xa hết thảy, không một hình ảnh yêu thương quẩn quanh, chỉ có biển, có trời, có những đêm sóng gió, có những ngày mưa trút sàn tàu, thì làm gì mà không nhớ nhung, không thấy yêu thương chính kiếp sống của mình không thấy thương về một loài hoa nào đó mà thân phận không khác gì Hoa biển.”

Một số tài liệu khác ghi nhận bài hát Hoa Biển là một sáng tác của Anh Thy:

– Bản nhạc Hoa Biển phát hành lần đầu vào năm 1965 do chính tác giả giữ bản quyền với giấy phép số 4382-BTLC/BC3/XB ngày 26/10/1965 tại nhà in của Tổng Phát Hành Minh Phát – góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực Sài Gòn .– Bản nhạc Hoa Biển lần phát hành thứ 2 cùng năm do nhà phát hành Mỹ Hạnh – số 51 đường Lê Lợi Sài Gòn

– Cả 2 bản in của 2 nhà phát hành đều ghi rõ tác giả duy nhứt của nhạc phẩm Hoa Biển là nhạc sĩ Anh Thy mà thôi.

– Trong bảng danh sách các ấn phẩm đã xuất bản năm 1965 của Nhà Tổng phát hành Minh Phát vẫn ghi nhạc phẩm Hoa Biển là của Anh Thy.

Ngoài ra, đã có nhiều bài báo phóng sự về Anh Thy trước năm 1975 cũng nói về nhạc phẩm Hoa Biển là của Anh Thy.

Ngoài Hoa Biển, nhạc sĩ Anh Thy còn là tác giả một ca khúc nổi tiếng khác là Đừng Gọi Anh Bằng Chú. Đây cũng là bài hát mà đã bị liệt kê là 1 trong 5 bài hát trước 1975 bị cấm lưu hành vào năm 2017 (cùng với Cánh Thiệp Đầu Xuân, Rừng Xưa, Chuyện Buồn Ngày Xuân, Con Đường Xưa Em Đi). Vụ việc này gây tranh cãi một thời gian dài, trở thành sự kiện nổi trội ảnh hưởng đáng kể đến chính sách đối với các ca khúc nhạc vàng của đơn vị quản lý văn hóa.

Thời điểm đó, báo chí liệt kê bài hát Đừng Gọi Anh Bằng Chú là sáng tác của nhạc sĩ Diên An – Nguyễn Văn Để. Tuy nhiên chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Để phủ nhận ông là tác giả sáng tác. Ít người biết rằng đây là 1 tác phẩm của nhạc sĩ Anh Thy.

Bên dưới là bài báo trước 1975 viết về nhạc sĩ Anh Thy:

NHẠC SĨ ANH THY – NGƯỜI LÍNH BIỂN

Một đêm – Saigon mưa bay tháng chạp 1964, tôi gặp người lính biển Anh Thy lần đầu trong hậu trường phòng trà Hòa Bình. Bộ đồ trắng bó chéo, chiếc mũ chóp màu khiến Anh Thy dễ thương lạ lùng. Thấy tôi nhìn hơi kỹ vào chữ V xanh bên tay áo, sau cái bắt tay làm quen Anh Thy cười héo hắt:

– Tôi nghèo cấp bậc lắm, xin bạn bỏ qua cho.

Bấy giờ tôi không chú ý đến lời nói của Anh Thy, tôi chỉ thấy lòng vui sướng khi nhận diện được chân dung trung thực của người làm nhạc trẻ tuổi – mà tôi nghe tên qua các chương trình tân nhạc phát thanh. Ít ra với vóc dáng ấy, ít ra với chân dung ấy, nhạc sĩ Anh Thy sẽ đến gần với chúng ta, đến bằng âm thanh chân thành nhất bằng giọng nhqạc gói gém nhiều dằn vặt của tuổi trẻ hôm nay – tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh.

Nghe Anh Thy tâm sự, mới hiểu được vì sao Anh Thy làm nhạc, làm nhạc từ ngày còn là một cậu học sinh Đệ nhị trường Nguyễn Thượng Hiền. Nghe Anh Thy lý luận về cuộc sống mới hiểu vì sao Anh Thy chọn biển cả làm môi trường hoạt động, mới hiểu vì sao Anh Thy thích bộ áo quần của người đi biến – dù làm người đi biển thì nghèo lắm, thì đi xa nhiều lắm, và tâm hồn sẽ nhiều quãng trống lắm.

ANH THY VÀ HOA BIỂN

Cũng tại một đêm tháng chạp, một năm về sau, trong quán nước La Pagoda bất giờ còn mang hình hài của nhà hàng không mấy cao sang. Tôi lại gặp Anh Thy, bấy giờ Anh Thy đã nổi tiếng, chứ không là người làm nhạc đang lên như ngày tôi mới quen. Anh Thy nổi tiếng vì bài “Hoa Biển”. Một năm xa cách với nhiều đổi thay bên ngoài guồng máy Saigon. Anh Thy vẫn là Anh Thy của ngày chưa nổi tiếng. Vẫn bộ áo quần của người lính biển, vẫn màu da ngăm đen, có lẽ vì gió biển, vì nắng trùng dương.

Anh Thy khẽ hát cho tôi nghe bài Hoa Biển – Dù bài này tôi được nghe nhiều lần qua tiếng hát Minh Hiếu – Nhưng dù sao nghe chính tác giả trình bày vẫn là điều thích thú.

Tiếng hát Anh Thy ấm lạ, dù không điêu luyện như những ca sĩ nhà nghề, nhưng tiếng hát của người lính biển về một loài hoa biển vẫn là cái gì rờn rợn lôi cuốn, như muốn làm lạnh xương sống.

Được hỏi lý do nào, trường hợp nào Anh Thy đã cho nở trong vườn tân nhạc một loài hoa mang tên là hoa biển, lại tiếng cười héo hắt mở đầu, Anh Thy – giọng nửa thành thực, nửa như hờn trách một hình ảnh nào đó có lẽ xa xôi lắm nhưng rất gần trong tâm tưởng Anh Thy:

– Thì bạn cứ nghĩ với những ngày dài đi biển với những gì đòng khung quanh một con tàu lầm lì ở đại dương – Xa hết thảy, không một hình ảnh yêu thương quẩn quanh, chỉ có biển, có trời, có những đêm sóng gió, có những ngày mưa trút sàn tàu, thì làm gì mà không nhớ nhung, không thấy yêu thương chính kiếp sống của mình không thấy thương về một loài hoa nào đó mà thân phận không khác gì Hoa biển.

GÃ CON TRAI CỦA BIỂN RỘNG TRỜI CAO

Tuần trước, tôi lại nhà riêng kiếm Anh Thy thì mới hay Anh Thy đương đi biển ở một nơi rất xa với đất liền. Trên tay áo Anh Thy nghe đâu đã có 2 chữ V xanh – nguồn an ủi và tự hào của người lính biển yêu văn nghệ. Dù hai chữ V nó bé lắm nhưng đại chúng đương cần đến nhạc – những khao khát lời ca tiếng hát về hôm nay, về ngày mai, hôm nay và ngày mai với nhiều viễn tượng dằn vặt – (…) khiến chúng ra mến Anh Thy hơn, phục Anh Thy qua khả năng sáng tác của anh – một thứ khả năng tự tạo – bắt nguồn từ cuộc sống – từ dòng máy nghệ sĩ luân lưu trong người. Và Hoa Biển đã tìm gặp qua nhạc Anh Thy, thứ Hoa biển rất “dễ vỡ” đã chiếm khá nhiều giờ phút suy tư của gã con trai đa tình – nhưng lại thích biển rộng trời cao như Anh Thy.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Nhạc sĩ Anh Thy (1943-1973) | Nhạc sĩ Hải quân .

Nhạc sĩ Anh Thy (1943-1973) | Nhạc sĩ H…

Viết Về Ca Khúc “ĐỪNG GỌI ANH BẰNG CHÚ” Của Nhạc Sĩ ANH THY | Cảm Nhận Âm Nhạc

Viết Về Ca Khúc “ĐỪNG GỌI ANH BẰNG CHÚ”…

Cuộc đời ngắn ngủi của nhạc sĩ ANH THY | Tác giả Hoa Biển, Cô Bạn Học, Lính Mà Em…

Cuộc đời ngắn ngủi của nhạc sĩ ANH THY …

Phân Ưu

Cáo Phó